Khi “bờ xôi ruộng mật” thành khu công nghiệp

(ANTĐ) - Mặc dù nước ta đang trong quá trình đô thị hóa, song cho đến thời điểm này, theo số liệu thống kê mới nhất, nông dân vẫn chiếm tỉ lệ hơn 70% dân số. Nổi cộm lên hiện nay là vấn đề thu hồi đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp. Hàng năm, một diện tích lớn đất nông nghiệp bị thu hồi, làm cho một lượng lớn người nông dân “mất đất”, thất nghiệp. Không chỉ vậy, việc ồ ạt thu hồi đất sản xuất nông nghiệp khiến không ít vấn đề bức xúc khác cũng đang đặt ra đối với nhiều vùng nông thôn.

Khi “bờ xôi ruộng mật” thành khu công nghiệp

Bài 1: Ồ ạt thu hồi đất nông nghiệp

(ANTĐ) - Mặc dù nước ta đang trong quá trình đô thị hóa, song cho đến thời điểm này, theo số liệu thống kê mới nhất, nông dân vẫn chiếm tỉ lệ hơn 70% dân số. Nổi cộm lên hiện nay là vấn đề thu hồi đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp. Hàng năm, một diện tích lớn đất nông nghiệp bị thu hồi, làm cho một lượng lớn người nông dân “mất đất”, thất nghiệp. Không chỉ vậy, việc ồ ạt thu hồi đất sản xuất nông nghiệp khiến không ít vấn đề bức xúc khác cũng đang đặt ra đối với nhiều vùng nông thôn.

Đất nông nghiệp đang dần nhường chỗ cho nhà máy, chung cư...
Đất nông nghiệp đang dần nhường chỗ cho nhà máy, chung cư...

73.000 ha đất nông nghiệp bị thu hồi một năm

Theo số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT, bình quân mỗi năm có 73,3 nghìn ha đất nông nghiệp bị thu hồi. Việc thu hồi một diện tích lớn đất đai sản xuất nông nghiệp làm ảnh hưởng đến khoảng 2,5 triệu người.

Số liệu điều tra mới đây của Bộ NN&PTNT cho thấy, 2 vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phía Bắc là nơi bị thu hồi đất nhiều nhất. Phần lớn diện tích đất bị thu hồi tập trung ở các khu vực có mật độ dân số cao, tốc độ phát triển kinh tế nhanh. Trong đó, đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là nơi có tỷ lệ bị thu hồi nhiều nhất với 4,4%, tiếp đến là Đông Nam bộ 2,1%.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, chỉ trong 5 năm qua, việc thu hồi đất đã tác động tới đời sống của 627.495 hộ dân với khoảng 950.000 lao động. Số liệu cho thấy, trung bình cứ 1ha đất thu hồi, sẽ làm hơn 10 lao động nông dân mất việc.

ĐBSH vẫn là nơi có nhiều hộ bị ảnh hưởng với trên 300.000 hộ, kế đến là Đông Nam bộ 108.000 hộ. Tuy chỉ đứng thứ 6 về diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi trên cả nước nhưng Hà Nội lại có số hộ bị thu hồi lớn nhất, hơn 138.000 hộ, tiếp đến là TP.HCM hơn 52.000 hộ, Bắc Ninh gần 41.000 hộ, Hưng Yên hơn 31.000 hộ...

Các KCN đua nhau mọc lên
Các KCN đua nhau mọc lên

Tốc độ phát triển công nghiệp trong thời gian vừa qua kéo theo tình trạng đất nông nghiệp ồ ạt bị thu hồi tại các tỉnh, việc này đã dẫn đến tại nhiều địa phương đất nông nghiệp bị xóa sổ hoàn toàn.

Phó Chủ tịch UBND xã Quang Minh, Mê Linh,  Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Xuân Trường cho biết: “Toàn xã có 880ha đất, nhưng chỉ sau 2 năm kể từ khi khu công nghiệp hình thành (từ năm 2002 đến 2004) cũng là lúc doanh nghiệp vào ồ ạt. Hiện tại, trên địa bàn xã có tới 300 doanh nghiệp hoạt động. Hai năm đã phê duyệt 600ha đất, hơn 200ha còn lại cũng đã thuộc quy hoạch khu công nghiệp 2”.

TP Hà Nội bình quân một năm giải phóng mặt bằng gần 1.000ha, với khoảng trên 300 dự án/năm, trong đó chiếm tới 80% là đất nông nghiệp. Theo dự án quy hoạch sử dụng đất của Hà Nội, diện tích đất nông nghiệp giảm từ 41.976ha (năm 2000) xuống còn 28.718ha vào năm 2010.

Thu rồi lại để hoang

Tại một cuộc Hội thảo Nông dân bị thu hồi đất - thực trạng và giải pháp do Bộ NN&PTNT chủ trì hồi tháng 7-2007, Bộ NN&PTNT cho biết, 50% số đất nông nghiệp bị thu hồi trong thời gian qua nằm trong những vùng kinh tế trọng điểm. Trong đó, 80% diện tích đất này thuộc loại “bờ xôi, ruộng mật” cho 2 vụ lúa/năm với cơ sở hạ tầng, thủy lợi rất tốt. Như vậy, Việt Nam đã mất khoảng 500.000 tấn lúa mỗi vụ.

Điều này được minh chứng ngay trong thực tế, nhiều cánh đồng lúa “bờ xôi, ruộng mật”, mênh mông, bát ngát, trên dọc Quốc lộ 5 từ Gia Lâm,  Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng, rồi Quốc lộ 1 từ Hà Nội qua Hà Nam xuống Ninh Bình, hoặc từ Hà Nội qua Quốc lộ 2 lên Mê Linh, Vĩnh Phúc… đã biến mất, thay vào đó là các khu công nghiệp mọc lên “như nấm”.

Những cánh đồng giao thông thuận tiện thì đã hoặc sẽ vào quy hoạch, chỉ còn những khu ruộng nằm sâu bên trong, xa trục giao thông hoặc đường quốc lộ hay những vùng nông thôn thuần túy thì mới chưa được nằm trong quy hoạch thu hồi.

Không ít đất nông nghiệp bị thu hồi rồi để hoang
Không ít đất nông nghiệp bị thu hồi rồi để hoang

Bên cạnh đó, thực trạng ồ ạt thu hồi đất nông nghiệp làm khu công nghiệp rồi... để hoang đã tạo nên một nghịch lý. Trong khi, người nông dân không có đất để sản xuất nông nghiệp thì đất thu hồi do doanh nghiệp, chủ đầu tư chưa đủ năng lực để san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng lại để hoang.

Ngặt một nỗi, những dự án dang dở, bỏ hoang lại thường dựng rào bao xung quanh, rồi đổ mấy xe đất như kiểu... xí phần, giữ chỗ. Thành  thử, người nông dân chỉ còn biết đứng nhìn ruộng đất bỏ hoang, thậm chí có nơi bỏ hoang đến gần chục năm trời.

Tình trạng này không riêng một tỉnh nào, nó tồn tại tại khắp các tỉnh, đặc biệt những tỉnh “ưu ái” ồ ạt cho các doanh nghiệp vào đầu tư mà không cân nhắc, xem xét kỹ. Ngay trên địa bàn TP Hà Nội, cũng có không ít dự án dang dở, bỏ không ra bỏ, xây dựng cũng chẳng thành xây dựng.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội - bà Ngô Thị Doãn Thanh đã yêu cầu: “Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng khá nhiều dự án bỏ dở trong thời gian dài gây lãng phí về tiền của, đất đai, thời gian tới, các chủ dự án phải được xem xét kỹ lưỡng về năng lực”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tâm - Trưởng phòng Chính sách - Công nghệ sau thu hoạch - Sở NN&PTNT Hưng Yên cho biết: “Tôi đã có dịp đi rất nhiều tỉnh thì đều thấy tồn tại tình trạng lãng phí đất nông nghiệp sau thu hồi. Đáng bàn hơn, lãng phí tại những khu công nghiệp dang dở kiểu này là lãng phí về đất đai, tiền của và lao động. Rõ ràng, sự hậu kiểm (kiểm tra, giám sát sau khi cho thuê đất làm khu công nghiệp...) còn yếu. Thời gian qua, chúng ta đã CNH nông thôn một cách vội vàng”.

Công nghiệp hóa nông thôn để đưa nước ta “vượt ngưỡng” chậm phát triển, nâng cao đời sống của người nông dân là điều bắt buộc mà toàn Đảng, toàn dân phải làm. Tuy nhiên, CNH nông thôn nếu không có những bước đi phù hợp sẽ tạo ra những mặt trái với mức độ nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Tâm nhấn mạnh: “CNH là điều bắt buộc, nhưng cũng phải tính đến, nước ta có nền nông nghiệp lúa nước hàng nghìn năm nay, vì vậy CNH phải có những bước đi phù hợp với nhận thức, sự tiếp nhận CNH của người nông dân. Và, hiện đến bây giờ, người dân nông thôn vẫn còn chiếm đến hơn 70% dân số”.

Ngân Tuyền

Kỳ sau: Mất đất nông nghiệp và những hệ lụy