“Hai lúa” chế tạo máy

ANTĐ - Nhìn dáng người “rặt” nông dân, không ai ngờ trên khuôn mặt có phần khắc khổ nhưng có đôi mắt sáng lạ ấy lại ẩn chứa một khát vọng, một tài năng đáng nể phục.

Bằng việc cải tiến chong chóng và tốc độ quay của nó, chiếc bơm nước của ''hai lúa'' Trần Quang Phụ đã có mặt khắp mọi nơi trong cả nước

Người nông dân ấy đã bỏ xa thành thị, lên vùng nông thôn sống với ký ức ruộng đồng, giúp nông dân chế tạo những loại máy với tính năng vượt trội để đưa vào sản xuất. Đó chính là “hai lúa” Trần Quang Phụ (thôn An Xuân, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh TT- Huế).

“Quay lại” với đồng ruộng

Ngồi trò chuyện cùng “hai lúa” Trần Quang Phụ bên chén trà ấm, ông bảo: “Cuộc đời tui sinh ra và lớn lên cùng với ruộng đồng, cha mẹ nghèo không có điều kiện cho con học cái chữ thì cho học nghề. Có nghề rồi tui vẫn quay lại chế máy móc để phục vụ trên ruộng đồng. Cái duyên của tui với nghề nông là ở chỗ đó".

Năm 1967, quê hương Quảng An chiến tranh, khói lửa điêu tàn, ruộng đồng xơ xác. Cái gia đình nghèo của ông xưa nay sống nhờ ngọn lúa cọng khoai càng chật vật trăm bề. Một năm sau, bố ông mất, người mẹ nghèo mót từng cọng rau trên mảnh ruộng chua phèn để nuôi con nay cũng đã kiệt sức! Nhìn quê hương xơ xác, vì kế sinh nhai ông khăn gói xuống Huế theo học nghề cơ khí. Ông nhớ lại: “Hồi đó không có lấy chiếc xe đạp mà đi chứ đừng nói là xe máy. Hàng ngày tui cuốc bộ gần 20km từ nhà về “trường” cơ khí. Cứ ngày đi, ngày về, sau 2 tháng thì tui được chủ nhận nuôi cơm, tìm được nhà bà con xin ở lại Huế”.

Thuở đó, nghề cơ khí như một thứ nghề “lạ” ở vùng đất Quảng An. Ruộng đồng cứ sản xuất theo phương thức cổ truyền: con trâu đi trước cái cày đi sau. Người nông dân chưa biết gì về máy móc, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất. Ấy thế mà chàng trai trẻ Trần Quang Phụ đã nhìn thấy được cái hữu ích của nghề cơ khí sẽ giúp nông dân sau này. Hỏi về cái “cơ sự” dẫn ông đến với nghề, ông bảo: “Xưa nhà tui cũng có mần ruộng. Vùng Quảng An là vùng đất trũng, cứ nhìn bà con còng lưng đạp, tát nước mỗi khi ruộng khô hạn hay ngập úng mà xót xa. Hình ảnh đó ám ảnh tôi mãi, thế là tui nghĩ đến nghề sửa chữa, chế tạo máy đưa vào sản xuất nông nghiệp nâng cao năng suất, tiết kiện sức lao động cho bà con.”

Một góc xưởng cơ khí của "Hai lúa"

Sau hai năm học nghề ở xưởng cơ khí, với bản tính cần cù, thông minh, “hai lúa” Trần Quang Phụ đã được chủ trả lương. Ông dí dỏm: “Lương của tui hồi đó bằng lương của một thiếu tá Ngụy một vợ một con. Khi cầm đồng tiền trong tay tui nghĩ, nếu ở lại Huế thì chỉ sung túc cho bản thân mình thôi. Bà con đang cần mình...”. Có nghề cơ khí trong tay với mức lương “mơ ước” của bất kỳ một nông dân hay một người thợ nào vào thời điểm đó, ông không chọn cho mình cuộc sống sung túc ở thành thị mà trở về vùng đất quanh năm chiêm trũng Quảng An để bắt đầu “sứ mệnh” truyền nghề, chế tạo máy đưa vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thôi thúc sáng tạo

Năm 1972, dấu ấn đầu tiên khẳng định tài năng đáng nể phục của hai lúa Trần Quang Phụ là việc chế tạo thành công máy bơm nước với tính năng ưu việt hơn loại máy nhập từ Nhật Bản hồi đó. Những năm đó, ruộng đồng Quảng An bát ngát nhưng chỉ có một vài máy bơm của những gia đình khá giả. Có ít đồng vốn trong tay, ông bỏ tiền mua phế liệu về từ những hộ dân buôn bán trong xã. Hơn một tháng mày mò bên đống sắt vụn với hỗn tạp những âm thanh từ cưa, hàn lắp ghép, hình hài chiếc máy bơm đã thành, mang ra ruộng bơm thử thì… nước không lên được. Không nản, rã chiếc bơm ra lại ông bắt đầu chú ý đến nguyên lý hoạt động, cánh quạt, tốc độ quay của chong chóng…

"Hai lúa" bên hệ thống bơm cải tiến ''nức tiếng'' một thời

Ông bảo: “Máy Nhật với 12 mã lực nhưng quay chong chóng nhỏ, không thể nén nước, bùn lên cao và nhiều được. Vả lại, nhược điểm của nó là càng hoạt động nhanh, mạnh thì càng mau hỏng. Về động cơ thì không thay đổi nhưng vấn đề ở chỗ bộ phận bơm nước, muốn tiết kiệm nhiên liệu của động cơ trong một đơn vị thời gian thì phải cải tiến bộ phận bơm, trong đó chong chóng đẩy nước là bộ phận quyết định”.

Sau khi nắm kỹ nguyên lý đó, chiếc máy bơm thứ 2 ra đời trong sự thành công ngoài mong đợi của ông và phấn khởi của hàng nghìn nông dân Quảng An suốt một đời chân lấm tay bùn. Ông Lý giải: “Bằng việc thay đổi kích thước và vòng quay của chóng chóng của máy bơm, phần vỏ bơm được chế tạo sao cho lực nén mạnh hơn trước. Trong vòng 1 giờ đồng hồ, máy bơm do tui chế có thể bơm được 500m3 nước nhưng tiêu hao nhiên liệu chỉ bằng ½ máy bơm của Nhật, giúp bà con nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất và công sức lao động”. Máy bơm mang thương hiệu “hai lúa” Trần Quang Phụ rất phù hợp với ruộng đồng, địa hình ở vùng đất lúa Quảng An.

Những năm đầu của thập niên 80, 90, máy móc bắt đầu manh nha đưa vào trong sản xuất nông nghiệp nhằm thay thế sức người. Ông tiếp tục xứ mệnh của mình bằng việc trở thành người thợ sửa chữa máy, người thầy dạy nghề cơ khí cho hàng trăm học trò là con em nông dân trong thôn xã. Không chỉ dừng lại bằng việc mở xưởng cơ khí, dạy nghề, từ đống phế liệu ông không ngừng cho ra đời những sản phẩm từ máy hút bùn, máy xay xát, may gặt lúa đến máy xúc đất. Sản phẩm của ông với độ bền cao, tính năng vượt trội và hơn cả là giá thành “mềm” hơn các loại máy khác nên được nông dân khắp nơi trong tỉnh tin dùng. Đặc biệt, từ chiếc máy bơm đầu tiên, thương hiệu “hai lúa” Trần Quang Phụ đã vươn xa không chỉ trong tỉnh mà còn vào Nam ra Bắc. Từ khắp các cửa hàng nông cụ miền Trung đều có chiếc máy bơm cải tiến của ông.

Nói về “hai lúa” Trần Quang Phụ, ông Trần Quang Chính, một nông dân ở Quảng An cho hay: “Thợ cơ khí thì tui thấy nhiều rồi nhưng với ông Phụ, một người không bằng cấp, không được học hành đến nơi đến chốn mà lại có những sáng kiến hữu ích mang tầm trí tuệ như ông thì thật hiếm thấy. Bà con nông dân TT- Huế và các tỉnh khác tin dùng sản phẩm nông nghiệp của ông không chỉ vì tính ưu việt vượt trội mà còn là tấm lòng của ông đối với quê hương, thấu hiểu được gian nan của người nông dân trên đồng ruộng”.

Đỡ đần nông dân

“Hai lúa” chế tạo máy ảnh 4
''Hai lúa'' Trần Quang Phụ đang chỉ dẫn cho những người học trò của mình

Ngồi trò chuyện cùng ông, chốc chốc lại có các đơn vị đến ký hợp đồng hay người nông dân mang máy móc đến nhờ ông sửa. Từ khi bước vào nghề cơ khí đến nay, ông không còn nhớ rõ mình đã sáng chế, sửa chữa bao nhiêu máy móc trong lĩnh vực nông nghiệp để “đồng hành” cùng nông dân ra đồng. Như một sự đền đáp xứng đáng cho một con người gần cả cuộc đời gắn với đồng ruộng, với người nông dân. Năm 2003, ông được vinh dự ra Hà Nội đại diện tham gia gương điển hình nông dân có những sáng kiến hay, chế tạo các thiết bị trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Dịp này, ông cũng có cơ hội học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm về chế tạo máy, những sáng kiến mới đưa vào áp dụng trong ngành nông nghiệp của những “hai lúa” điển hình trong cả nước.

Bằng việc thành lập doanh nghiệp Quang Phụ thương hiệu của ông đã lan xa đến khắp mọi miền. Tên tuổi ông đã gắn với dấu ấn những công trình quan trọng trên dải đất miền Trung như nạo hút thủy lợi, làm dầm móng bê tông cầu Bến Hải (Quảng Trị), cầu sông Gianh (Quảng Bình) đến các tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An... Gần đây nhất là các công trình nạo vét dòng sông Ngự Hà, sông Đông Ba ở Huế, các nhà thầu muốn thành công thì không thể không hợp đồng cùng ông được. Sáng chế gần đây nhất của ông là cho ra đời chiếc máy xúc đất từ động cơ gắn với xà lan rất hữu ích mà việc xây dựng ao hồ nuôi tôm, làm kênh đê đập thủy lợi của bà con nông dân đỡ vất vả, hiệu quả hơn nhiều so với trước. “Đối với máy Nhật khoảng cách lấy đất lên bờ chỉ được 10m, do nó được chế tạo cần trục nhỏ, chỉ có 2 ổ bi. Nhờ cải tiến lại cần trục lớn hơn, có 4 ổ bi làm trụ đỡ chịu lực tốt, qua hai lần chuyển nhong nên khoảng cách lấy đất lên đến 30m, hiệu suất làm việc tăng lên gấp đôi máy thường” - "hai lúa" Trần Quang Phụ cho biết.

Dù đã nước sang cái tuổi 62, ông Phụ vẫn miệt mài làm việc chưa ngưng nghỉ. Với ông, ký ức về ruộng đồng là nguồn sống thôi thúc những sáng tạo…

“Tôi cũng là một nông dân, sinh ra và lớn lên cùng mùi rơm rạ trên ruộng đồng, khi tôi còn sức được phục vụ nông dân đó cũng là niềm hạnh phúc” - “hai lúa” Trần Quang Phụ, bộc bạch.