Hành trình phục thiện của một phạm nhân từ bài báo về một nữ sinh khiếm thị ở Hà Nội

ANTĐ - Phải trả án 12 năm tại trại giam Kim Sơn (Bình Định), nhưng trong một lần đọc được một bài báo về tấm gương khiếm thị vươn lên trong cuộc sống, phạm nhân ấy đã tỉnh ngộ và tích cực cải tạo để trở về sớm hơn thời hạn gần 4 năm. Bây giờ, anh đã có một cuộc hoàn lương đáng trân trọng.

Nguyễn Duy Tân khi trở về cuộc sống đời thường

Hành động dại dột vướng vòng lao lý

Đã mấy năm sau cái ngày anh được ân xá theo quyết định của Chủ tịch nước vì những ngày tháng cải tạo tốt trong trại giam Kim Sơn (Hoài Ân, Bình Định), đến bây giờ anh Nguyễn Duy Tân (SN 1982, ở Hoài Nhơn, Bình Định) vẫn chưa hết bàng hoàng, và cả buồn bã vì những hành động của mình để rồi dẫn anh tới trại giam. Bây giờ, mặc dù đã trở về với cuộc sống bình thường, anh mới thấy cuộc sống đáng quý biết bao. Trong câu chuyện với tôi, anh không khỏi ngậm ngùi khi cho biết mình có được quyết tâm cải tạo tốt ấy là nhờ một tấm gương mà vô tình anh đọc được trên báo lúc mới vào trại giam.

Tân sinh ra trong một gia đình cơ bản tại thị trấn Bồng Sơn. Mặc dù không phải là tay “giang hồ anh chị” gì, nhưng Tân lúc ấy tuổi mới lớn, đang học cấp 3, Tân theo các bạn chơi bời, sinh ra lêu lổng, chểnh mảng việc học. Trong một lần uống rượu say, để giúp một người bạn “trả thù” vì bị đánh, mà nguyên nhân chỉ vì chỗ để xe trong một đám giỗ ở quê. Tân chạy về nhà lấy dao, đám thanh niên bỏ chạy toán loạn nhưng Tân đã xông tới đâm loạn xạ. Một số người liều mình đoạt được cây dao trên tay Tân nhưng đã quá muộn, một người đã chết vì sự nông nổi của Tân. Bước chân xiêu vẹo, Tân chạy như vô định, vừa chạy vừa khóc vừa tự trách mình “Tôi vừa giết người, vừa giết người rồi…”. Khi bước chân vào một ngôi nhà, Tân chui vào góc sâu nhất để trốn. Chưa đầy một tiếng đồng hồ sau, cả làng xôn xao, người nọ truyền tai người kia về việc “thằng Tân giết người rồi bỏ trốn”. Mẹ Tân chạy dọc đường làng tìm con, tiếng gọi khàn đặc. Tiếng kèn trống nổi lên trong đám ma lẫn trong tiếng rú inh ỏi của còi xe công an ám ảnh Tân mãi. 

Tân bị bắt ngay sau đó và bị đưa ra xét xử với mức án 12 năm tù giam. Từ một cậu học sinh Tân bỗng thành kẻ giết người, cha mẹ họ hàng của Tân đau đớn không kể xiết. Biết bao niềm hy vọng vào tương lai của đứa con trai bỗng dưng tiêu tan chỉ vì tính “anh hùng rơm” của tuổi mới lớn. Tân ngậm ngùi kể lại: “Hồi em bị bắt, mẹ em ốm nặng một trận tưởng chừng không qua khỏi. Lúc tòa tuyên án em 12 năm em chỉ muốn chạy tới chỗ mẹ mà quỳ xuống xin cha mẹ tha thứ. Em biết cha mẹ em đau lòng lắm nhưng lúc ấy em chẳng thể làm gì được, những ngày tháng trong trại là những ngày tháng em day dứt mãi. Chỉ vì hành động nông nổi của em mà làm khổ cả gia đình!”. Tân nhập trại, những ngày đầu suy nghĩ bi quan chán nản cứ bủa vây, có lúc Tân đã nghĩ đến cái chết để tạ lỗi với người thân trong gia đình, nhưng được sự khuyên nhủ của các cán bộ trại giam Kim Sơn, Tân dần nguôi ngoai. Đặc biệt, trong những lần được gia đình lên thăm nuôi, lúc nào Tân cũng hỏi thăm về mẹ. Và rồi trong những lần thăm nuôi ấy, Tân đã có được một tờ báo mà nhờ đó Tân đã thay đổi hẳn suy nghĩ của mình…

Mơ ngày hoàn lương từ một bài báo

Từ ngày vào trại, cuộc sống của Tân chỉ là bốn bức tường. Niềm vui và cũng là sự ngóng đợi duy nhất mỗi ngày của Tân là buổi chiều tà, vào tầm 4h30 chiều, từ chiếc loa phát thanh của trại sẽ phát ra những ca khúc ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước, là những thông tin kinh tế xã hội và tuyên truyền pháp luật. Tới khi Tân bừng tỉnh, nhận ra khoảng khuyết thiếu vô biên trong tâm hồn thì chân đã vướng xiềng, bản thân đã rơi vào vòng lao lý, đếm ngược ngày tháng dài đằng đẵng để được trở về với gia đình.

Hỏi chuyện về bài báo mà Tân đọc được để thay đổi cuộc đời mình, Tân cười: “Lúc ấy em đang tuổi đi học, lại ham đọc sách lắm mà trong trại thì sách báo cũng có chừng nên có được tờ giấy nào có chữ là em đọc hết. Nhưng phải nói thật rằng chính vì đọc được bài báo về cô gái mù được tôn vinh em mới thấy cuộc đời mình còn có ánh sáng, em mới thấy được mình còn cả tương lai dài ở phía trước cần cố gắng. Tại sao một cô gái mù còn làm được những điều phi thường như thế, mình như thế này sao lại buông xuôi. Khi đọc xong bài báo ấy, em nghĩ nhiều lắm, cộng với đó là những lời khuyên của các cán bộ trại giam đã thức tỉnh em. Em cố gắng từng ngày cải tạo thật tốt để sớm được về với gia đình!” Tân tâm sự. Nhân vật mà Tân đọc được chẳng phải ai xa lạ, chính là cô gái mù có tên Đào Thu Hương. Đó là một cô gái vô cùng đặc biệt chính nhờ nghị lực vượt khó, lòng tin yêu vào cuộc sống, sự đồng hành thầm lặng nhưng gắn bó của người mẹ, đã giúp cô gái trẻ không chỉ trở thành nữ sinh khiếm thị đầu tiên của Việt Nam được Tập đoàn phần mềm hàng đầu thế giới Microsoft vinh danh “Anh hùng thầm lặng”, được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc cách tuyển thẳng vào đại học, và cũng là 1 trong 120 gương mặt thủ khoa xuất sắc của Hà Nội năm 2010.

Khâm phục tấm gương nghị lực của Hương, Tân giật mình tự hỏi: Mình sinh ra trong một gia đình tử tế, bố mẹ hết mực thương yêu con cái như vậy, tại sao mình lại như thế này? Vậy là Tân cầm bút viết thư cho Hương, viết để được chia sẻ, giải tỏa nỗi lòng, viết như một lời hứa với chính bản thân quyết tâm làm lại cuộc đời. Và Tân đã thực hiện lời hứa ấy bằng nỗ lực cải tạo thật tốt để sớm được trở về. Tân kể, từ ngày đọc được bài báo về Hương, Tân không còn những suy nghĩ bi quan nữa, thay vào đó là một niềm tin mãnh liệt về ngày được đoàn tụ cùng gia đình. Tân chịu khó đọc sách hơn, chịu khó làm việc và chấp hành rất tốt nội quy của trại. Không những thế, Tân còn truyền niềm tin của mình cho những phạm nhân cùng phòng khác, Tân kể những câu chuyện về ngày trở về đầy hạnh phúc mà Tân đọc được để khơi dậy niềm tin từ những bạn tù. Và có lẽ Tân là một phạm nhân khá đặc biệt của trại giam Kim Sơn này, bởi khi đó Tân là một tội phạm giết người trẻ tuổi nhất của trại giam. Và Nguyễn Duy Tân đã được đặc xá trước thời hạn 3 năm rưỡi cùng với 2 cái nhất: là người tích cực hoạt động nhất và được đặc xá trong thời hạn ngắn nhất. Ngày về, trong ba lô của Tân chỉ có một bộ quần áo, ảnh của người thân và những lá thư của Đào Thu Hương. Mẹ Tân đã khóc khi đọc những bức thư ấy. Bà gọi điện thoại, bày tỏ lòng khâm phục và cảm ơn Hương đã giúp Tân tỉnh ngộ để có ngày sum họp sớm với gia đình.

Nhớ lại lúc mới ra tù, không vốn liếng, không nghề nghiệp, lại thêm mặc cảm, đã có lúc Tân bị đám người xấu rủ rê làm ăn phi pháp “bảo kê” các quán bar, vũ trường, karaoke, rồi sử dụng ma túy... nhưng hơn lúc nào hết, đã một lần phạm sai lầm để rồi phải trả giá, Tân luôn lấy tấm gương của cô gái mù để phấn đấu, và rèn luyện bản lĩnh của mình. 

Vẫn biết cuộc đời này không có chuyện cổ tích, nhưng nguồn sáng tri thức và nghị lực của cô gái khiếm thị đặc biệt này, đã viết nên một câu chuyện kỳ diệu. Gần 5 năm đã trôi qua, nhưng các cán bộ vẫn giữ gìn cẩn thận 7 lá thư của Nguyễn Duy Tân tại Trại giam Kim Sơn, Hoài Ân, Bình Định gửi cho Đào Thu Hương. Một trong những lá thư ấy có đoạn: “Hương đã làm bừng lên lòng nhiệt huyết, ngọn lửa khát khao của những ước mơ và hoài bão dường như đã tắt ở trong tôi, đã cho tôi thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm, truyền cho tôi niềm tin, nghị lực để tôi tự đứng dậy, làm lại cuộc đời”. Thượng tá Thân Hùng Hạnh, Giám thị Trại giam Kim Sơn cho biết: “Mỗi phạm nhân ở đây đều có những hoàn cảnh phạm tội và cuộc sống khác nhau, nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng động viên họ nhìn thấy ánh sáng để cải tạo thật tốt, sớm trở về với gia đình và cuộc sống bình thường. Trường hợp Nguyễn Duy Tân có lẽ là đặc biệt và hy hữu nhất ở trại giam này đã tự nhận ra và cải tạo thật tốt từ một tấm gương ngoài cuộc sống đời thường. Ngay chính bản thân Nguyễn Duy Tân cũng là một bài học mà chúng tôi vẫn trao đổi với các phạm nhân ở đây!”