Hoàng hôn không hơi ấm của những người phụ nữ bước ra từ lửa đạn

ANTĐ - Họ là những nhân chứng sống của lịch sử. Khi bước vào tuổi thanh niên đẹp nhất của đời người họ sẵn sàng “quăng” thân mình vào khói bom lửa đạn không nề hà, không sợ hãi. Nhưng có lẽ với họ, đó là quãng thời gian đẹp nhất, nhỡ mãi trong cuộc đời. Giờ đây, khi quá khứ lùi xa, Tổ quốc đã thanh bình, họ lại hòa mình vào cuộc sống thường nhật đầy chông gai và thiệt thòi, chăn đơn gối chiếc, không chồng, không con. Đó là hoàn cảnh chung của những người cựu nữ thanh niên xung phong trong Câu lạc bộ Vầng trăng khuyết ở quận Hà Đông, TP Hà Nội. Những câu chuyện, những nỗi niềm của họ mà chúng tôi ghi lại chỉ là những lát cắt mỏng về sự hy sinh thầm lặng ấy!...

Bà Nguyễn Thị Oanh Chủ nhiệm CLB Vầng Trăng Khuyết

Một thời hoa lửa, một đời lặng lẽ 

Năm 1971, khi ấy cô gái Nguyễn Thị Oanh vừa tròn 18 tuổi, xinh đẹp nhất nhì làng, đã có đám mang trầu cau đến hỏi nhưng chị vẫn quyết đăng ký tham gia thanh niên xung phong (TNXP) làm nhiệm vụ san đường, lấp hố bom ở cụm chiến đấu Cầu Giẽ. Hồi ấy chiến trường ác liệt lắm, không ít đồng đội đã hy sinh vì đạn bay, bom nổ. Chiến tranh như tiếp thêm sức mạnh phi thường cho những nữ TNXP nhỏ bé, cô gái Nguyễn Thị Oanh khi đó nặng có chưa đầy 40kg, nhưng vẫn chổ những tảng đá nặng hàng tạ, có lần tổ thanh niên do cô làm tổ trưởng còn được khen tặng vì san đường “vượt tiến độ”, được nêu gương cho cả đơn vị. Rời khỏi chiến trường, trở về quê hương sau 3 năm phục vụ, rồi gia đình, trách nhiệm của một người chị cả với gần chục đứa em nhỏ cứ cuốn chị đi, người phụ nữ ấy cứ lần lữa hạnh phúc riêng. Bây giờ đã ngoài 60 tuổi, cô gái Nguyễn Thị Oanh đã được đám trẻ trong làng gọi bằng bà vẫn sống đơn chiếc trong ngôi nhà cấp 4 nhỏ ở phường La Khê, quận Hà Đông. Bà hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vầng trăng khuyết.

Giải thích về việc không xây dựng gia đình, bà Oanh trầm ngâm, có lẽ là do số phận rồi. Nhiều người cũng tha thiết đến với mình lắm, mình cũng có tình cảm với họ, nhưng rồi không hiểu vì sao lại cứ không đến được với nhau. Bà cười, nói theo duy tâm thì mình có “duyên âm” cũng có thể. Rồi bà kể về chuyện tình yêu, ánh mắt lấp lánh như thời còn trẻ. Hồi ấy, trước khi đi TNXP bà cũng có một mối tình sâu nặng. “Nói là sâu nặng, nhưng thật ra anh ấy mới đến chơi nhà thôi, chứ gia đình cũng chưa hẹn ước gì. Rồi năm 1969, anh nhập ngũ, hai người cứ thư từ qua lại. Đến tận năm 1971, tôi đi TNXP thì anh ấy vẫn viết thư. Nhưng đến năm 1972 thì không còn nhận được thư của anh ấy nữa. Sau này tôi mới biết anh hy sinh ở chiến trường miền Nam, mới đây đưa hài cốt về tôi cũng đến viếng, dù gia đình cũng không hề biết về mối tình của chúng tôi”, bà Oanh nhớ lại. Khi trở về bà Oanh lúc đó mới 21 tuổi, cũng nhiều đám đến hỏi lắm, nhưng nhà nghèo lại là chị cả nên bà cứ gác lại chuyện yêu đương để phụ giúp mẹ nuôi các em ăn học. Đến khi các em trưởng thành thì bà đã tứ tuần. Bà Oanh tâm sự: “Thật ra nhiều người cũng tha thiết lắm, đến nỗi gia đình người ta coi mình như con, có miếng ngon đều để phần. Nhưng không hiểu sao cuối cùng lại không thành. Cách đây có chục năm thôi, cũng vẫn có người đặt vấn đề hôn nhân, nhưng lại nghĩ mình già rồi, nên ngại…”. Đến nay đã ngoài 60 tuổi, bà Oanh vẫn sống một mình. Bà nhận nuôi đứa cháu là con của cô em gái, vừa là trách nhiệm giúp em, cũng là niềm vui những ngày cuối đời của mình.

Cùng hoàn cảnh là bà Nguyễn Thị Nghĩa, ở phường Vạn Phúc, Hà Nội. Năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng bà Nghĩa vẫn ở vậy để chăm sóc mẹ già ốm đau. Nhớ lại hồi ấy, bà kể năm 16 tuổi bà đã là Đội trưởng sản xuất, rồi Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp, được đứng trong hàng ngũ của Ðảng năm 1969. Cô gái Nguyễn Thị Nghĩa tham gia TNXP năm 1971 với nhiệm vụ mở đường, san lấp hố bom ở tận bên nước bạn Lào. Bà chia sẻ rằng 3 năm tham gia TNXP là quãng thời gian ý nghĩa nhất, tất cả đều hồn hậu, nhiệt huyết và dũng mãnh trước bom đạn, cái chết. Nhắc về chuyện tình yêu, giọng bà trùng xuống, bà không kể nhiều, chỉ đọc thuộc lòng lại từng từ trong bức thư của anh bộ đội năm xưa như thể bà đã đọc đi đọc lại hàng nghìn, hàng triệu lần vậy. “Hồi ấy anh ấy là Tiểu đoàn phó, Thủ trưởng của tôi. Chuyện tình yêu trong quân đội khắt khe lắm, bom Mỹ không sợ bằng để lộ chuyện tình cảm cho đơn vị biết…”. Yêu nhau mà không dám ngồi gần nhau, không dám tâm sự. Chỉ mỗi lần xuống đơn vị kiểm tra, anh nhét vội lá thư vào túi áo cô nữ TNXP. Nhưng rồi khi mỗi người chuyển đi một cung đường khác thì họ mất liên lạc, đến giờ vẫn chưa tìm được nhau. Và hình như bà thì vẫn chờ đợi một điều gì đó!…

Một đơn vị nữ Thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Căn nhà của 3 người phụ nữ “ế chồng”

Khi chúng tôi đến, căn nhà cấp 4 cũ kỹ nằm sâu trong con ngõ ở phường Phú Lương, quận Hà Đông thật ảm đạm. 3 người phụ nữ đã sang tuổi xế chiều, mắt đều đã mờ, bước chân đã chậm, người thì “lẩn thẩn”, người thì bệnh tật “sống… vì thuốc”, họ sống nương tựa vào nhau. Những người dân quanh đây vẫn thường quen gọi đó là căn nhà của 3 người phụ nữ “ế chồng”. Trong căn nhà ấy, có lẽ hình ảnh “tươi vui” nhất mà chúng tôi nhìn thấy là một đứa trẻ chừng 15-16 tuổi với khuôn mặt ngơ ngẩn, cười nói ngây ngô, líu lo như đứa bé lên 2 lên 3. Sở dĩ chúng tôi nói “tươi vui” là bởi vì đứa bé ấy quá ngây ngô, nó chỉ biết cười, nói, nũng nịu mà không biết được những khó khăn, buồn khổ mà những người sống quanh nó đang phải chịu đựng. Đó là đứa con gái của bà Đào Thị Cang - 1 trong 3 người phụ nữ ấy. Nhắc đến đứa bé, bà Cang thở dài: “Tôi đi TNXP về thì xác định ở vậy, nghĩ kiếm đứa con để vui cửa vui nhà, để nương tựa lúc về nhà, ngờ đâu nó lại ngơ ngơ ngẩn ngẩn thế này. Không biết lúc chúng tôi chết đi, nó sẽ sống ra sao?!”. Bà cũng bảo đáng lẽ ra bây giờ nó đã học phổ thông, nhưng mặc cái quần, cái áo có khi còn không biết, huống hồ là học. Bản thân bà thì sau trận tai biến mạch máu não năm kia, giờ chỉ “sống vì thuốc”, mỗi tháng hết hơn triệu bạc tiền thuốc thang đều phải nhờ anh chị em hỗ trợ mua cho.

Bà Đào Thị Bình, chị gái bà Cang thì lại một hoàn cảnh éo le khác. Bà tham gia TNXP từ năm 1969, trở về quê hương bà kết duyên với một anh bộ đội. Sau ngày giải phóng, chồng bà vào miền Nam sinh sống và bặt tin luôn từ đó. Bà ở nhà chồng, chờ chồng mòn mỏi 8 năm trời thì mới biết tin ông đã đi lấy vợ từ bao giờ. Tủi nhục, bà lầm lũi trở về nhà bố mẹ đẻ. Sau này bà có gá nghĩa với một người đàn ông đã có 5 con. Những tưởng sẽ tìm được chút hạnh phúc cuối đời, không ngờ chồng bà lại là một người đàn ông vũ phu, bà phải nai lưng làm lụng nuôi 5 đứa con của chồng nhưng đổi lại lại nhận được những trận đòn thừa sống thiếu chết của ông. Và cuối cùng, sau khi dựng được ngôi nhà khang trang thì bà bị chồng “hất” ra khỏi nhà. Bà lại trở về ngôi nhà cấp 4 cũ kĩ này, cùng 2 người chị em ngày ngày chở mấy chiếc chổi đi bán rong kiếm sống. “Giờ chúng tôi già yếu, tháng đi chợ được vài ba bận, mỗi bận đi được dăm chục, một trăm, mọi chi phí đều phải nhờ anh em là chủ yếu” - tâm sự của bà Bình làm chúng tôi không khỏi chạnh lòng. 

Hoàng hôn không hơi ấm 

Câu lạc bộ Vầng trăng khuyết mới được thành lập hơn 2 năm, đến nay đã có hơn 50 hội viên tham gia và gần chục người đang xin vào, tất cả đều có chung hoàn cảnh là những cựu nữ TNXP đơn côi, không chồng. Bà Nguyễn Thị Oanh bảo: “Cái thời chiến tranh, khi cả nước hừng hực khí thế chiến đấu, chị em phụ nữ cũng “quăng” mình vào lửa đạn mà không tính toán thiệt hơn. Công việc nặng nhọc, nắng gió, lại làm việc nơi rừng thiêng nước độc nên phần lớn khi trở về trông đều “cũ kĩ”, lại quá tuổi xuân thì nên nhiều chị lỡ dở duyên tình, một đời không chồng, không con, xế lúc hoàng hôn đơn côi lạnh lẽo”. 

Bà Nguyễn Thị Tiền ở tổ 7, phường Đồng Mai (Hà Đông) là một trong số ít người đã vượt qua dư luận, sự kỳ thị để có được thiên chức người làm mẹ. Tham gia TNXP rồi trở về quê hương công tác, tuổi đã không còn trẻ, bà không lập gia đình. Nhưng nỗi khát khao làm mẹ thì lúc nào cũng âm ỉ. Bà kể quan niệm hồi đấy khắt khe lắm, lại đang công tác trong cơ quan Nhà nước nên để đi đến quyết định có một đứa con ngoài giá thú bà đã không biết bao nhiều đêm mất ngủ. Hạnh phúc vì có con nhưng bà lại phải chịu những búa rìu dư luận, rồi đủ hình thức kỷ luật của cơ quan, có lúc tưởng không vượt qua. Nhưng giờ nhìn lại, bà mới thấy mình thật may mắn khi con đã khôn lớn trưởng thành, lập gia đình, dù 1 trong 2 đứa cháu của bà bị dị tật bẩm sinh, cuộc sống còn rất nhiều vất vả. Và quan trọng hơn, nhiều chị em TNXP khi trở về còn không được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ như bà. Các đồng đội của bà đều cam chịu sống đơn côi, có người cũng đánh liều sinh một đứa con nhưng lại không được lành lặn…

Bà Nguyễn Thị Oanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vầng trăng khuyết ngậm ngùi chia sẻ: “Các thành viên trong câu lạc bộ này đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Ngày xưa chiến tranh, bom đạn, đói rét nhưng sức trẻ thì cứ lăn vào làm. Đói thì nhường nhau, muỗi rét thì chui vào bao tải mà ngủ. Bây giờ hòa bình nhưng cuộc sống còn không đơn giản như thế, lại đúng lúc sức tàn, lực kiệt, nhiều chị em bệnh tật ốm đau, thậm chí bị ung thư nhưng lại không chồng con, không thu nhập”. Những vầng trăng khuyết cũng vì thế mà cứ hao mòn theo tháng năm.