Đàn bà ở “xã không chồng”…!

ANTĐ - Cái tên “xã không chồng” là do nhiều người tự đặt khi nghe thấy ở xã này có hơn 200 phụ nữ đơn thân. Mỗi mảnh đời một hoàn cảnh, họ chấp nhận cuộc sống đơn thân nuôi con, nhìn vào đó là sự cảm thông đến nghẹn lòng.

Kỳ lạ xã nhiều phụ nữ đơn thân

Nghe tin đồn thổi về vùng đất bị ma ám, mà những người phụ nữ ở đây không thể lấy chồng hoặc lấy được chồng thì chồng bị tai nạn, bị chết vì bệnh lạ; khiến cho những người phụ nữ ở đây không dám đi thêm bước nữa, nỗi ám ảnh khiến nhiều người khiếp sợ, phóng viên đã đến tìm hiểu thực hư lời đồn.

Để tìm hiểu về phần đời những người phụ nữ sống đơn thân, chúng tôi có mặt ở xã Hà Thượng (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), khung cảnh thật khác xa với những gì chúng tôi đã mường tượng, vùng đất chè với những đồi núi bạt ngàn màu xanh, thì trước mắt chúng tôi là cả một khu công trường lớn nhộn nhịp người xe qua lại. Nhưng ẩn sâu bên trong không khí như trầm lắng dần, nó lặng lẽ như những mảnh đời bất hạnh nơi đây.

Hỏi thăm đến gia đình chị Phạm Thị Tư (39 tuổi) có chồng bị bệnh tim mất cách đây đã được gần 9 năm, lúc ấy anh để lại cho chị Tư hai đứa con thơ mà đứa lớn mới 3 tuổi, đứa nhỏ mới hơn 1 tuổi, gia cảnh khó khăn nên bà con trong làng ai thấy cũng thương tình giúp đỡ. Chị Tư chia sẻ: "Từ khi chồng mất đi, tôi vất vả tối ngày làm thuê, làm mướn đủ việc để lo nuôi cho hai cháu khôn lớn. Chưa kể đứa con trai lớn của tôi lại mới phát hiện bị bệnh nên thường xuyên phải đi tiêm thuốc điều trị rất tốn kém mà tiền thì làm ngày càng khó khăn...".

Vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, những người phụ nữ ở đây, chỉ biết vùi mình vào công việc đến tối ngày, lầm lũi như "con tằm" nhả tơ, vắt sức làm lụng để nuôi dưỡng con cái trưởng thành. Bà Nguyễn Thị Nụ (SN 1956, hội viên CLB Đồng cảm 2) chia sẻ hoàn cảnh của mình: "Chồng tôi mất cách đây 7 năm một mình tôi đã phải làm lụng đủ mọi việc để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Mặc dù thiếu thốn đủ đường, nhưng mỗi khi nghĩ đến sự thành đạt của các con của mình, tôi luôn lấy đó là niềm an ủi lớn nhất cuộc đời, vì thế lại gắng gượng cho qua ngày...".

Bà Phạm Thị Minh (Chủ nhiệm câu lạc bộ Đồng cảm 2) cho biết: "Mặc dù đã có báo cáo về con số lên chính quyền địa phương, tuy nhiên vẫn còn chưa chính xác hết được, vì có người chuyển đi và chuyển đến hàng năm, do hiện nay có nhiều hộ vì đã dành đất cho dự án nhà máy khai thác quặng nên không có việc làm. Riêng xóm 9 do tôi làm Chi hội trưởng phụ nữ có 95 hội viên thì 42 hội viên không chồng nuôi con một mình rồi...”

Bà Triệu Thị Hoàn (Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hà Thượng) chia sẻ: "Xã Hà Thượng có 13 thôn và số phụ nữ không chồng cũng rải rác ở các thôn trên địa bàn, cả xã có 203 phụ nữ không chồng và đơn thân nuôi con, đa phần họ đều đang phải sống trong cảnh thiếu thốn và nghèo khó...".

Đi tìm uẩn khúc bên trong "xã không chồng"

Ngoài những khó khăn về vật chất đời thường mà những người phụ nữ ở đây phải đối mặt hằng ngày trong cuộc sống, phải đảm đương công việc của người đàn ông trong gia đình, họ còn chịu đựng một thiệt thòi lớn về mặt tình cảm. Qua tìm hiểu của chúng tôi thì đa số những người phụ nữ sống không chồng, hoặc chịu cảnh đơn thân nuôi con ở đây đều có độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi. Độ tuổi mà trong mỗi người phụ nữ đều "hừng hực" sức xuân, vậy điều gì đã khiến họ vững vàng để tránh né những cám dỗ đời thường mà một mình nuôi dạy các con nên người?

Bà Hoàn cho biết: "Hầu hết các chị em góa chồng ở đây đều góa chồng từ khi còn khá trẻ, nguyên nhân "mất chồng" của họ cũng chẳng ai giống ai. Người thì không may bị tai nạn lao động khi đang làm việc trên khu mỏ, tai nạn giao thông, ốm đau, bệnh tật... Tuy nhiên chiếm phần đông trong số những người phụ nữ không chồng, đến hơn 30% (tỷ lệ lớn) là do có chồng bị nhiễm "H". Do trước kia họ đi làm quặng tặc, thường xuyên nằm trong các tán quặng, rồi nghiện hút và nhiễm "H" từ lúc nào không hay. Đã có không ít trường hợp chồng lây sang vợ, nên sau khi chồng chết được một thời gian ngắn thì vợ cũng vì mắc bệnh mà đi theo chồng, để lại con thơ nheo nhóc...".

Ảnh minh họa

Nhắc đến trường hợp của chị Nguyễn Thị Thoa (SN 1965, gia đình nằm trong "nhóm khổ" ở địa phương), chồng ốm mất năm 2009 do bị nhiễm "H", chỉ 1 năm sau đó vì mắc bệnh nên chị cũng mất. Hai người con (một trai, 1 gái) sau khi mẹ mất, cháu gái hiện là học sinh cấp III cũng đang là thành viên tích cực hoạt động trong CLB Đồng cảm, cháu tham gia nhiều hội thi tuyên truyền về "H" và đã giành được giải. Còn nhớ hôm đó cả hội trường ai nấy đều rưng rưng nước mắt khi em trình bày chân thực về chính cuộc sống của mình, của gia đình mình... Bà Hoàn đã không cầm được những dòng nước mắt đồng cảm.

Nhắc lại quá khứ vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX, khi đó toàn bộ khu vực xã Hà Thượng và lân cận (thuộc huyện Đại Từ) là một khu "chiến trường lớn", với những bãi quặng khai thác được bảo kê bởi lực lượng thế giới ngầm do những tay anh, chị cầm đầu làm lũng đoạn một thời. Các "ông trùm" cai bãi quặng là người địa phương cũng vì thế "nổi lên" nhiều. Tệ nạn xã hội cũng được đà phát triển đến chóng mặt, nghiện ngập và tệ nạn mại dâm trong bãi quặng và bệnh HIV xuất hiện "càn quét" một lượt... Mức độ ảnh hưởng của nó lớn đến mức hơn chục năm sau dư âm vẫn còn quá nặng nề, gây tâm lý hoang mang cho những người còn sống. Có lẽ vì vậy mà những người có chồng chết do "H" đều quyết tâm đoạn tuyệt với quan hệ vợ chồng mà gắng gượng để ở vậy nuôi con, với mong ước những đứa con của họ có cơ may thoát khỏi căn bệnh thế kỷ này. Họ xem như việc làm của họ là để trả nợ thay chồng.

Ánh sáng cuối đường hầm

Trong cái thế giới tối tăm của tệ nạn ấy, những người phụ nữ quyết tâm giữ mình để không làm khổ người khác và để làm gương nuôi dạy con cái nên người. Họ xem con cái là ánh sáng phía cuối con đường tăm tối mà họ đã phải trải qua suốt cả cuộc đời, với mong ước con cái họ lớn lên khỏe mạnh và thành đạt.

Bà Nguyễn Thị Tường là một trong những người gặp hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống tưởng chừng như đổ sập xuống trước mắt bà, khiến bà không thể gượng dậy được sau khi biết tin chồng mình chết do bị nhiễm "H", để lại cho bà 2 đứa con thơ và nỗi mặc cảm do bị lây lan từ chồng mình, giờ đây "án tử" như đang treo lơ lửng trên đầu. Thế nhưng vì con cái mà bà đã trụ lại được, may mắn sao khi các con bà là những đứa trẻ khỏe mạnh (do sinh ra trước khi bố bị mắc bệnh "H"). Sau trận ốm liệt giường, thấy các con mình bơ vơ, bà đã gắng gượng gạt bỏ đi tất cả mà mạnh mẽ đứng lên xây dựng kinh tế và tham gia các phong trào xã hội trong địa bàn.

Như hiểu được lòng mẹ mà hai người con đến nay đã trưởng thành, cô con gái đang theo học lớp CĐSP, còn cậu con trai cũng hoàn thành nghĩa vụ quân sự và đang theo đuổi ước mơ là bộ đội chuyên nghiệp. Bản thân bà Tường hiện đang là chủ nhiệm CLB Đồng cảm 2, đã được kết nạp đảng viên, là đại biểu HĐND xã và đảm nhiệm chức vụ trưởng xóm 4, xã Hà Thượng.

Nhờ có sự vận động của những thành viên trong CLB Đồng cảm mà chị Ngô Thị Cúc (người xóm 4) đã đi xét nghiệm và kết quả âm tính với "H", xóa bỏ được mặc cảm do căn bệnh thế kỷ đè nặng từ người chồng trước trong suốt thời gian dài. Sau đó chị đã quyết định đi thêm bước nữa với một anh làm nghề thợ mộc gần nhà, và niêm vui với chị được nhân lên gấp bội khi sau ngày cưới chị đã hạ sinh một cháu trai kháu khỉnh trong niềm mong đợi của hai bên gia đình.

Bà Triệu Thị Hoàn (Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hà Thượng) cho biết: "Để giúp chị em trên địa bàn bớt đi phần nào những mặc cảm và có thêm nghị lực để vươn lên trong cuộc sống, năm 2006 - 2007, lãnh đạo địa phương đã đứng ra đề xuất với cấp trên và phối hợp với hội phụ nữ xã, vận động các thành viên tham gia câu lạc bộ Đồng cảm 1 và 2 từ đó con số hội viên ban đầu chỉ với hơn chục người, đến nay đã có gần 50 người tham gia".

Ban đầu huyện hỗ trợ giúp cho 20 triệu tiền vốn, sau đó chị em tham gia tự quyên góp tiền quỹ để thăm người nào bị ốm hay cho vay tiền làm kinh tế. Đến nay, sau khi hoàn trả số tiền vốn trên cho huyện hội, hai CLB vẫn duy trì hoạt động với số tiền trên 30 triệu đồng.

Câu lạc bộ đã vượt qua ranh giới là những người phụ nữ có chồng chết do bị nhiễm HIV, câu lạc bộ đã là ngôi nhà tập thể cho các chị, các mẹ khi tham gia còn có cả những người vợ mất chồng do tai nạn, do bỏ chồng hoặc như trường hợp bà Ngô Giao Khanh, là vợ anh hùng liệt sỹ cũng đã tham gia câu lạc bộ để có thêm những chia sẻ về cuộc sống và có thêm niềm vui cho chính mình.