Hà Nội: Làng nghề ô nhiễm, khởi nguồn dịch, bệnh

ANTĐ - Việc đổ nước thải trực tiếp ra cống rãnh của người dân các làng nghề, trong nhiều năm qua đang gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng. Những dòng sông chết hình thành, nguy cơ bệnh tật phát sinh.

Hà Nội: Làng nghề ô nhiễm, khởi nguồn dịch, bệnh ảnh 1 
Những cống rãnh đoạn đi qua Cầu Dầm, Dương Liễu (Hoài Đức) không có nắp đậy,
nước đen đặc, sủi bọt và bốc mùi hôi thối


Khiếp sợ vì mùi hôi thối của phân lợn

Khảo sát tại làng Ngự Câu (xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) - một làng nghề có truyền thống làm bánh tráng nổi tiếng gần 40 năm nay - người dân nơi đây vẫn thản nhiên xả nước để làm bánh ra các cống rãnh trong làng.

Chị Nguyễn Thị Bé - một hộ dân làm nghề tráng bánh trong thôn, cho biết: “Trong các khâu làm bánh tráng thì hầu hết đều cần phải sử dụng đến nước: nước để vo gạo, để lọc bột... Nhà nào chăn nuôi thì chỉ giữ lại một ít dùng cho lợn ăn còn đâu thì đổ xuống cống. Ở đây ai cũng thế cả.”

Thôn Ngự Câu là thôn đông dân thứ 2 của xã An Thượng. Có 52/831 hộ dân trong làng làm nghề tráng bánh. Trung bình mỗi ngày các lò trong làng tiêu thụ khoảng 3 - 4 tấn gạo, tương đương với 2,5 - 3 tấn bánh thành phẩm. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng ngày có một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý cứ thế thải ra môi trường.

Không chỉ có nước thải làng nghề, việc tận dụng các sản phẩm thừa để phát triển chăn nuôi lợn cũng đang làm tình trạng môi trường nơi đây xuống cấp trầm trọng hơn. Nước bẩn bốc mùi hôi thối đặc quánh lan tỏa vào mọi ngóc ngách ở vùng quê này, đặc biệt là đoạn đường đi qua trường Trung học cơ sở An Thượng.

Ông Nguyên Công Hồ, người dân thôn Ngự Câu cho biết: “Cả xóm ai cũng phải kêu vì mùi hôi thối của phân lợn. Những ngày trời nắng nóng, cống rãnh bốc mùi thì chúng tôi không thể chịu được. Ngay đây cũng có một nhà nuôi tới 20 con lợn, xả phân trực tiếp ra cống này. Có hôm, tôi và những người dân trong xóm còn thấy cả một con lợn chết trôi dưới cống - ngay trước cửa nhà. Chẳng biết ai vứt vào lúc nào nhưng người dân quanh khu vực này không chịu nổi mùi hôi thối, nên đành phải hô hào nhau cho vào túi ni lông và mang đi chôn cẩn thận.”

Đi vào trong làng, hầu hết những chiếc cống ở đây đều rất nhỏ, chỉ vỏn vẹn khoảng 1 gang tay người lớn và không có nắp đậy, rác chất đống. Ở những chỗ rãnh cao, nước thải bị ứ đọng lại đen kịt, sủi bọt, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Qua tìm hiểu, tất cả các cống rãnh trong làng được xây từ năm 1994 đến nay cũng đã 24 năm. Chúng đã cũ và đều không đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Chị Hương, 29 tuổi, làm nghề buôn bán, bức xúc nói: “Tình trạng này xảy ra đã lâu, thỉnh thoảng tôi cũng thấy chính quyền cho người đến vớt rác để khơi thông cống rãnh, nhưng họ vớt rác xong lại để ngay trên mặt bờ, không cho xe đến thu dọn. Chó, mèo lại cào bới và khi rác khô, chúng lại bay đi khắp nơi”.

Trao đổi sự việc trên với ông Đào Văn Khánh, trưởng thôn Ngự Câu, được biết: Hầu hết các hộ trong thôn ngoài việc tráng bánh còn kết hợp với phát triển chăn nuôi lợn để kiếm thêm thu nhập. Hộ nào ít cũng chăn nuôi 4 – 5 con. Gọi là làng nghề nhưng không có sự tập trung mà làm nghề nhỏ lẻ. Chính vì vậy, việc quản lý cũng như xử lý nước thải rất khó khăn. Bên cạnh đó, nếu mỗi hộ gia đình muốn làm nghề thì ít nhất cũng phải đầu tư đến cả trăm triệu đồng tiền mua máy, đấy là chưa kể phải có hàng tấn thóc trong nhà. Việc mỗi hộ xây dựng và vận hành hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm khí bioga là điều rất khó thực hiện vì mỗi nhà chỉ nuôi với số lượng ít, chi phí xây dựng lại tốn kém nên đầu tư cả một khoản tiền lớn rồi để đó thì không được, buộc phải xả chất thải chăn nuôi ra môi trường. Chính quyền thôn đã thành lập 2 đội vệ sinh môi trường để đi dọn dẹp, khơi thông cống rãnh hàng tuần, nhưng tình trạng ứ đọng vẫn tồn tại.”

Hà Nội: Làng nghề ô nhiễm, khởi nguồn dịch, bệnh ảnh 2
Ông Đào Văn Khánh, trưởng thôn Ngự Câu nói về vấn đề ô nhiễm ở đây 


Dòng sông chết hình thành

Không chỉ có An Thượng, nếu từ đường Cầu Giấy đi thẳng về hướng Quốc lộ 32 hơn chục cây số, làng nghề Dương Liễu (huyện Hoài Đức) vốn nổi tiếng là nơi cung cấp miến cho phần lớn các quán ăn và nhà hàng ở Hà Nội cũng đang rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Anh Nguyễn Văn Hưởng (41 tuổi), chủ cơ sở chế biến tinh bột đót để làm miến ở đây cho biết: “Những củ đót mang về thường rất bẩn. Trước khi đem đi chế biến phải rửa nhiều lần bằng nước cho sạch. Nước và bã thừa sẽ theo nước chảy xuống cống thôi!”

Nói về việc nguồn nước ô nhiễm có thể gây bệnh tật cho người dân nơi đây, theo bà Bá Thị Hồng - trưởng trạm y tế xã Dương Liễu cho biết: “Hầu hết mỗi gia đình nơi đây đều sắm những thiết bị lọc nước đắt tiền. Họ mua các sản phẩm về công nghệ xử lý nước thải của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Nguồn nước uống của người dân hoàn toàn là nước sạch”.

Phải chăng, do nguồn nước bị ô nhiễm nên mỗi gia đình ở Dương Liễu buộc phải trang bị cho mình những thiết bị lọc nước đắt tiền như vậy để bảo đảm sức khỏe?!

Mỗi ngày, ở Dương Liễu có hơn 400 hộ gia đình với hàng trăm tấn bột sắn và bột đót được sơ chế, tẩy rửa và đem đi chế biến thành các sản phẩm. Các chất thải đều được xả thẳng ra cống rãnh, ứ đọng ngoài cửa sông Đáy. Con sông đẹp như tranh vẽ ngày nào giờ biến thành sông Tô Lịch thứ hai của thủ đô. Theo họ, cả làng ai ai cũng làm như vậy. Trừ khi chính quyền cấm và có cách giải quyết tốt hơn thì người dân mới thay đổi cách làm này. Tâm lý “cha chung không ai khóc”, mạnh ai nấy làm đã khiến cả làng nghề bốc mùi hôi thối nồng nặc ngay từ đầu làng tới cuối làng.

Hà Nội: Làng nghề ô nhiễm, khởi nguồn dịch, bệnh ảnh 3
Một góc con sông Đáy, nước sông đen ngòm, hôi tanh, rác vứt bừa bãi trên bờ


Khốn đốn vì ô nhiễm

Không chỉ người dân xã An Thượng, Dương Liễu mà hơn 1.700 hộ dân ở xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, cũng là nạn nhân của sự ô nhiễm này khi hàng ngày, hàng giờ, họ phải hứng chịu mùi hôi tanh từ nước sông Đáy. Con sông Đáy đoạn chảy qua địa phận xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, ngày một trở nên đặc quánh vì ô nhiễm. Nước sông đen kịt. Thật khó cho một sinh vật nào có thể tồn tại dưới dòng nước bẩn này.

Bà Trần Thị Thắm, người xã Văn Võ kể: “Mỗi lần ra ngoài là tôi phải bịt khẩu trang kín vì nước sông bốc mùi nồng nặc. Ai không quen còn bị nôn khi ngửi thấy mùi này. Nước đấy mà động tay xuống thì về rửa kiểu gì cũng không hết mùi.”

Người dân ở đây cho biết: 20 năm về trước, họ vẫn đi lấy nước dưới sông Đáy về ăn uống, tắm giặt, phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Nhưng giờ nó ô nhiễm quá nặng. Nước sông Đáy không dùng được vào việc gì. Người dân không dám lấy nước ấy để dẫn vào ruộng, chỉ đem tưới cây trong vườn thôi, cây cũng không sống nổi.

Không giống như các gia đình ở Dương Liễu có nghề bún, miến, họ đầu tư mua sắm các thiết bị lọc nước đắt tiền nên nguồn nước ăn uống, sinh hoạt hoàn toàn được đảm bảo; theo thống kê, tại Văn Võ mới có khoảng 30% hộ dân dùng nước mưa để ăn uống, 70% còn lại vẫn phải ăn nước giếng khoan.

Tuy nhiên, dù giếng khoan ở đây có độ sâu đến 50m, nhưng nước lấy lên vẫn nổi váng và có mùi tanh khó chịu. Để bảo vệ sức khỏe, hệ thống lọc nước của mỗi gia đình nơi đây cũng rất cầu kỳ. Nước được lấy từ giếng khoan, cho chảy qua 2 bể xi măng đựng đầy sỏi rồi mới dám dùng để nấu nướng.

Điều đau lòng là trong 2 năm vừa qua, tại xã Văn Võ có đến 10 người chết vì bệnh ung thư vòm họng. Những cái chết bởi căn bệnh ung thư quái ác trên đã và đang khiến người dân trong xã ai cũng hoang mang lo sợ và không biết phải làm sao để thoát khỏi “lưỡi hái” của tử thần, khi mà hằng ngày họ phải ngửi, phải sử dụng nguồn nước không sạch này.

Đâu là lối thoát?

Bà Hải, 60 tuổi, người dân xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) phản ánh: Khu vực cầu Chợ Đồng, bắc qua kênh T2, Km 5 + 343, đường Song Phương Vân Côn, vào tháng 11, 12, nếu qua đây thì không thể nào ngửi được. Nước ở dòng kênh này váng hết một lượt, dày đặc và đen sì do nước làm đót, làm sắn của làng nghề Cát Quế thải ra. “Họ làm cả trăm tấn, nước thải ra hỏi sao không đen.”

Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm đến xã Cát Quế thì người dân ở đây lại nói rằng trên Dương Liễu mới làm nhiều đót, nhiều sắn và họ “đổ lỗi” cho dòng nước đen ở con kênh trên là do từ Dương Liễu thải xuống, rồi đổ ra sông Đáy.

Trách nhiệm chưa rõ thuộc người dân của làng nghề nào hay tất cả các làng nghề ở khu vực này cộng lại, đấy là chưa kể đến các nhà máy, xí nghiệp, xưởng chế biến với đủ loại chất thải đang từng giờ, từng ngày xả trực tiếp xuống lòng sông Đáy? Nhưng sự ô nhiễm của nước con sông này đã và đang đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân Văn Võ nói riêng và cư dân hai bên bờ sông nói chung. Đã không biết bao nhiêu lần, họ viết đơn lên các cơ quan chức năng kêu cứu nhưng giải pháp và sử cải thiện cho con sông và môi trường ở đây đến đâu thì câu trả lời cần được thời gian chứng minh và giải đáp.

49 tỷ đồng cải thiện môi trường 3 làng nghề

Theo thoibaotaichinhvietnam, đó là số tiền mà UBND TP Hà Nội quyết định chi để đầu tư xây dựng hệ thống thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn xã Dương Liễu phục vụ thu gom nước, rác thải của 3 xã Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai, huyện Hoài Đức, giai đoạn II. Thời gian xây dựng sẽ diễn ra trong 3 năm (2014-2016) do xã Dương Liễu làm chủ đầu tư.

Theo quyết định số 4949 vừa ban hành của UBND Thành phố, việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật dự án trên bao gồm các hạng mục: Đấu nối hệ thống cống ngầm từ hồ điều hoà sang nhà máy xử lý nước thải tập trung Cầu Ngà; cải tạo, nâng cấp hệ thống tuyến mương thoát nước từ cửa nhà máy xử lý tập trung Cầu Ngà đi kênh tiêu T2.

Bên cạnh đó, xây dựng mương thoát nước từ khu vực trạm y tế xã Minh Khai đến nhà máy xử lý nước thải tập trung Cầu Ngà; cải tạo, nâng cấp tuyến đường bằng bê tông xi măng từ cầu Đan Hoài đến kênh T2, dài khoảng 945m, rộng 9m phục vụ sản xuất của làng nghề và vận chuyển rác thải...