Hậu duệ của Vua lửa bỏ nhà, một mình sống trong hang đá

ANTĐ - Mấy năm gần đây người dân khu vực xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) gán cho người đàn ông Jarai tên Siu Broang biệt danh “người rừng”, nhưng chẳng mấy ai hiểu rằng phía sau đó là một câu chuyện thương tâm về số phận con người, một con người đã chấp nhận lìa xa xã hội.

Chân dung “người rừng”

Siu Broang (SN 1978), là con thứ hai trong một gia đình đông anh em, tính ra năm nay anh đã 36 tuổi, phải nhờ tới mấy người em của Siu Broang thì chúng tôi mới tìm được đến nơi anh ở bên trên ngọn núi Đá Đứng nhiều huyền thoại của vùng đất này. Anh không ở trong làng, trong nhà như mọi người mà anh ở trong một khe đá thuộc cụm núi Đá Đứng thuộc làng Plơi Dáp (xã Ayun Hạ), cách làng Plei Ơi nơi anh sinh ra, nơi bố mẹ và anh chị em ở chừng một cây số phía bên kia con sông Ayun Hạ.

Để gần được anh, chúng tôi đã phải nhờ một người anh em của anh dùng tiếng Jrai nói chuyện. Người ta gọi anh là “người rừng” cũng đúng, bởi hiện giờ trông anh như một bản sao của người rừng mà ta thường thấy trong phim ảnh với dáng người mảnh khảnh, tóc dài che gần kín khuôn mặt và vắt ngang lưng, nước da đen nhẻm và vấn khố, leo trèo nhanh nhẹn như những loài leo trèo giỏi nhất. Trong suy nghĩ của mọi người, hình ảnh Siu Broang hiện lên với dáng vẻ bề ngoài áo quần tả tơi, tóc tai bù xù, leo trèo giỏi như vượn… khiến họ cảm thấy sợ hãi. “Thấy người lạ là anh ấy chạy biến vào những ngọn núi đá, bụi cây rậm rạp. Anh ấy sợ người lạ lắm”, người dẫn đường kể lại. Chỗ ở của “người rừng” ngoài vài cái chăn rách, vài cái bát vứt lung tung, thì chẳng còn gì. Có người gọi nơi anh nằm ngủ, nghỉ, tránh mưa gió là một cái hang. Nhưng nếu đó được là một cái hang thì tốt biết mấy. Thực ra đó chỉ nên gọi là một cái khe đá không hơn không kém. Cái khe đá ấy khá hẹp, chiều ngang chỉ vừa một người, nghiêng chừng 45 độ. Thế nên khi Broang ở trong cái khe đá ấy, nếu anh muốn ngồi  thẳng người dậy được cũng khó.

Từ khi Broang lên núi đá sống, ngày nào người nhà cũng phải mang cơm lên cho anh, có lúc anh ăn, có lúc anh lên cơn đập phá hết. “Dù mưa gió, nước lớn thế nào gia đình cũng đều mang cơm lên cho anh. Hàng ngày anh hết ở trong khe đá lại đi loanh quanh những bụi cây, rồi leo trèo lên đỉnh mấy ngọn núi. Hầu như lúc nào anh cũng liến thoắng những lời gì đó, hết nói lại hát hò, dù có người hay không có người. Có lúc em nghe được anh nói, có lúc chẳng biết anh ấy nói gì. Tắm thì anh ấy xuống dưới sông. Quần áo lành nhà em đưa lên anh ấy không mặc đâu, chỉ đóng khố bằng cái quần đã rách tả tơi, áo thì cũng chỉ còn một mảnh!”, một người em gái của Broang vẫn thường mang cơm và vật dụng lên cho Broang kể lại. 

Để tìm hiểu nguyên nhân thực sự của việc Broang bỏ nhà lên hang đá sống nhiều năm qua, chúng tôi đã trò chuyện với cha mẹ của Broang là ông Rmah Yơi và bà Siu H’bian, cùng nhiều người thân khác. Ông Yơi bần thần cho biết: “Hồi nhỏ gia đình tôi cũng cho nó đi học, hồi đó người đồng bào ít người được đi học lắm. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tới khi học lớp 3 nó phải bỏ học ở nhà làm lụng giúp bố mẹ. Nó rất hiền lành, chăm chỉ làm lụng. Người ta làm tới 11, 12 giờ là nghỉ ăn trưa, nhưng nó thì thường xuyên làm tới chiều mới chịu nghỉ. Trồng lúa, bắp, chăn nuôi bò heo, cái gì nó cũng làm được hết, mà làm rất nhanh, rất được việc. Ai cũng khen nó hết à!”.

Ông Yơi nói tiếp đến năm 2007, khi đã gần 30 tuổi thì Broang kết hôn với một người con gái làng bên cạnh. Những tưởng đó sẽ là khởi đầu cho một gia đình hạnh phúc, một cái kết đẹp cho người con trai Jarai có khuôn mặt sáng láng, chăm chỉ, thật thà, ai ngờ những bi kịch cứ tiếp diễn. “Mấy năm sau đó, khi đã có một đứa con 2 tuổi nó có dấu hiệu bệnh tật với những biểu hiện đau nhức, nói lăng lung tung không bình thường. Rồi nó đi lên rừng - chỗ gần hồ Ayun Hạ sống gần 1 năm, cũng sống như bây giờ đó, người nhà có khuyên bảo và làm nhiều cách để đưa nó về chữa bệnh nhưng nó nhất quyết không nghe. Tới khi nó bệnh nặng không đi được, chỉ nằm một chỗ, gia đình biết được liền đưa nó đi khám thì bác sĩ chẩn đoán nó bị viêm dạ dày, bệnh viện cho nó nằm viện khoảng 1 tháng. Sau khi nằm viện 1 tháng thì nó được cho ra viện. Nó về sống với gia đình tôi, vợ nó cũng về ở với nó trong nhà tôi. Hơn 1 năm sau hai vợ chồng nó sinh được thêm một người con nữa thì bất chợt nó trở nên như bây giờ. Nó lại đi lên rừng ở, lần này nó ở khu vực núi Đá Đứng, tới bây giờ cũng được chừng 4 năm rồi đó!”, ông Yơi lại kể tiếp về chuyện đời bất hạnh của Broang. “Lúc nó mới bị điên, bỏ lên rừng sống, cả nhà ai cũng buồn phiền, lo lắng, thương xót nó vô cùng”, mẹ Broang, bà Siu H’bian nói. “Nhất là mẹ nó, khóc rất nhiều, không ít đêm bà ấy lục đục một mình đi tìm nó!”, ông Yơi cho hay.

Vẫn biết săn thú và chưa từng làm hại một ai

Ông Yơi cũng cho biết, vì Broang sống một mình trên núi mấy năm qua, nên mỗi khi anh ấy gặp người lạ là bỏ chạy biệt tăm. Kể là người đồng bào ở trong làng lên đây trồng lúa, làm mì, chăn nuôi,… cũng chẳng dễ gì gặp được Broang huống gì người ở đâu. Nhiều người làm mì ở gần chỗ núi Đá Đứng nơi Broang ở hiện nay cho biết Broang không hề làm gì ảnh hưởng tới họ, kể cả lúa, mì họ trồng, heo, gà họ nuôi, Broang không hề phá phách hay lấy trộm. Kết luận về nguyên nhân Broang bệnh tật, ông Yơi suy luận: “Có lẽ do nó bị bệnh viêm dạ dày, sau đó bị biến chứng, thần kinh bị rối loạn nên sinh ra tâm thần đó. Nhà tôi trước giờ chẳng ai bị như nó, cả làng này cũng thế!”. Tính ra Siu Broang đã ở “nơi hoang dã” ngót nghét 4 năm trời. 4 năm có khi chỉ là một cái chớp mắt, có khi dài đằng đẵng như một cuộc đời. Nhưng có lẽ ta nên nhìn nhận cuộc sống của người đàn ông này một cách đầy đủ, mới thấy được rằng Broang đáng thương thế nào. Ông Yơi khẳng định rằng Broang không hề lấy trộm lấy cắp đồ của ai, không hề làm hại ai, ông chưa nghe ai ý kiến về những chuyện này cả. “Lúc nó đi lang thang nhiều ngày, hoặc khi lên cơn đập phá, đổ bỏ hết cơm, đói quá thì nó hái lá cây rừng, quả rừng ăn. Khi gặp người quen nào đó đi qua thì xin ăn, nhưng nếu có người thấy nó tội nghiệp cho nó đồ ăn chưa chắc nó đã lấy!” ông Yơi cho biết.

Nơi vua lửa từng sinh sống

Nơi Broang sống hiện nay - khu vực núi Đá Đứng từng lưu truyền những câu chuyện dân gian, rằng đó là nơi Vua lửa (người có khả năng đặc biệt như chữa bệnh, hô mưa gọi gió) sinh sống, là nơi giấu kiếm thần. Mà kỳ thực, Siu Broang vốn dĩ là dòng dõi Vua lửa càng làm người “nhẹ dạ, mê tín” tin vào một điều gì đó thần bí, mắc nối các sự việc vào với nhau để rồi cho rằng Broang lên đó sống, xa rời xã hội hiện đại để thực hiện “sứ mệnh thần bí” của mình. Khu vực núi Đá Đứng hiện đã bớt hoang vu, khi mà có nhiều người dân lên khai phá gần đó để trồng bắp, trồng mì, chăn nuôi bò, lợn, gà… Tuy vậy theo tìm hiểu của chúng tôi vẫn có một số người dân cho biết mình không dám lên đó làm, chơi vì sợ vi phạm vùng đất thiêng của Vua lửa.

Vì bỏ nhà đến sống nơi hang núi nên vợ của Broang cũng đã không còn muốn làm vợ nữa. Từ khi Broang đi thì người vợ kia cũng dắt con về nhà cha mẹ đẻ sống rồi lấy một người chồng khác. 

“Dù mưa gió, bão tố thế nào nhà em vẫn đều đặn mang cơm lên cho anh Broang. Nếu nước sông Ayun Hạ cạn thì người nhà em lội hoặc bơi qua. Nếu nước lớn quá thì người nhà em đi xa hơn để kiếm cầu đi qua!”, em của “người rừng” cho chúng tôi hay. Gia đình đã nhiều lần tìm cách đưa Broang về nhưng chẳng thể thay đổi được “sở thích kỳ quái của người rừng”. Ông Yơi nói xong, bà H’bian, mẹ Broang mới ngậm ngùi nói tiếp: “Nhiều lúc tôi mang cơm lên cho nó mấy ngày liên tiếp không thấy nó đâu, cơm thì thiu hoặc bị thú rừng ăn đổ tung tóe, thấy mà xót xa lắm. Lúc ấy lo cho nó lắm, sợ nó đi lang thang gặp phải chuyện gì, không thể về được nữa. Còn có lần tôi mang cơm lên cho nó giữa lúc trời mưa gió, thấy nó nằm co trong khe đá, thấy thế tôi không cầm được lòng mình…”. Ngoài việc đi lang thang, hát hò, leo trèo,… thì gần đây Broang còn “săn” được nhiều con thú rừng: “Thi thoảng nó vẫn bắt được vài con thú rừng như nhím, kì đà, rắn, sóc,…

Nhưng có lẽ đó chỉ là may mắn nên nó bắt được thôi. Khi bắt được thì nó gặp người quen là cho liền à, nó cho mà chẳng thèm đòi hỏi gì hết. Mới đây nó bắt được một con kì đà khá lớn, may mắn lúc đó em nó mang cơm lên, nó đưa cho em về bán được ba trăm rưỡi đó! Dạo trước nó bắt được một con sóc con đưa cho em nó về nuôi, bây giờ con sóc vẫn còn sống và thường chạy ra vui đùa với bọn trẻ con nhà tôi đó. Có lẽ con sóc ấy thay nó ở với gia đình chúng tôi”, ông Yơi cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Rah Lan Phun, Phó Chủ tịch xã Ayun Hạ cho biết: “Trường hợp Siu Broang bỏ nhà lên núi sống nhiều năm trời chính quyền địa phương cũng đã nắm được. Chính quyền cũng đã nhiều lần cử lực lượng tới vận động, tuyên truyền và đưa anh Broang về nhưng rồi anh lại bỏ lên núi sống như cũ. Gia đình anh Broang vẫn thường mang thức ăn và quan tâm tới anh Broang và địa phương cũng tìm cách giúp đỡ để đưa anh Broang về chữa bệnh nhưng chưa được!”. Cho dù có chuyện gì đã xảy ra với Broang, nguyên nhân gì khiến anh bị điên lên khe đá sống cũng không còn quan trọng bằng việc phải nhận thấy rằng phía sau anh vẫn có những người thân yêu luôn mong mỏi sẽ có ngày anh bình thường lại để trở về với gia đình, với bà con trong làng.