Cõng gạo lên Lũng Luông giúp trẻ em nghèo “nuôi” chữ

ANTĐ -Chặng đường về, hành lý của cả đoàn nhẹ hơn nhiều, nhưng dường như bước chân mỗi người lại nặng hơn. Nặng trĩu vì hình ảnh những đứa trẻ thiệt thòi ở Lũng Luông.

Khó mà tả được cảm giác của chúng tôi khi nhìn thấy nếp trường đơn sơ thấp thoáng trên đỉnh núi sau 3 giờ liên tục đi bộ trên quãng đường dốc, mà ngoài người thì chỉ có ngựa là đi được. Bọn trẻ ríu rít vầy bùn ngoài sân trong khi chờ đoàn mang quà đến. Niềm vui ấy lan tỏa sang tất cả, khiến chúng tôi tạm quên đi chặng về.

Chặng đường gian nan

Mùa mưa ở Thượng Nung bắt đầu từ sau Tết rồi kéo dài đến tận tháng 9. Những cơn mưa phùn liên miên tưởng như không bao giờ dứt, biến con đường đất độc đạo dẫn lên Lũng Luông, Lũng Hoài, Lũng Cà thành cháo loãng.

Con đường lên Lũng Luông luôn trong tình trạng bùn lầy ngập qua mắt cá nhân

Biết nhóm tình nguyện Hoa Cúc Xanh cùng cán bộ chiến sỹ Phòng Tổ chức - CATP Hà Nội có ý định lên tận nơi tặng quà cho học sinh tiểu học ở 3 điểm trường ấy, cô Trần Thị Loan, hiệu trưởng trường Tiểu học Thượng Nung, Võ Nhai, Thái Nguyên ra sức can ngăn, với lý do đường “không đi nổi”. Nhưng nếu ai cũng ngại vất vả thì ai sẽ là người mang quà lên cho các em nhỏ vùng cao chịu đủ thiệt thòi này? Thế nên quyết tâm đi bằng được.

Quyết tâm là thế, nhưng rồi con đường vẫn nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi. Lên đến nơi thì hiểu vì sao mấy bản người Mông đó đói nghèo đến vậy. Hơn nửa năm trời bị chia cắt với bên ngoài, hàng hóa, bao gồm cả nước uống, muốn đưa lên cũng chỉ còn cách duy nhất là dùng ngựa thồ. Dọc đường chúng tôi gặp mấy chiếc xe máy vứt chỏng chơ trong vũng bùn lầy ven đường vì không đi nổi, đến lấy ra cũng khó. Trong hơn nửa năm trời ấy, người dân các bản không rời đôi ủng, thứ mà đối với họ còn quý hơn quần áo ấm.

Thành viên trong nhóm Hoa cúc xanh quyết tâm mang quà lên tận nơi

Bản Lũng Luông có hơn 110 hộ gia đình, nhưng tới gần 100 hộ nghèo, trong đó chỉ khoảng 10 hộ là có ruộng trồng lúa, còn lại làm nương nên bữa no bữa đói, ăn xong hôm nay chưa biết đến ngày mai. Ở nhà hay phải ăn ngô thay cơm, thế nên bọn trẻ lúc nào cũng thấy thèm ăn. Thèm đủ mọi thứ. Những chiếc kẹo mà trẻ con dưới xuôi có khi còn chẳng ăn thì với chúng là một thứ đồ quý hiếm, đừng nói đến miếng giò, miếng chả.

Niềm vui của em

Điểm trường Lũng Luông “sang” nhất trong số 3 điểm trường của trường Tiểu học Thượng Nung. Sang vì có tới 10 gian nhà vách gỗ lợp phi pro-ximăng, trong đó 5 gian dành cho 5 lớp với 109 học sinh, còn lại là nhà văn hóa, phòng giáo viên, phòng nội trú cho mấy em học sinh nhà quá xa. Đến giờ mà trên Lũng Luông vẫn chưa có điện, nên mỗi lớp học được một bóng đèn chạy máy phát, chủ yếu dùng trong những ngày trời âm u quá.

Điểm trường tiểu học Thượng Nung ở Lũng Luông

Khó khăn lắm đoàn mới thuê được 6 con ngựa của dân bản thồ hàng lên Lũng Luông làm quà cho lũ trẻ. Thực phẩm, áo quần, sách vở, tổng cộng có tới 1,3 tấn hàng, nên ngựa cũng phải “tăng bo” hai lượt. Lên đến nơi, các thành viên trong đoàn không nghỉ mà nhanh chóng chia quà, đưa đến tận tay mỗi học sinh. Bọn trẻ miền núi bé loắt choắt, có những em học sinh lớp 3 chỉ nhỏ như học sinh lớp 1 dưới xuôi, oằn vai mới vác được túi quà của đoàn về. Những khuôn mặt lấm lem rạng rỡ niềm vui.

Những đứa trẻ lúc nào cũng lấm lem, thiếu thốn đủ mọi thứ

Buổi trưa cả đoàn ăn bữa cơm đơn sơ ngay tại trường. Ngồi trong lớp học, thấy trên bảng ghi bài Tập chép: “Mùa thu của em/ Là xanh cốm mới/ Mùi hương như gợi/ Từ màu lá sen. Mùa thu của em/ Rước đèn họp bạn/ Hội rằm tháng tám/ Chị Hằng xuống xem”. Tôi tự hỏi, khi chép bài thơ ấy, bọn trẻ làm thế nào để tưởng tượng được ra mùi hương cốm hay khung cảnh hội rằm tháng Tám?

Phấn khởi vác quà về

Chặng đường về, hành lý của cả đoàn nhẹ hơn nhiều, nhưng dường như bước chân mỗi người lại nặng hơn. Nặng trĩu vì hình ảnh những đứa trẻ thiệt thòi ở Lũng Luông. Hy vọng những món quà nhỏ dưới xuôi sẽ giúp bọn trẻ tiếp tục “nuôi” hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.