“Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc”

ANTĐ - 1. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thành - Trưởng khoa Công tác đảng, công tác Chính trị - Học viện Quốc phòng, là một người lính mê chụp ảnh. Năm 1975, sau khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, với mấy chục đồng ít ỏi, ông ra chợ trời Sài Gòn mua một chiếc máy ảnh cũ để thỏa đam mê chụp ảnh của mình. Bây giờ từ một người lính chiến đấu qua nhiều chiến trường, đã trở thành một vị Tướng, ông đã có chiếc máy ảnh chất lượng cao hơn với vài ba ống kính. 

Nhưng câu chuyện mà tôi sắp kể với bạn đọc nó chẳng liên quan gì đến cái máy ảnh có thương hiệu cũng như đam mê chụp ảnh của Thiếu tướng, mà đằng sau đó là câu chuyện về những người lính giữ đảo, những người lính giữa muôn trùng sóng gió họ đã chiến đấu vì Tổ quốc như thế nào.

“Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc” ảnh 1
Bức tranh miêu tả cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma 14-3-1988 
đang được treo tại phòng truyền thống của vùng 4 Hải quân

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thành có một bức ảnh rất đặc biệt được ông chụp trong một lần ra thăm đảo Đá Đông A. Bức ảnh chụp một cô văn công Quân khu 2 đang hát cho một anh lính hải quân - một buổi biểu diễn ca nhạc nhưng chỉ có duy nhất một ca sĩ và một khán giả. Cô văn công mặc áo màu xanh của lính, vừa hát vừa khóc, còn người chiến sĩ hải quân mới tuổi chừng đôi mươi, nước da màu nắng rắn rỏi, vai bồng súng, mắt vẫn nhìn thẳng về phía biển. Anh khóc. Và tất nhiên tác giả của bức ảnh cũng khóc!

Hôm đó, đoàn văn công đến đảo Đá Đông A để biểu diễn cho các chiến sĩ ở đây. Đón đoàn từ đất liền, lính đảo vui lắm. Hình như cái khoảnh khắc người từ đất liền gặp những người lính đảo nó như một thứ cảm xúc được dồn trong “file” nén, nghẹn ngào. Nó là thứ cảm xúc của cội rễ, của những người cùng chung một bọc, cùng chung một Tổ quốc, nó là thứ cảm xúc cho ta thấm thía hơn hai chữ “đồng bào”. Những người đến từ đất liền chỉ nhìn thoáng thấy bóng cờ đỏ sao vàng trên ngọn hải đăng là trong lòng đã cảm thấy ấm áp vô cùng, họ như sắp được gặp lại người thân họ sau nhiều ngày xa cách nhớ thương. Còn những người lính đảo khi được gặp những người từ đất liền thì như được gặp lại một phần quê hương, máu mủ ruột thịt của mình. Tôi rất thích ý thơ trong “Bài ca Cảnh sát Biển Việt Nam” mà nhạc sĩ Mạnh Hùng sáng tác “nóng”, lần đầu tiên công bố trên Báo An ninh Thủ đô: “Giữa muôn trùng khơi luôn giữ vững niềm tin/ Ở nơi phương xa là quê hương ta đó/ Là mẹ là em ta, là ruộng đồng bao la”…  Tôi có cảm giác những người lính đảo khi gặp gỡ những người đến từ đất liền dù là bất kỳ ai họ cũng như được gặp người thân trong cùng một bọc, là mẹ ta, em ta, ruộng đồng quê hương ta.

 Trở lại với câu chuyện trên đảo Đá Đông A, khi đoàn văn công và các chiến sĩ hải quân đang nắm tay nhau cùng hát, thì phía trên nóc chòi cao có một anh lính trẻ đang đứng gác, vai đeo súng, mắt vẫn nhìn thẳng về phía trước. Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thành trèo lên nơi anh đang đứng gác thì thấy anh lính khóc. Thiếu tướng đã hỏi vì sao đồng chí khóc, anh lính đó trả lời: “Hôm nay, văn công đến lại đúng vào ca gác của em. Em nhớ nhà quá thủ trưởng à”. Thiếu tướng đã gọi cô văn công lên tận nơi đồng chí lính trẻ đang đứng gác để hát cho anh ấy nghe. Cô văn công Quân khu 2 hỏi anh lính: “Em muốn nghe bài gì?”. Anh lính bảo: “Chị hát cho em nghe bài Về quê”. Tiếng hát cất lên: “Theo anh em thì về, thăm lại miền quê, nơi có một triền đê, có hàng tre ru khi chiều về...”. Tiếng hát hòa chung âm thanh của biển. Ruộng đồng, làng mạc, đất liền đang ở rất gần. Rưng rưng!

Bức ảnh của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thành khiến cho tôi nghĩ nhiều về những người lính đảo, những người lính bình dị, nhưng họ là những người anh hùng. Họ giống như tất cả những người lính đã từng ra trận để chiến đấu vì Tổ quốc. Họ có tình yêu, có ước mơ, có nỗi nhớ…, nhưng họ vẫn lên đường vì một tình yêu lớn: Tình yêu Tổ quốc.

Thả hoa tưởng niệm những chiến sĩ hy sinh trên biển. Ảnh: Internet

2. Cũng qua Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thành mà tôi được biết Đại tá Trịnh Xuân Trường. Hiện anh đang là Phó Chủ nhiệm Chính trị, Cục kỹ thuật Quân khu 4. Anh Trường là chiến sĩ hải quân từ tháng 2-1975 đến tháng 5-1994, đã từng có gần 20 năm gắn bó với biển đảo, gắn liền với đơn vị bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa (Lữ đoàn 146). Mùa xuân 1975, khi ấy anh Trường vừa bước sang tuổi 18, mới đang là cậu học trò lớp 10 trường cấp III Nguyển Du (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh vào bộ đội và trở thành người lính Đặc công nước hải quân (Đoàn 126 HQ). Trong lịch sử hình thành đất nước, chúng ta phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh để bảo vệ lãnh thổ chủ quyền, và mỗi khi dân tộc Việt Nam đứng trước sóng gió, thử thách, thì những người con đất Việt lại đứng lên và ra trận. Với họ bảo vệ Tổ quốc là niềm vinh dự.

Anh Trường nói anh vinh dự được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trực tiếp chiến đấu giải phóng Quân cảng Đà Nẵng, Bán đảo Sơn Trà và sau đó cùng lực lượng Đoàn tàu vận tải 125 HQ (tiền thân là đoàn tàu không số hoạt động đường Hồ Chí Minh trên biển) tham gia giải phóng các đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn thuộc quần đảo Trường Sa. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng chủ quyền quần đảo Trường Sa. Anh Trịnh Xuân Trường đã vinh dự được ở lại đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa (Lữ đoàn 146). Quá trình công tác ở đơn vị này, anh đã từng qua hết 21 đảo với trên 30 điểm, với nhiều cương vị khác nhau. Anh là một trong số ít người sống sót trong trận hải chiến Gạc Ma. Đây là thời điểm anh được giao nhiệm vụ làm Phó Chính trị lực lượng xây dựng và chốt giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao thuộc cụm đảo Sinh Tồn. Trận hải chiến ấy đã lấy đi máu của anh và đồng đội, anh Trường bây giờ là thương binh hạng 3/4 với tỷ lệ thương tật là 53%.

Nhà giàn khi còn là những cọc gỗ được cắm xuống biển
(Ảnh: Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thành)

3. Trận hải chiến Gạc Ma! Cả dân tộc Việt Nam không bao giờ quên được trận hải chiến Gạc Ma. Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên được những người lính đã ngã xuống trong trận chiến không cân sức với dã tâm vô nhân đạo của kẻ thù xâm lược. Hải quân Trung Quốc có đầy đủ vũ khí lớn đã đơn phương tấn công những chiến sĩ hải quân của ta đang làm nhiệm vụ xây dựng các hạng mục công trình trên đảo. Ngày 14-3-1988 đã trở thành một ngày đau đớn, 64 sĩ quan và chiến sĩ ta đã hy sinh. Đau xót, nhức nhối và mất mát, sự căm phẫn như bóp nghẹt trái tim ta. Anh Trịnh Xuân Trường kể với tôi rằng cho đến bây giờ, đã 26 năm qua đi nhưng anh chưa bao giờ thôi ám ảnh về cái ngày 14-3-1988 đó. Sự ám ảnh vẫn luôn làm anh nhức nhối mỗi khi nhớ về đồng đội. Vết thương đó còn đau hơn cả vết thương trên thân thể của anh. Hôm đó, sáng 14-3-1988 khi bộ đội ta đang lao động tiến hành công việc xây dựng khu nhà giàn trên những bãi đá của ta thì khoảng 7h30 phút xuất hiện 2 tàu Hậu vệ pháo của Trung Quốc, chúng thả các xuồng cao tốc, mỗi xuồng chở từ 3-4 tên có vũ khí lao vào các đảo của ta gây sự. Tại đảo Gạc Ma, một lính Trung Quốc trèo lên cột mốc chủ quyền của ta để hạ cây cờ Tổ quốc. Thiếu úy Trần Văn Phương đã tiến lên cầm cây cờ Tổ quốc cắm lại lên cột mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Trong lúc đồng chí Phương leo lên cắm cờ thì tên lính Trung Quốc chạy lên kéo chân đồng chí Phương, nhưng đồng chí Phương vẫn chống trả và cố giữ lá cờ Tổ quốc, cho đến khi chúng xả súng và anh ngã xuống. 

Tôi đã nhiều lần nghe câu chuyện về Thiếu úy Trần Văn Phương, trước khi ngã xuống, một tay anh vẫn giữ chắc cột cờ, miệng hô to khẩu hiệu: “Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ Biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo”. Rồi sau đó, Binh nhất Nguyễn Văn Lanh lao vào đỡ lá cờ trên tay Trung úy Phương, anh đã đạp được khẩu súng trên tay tên sĩ quan Trung Quốc, rồi bị ngã xuống biển, một tên lính khác đã bắn anh bị thương. Anh gục xuống nhưng tay vẫn ghì chặt cán cờ. Rồi tiếng đạn nổ, 2 tàu Hậu vệ của Trung Quốc bắn xối xả vào các chiến sĩ của ta đang làm nhiệm vụ đồng thời 3 tàu của ta đang neo đậu tại các điểm đảo trên cũng bị trúng đạn cháy chìm. Bỏ qua các quy tắc nhân đạo của chiến tranh trên biển, các tàu của Trung Quốc đã quay đầu bỏ đi. 

Hỡi tất cả những người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, hỡi tất cả những người có lương tri trên hành tinh này, hỡi những người dân Trung Quốc biết đứng về chính nghĩa, đứng về lẽ phải, nếu họ được nghe câu chuyện này thì họ sẽ nhìn thấy dã tâm của những nhà cầm quyền Trung Quốc. Vì quá say mê với tham vọng độc chiếm Biển Đông, quá say mê thực hiện giấc mộng bá vương nên họ quên đi mọi giá trị nhân đạo của loài người, họ đã chà đạp lên đạo lý và pháp lý. Nhưng tiếc rằng những người dân Trung Quốc đang bị bưng bít thông tin, họ bị lừa phỉnh, bị bịt mắt bằng những thông tin sai lệch, giả dối. Tôi tin rằng nếu những người dân Trung Quốc nhìn thấy sự thật, họ sẽ đánh giá đúng được bản chất của những nhà cầm quyền Trung Quốc bằng lương tri của mình.

Thiếu úy Trần Văn Phương khi ngã xuống mới ngoài đôi mươi.  Hình ảnh hy sinh anh dũng của anh như tạc tượng vào biển cả. “Có bao lớp người/Lao vào lửa đạn/Cho Tổ quốc sáng bừng tên tuổi” - một nhà thơ đã từng viết như thế, chúng ta đã có nhiều lớp người sẵn sàng lao vào lửa đạn như thế. Và chúng ta vẫn còn tiếp tục có những lớp người sẵn sàng đứng lên khi Tổ quốc cần. Tôi biết rằng con gái của Thiếu úy Trần Văn Phương, khi anh hy sinh, cô bé vẫn còn nằm trong bụng mẹ, vậy mà giờ đây cô bé ấy đã trưởng thành, trở thành Thiếu úy Hải quân và tình nguyện viết đơn ra làm việc tại đảo Trường Sa. Cô đã lớn lên bằng tình yêu biển vì giọt máu thiêng của cha cô đã hòa vào biển cả quê hương.

Anh Trịnh Xuân Trường nhớ lại hình ảnh Thiếu úy Trần Văn Phương trong niềm xúc động: “Cách đó 2 hôm khi xảy ra trận hải chiến, tối hôm trước, trước khi xuất phát đi làm nhiệm vụ, Phương xin phép ra ngoài bán đảo để mua sắm một số đồ dùng sinh hoạt cá nhân nhưng vì lỡ xe nên Phương về muộn so với thời gian quy định. Tôi sốt ruột, lo lắng và hơn cả là sợ chuyến đi của đoàn bị ảnh hưởng vì lúc này mọi người đã có mặt lên tàu để chuẩn bị nhổ neo rời cảng mà vẫn chưa thấy Phương về. Chỉ còn mấy phút nữa là tàu nhổ neo thì mới thấy Phương hớt hải chạy về đến cảng, tôi giận quá nên đã mắng cậu ấy mấy câu. Sau một đêm lênh đênh trên biển Phương mới đến tâm sự với tôi rằng vì chiều tối nên không còn xe từ ngoài Cam Ranh vào bán đảo (12km) nên Phương phải chạy bộ nên mới về muộn. Rồi ra đảo được một hôm sau thì Phương hy sinh, đó là điều tôi ân hận và day dứt nhất. Dẫu biết rằng kỷ luật Quân đội nhiều khi biến con người ta phải nghiêm khắc như thế”.

 Dẫu đó là kỷ luật, nhưng những người lính khi trở về, họ cứ bị day dứt như thế. Họ sống bằng những kỷ niệm với đồng đội, sống bằng ký ức. Còn một ký ức chẳng thể nào quên của Đại tá Trịnh Xuân Trường đó là khi anh làm Phó Chỉ huy trưởng về chính trị đảo Sinh Tồn. Đơn vị anh được giao nhiệm vụ cất bốc hài cốt các đồng đội hy sinh được an táng tại đảo Sinh Tồn, trong đó có 4 ngôi mộ là những đồng đội của anh hy sinh trong trận chiến 14-3-1988  để các anh được trở về với đất mẹ. Và trong số 64 đồng đội đã hy sinh cũng chỉ còn 4 ngôi mộ ấy. Anh Trường lại như thêm một lần nữa phải chia tay đồng đội. Hàng tháng, cứ ngày rằm, mùng một anh vẫn thường ra mộ thắp nén hương trò chuyện với đồng đội  như một thói quen không thể thiếu. Các anh đã ở một góc thiêng của đảo Sinh Tồn, vậy mà bây giờ lại phải chia tay đồng đội. “Cái hôm cất bốc những ngôi mộ ấy tôi thật không ngăn được nước mắt, vì nhớ lại những gương mặt trẻ, nhớ lại nụ cười, những lời trêu đùa, nhớ lại những giọng nói của mỗi miền quê....”.

“Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc” ảnh 4
Cất bốc hài cốt an táng tại đảo Sinh Tồn tháng 6-1992
(ảnh do Đại tá Trịnh Xuân Trường cung cấp)

4. “Lều bạt chung chiêng giữa nước, giữa trời/ Đến một cái gai cũng không sống được/ Sớm mở mắt gió lùa ngun ngút/ Đêm trong lều như trôi trong mây.... Đảo vẫn chìm trong màu nước lam xanh/Cái giọt máu thiêng dưới ngầu ngầu bọt sóng!Tổ quốc ơi!/Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống/Bóng chúng tôi trùm khắp đảo Thuyền Chài…

Tác giả của “Đảo chìm” - nhà thơ Trần Đăng Khoa đã viết bài thơ “Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài” mà bất cứ người lính đảo nào cũng thuộc vì đó là cuộc sống của các anh, một cuộc sống khắc nghiệt giữa muôn trùng bão tố, cuộc sống của các anh là cuộc sống mà “một cái gai cũng không sống được”, một cuộc sống mà đến con ốc cũng bị biến dạng vì sóng biển. Bão tố không chỉ đến từ kẻ thù mà bão tố còn đến từ thiên nhiên. Một năm đất liền có bao nhiêu cơn bão thì ngoài biển, các anh phải hứng chịu bấy nhiêu cơn bão thậm chí nhiều hơn thế. Họ sống chết không biết lúc nào nhưng những người lính vẫn coi thường cái chết, vẫn kiên cường giữa nắng gió biển khơi. 

Tôi đã từng nghe kể về những chiến sĩ hy sinh ở nhà giàn - nơi vẫn được gọi là những ngôi nhà mang dáng hình Tổ quốc, là cột mốc chủ quyền của Việt Nam trên biển. Các chiến sĩ sống ở đây ngày đêm phải đối mặt với nắng lửa và bão táp. Không có không gian, không có đất chỉ là những bãi đá và san hô. Trước đây nhà giàn đơn sơ lắm chỉ là những cọc gỗ được cắm xuống biển. Chỉ cần một cơn bão ập xuống là cuốn phăng đi tất cả. Có chiến sĩ, đến lúc chết chỉ kịp điện đàm báo với đồng đội mà chưa kịp nói hết câu vĩnh biệt. Có chiến sĩ giữa cái sống và cái chết chỉ còn trong tích tắc mà vẫn nghĩ về đồng đội, anh đã nhường lại áo phao để đồng đội được sống. Đại úy Vũ Quang Chương làm nhiệm vụ ở nhà giàn DK1/6, anh là Chỉ huy trưởng nhà giàn cùng 8 đồng đội khác. Anh hy sinh rạng sáng ngày 13-12-1998 khi cơn bão số 8 bất ngờ đổ bộ vào vùng biển thềm lục địa phía Nam. Trước lúc ngã vào lòng biển, Đại úy Vũ Quang Chương đã ôm cờ Tổ quốc vào ngực mình. Trước đó, Đại úy Vũ Quang Chương đã ra lệnh cho các đồng đội ra tàu trở về đất liền tránh bão, chỉ còn anh và 2 đồng chí nữa chống chọi với cơn bão. Và đồng chí Nguyễn Văn An, đồng đội của anh khi nhà giàn sụp đổ cũng chỉ kịp thông báo với đồng đội qua điện đàm: “Nếu em không về thì hãy thông báo cho bố mẹ và vợ em nhé. Xin chào đồng đội”.

Sự hy sinh của các anh, nghĩa tình đồng đội của các anh đã lý giải được vì sao các anh luôn trụ vững được giữa nơi đầu sóng ngọn gió, lý giải vì sao các anh vẫn kiên cường vượt qua trùng trùng khó khăn thiếu thốn. Vì các anh đang sống ở nơi không được phép lùi bước. Sự hy sinh của các anh, tình đồng đội của các anh khiến tôi chạnh lòng nghĩ đến cuộc sống của những con người nơi phẳng lặng yên bình. Những con người ấy bon chen, hiềm tỵ, thậm chí dùng cả thủ đoạn với đồng đội của mình. Họ luôn đòi hỏi những điều mà họ không xứng đáng được hưởng. Họ chỉ lo thu vén quyền lợi cho bản thân mình. Thì họ, hãy nhìn vào sự hy sinh của những người lính đảo mà sống cho đáng sống.

Buổi biểu diễn đặc biệt trên đảo Đá Đông A
(Ảnh: Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thành)

5. Còn một sự khốc liệt về tinh thần mà tất cả những người lính giữ đảo đều phải trải qua, đó là nỗi nhớ nhà da diết, nỗi nhớ nhà mặn chát, nỗi nhớ được đo bằng chiều dài hải lý. Nếu ai đã từng đặt chân ra đảo, nơi chỉ có biển và trời thì mới cảm nhận được một cách đầy đủ nỗi nhớ mênh mông ấy. Tất cả những người lính ra đảo họ đều để lại nỗi nhớ ở lại đất liền mà câu chuyện trong bức ảnh của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Thành là một ví dụ. Mới hôm rồi, tôi có xem một chương trình trên truyền hình, một đồng nghiệp đã có mặt cùng các chiến sĩ Cảnh sát Biển làm nhiệm vụ trong những ngày biển động bởi việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển của Việt Nam, chương trình nói về những khoảnh khắc đời thường của những người chiến sĩ làm làm nhiệm vụ chấp pháp trên biển. Anh phóng viên đó đã kể rằng có những người ra biển khi cha đang ốm nặng, có những người còn chưa kịp đặt tên con nhưng trên hết họ vẫn để lại đằng sau nỗi nhớ quê nhà để yên tâm làm nhiệm vụ. 

Vâng, chúng ta có bao nhiêu chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ngoài hải đảo thì chúng ta có bấy nhiêu nỗi nhớ thương để lại đất liền như thế. Còn ở hậu phương có những đứa trẻ ở đất liền, đã thay tiếng nói của cha trong nhà bằng tiếng chuông đồng hồ báo thức. Có những người vợ nhớ chồng chỉ biết nghẹn ngào cất giấu nỗi nhớ vào đêm…

Thì đây, ngay chính anh Trịnh Xuân Trường - nhân vật mà tôi đã nói ở trên. Vợ chồng anh Trường sinh 4 người con nhưng không lần nào anh có mặt ở nhà, anh bảo cứ mỗi lần vào bờ nghỉ phép  là anh chị lại có thêm một cháu. Khi biết tin vợ có thai cháu thứ hai, anh viết thư cho vợ từ đảo Thuyền Chài căn dặn nếu sinh con trai thì đặt tên Hải, nếu sinh con gái thì đặt tên là Hà vì với anh những cái tên đó là núi, là sông, là đất nước, là tiếng sóng mà anh gắn bó từ thuở ấu thơ cho tới sau này. Thế nhưng khi thư về tới nhà thì vợ anh đã sinh con được hơn 3 tháng, lúc đó con anh đã được đặt tên khác rồi. Khi anh về phép thấy gọi tên con là Oanh, thì mới biết thư đã đi mất gần 6 tháng, anh ôm con vào lòng nghẹn ngào nói với con: “Nghiệp của những người lính giữa biển khơi như bố là thế đó con ơi, mong các con lớn nhanh và tự hào về người chiến sĩ hải quân con nhé”. 

Trở về đất liền đã 20 năm, cuộc sống của anh Trường đến nay vẫn chưa hết lo toan bộn bề, nhưng trong câu chuyện anh kể với tôi, có cảm giác như trong lòng anh lúc nào cũng luôn hướng tình yêu, sự quan tâm lớn nhất về một phần lãnh hải mà anh đã từng gắn bó và đổ máu để bảo vệ nó. Anh bảo không có ngày nào là anh không dõi theo những thông tin đến từ biển đảo, đã hơn 20 năm làm nhiệm vụ ngoài biển đảo, nhưng từ bây giờ cho đến lúc nghỉ hưu, nếu được phép thì anh sẽ lại ra thăm những nơi ngày xưa anh đã từng chiến đấu để lại được nhớ về những gương mặt, những nụ cười, những tiếng nói ở các miền quê. Và anh có nói một câu khiến tôi day dứt: “Mong rằng mỗi người dân Việt Nam hãy ra đảo một lần để thấy cảm giác mà như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã từng viết: “Giọt máu thiêng dưới ngầu bọt sóng/ Tổ quốc ơi/ Tiếng chúng tôi kêu lên mà mắt chúng tôi nhìn xuống”.

Một đồng nghiệp của tôi, phóng viên Ngân Tuyền ở Báo An ninh Thủ đô, chị cũng vừa từ Trường Sa trở về, chị nói: “Tất cả chúng ta đều cảm nhận về lòng yêu nước của mình. Nhưng nếu ai đã ra Trường Sa thì sẽ cảm nhận rất khác về lòng yêu nước”. Tôi nghĩ chị nói đúng, vì nhiều người từ Trường Sa trở về đều có chung tâm trạng với chị.

6. Tôi đã xem một bộ phim nổi tiếng - một tác phẩm điện ảnh được đánh giá là xuất sắc nhất về đề tài chiến tranh vệ quốc của Nga. Phim của đạo diễn tài năng Sergey Bondarchuk. Bộ phim mang tên “Họ đã chiến đấu vì Tổ quốc” kể về một Trung đội Hồng quân thiếu thốn trang bị phải chống chọi với một binh đoàn hùng mạnh của phát xít Đức. Trung đoàn bộ binh đã tổn thất số lượng lớn trong trận chiến với Đức nhưng họ vẫn chiến đấu kiên cường. Hình ảnh người lính bị thương vẫn lao lên phía trước giáp mặt với quân thù, hô “Tiến lên vì Tổ quốc”; hình ảnh một người lính bị thương đau đớn đến chết mà vẫn khăng khăng đòi giữ lại đôi ủng để tiếp tục ra trận, anh bị sức ép của bom chấn thương khắp thân thể, tai không thể nghe được, miệng nói không thành lời nhưng vẫn trốn viện trở lại chiến trường để chiến đấu cùng đồng đội của mình vì: “Tôi không thể ở lại đó, mà các anh còn ít quá”. Hình ảnh cuối bộ phim, người chỉ huy Trung đoàn đã hôn lên lá cờ và nói với những người lính: “Hãy giương cờ lên. Chúng ta sẽ chiến thắng. Tổ quốc không bao giờ quên bất kỳ chiến công nào của các bạn, bất kỳ nỗ lực nào của các bạn. Hỡi những người lính! Nếu tình yêu Tổ quốc được giữ gìn ở trong trái tim ta và được giữ gìn cho đến khi trái tim ta còn đập, chúng ta sẽ mãi lòng căm thù giặc trên đầu lưỡi lê mũi súng”… Những hình ảnh đó đã cho thấy sức mạnh của tình yêu Tổ quốc, sức mạnh của chính nghĩa sẽ chiến thắng. Tôi không nhớ chính xác  chi tiết trong phim nhưng ở bộ phim này không chỉ những người lính quả cảm mới là những người anh hùng mà tất cả những người dân bình thường nhất đều là người anh hùng: Một bà cụ già có những người con ra trận; một người vợ vắng chồng vì chiến tranh; một bác sĩ vẫn cười khi bị anh lính chửi rủa; một y tá đã đặt bàn tay của mình lên bàn tay của người lính trong lúc anh ta phải trải qua cơn đau khủng khiếp; hay một em bé gái nhỏ bé nhưng lại vô cùng mạnh mẽ… - Họ đều là những anh hùng khi đất nước cần đến họ, cần đến sự hy sinh của họ. Ở bất kỳ dân tộc nào, mỗi khi đất nước phải trải qua thử thách sẽ có những người con yêu nước biết cùng nhau đứng lên chiến đấu vì Tổ quốc. Bởi lòng yêu nước là bản năng. Chủ quyền lãnh thổ là tối thượng. Việt Nam chúng tôi cũng vậy.

Tháng 5 - những ngày Biển Đông dậy sóng