Tuổi thơ bị đánh cắp (2)

Khi trẻ em giết người - Nỗi đau đến từ đâu?

ANTĐ - Trong số hơn 700 học viên của Trường Giáo dưỡng số 2, có không ít đối tượng đã phạm phải hành vi đặc biệt nghiêm trọng là giết người. Đọng lại trong tôi sau khi được tiếp xúc với những đứa trẻ mang tội sát nhân này là một sự đau xót khi biết rằng động cơ, mục đích phạm tội của các em lại xuất phát từ những nguyên nhân rất nhỏ mà nếu được sự quan tâm, giáo dục của người lớn thì có lẽ tội ác đã không xảy ra.

Những tội ác  từ khuôn mặt trẻ thơ

Ngồi đối diện với tôi trong phòng tiếp khách của trường, cậu bé sinh năm 1998 Dương Phương Thuấn kể lại câu chuyện phạm tội của mình một cách rành rọt, bình thản, khuôn mặt non nớt không hề có một chút biểu cảm. Ít ai có thể hình dung được chỉ cách đây chưa lâu, đôi bàn tay cầm bút nhỏ nhắn của cậu học trò lớp 8 này lại có thể cầm dao chém bạn mình.

Tội ác mà Thuấn gây ra đã từng làm chấn động cả vùng quê Lương Tài – Bắc Ninh, không chỉ vì nạn nhân của Thuấn còn quá trẻ mà còn bởi kẻ thủ ác đã ra tay một cách quá lạnh lùng và tàn nhẫn. Dương Phương Thuấn lớn hơn Nguyễn Đình Đào 3 tuổi, cả hai đều là học cùng trường THCS Trung Chính (Lương Tài - Bắc Ninh). Ngày 7-2-2012, biết lớp của Đào được nghỉ học sớm nên Thuấn đã bỏ tiết cuối đợi bạn ở cổng trường để nhờ Đào chở về với ý định cướp xe của Đào.

Vì đã lên kế hoạch từ trước nên Thuấn sai Đào chở đi loanh quanh đến nhà cô, nhà bác và cuối cùng là đến nhà ông nội. Khi đến nhà ông nội, nhìn thấy con dao rựa của ông, Thuấn đã lén giấu vào áo rồi dụ Đào chở đến nơi cánh đồng vắng. Lợi dụng lúc cậu bé lớp 6 không để ý, Thuấn rút dao rựa chém ngang cổ Đào, sau đó chém thêm nhiều nhát vào đầu.

Khi biết chắc Đào đã chết, ban đầu Thuấn định giấu xác bạn vào đụn rơm, nhưng sau nghĩ cách đó dễ bị phát hiện nên đã cởi áo của Đào, buộc áo vào cổ bạn rồi sau đó kéo lê vứt xác xuống ao và bỏ đi ăn giỗ như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Chiếc xe cướp được Thuấn cũng vứt xuống ao rồi tối hôm đó ra vớt xe lên, mang tới hiệu sửa xe giữa làng để sửa.

Khi tôi hỏi lúc cầm dao chém bạn, cháu có nghĩ gì không? Thuấn trả lời một cách bình thản rằng: Lúc chém bạn cháu cũng run lắm nhưng cháu nghĩ đã chém rồi thì giết nó chết luôn để nó đỡ về nhà bảo bố mẹ... Thuấn bảo nếu mọi việc trót lọt nó sẽ mang xe cướp được của bạn đem bán để lấy tiền trả nợ cho quán điện tử. Từ khi học lớp 6, Thuấn đã là một con nghiện game trung thành của quán điện tử đầu làng. Bao nhiêu tiền có được nó đều ném hết vào các trò trơi game. Nó đã nhẵn mặt ở quán game đến mức chủ quán có thể cho nó đánh nợ với số tiền lên đến vài trăm nghìn. Và để trả nợ cũng như kiếm thêm tiền tiếp tục ném vào các cuộc chơi, Thuấn đã nghĩ cách ăn cắp tiền của bố mẹ.

Thuấn rất thành thạo trong việc “rút lõi” tiền. Nó cười toét miệng kể với tôi rằng do biết bố mẹ có rất nhiều tiền vì nó hay thấy bố mẹ lấy tiền ở cốp xe ra đếm rồi cất vào két sắt sau mỗi lần đi bán đất về, nên nó đã rình để biết mã số và biết cách mở két. Sau đó chờ cơ hội mỗi khi bố mẹ đi vắng là nó mở két rút dần để lấy tiền chơi. Lần nhiều nhất nó đã rút lõi vài triệu bạc. Lâu dần rồi bố mẹ nó cũng phát hiện ra. Bố nó đánh và dìm nó xuống ao. Nhưng trận đòn ấy chẳng thể làm cho nó quên được những trò chơi điện tử ma quái. Và để kiếm tiền cho những cuộc vui ấy, nó đã phạm tội. 

Cũng cùng mục đích lấy tiền để chơi Game online như Dương Phương Thuấn, tuy nhiên khi biện minh cho hành động giết người của mình Trần Ích Hiến thật thà cho biết: Cũng chỉ do các bạn rủ rê cháu đi cướp. Hiến là đối tượng nhỏ tuổi nhất trong vụ án giết người xảy ra tại xã Hồng An, Hưng Hà, Thái Bình vào tháng 

3-2012. Cho đến lúc vụ việc xảy ra, chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là Hiến tròn 14 tuổi. Hiến tâm sự rằng, nhà nó cũng chẳng khá giả gì, bố nó là chủ lò gạch còn mẹ thì buôn bán vặt, thỉnh thoảng bố mẹ cũng cho nó tiền nhưng không nhiều. Hai đứa phạm tội cùng nó là bạn ở cùng xóm, chơi thân với nhau từ bé, chỉ cách nhau có mấy nhà.

Hôm vụ án xảy ra, vì hết tiền để chơi game nên nó được đám bạn “bày mưu” để cướp vàng. Biết bà Châm (76 tuổi) ở một mình, không chồng con mà buôn bán trầu cau tại chợ gần nhà nên cả nhóm nghĩ bà có tiền và bàn nhau cướp. Nó cũng sợ lắm nhưng được đám bạn động viên là chỉ “đập cho bà ấy ngất thôi để cướp vàng” nên nó nghe theo. Theo kế hoạch, một thằng đứng ngoài cảnh giới còn nó và một thằng khác vào trong nhà giả vờ là người mua bán trầu cau. Nó được phân công bịt mắt bà Châm để cho thằng bạn đập bà lão bằng chiếc chày đập vỏ. Do đúng vào chỗ hiểm nên bà Châm đã tử vong tại chỗ. Hiến bảo đến khi chúng nó sờ mũi thấy bà lão không còn thở nữa nó cảm thấy rất sợ nhưng cũng chẳng biết làm gì.

Gây án xong, chúng cướp tiền và vàng của bà Châm rồi mang thẳng số vàng đã cướp được đi bán. Số tiền thu được gần 8 triệu đồng, chúng bàn với nhau bắt xe khách trốn lên Điện Biên. Khi cả 3 đối tượng đến địa phận thành phố Sơn La thì bị tổ công tác của Công an tỉnh Thái Bình đuổi kịp, bắt gọn. Ngoài Trần Ích Hiến, hai đối tượng còn lại trong vụ án này do đều đã trên 14 tuổi nên bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình khởi tố, còn Hiến thì bị chuyển vào trại giáo dưỡng quản lý theo quy định. Hiến bảo từ khi vào đây nó cảm thấy rất hối hận và bị ám ảnh. Đã 4 lần, nửa đêm thức dậy nó thấy bà lão đứng ở cuối giường, lần thì khóc, lần thì cười, nó chẳng thể nào ngủ được và cứ thế thức trắng cho đến hết đêm.

Nỗi đau đến từ đâu ?

Trò chuyện với chúng tôi, Trung tá Lê Ngọc Hanh, Đội trưởng Đội Giáo vụ hồ sơ, trường Giáo dưỡng số 2 cho biết, qua khảo sát tại trường có đến 78% học sinh vào đây có thói quen ham mê điện tử dẫn tới bỏ học, lấy trộm tài sản của nhà, hàng xóm và đặc biệt là phạm những tội nghiêm trọng như giết người. Trong đó ngoài nguyên nhân ham chơi, thích đua đòi còn xuất phát từ sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, do bố mẹ mải làm ăn, mải kiếm tiền nên không quan tâm tới việc giáo dục con cái. Có không ít những hoàn cảnh gia đình không gương mẫu, đã ảnh hưởng tới nhận thức của trẻ.

Đặc biệt có học sinh khi vào đây, gia đình đã hai thế hệ vi phạm pháp luật, từ ông bà cho đến bố mẹ đều đã từng ra tù vào tội. Lại có những trường hợp 3 chị em ruột đều ở trong trường vì cả gia đình đều đi tù hết. Đứa chị lớn khi phấn đấu tốt, được nhà trường giảm thời gian cải tạo cho về nhưng đã tình nguyện xin được ở lại cùng 2 đứa em mình, vì nếu có về 1 mình thì cũng chẳng biết làm gì. Các em học sinh tại trường chiếm phần lớn đều có những hoàn cảnh đặc biệt, hoặc thiếu đi sự quan tâm, giáo dục của gia đình từ bé. Do vậy nên khi được ra khỏi trường đã có không ít các em lại tái phạm và phải quay trở lại trường. Theo Trung tá Lê Ngọc Hanh, hành vi của các em tuy nghiêm trọng, song bản thân các em lại không ý thức được việc làm của mình, các em khi được hỏi nghĩ gì khi ra tay giết người như vậy, đều nói chẳng nghĩ gì cả. Sự thiếu quan tâm, giáo dục của gia đình còn thể hiện ngay cả khi các em đã vào đây. Trong lúc các em còn đang ở tuổi học sinh cần được quan tâm giáo dục về văn hóa thì các gia đình khi đến thăm con em chẳng mấy người mang theo sách, báo để cho các em học. 

Có thể thấy gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự hình thành, phát triển nhân cách của trẻ. Do bận công việc, nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt là ở nông thôn đã không tạo được cách thức giao tiếp, giáo dục con sao cho phù hợp. Vì vậy trẻ cảm thấy gia đình không còn là mái ấm của mình, và đã gia nhập các nhóm bạn xấu, tham gia tệ nạn xã hội. Những hành vi phạm tội như của Dương Phương Thuấn và Trần Ích Hiến một phần xuất phát từ chính cách giáo dục, quản lý con cái của gia đình vô tình đã đẩy em đến hành vi phạm tội.

Trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây, PGS - Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý đã đưa ra nhận định rằng từ việc bố mẹ thiếu giáo dục con, buông lỏng đã khiến những đứa trẻ có những biểu hiện bất bình thường, nhiều khi là rối loạn hành vi. Bố mẹ không hiểu con, mải kiếm sống nên không thể uốn nắn con, dẫn đến con mình hư hỏng. Bên cạnh đó, trong khi ở nước ngoài, tại các trường học đều có các nhà tư vấn tâm lý, còn ở Việt Nam thì hầu như lại không. Với những em học sinh cá biệt, nếu được điều trị tâm lý hoặc giúp đỡ khắc phục thì hậu quả nghiêm trọng có thể đã không xảy ra. Ngoài ra, trước tình trạng trẻ hóa tội phạm có xu thế tăng, nhưng chúng ta chưa có một tòa án dành riêng cho trẻ vị thành niên. Những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nếu không bị xử lý một cách thích đáng có thể dẫn đến tâm lý không tốt, ảnh hưởng đến lớp trẻ khiến chúng không thấy sợ, không ý thức được hậu quả nghiêm trọng, thậm chí còn dẫn đến tung hê hoặc làm theo.