Có một “Ngã ba Đồng Lộc” ở biên giới Tây Nam

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam chống bọn Pôn Pốt xâm lược đã đi qua tròn 30 năm (1978-2008). Đây là cuộc chiến đấu rất ác liệt của quân và dân ta với 7 sư đoàn quân Pôn Pốt tràn sang vùng biên giới Tây Nam - chủ yếu là biên giới Svay-riêng (Campuchia) và Tây Ninh (Việt Nam).

Có một “Ngã ba Đồng Lộc” ở biên giới Tây Nam

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam chống bọn Pôn Pốt xâm lược đã đi qua tròn 30 năm (1978-2008). Đây là cuộc chiến đấu rất ác liệt của quân và dân ta với 7 sư đoàn quân Pôn Pốt tràn sang vùng biên giới Tây Nam - chủ yếu là biên giới Svay-riêng (Campuchia) và Tây Ninh (Việt Nam).

Quân và dân Tây Ninh cùng bộ đội Quân đoàn 4 sau nhiều tháng chiến đấu kiên cường bảo vệ Tổ quốc, đã truy đuổi bọn Pôn Pốt đến tận sào huyệt. Cùng đi với bộ đội Quân đoàn 4 là Lực lượng Thanh niên Xung phong (TNXP) TPHCM, trong đó Liên đội 5 Tổng đội 7 (sau này là Liên đội 303 Tổng đội 3) đã sát cánh cùng Sư đoàn 7 - Quân đoàn 4 từ tháng 6-1978.

Tiền thân của Liên đội 5 - Liên đội 303 là Liên đội Cơ động 12, thành lập ngày 27-3-1977 với 600 đội viên là những thanh niên còn rất trẻ, phần lớn cư trú tại Phú Nhuận. Liên đội 12 làm nhiệm vụ khai hoang đào kinh cấp 4, lên liếp trồng thơm tại kênh C Nông trường Lê Minh Xuân. Thỉnh thoảng, liên đội hành quân đi đào kênh trên công trình thủy lợi Trần Quang Cơ, kênh Tam Tân...

Đài tưởng niệm Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam ở biên giới Tây Ninh - Campuchia.
Đài tưởng niệm Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam ở biên giới Tây Ninh - Campuchia.

Ngày 14-6-1978, Liên đội 5 được lệnh lên đường ra mặt trận biên giới Tây Nam với 500 đội viên, trong đó có 65 nữ. Các chiến sĩ TNXP náo nức ra mặt trận bảo vệ Tổ quốc. Địa điểm dừng chân là Rừng Nhum thuộc xã Long Phước huyện Bến Cầu tỉnh Tây Ninh. Liên đội có 4 đại đội, 3 đại đội được phân công theo các trung đoàn bộ binh phục vụ chiến đấu như tải gạo, tải đạn, cáng thương, chôn cất liệt sĩ.

Riêng Đại đội 3 được giao nhiệm vụ cùng 2 trung đội của Đại đội 2 phối hợp với Tiểu đoàn Công binh 25 làm nhiệm vụ chống lầy, sửa đường cho các loại xe pháo vào trận địa. Trên đoạn đường dài 10km từ Rừng Nhum qua ngã ba Ta Ei đến xã Koky Som trên đất bạn.

Các trung đội chia nhau ăn ở dưới các cụm cây nhỏ. Ban ngày, anh chị em phải chặt cây chèn đường, san lấp đất lún... Ban đêm do không thể căng võng, anh chị em đều trải ni lông ra đất nằm ngủ. Do lao động vất vả, mệt nhọc, nên tối đến mọi người lăn ra đất “ngủ như chết”.

Ngày 21-7-1978, Trung đội 3 do Đại đội trưởng Ngô Đức Minh dẫn đầu đã hành quân đến xã Koky Som làm nhiệm vụ chống lầy kịp thời cho các xe cơ giới của Sư đoàn 7 hành quân tấn công cụm quân của “Khmer đỏ”.

Buổi tối hôm đó, trung đội sinh hoạt trước giờ đi ngủ. Tất cả đội viên đều có mặt. Tiếng đại bác nổ rất gần. Tiếng súng bộ binh vang khắp mọi phía. Anh chị em đề nghị Đại đội trưởng Ngô Đức Minh báo cáo về trên nên trang bị thêm lựu đạn và súng cho anh em - hiện tại chỉ có 2 khẩu AK - để tự vệ. Trung đội có 9 đội viên nữ nên Nguyễn Thị Lý lo ngại:

- Nghe nói bọn Pôn Pốt rất tàn ác và đểu cáng. Cho chị em lựu đạn, nếu có bề gì thì “cưa đôi” để không bị chúng làm nhục.

Thế rồi cả trung đội lăn ra đất ngủ ngon lành.

Rạng sáng, cả đơn vị bỗng choàng dậy vì tiếng súng bộ binh rất gần. Một số anh em bám bờ ruộng, một số người chui vào hầm. 6 đội viên nữ là Thiên Hương, Đỗ Thị Vân, Ngọc Dung, Trần Thị Nhung, Nguyễn Thị Em, Trần Như Minh chui vào hầm. Nguyễn Văn Đủ ngồi chận ở cửa hầm. Nguyễn Thị Lý, Võ Ngọc Mai và Nguyễn Ngọc Mai nằm trên bờ ruộng.

Nghe đạn nổ quá gần, Lý chạy vào hầm nhưng đã quá chật, nên vội nép vào mép hầm. Anh em Trung đội 3 nổ súng chiến đấu, nhưng địch khá đông đã ào tới. Tiếng la hét của bọn Pôn Pốt làm náo loạn cả cụm rừng nhỏ.

Lý bỗng giật mình khi một tên Pôn Pốt ném lựu đạn vào hầm anh em đang núp. Đủ ngồi ngoài cùng bị vỡ đầu chết ngay và ngã đè lên Lý. Sáu cô gái ở trong hầm đều bị thương khá nặng, kêu gọi đồng đội cứu. Bọn Pôn Pốt ập đến, nắm tóc kéo các cô gái ra ngoài lột hết quần áo thay nhau hãm hiếp rồi xả súng bắn từng người một. Chúng phát hiện ra Lý nằm ở bên cạnh, một tên bước lại xé hết quần áo trong và ngoài của cô gái cười cợt khả ố.

Song do thấy Lý bị thương máu me đầy người lại lấm bùn ruộng, nên chúng chỉ dùng súng đánh cô rất dã man, rồi lấy dây điện trói quặt 2 tay dẫn đi. Một tên kề dao vào cổ định cắt đầu nhưng rồi lại bỏ đi. Một tên lấy lựu đạn nhét vào âm hộ Lý rồi dùng súng đánh túi bụi. Bỗng có tiếng súng vang rền, bọn Pôn Pốt vội vàng bỏ chạy. Lý lăn vào bùn nằm chết giấc.

Cho đến lúc trời sáng, cô nghe tiếng súng phản công của bộ đội ta, song cô không ngồi dậy được. Mãi xế chiều, một đơn vị bộ đội phát hiện nơi Trung đội 3 bị tàn sát. Lý nghe có tiếng chân người nhưng không dám cử động vì sợ bọn Pôn Pốt còn phục kích. Rồi Lý nghe tiếng một anh bộ đội giọng Bắc.

- Các đồng chí ơi, ở đây có nhiều anh em hy sinh.

Cô loay hoay gượng dậy.

- Có người còn sống.

Anh em ùa tới khiêng cô từ trong vũng bùn ra, hai tay bị trói chặt, người đầy máu me, thân thể lõa lồ... Một anh bộ đội cởi bộ đồ đang mặc khoác lên thân hình cô gái.

Đại đội 3 đã đến kịp. 26 đội viên thì 24 người đã hy sinh rải rác bên bờ ruộng, dưới các lùm cây - trong đó có Đại đội trưởng Ngô Đức Minh. Chỉ có Nguyễn Thị Lý và Nguyễn Văn Tuấn còn sống nhưng bị thương rất nặng. 8 đội viên nữ đều bị đánh đập dã man, bị làm nhục trước khi chúng xả súng giết hại. Đại đội trưởng Ngô Đức Minh bị bọn Pôn Pốt đốt xác, một người khác bị chặt cả hai chân.

24 đồng chí hy sinh được đặt nằm trên bờ ruộng. 8 cô gái, chỉ có Nguyễn Thị Em 24 tuổi, còn lại đều ở tuổi 19, 20. 16 đội viên nam, trừ Nguyễn Văn Thông và Bùi Văn Hoàng 24 tuổi, hầu hết cũng 19, 20 tuổi- riêng Nguyễn Trọng Hùng và Lý Anh Dũng mới 17 tuổi.

Đơn vị đã khâm liệm làm lễ truy điệu và đưa 24 anh em hy sinh về an táng tại Nghĩa trang huyện Bến Cầu tỉnh Tây Ninh.

30 năm đã đi qua nhưng tấm gương chiến đấu và lao động dũng cảm, sự hy sinh vẻ vang của 24 chiến sĩ Trung đội 3 Đại đội 3 Liên đội 5 TNXP TPHCM vẫn mãi mãi sống trong lòng chúng ta. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm các chiến sĩ TNXP hy sinh trên biên giới Tây Nam, lực lượng TNXP TPHCM và một số anh chị em ở Liên đội 5 - Liên đội 303 đã trở lại trận địa cũ đặt hoa và tưởng niệm 24 chiến sĩ TNXP đã hy sinh ở xã Koky Som huyện Soai Tiếp, tỉnh Svay-riêng (Campuchia) ngày 21-7-1978.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Bến Cầu và tỉnh Tây Ninh cũng đã chọn và dành một khoảng đất 5.600m2 ngã ba xã Long Phước đường lên Koky Som - nơi Trung đội 3 đã dừng chân và sau đó cùng đơn vị bộ đội truy kích địch – để dựng bia kỷ niệm 24 liệt sĩ TNXP. Hội Cựu TNXP TPHCM cũng đã quyết định ghi tên 24 liệt sĩ TNXP TPHCM vào bia tưởng niệm tại Khu tưởng niệm TNXP giải phóng miền Nam trên Đội 82 huyện Tân Biên Tây Ninh.

Cùng với sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ TNXP và dân công ở ngã ba Đồng Lộc, Trương Bồn, Vĩnh Lộc..., sự hy sinh của 24 chiến sĩ (có 8 nữ) TNXP TPHCM ở gần ngã ba Long Phước trên biên giới Tây Nam của Tổ quốc, mãi mãi là sự tri ân, là niềm tự hào của tuổi trẻ và dân tộc ta về cuộc chiến đấu thần thánh bảo vệ Tổ quốc thân yêu.

PV

Theo SGGP