Học sinh sử dụng điện thoại di động: Lợi bất cập hại

(ANTĐ) - Gần đây, trên mạng internet xuất hiện nhiều clip sex, bạo lực học đường quay bằng điện thoại di động (ĐTDĐ) do học sinh “thủ vai”  khiến không ít bậc phụ huynh lo ngại. Trước tình trạng này, dư luận đặt câu hỏi: “Có nên cấm học sinh sử dụng ĐTDĐ trong trường học”?

Học sinh sử dụng điện thoại di động: Lợi bất cập hại

(ANTĐ) - Gần đây, trên mạng internet xuất hiện nhiều clip sex, bạo lực học đường quay bằng điện thoại di động (ĐTDĐ) do học sinh “thủ vai”  khiến không ít bậc phụ huynh lo ngại. Trước tình trạng này, dư luận đặt câu hỏi: “Có nên cấm học sinh sử dụng ĐTDĐ trong trường học”?

Bài 1: Khẳng định đẳng cấp

Không ít học sinh sử dụng ĐTDĐ trong giờ học
Không ít học sinh sử dụng ĐTDĐ trong giờ học

Vật bất ly thân…

ĐTDĐ được ứng dụng rộng rãi đã giúp cho mọi giao dịch được nhanh chóng, thuận tiện. Đối với học sinh, khi có ĐTDĐ trong tay, việc liên lạc giữa cha mẹ, thầy cô cũng trở nên dễ dàng hơn. Thầy cô có thể thông báo cho học sinh mỗi khi thay đổi lịch học, lịch thi. Hiện có nhiều loại ĐTDĐ giá rẻ, chỉ khoảng 300 đến 500 nghìn đồng/chiếc nên không ít phụ huynh sẵn sàng trang bị cho con em mình để họ có thể quản lý được tốt hơn. Từ đó, đã tạo nên xu hướng sử dụng điện thoại phổ biến trong nhà trường.

Chị Nguyễn Thu Hương, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên cho biết: “Con tôi đang học lớp 8 mà lịch học của cháu dày đặc, hết học chính rồi lại học thêm, từ sáng đến tối nên hai vợ chồng tôi đã quyết định cho cháu sử dụng ĐTDĐ để tiện việc đưa đón. Tuy nhiên, gần đây cháu muốn có một chiếc điện thoại “sành điệu” giống như một số bạn trong lớp nên năn nỉ tôi mua bằng được. Nghĩ không ảnh hưởng gì đến việc học tập của cháu nên tôi đồng ý. Song kể từ khi có điện thoại mới, lúc nào con tôi cũng “dính” với nó như hình với bóng. Cách đây một tháng, thấy con có dấu hiệu bất thường, hay buồn ngủ, về đến nhà thì chui tọt vào phòng riêng, nên một lần tôi bất ngờ vào phòng kiểm tra thì thấy cháu đang nằm trên giường chơi điện tử. Khi xem trong máy tôi không còn tin vào mắt mình khi thấy những hình ảnh các cô gái ăn mặc khêu gợi và vô số trò chơi điện tử bạo lực.

Khi công nghệ thông tin ngày càng đi sâu vào đời sống thì việc học sinh sử dụng ĐTDĐ ngày càng nhiều, thậm chí nhiều em còn được bố mẹ sắm cho những chiếc điện thoại công nghệ cao với đầy đủ chức năng quay video và kết nối internet không dây. Tuy nhiên chính điều này đã dẫn đến không ít những hệ lụy. Và giờ đây những cuộc điện thoại trong giờ học, vi phạm văn hóa học đường... chỉ còn là chuyện nhỏ, bởi chính những bạn trẻ này do nhận thức chưa đầy đủ, tâm lý chưa ổn định, dễ bị kích động, dễ đua đòi... nên đã tham gia vào những trò chơi bạo lực, quay lén những hình ảnh “nóng”, cảnh đánh nhau, cảnh “cởi đồ”, thậm chí tung những màn “mây mưa” và tải lên mạng cho bạn bè xem.

Những hình ảnh bạo lực phát tán qua ĐTDĐ dễ dàng tìm thấy trên mạng
Những hình ảnh bạo lực phát tán qua ĐTDĐ dễ dàng tìm thấy trên mạng

Điện thoại thể hiện đẳng cấp…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các em học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 tại các trường THCS và THPT trên địa bàn nội thành Hà Nội đều sử dụng ĐTDĐ cá nhân. Học sinh lớp càng cao thì tỷ lệ sử dụng ĐTDĐ càng nhiều. Trên thực tế, nhiều trường có quy định cấm sử dụng điện thoại trong giờ học. Song việc vi phạm vẫn thường xuyên xảy ra.

Bên cạnh những em sử dụng đúng cách và đúng mục đích thì không ít em lại biến ĐTDĐ thành phương tiện thể hiện “đẳng cấp” sành điệu. Cứ trên thị trường có loại điện thoại nào mới là ngay lập tức những em này lại đòi bố mẹ mua cho bằng được. Thậm chí đối với nhiều bạn, “dế” thể hiện phong cách và đẳng cấp của chủ nhân nên được các bạn nâng niu như đồ trang sức, không tiếc tiền đầu tư, nâng cấp để “hàng” càng “độc” càng gây ấn tượng… Chưa kể đến việc nhiều em còn mượn cớ để nói dối cha mẹ, thầy cô, gây ra những phiền nhiễu trong giờ học.

Em Nguyễn Hồng Nhung, học sinh lớp 11 ở một trường THPT quận Hoàn Kiếm hồn nhiên: “Ở lớp em có bạn đã sử dụng ĐTDĐ, từ hồi còn học lớp 7. Có hôm chúng em đang đi chơi thì bố mẹ bạn ấy gọi điện nhưng khi trả lời điện thoại bạn ấy lại nói: “Mẹ đừng làm phiền, con đang trong giờ học...”, thế là mẹ bạn ấy phải xin lỗi vì đã không gọi điện đúng lúc”. Không ít giáo viên phản ánh, nhiều khi bài giảng bị cắt ngang bởi tiếng chuông điện thoại của học sinh. Thậm chí, trong lúc cả lớp đang chăm chú nghe giảng thì có em lại lúi húi nhắn tin hay nghe nhạc làm cho các bạn ngồi gần bị phân tán.

Không dừng lại ở đó việc sử dụng ĐTDĐ sẽ đưa các em đến gần tệ nạn xã hội, nó bắt đầu từ những hành vi lừa đảo, trộm cắp từ trong gia đình và ra ngoài xã hội với mục đích kiếm tiền để sử dụng điện thoại. Không ít em đã mượn đồ dùng của bạn để đi cắm lấy tiền “nuôi” điện thoại. Việc sử dụng ĐTDĐ thường xuyên cũng khiến cho tỷ lệ học sinh bị cận thị nhiều hơn, làm cho các em học sinh khác không thể tập trung vào bài giảng, không hiểu bài, rỗng kiến thức, dẫn đến chán và bỏ bê học hành… Thậm chí sử dụng ĐTDĐ trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến trí não và đặc biệt nếu các em sử dụng điện thoại khi tham giao giao thông có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho mình và nhiều người khác…

(Còn nữa)

Ngọc Hân-Huệ Anh