Khi sĩ tử… lên chùa

ANTĐ - Kỳ thi đại học, cao đẳng 2013 đã cận kề. Tại các chùa chiền bây giờ, không chỉ có các bà, các vãi khấn vái cầu may mà người còn ta thấy nườm nượp các sĩ tử mặc áo trắng học trò. Lên chùa! Người mong tìm được nơi yên tĩnh tránh xa những lò luyện ồn ào, oi bức để chuyên tâm ôn luyện. Kẻ lại buông chuyện đèn sách mà chú tâm vào cầu khấn, xin sự may mắn cho mình.

Lên chùa ôn thi

Những ngôi chùa như chùa Láng gần trường Đại học Ngoại thương, Học viện Quan hệ quốc tế; chùa Thánh Chúa nằm trong khuôn viên trường ĐH Quốc gia Hà Nội, bên cạnh các trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền… vài năm gần đây đã trở thành địa điểm lý tưởng để các sĩ tử ôn luyện mỗi mùa thi.

Thu Trang, thí sinh chuẩn bị dự thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội tự tin: “Chùa Thánh Chúa là nơi yên tĩnh mát mẻ, rất phù hợp để chúng em chuyên tâm ôn luyện. Đây là năm thứ hai em đi thi, nên cũng đã có nhiều kinh nghiệm hơn năm trước. Sát ngày thi có đến các lò luyện cũng không mong thu nạp thêm được kiến thức. Giờ là lúc cần thoải mái tư tưởng. Và không gì bằng lên chùa ôn thi, vừa mát mẻ, yên tĩnh khiến tâm tư thoải mái, lại vừa ôn luyện được. Em còn nghe nói, ôn thi tại chùa Thánh Chúa sẽ may mắn hơn. Chùa còn nằm ngay trong khuôn viên của trường đại học mà em dự thi nên hy vọng em sẽ thi đỗ năm nay”.

Lên chùa học ôn vừa yên tĩnh lại vừa hy vọng các bậc thần thánh chứng giám phù hộ độ trì thi đâu đậu đấy. Đó cũng là tâm lý chung của nhiều sĩ tử lên chùa ôn luyện thời điểm này. Người thi năm trước truyền lại “kinh nghiệm” cho kẻ thi năm  sau, vì thế mà các sĩ tử kéo nhau đến chùa học ngày càng đông. Như ở chùa Láng, có trường hợp chỉ một người thi mà đến 3 người cùng theo lên chùa, người mang nước, người mang đồ ăn, rồi lại ngồi chờ sĩ tử học hành ôn luyện cho tới lờ mờ tối mới chịu đi về. Nghĩ cái chuyện thi cử học hành thời nay cũng lắm nỗi gian truân!

Cũng nhiều bạn thí sinh cho rằng lên chùa học cũng là một cách rất hay và hiệu quả. Không gian yên tĩnh, thoáng mát sẽ giúp nhiều bạn tập trung trong việc học. Đến với nơi cửa Phật nhiều bạn còn học được tính kiên trì, nhẫn nại, tinh thần tự giác rất cao. Nhưng cũng có không ít người mê tín, tin vào sự may mắn khi ôn thi tại chùa, Nguyễn Thành Trung - một thí sinh đang ôn thi vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội tâm sự: “Ngày nào vào chùa học em cũng phải thắp một nén hương để xin thần linh phù hộ. Có hôm quên mất, đang ngồi học, nhớ ra em lại rút ra một thẻ hương chạy ra thắp và khấn vái. Có thờ có thiêng mà”.

Làm lễ cầu may và xoa đầu cụ rùa

Không ít người cũng có suy nghĩ như Trung, tìm đến nơi đình, chùa để làm lễ, cầu may cho kỳ thi sắp tới. Có mặt ở Hà Nội trước kỳ thi tới nửa tháng, Nam Dương cùng mẹ đã đi khắp các chùa để đặt lễ, cầu khấn. Mẹ của Nam Dương cho biết: “Tất cả những đình, đền, chùa nổi tiếng ở Hà Nội, tôi đều đưa cháu đi thắp hương dâng lễ. Từ phủ Tây Hồ, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… Hôm trước thấy có người họ hàng nói đền Quán Thi ở Ứng Hòa, Hà Nội nổi tiếng là thiêng lắm, ai đến đấy cầu xin cũng đỗ đạt. Trước kỳ thi tôi sẽ cho cháu đến đó làm lễ. Còn trước hôm thi, thì kiểu gì cũng sẽ bằng mọi cách xoa được vào tấm bia rùa ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Thành tâm như vậy, chắc chắn cháu sẽ đỗ đạt”. Nghe bậc phụ huynh này phân trần mà thấy buồn thay! Nếu ai cũng như bậc phụ huynh này chắc những tấm bia rùa ở Văn Miếu - Di sản tư liệu thế giới chẳng mấy mà mòn. Khổ cho di sản!

Đến đền Quán Thi - Ứng Hòa quả như lời bậc phụ huynh nọ nói khi thấy rất nhiều phụ huynh và các sĩ tử đến cầu xin thi cử, đỗ đạt. Theo tích xưa kể lại: “Khoảng thế kỷ XVIII - XIX, có 10 chàng trai đi thi qua đây, trời nắng quá họ mới ngồi nghỉ chân. Thấy ngôi đền cổ kính, các sĩ tử bàn bạc vào đền lễ cầu may cho được đỗ đạt. Một người trong số họ lên tiếng: “Thi đỗ hay không là do sự học hành của mình quyết định, chứ ai đời đi cầu xin thần linh cho thi đỗ bao giờ. Tôi không tin vào thần thánh, ai lễ thì lễ, tôi đứng ngoài”. Những người còn lại thấy bạn mình nói cũng có lý, nhưng cũng tự nhủ, có thờ có thiêng, có kiêng có lành, phần cũng lo lắng sợ thần linh quở mắng nên lễ lạt rất thành tâm. Xong xuôi, cả đám nho sinh lên đường về kinh dự thi. Kỳ thi năm đó, 9 người vào đình lễ bái thì đều có tên trong bảng vàng dù cho thứ hạng khác nhau. Riêng cậu nho sinh không vào lễ thì trượt. Sau đợt ấy, 9 người làm quan ở nhiều nơi khác nhau đều quay trở lại quán Giám Đông tạ lễ. Dân làng biết được chuyện đó nên chuyển tên gọi từ quán Giám Đông thành đền Quán Thi”. Đáng chú ý là làng Cao Lãm cũng phải có tới 17 người đỗ tiến sĩ, còn gần đây số người đỗ đại học cũng không ít. Chính vì những câu chuyện “cổ tích” kia mà  tiếng đồn về ngôi đền càng lan xa. Những ngày vừa qua, liên tục có người ở khắp các tỉnh thành tìm về chùa dâng lễ cầu xin. Thậm chí gần đây, còn rộ lên nhiều câu chuyện hoang đường về sự thiêng liêng của nơi đây.

Những câu chuyện truyền miệng về đền Quán Thi được lưu truyền chẳng ai kiểm chứng được. Nhưng niềm tôn kính của người dân nơi đây đối với ngôi đền thì không thể phủ nhận. Có chăng chỉ là việc nhiều người đang tìm đến nơi đây không chỉ vì thành tâm cầu khấn mà chỉ chăm chăm mong được lợi ích của mình. Thành tâm là điều tốt nhưng đừng biến niềm tin đó thành mê tín di đoan. Chẳng ai có thể đỗ đạt, thành công nếu không chú tâm học hành mà chỉ trông chờ vào may mắn.