Đại ca xứ chè hoàn lương, xây mộ cho những hài nhi xấu số

ANTĐ - Chúng tôi tìm đến nhà anh Ngô Văn Quyền – "đại ca lựu đạn" xứ chè trong một ngày mưa phùn rả rích ở Thái Nguyên. Ấn tượng của buổi đầu gặp mặt là sự gần gũi và cách nói chuyện chân tình của người đàn ông xứ chè từng vào tù ra tội.  
Đại ca xứ chè hoàn lương, xây mộ cho những hài nhi xấu số ảnh 1
Anh Ngô Văn Quyền kể lại cuộc đời mình

Tuổi thơ bất hạnh

Sinh ra trong gia đình có 8 anh em, bố mẹ đều là nông dân nên cuộc sống của Ngô Văn Quyền từ nhỏ đã rất vất vả. Chỉ được học hết lớp 1 cho biết mặt chữ rồi phải “lao mình” vào cuộc sống mưu sinh, kiếm miếng cơm manh áo, phụ giúp gia đình. Năm Quyền 10 tuổi, bố mẹ chia tay, mỗi người một nơi nên 8 anh em Quyền phải tha phương cầu thực, lưu lạc xứ người. Quyền nhỏ tuổi nên được ông bà nội đưa về nuôi.

Thấy bạn bè cùng trang lứa được lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, họ hàng, Quyền không khỏi chạnh lòng, thấy buồn tủi cho số kiếp mình và sinh ra ghen ghét, đố kị với chúng bạn, nhất là khi chúng thường lấy chuyện bố mẹ Quyền chia tay ra để trêu chọc, chế giễu cậu. Quyền chỉ còn biết tìm đến những bạn có cùng hoàn cảnh như mình, trong đó có nhiều thành phần hư hỏng để kết thân, mong tìm được sự đồng cảm.

Ở với ông bà chưa được bao lâu, Quyền bỏ nhà đi lang thang nơi đầu đường xó chợ khi chỉ 12 tuổi. Không có người dạy dỗ, cuộc sống mưu sinh khắc nghiệt với những trận đòn để giành giật miếng ăn, duy trì sự sống khiến cậu bé vốn chỉ biết chăn trâu, nhặt củi thay đổi hẳn tính tình, ngày càng trở nên lì lợm và ranh ma.

Đại ca nổi tiếng một thời

Năm 15 tuổi, Quyền đã trở thành đại ca của gần 10 đứa trẻ lang thang khi ấy, dẫn dắt nhóm thực hiện những hành vi trộm cắp tài sản hay gây gổ, tổ chức đánh nhau làm náo loạn cuộc sống của người dân ở nơi Quyền và nhóm lập địa bàn. Mỗi lần bị cơ quan công an truy bắt, Quyền chỉ đạo đàn em lẩn trốn đến bãi vàng Thần Sa (Võ Nhai) rồi “làm mưa, làm gió” ở đây. Nhóm chuyên vào hang trấn vàng và vận chuyển hàng cấm cho các ông chủ. Quyền ngày càng trở nên hung hăng, liều lĩnh và “không biết sợ” bất cứ ai. Kẻ thù của Quyền cũng ngày một nhiều hơn và Quyền phải luôn mang súng và lựu đạn theo mình, đề phòng “luật giang hồ” kinh sợ của xứ Thái này.

Thời điểm tháng 10 năm 1992, nhóm Quyền va chạm với một nhóm giang hồ ở Phúc Xuân (Thái Nguyên). Trong cuộc ẩu đả, Quyền đã rút dao ra đâm làm mấy người bị thương nặng và bị bắt tạm giam.

Lĩnh án 12 năm tù khi mới ở tuổi 24, cái tuổi của thời thanh niên trai trẻ, lẽ ra cần phải chăm chỉ lao động rồi xây dựng tổ ấm gia đình… nên thời gian đầu ở trại giam, Quyền luôn tỏ thái độ bất cần, vẫn giữ thói hung hăng và chuyên gây gổ với những người cùng phòng giam. Chỉ đến khi được cán bộ trại giam khuyên nhủ, Quyền mới dần hiểu được những gì mình cần làm là phải cải tạo tốt để sớm được ra tù, bắt tay làm lại cuộc đời. Và như trời không phụ kẻ có tâm, năm 2000, Ngô Văn Quyền được ân xá trước thời hạn 3 năm tù.

Hoàn lương, tích đức – xây mộ cho những hài nhi

Ra tù với hai bàn tay trắng, cuộc sống vô cùng khó khăn, nhất là khi những người ở quê vẫn luôn giữ thái độ dè chừng, lo sợ và không muốn tiếp xúc, làm thân với Quyền vì mang trên mình bản án 12 năm ở tù. Mong ước được sống một cuộc sống bình thường như bao người khác làm Quyền không ngừng cố gắng, hòa đồng và giúp đỡ mọi người nên những người xung quanh cũng thay đổi cách nhìn về anh. Họ cởi mở hơn trong giao tiếp và tạo điều kiện giúp anh tìm một công việc ở bãi rác Đá Mài.

Niềm vui với Ngô Văn Quyền như được nhân lên gấp bội và cho đến bây giờ, nhiều lúc anh vẫn không tin vào những gì mình đang có khi nghĩ về quãng thời gian đã qua với biết bao vất vả, gian truân, đắng cay, nhọc nhằn, tội lỗi và cả niềm hạnh phúc vô bờ khi đã tìm được người bạn đời luôn đồng hành bên mình – chị Nguyễn Thị May (sinh năm 1974, quê ở huyện Phú Bình, Thái Nguyên) cũng một thời lỡ dở. Hiện giờ họ đã có 3 người con. Cô con gái lớn (sinh năm 1993, con riêng của chị May) đang học sư phạm tại Thái Nguyên và 2 cậu con trai (sinh năm 2002 và 2006) đang học gần nhà.

Khi được hỏi về chuyện xây mộ cho những hài nhi xấu số ở bãi rác Đá Mài (xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên), người đàn ông có vết sẹo dài từ tai đến cằm (hệ quả của một thời ngang dọc, làm đại ca xứ chè) chậm rãi kể cho chúng tôi nghe: Vợ chồng anh làm ở bãi rác này cũng được đến 14 năm. Bãi rác Đá Mài có hơn 20 người nhặt rác ở xã Tân Cương và xã Phúc Tân. 6 năm trở về trước, anh và những người cùng nhặt rác ở đây nhặt được khá nhiều hài nhi xấu số. Có thời điểm, trong tháng họ nhặt được 2, 3 em. Bé bé nhất cũng đã 8 tháng tuổi, đều đã có đủ móng chân, móng tay.

Đại ca xứ chè hoàn lương, xây mộ cho những hài nhi xấu số ảnh 2
Bãi rác Đá Mài
Đại ca xứ chè hoàn lương, xây mộ cho những hài nhi xấu số ảnh 3
Nghĩa trang những hài nhi xấu số ở bãi rác Đá Mài
Đại ca xứ chè hoàn lương, xây mộ cho những hài nhi xấu số ảnh 4
Các em đều là những hài nhi vô danh

Bé đầu tiên anh nhặt được là cách đây hơn chục năm. Rồi những người cùng làm, họ tìm thấy những hài nhi xấu số, họ lại gọi anh đến. Bé nào, anh cũng đều mua rượu, giấy gói, mua gỗ về để đóng quan tài. Chính tay tắm rửa sạch sẽ cho mỗi bé, rồi cũng buộc chân tay, bọc vải, cho vào quan tài, rắc chè khô, đóng đinh cẩn thận và làm các nghi lễ như với người lớn. Bản thân anh và gia đình là những người theo đạo Thiên chúa nên khi chôn cất các bé, anh cũng mời các cha đạo ở nhà thờ Tân Cương đến làm lễ và xin lễ cho các hài nhi xấu số.

Thời điểm gần đây nhất là năm 2012, anh Quyền và mấy người bạn trong lúc đang thu lượm rác thì nhặt được 1 bé gái nặng hơn 3 kg được để trong túi bóng đen. Bé mất, đến 2, 3 ngày sau họ mới nhặt được. Người bé khá dài, anh Quyền đóng một cỗ ván dài 80cm và đặt bé vừa khít.

Trước đây, khi chưa xây được mộ cho các bé, anh và mấy người cùng nhặt rác tiến hành đào, chôn cất, để các bé theo dãy hàng lần lượt. Nhưng rồi trâu bò qua lại, giày xéo, cây cối lại um tùm nên anh quyết đinh đào đá lên xây mộ để các bé có chốn yên nghỉ khang trang, sạch đẹp. Đến nay, nghĩa trang cho những hài nhi xấu số thuộc khu vực bãi rác Đá Mài có 13 ngôi mộ, 4 bé gái và 9 bé trai.

Anh bảo: “Mình chôn cất và xây mộ cho những hài nhi xấu số bởi thấy đó là những việc nên làm và cần phải làm, nếu không làm thì lương tâm sẽ bị cắn dứt bởi mình cũng là con người. Đứa nào mình cũng thương, mình làm người thì phải làm thế.” Những ngày mùng 1 hay tuần rằm, anh và những người dân nơi đây lại mang hương, nến, bánh kẹo lên nghĩa trang, thắp hương cho các bé để các em không thấy lạnh lẽo, cô đơn giữa núi rừng.

Giọng kể của anh chậm dần khi nhắc đến lần mình chôn cất cho 1 bé trai rất bụ bẫm, tóc đen, bị kéo đâm vào đùi, ngực và gần như đứt cổ, được để trong chiếc quần đen. Anh nói với chúng tôi: “Tôi không rõ vì sao người ta lại làm như vậy. Tôi cũng không dám đánh giá họ như thế nào nhưng bố mẹ bé, đã thành vợ thành chồng rồi mà làm vậy là không có lương tâm, không xứng đáng làm cha làm mẹ”.

Đến đây, anh nhìn ra ngoài trời rồi quay sang nói với chúng tôi: “Nếu trời không mưa thì đã chở cát, gạch lên nghĩa trang để xây cho cao. Ở đây trâu bò thả rừng nhiều quá, chúng phá mất”.

Bà Mai, người nhặt rác tại bãi rác Đá Mài cho biết: Con rể của mình cũng từng nhặt được một hài nhi xấu số là một bé gái rồi cùng anh Quyền đi mua gỗ về làm quan tài. “Vợ chồng anh Quyền sống rất tử tế, cởi mở với mọi người”.

Câu chuyện của chúng tôi dừng lại khi có mấy người phụ nữ làm ở bãi rác về, anh Quyền đứng dậy, bước ra hiên nhà, nở nụ cười chào khách rồi bảo mọi người lấy nước rửa chân tay. Có lẽ, khi nhìn cảnh tượng ấy, không ai có thể nghĩ anh đã từng là "đại ca lựu đạn" nổi tiếng một thời ở mảnh đất chè Tân Cương và cả xứ Thái.