Chuyện tình tuyệt vời của huyền thoại Trường Sơn

ANTĐ - Mặc dù không may trong một trận ốm thập tử nhất sinh, người đàn ông Cơ Tu nhỏ bé đã bị hỏng mất hai con mắt. Bằng nghị lực phi thường của chính mình ông đã vượt lên số phận, trở thành huyền thoại của Trường Sơn khi cõng gạo, tải đạn. Và một điều đặc biệt nữa là ông có tới hai bà vợ cùng chung sống dưới một mái nhà mà vẫn hạnh phúc trong suốt cả quãng đời vừa qua.

Huyền thoại Trường Sơn Alăng Bhuốch bên Trưng Thắm, người vợ của mình

“Huyền thoại mù” phục vụ kháng chiến

Đã có rất nhiều bài báo viết về ông, về nghị lực vượt lên cuộc sống của ông, về những thành tích mà ông đã cống hiến cho cánh mạng, cho quê hương đất nước mình. Nhưng tôi vẫn không khỏi bất ngờ và thú vị khi biết thêm nhiều chuyện về ông. Khi tôi vào thăm ông, trước căn nhà gỗ ở thôn Azưt (xã Bhalee, huyện Tây Giang, Quảng Nam), ông Alăng Bhuôch đã 87 tuổi vẫn đẩy xe cút kít để đào đất mở rộng khu vườn. Nhìn chiếc xẻng trên tay ông thoăn thoắt, chiếc xe đẩy chạy bon bon ít ai nghĩ rằng ông lão là người mù. 

Bố mất sớm, Alăng Bhuôch sống cùng với amế (mẹ) và 3 em gái ở một căn lều nhỏ ở Azứt, xã A Vương. Lúc 6 tuổi, căn bệnh sởi tai ác cướp đi đôi mắt và cả tuổi vui chơi của cậu bé Alăng Bhuôch. Với nhiều người, điều đó có nghĩa là đã khép lại những tháng ngày tươi đẹp tiếp theo, nhưng với Alăng Bhuôch thì chưa hẳn đã là như thế. Bởi không chỉ tự làm công việc nhà, cùng mẹ kiếm lúa, kiếm củi, kiếm ăn trên rẫy, Alăng Bhuôch còn phục vụ vận tải trong suốt quá trình vụ kháng chiến gần 20 năm từ 1958 - 1975 trên chiến trường từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam. Điều đó gần như chưa có ai làm được. 

Và cũng trong những ngày kháng chiến ấy, người được mệnh danh huyền thoại Trường Sơn mà ông đã gặp được người con gái Cơtu đẹp người đẹp nết. Người con gái ấy đã tình nguyện chăm nuôi chàng trai mù, lo thuốc thang những lúc ốm đau, bệnh tật cho ông. Những lúc như thế, Bhuôch cảm nhận được cái bụng mình đã ưng người con gái này rồi. Mặc dù không nhìn thấy bóng dáng của người con gái ấy, nhưng nghe mọi người nói thì Trưng Thắm rất xinh đẹp, là một bông hoa quý của núi rừng thuở ấy, cô đã khiến bao nhiêu chàng trai mê mệt. Biết cái bụng mình thế, nhưng Bhuôch lại sợ vì mình không nhìn thấy gì, chỉ sợ làm khổ người ta mà thôi. Nhưng Trưng Thắm thì lại khác, không chỉ thương Bhuôch vì nghị lực, mà Trưng Thắm còn nhìn thầy trong lòng Bhuôch một ý chí vượt lên số phận. Trưng Thắm muốn làm vợ của Bhuôch và đã chủ động tỏ tình: “Bhuôch về ở với tôi, tôi lo cho Bhuôch lắm mà cứ để Bhuôch một mình thế này tôi sợ!”.

Tình yêu của Alăng Bhuôch và Trưng Thắm cứ lớn dần lên vượt qua cả mưa bom bão đạn và cả bóng tối để nên đôi vợ chồng từ năm 1970. Chính Bhuốch đã tự mình ủ rượu, giết heo đãi làng làm đám cưới trong niềm vui của buôn làng. Thời ấy, câu chuyện cảm động về chuyện tình của Alăng Bhuốch cứ lan rộng khắp bản làng người Cơtu sinh sống dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ. Họ khâm phục tài năng của chàng trai mù Alăng Bhuốch bao nhiêu thì càng cảm động trước tấm lòng của người con gái Trưng Thắm bấy nhiêu. Có thêm đôi mắt sáng của vợ, những chuyến cõng đạn vượt núi rừng của Alăng Bhuôch nhẹ nhàng hơn… Sau ngày đất nước thống nhất hai vợ chồng thường xuyên thức khuya, dậy sớm, đồng trên bãi dưới. Cuộc sống êm đềm bình lặng trôi đi.

Thế nhưng chẳng ai biết được rằng trong lòng Trưng Thắm có một nỗi buồn không biết tỏ cùng ai. Lấy nhau đã gần mười năm trời, vậy mà Thắm vẫn chẳng sinh cho Bhuôch được đứa con nào, trong khi người làng cùng tuổi đã con đàn cháu đống. Thắm buồn bã lắm, đi tìm thầy mo thì mới biết mình không thể sinh con được. Mà cuộc sống vợ chồng không có đứa con thì buồn lắm, buồn như núi rừng trong cơn mưa vậy. Bhuôch không tin và động viên vợ cố gắng. Nhưng sự cố gắng của cả hai vợ chồng chỉ kéo dài được vài tháng. Tuy Bhuôch không nói ra, nhưng Thắm cũng có sự khao khát biết nhường nào tiếng trẻ con khóc cười, thèm muốn biết bao tiếng con thơ. Ngay chính bản thân Trưng Thắm cũng khát khao như bất cứ người phụ nữ nào trên đời nhưng lại thêm phần day dứt vì tại mình không mang hạnh phúc trọn vẹn cho gia đình. Có những đêm cả hai vợ chồng cùng thức trắng, lủi thủi đi ra đi vào trong căn chòi nhỏ mà buồn hiu hắt. Thế rồi một ngày sau bữa cơm chiều, Trưng Thắm nói với Bhuôch: “Alăng Bhuôch à! Tui phải cưới thêm vợ mới cho ông thôi. Có thêm vợ thêm con nữa ông mới vui được”. 

Lấy vợ cho chồng 

Nói thì tưởng dễ, chứ đến lúc làm mới thấy khó. Trưng Thắm phải đi tìm, lặn lội nhiều làng, đến đâu cũng hỏi người có thể làm vợ cho Alăng Bhuôch được, nhưng chỉ cần nghe thấy Alăng Bhuôch bị mù là người ta lại lắc đầu. Không nản chí, trong một lần về làng cũ, Trưng Thắm đã tìm được Briu Thị Ta Tít, cũng là một người bạn cũ của mình. Khẽ đưa mắt nhìn vợ cả mỉm cười, bà Ta Tít nói thủ thỉ: “Lúc đầu thấy Alăng Bhuôch bị mù hai mắt thì thương thương thôi nhưng rồi việc gì ông cũng mần được cả. Vì thế mình cũng gật đầu lấy ông! Về cùng sống với nhau, nhưng chẳng ai phân biệt bà cả bà hai gì hết!”…

 Bà Trưng Thắm cười cười kể lại: “Tại sao mình lại đi lấy vợ cho chồng! Người thì bảo mình dại, rồi có ngày phải sống một mình thôi, có ai dở điên khùng lại đi làm cái chuyện “một ông hai bà” một cách tự nguyện như mình. Còn người thương mình thì biết mình cực chẳng đã mới phải làm như vậy!”. Bất kể những lời bàn tán xì xào của người trong làng, Trưng Thắm chỉ im lặng, chẳng phản ứng gì, nói gì bây giờ, có nói sao đi nữa thì trong mắt người làng vẫn nghĩ mình là một kẻ dại dột, đem hạnh phúc của mình đặt vào lòng bàn tay người khác. Ngày cưới của chồng, Trưng Thắm ăn mặc thật đẹp, có cái áo cất trong tủ dành dụm mấy chục năm rồi hôm nay mới lôi ra mặc. Thắm hứa với gia đình cô dâu, vợ mới của chồng, rằng sẽ đối xử với cô như chị em một nhà, không phân biệt vợ lớn vợ bé, rồi lăng xăng đi mời trầu mời thuốc bà con trong làng xóm. Còn Alăng Bhuôch chỉ ngồi thừ một góc, chẳng buồn nhúc nhích, khói thuốc bay vòng vòng quẩn quanh. “Thương vợ quá mà!” Bhuôch nói.

Đám cưới nhỏ ấy diễn ra trong sự ngạc nhiên, xót xa của tất cả mọi người. Riêng Trưng Thắm dường như trong lòng bà đã trút được gánh nặng của sự dằn vặt vì không thể sinh con cho chồng. Vì hoàn cảnh éo le nên Alăng Bhuôch phải chia đôi sự quan tâm dành cho vợ mới và vợ cũ. Trong khi đó, vợ mới cũng hiểu được hoàn cảnh của Trưng Thắm nên không ích kỷ giữ chồng cho riêng mình. Sự thấu hiểu thầm lặng của ba con người khiến mối quan hệ của họ lúc nào cũng gần gũi, thân thiết. Thấm thoắt, hai đứa con của ba người cũng lần lượt ra đời. Ngày mùa cấy hái cày bừa, hay những lần đào ao, đào kênh dẫn nước về ruộng, cả ba vợ chồng cùng làm mà không hề tính toán, bận tâm. Tôi hỏi về bí quyết để giữ được hòa khí trong gia đình, ông Bhuôch thẳng thắn cho biết, đó chính là sự tôn trọng nhau. Các bà vợ luôn coi trọng gia đình, sống với nhau bằng tình yêu của người vợ, người mẹ. “Con cái là con chung, không có chuyện phân biệt trong gia đình. Gia đình mình như vậy cần phải sống chan hòa chứ nay cãi nhau, mai chửi nhau thì chỉ làm trò cười cho người làng mà thôi!”, ông Bhuôch nói. Cuộc sống hôn nhân hạnh phúc bền lâu cũng phụ thuộc rất nhiều vào người đàn ông. Với ông Bhuôch, việc đó không làm ông phải bận tâm nhiều. Ông cảm thấy tự hào về hạnh phúc viên mãn của gia đình, về vợ, về con. 

Hỏi về những đứa con, mẹ Trưng Thắm thật thà cho biết, những đứa con đều quý và nghe lời mẹ Trưng Thắm bởi bà chăm chúng chẳng khác nào một người mẹ chăm khúc ruột của mình. Hơn ba mươi năm đã trôi qua, bây giờ cả ba người đã già đi theo thời gian và những đứa trẻ ngày càng lớn lên trong vòng tay yêu thương của hai người mẹ và sự chở che của người cha. Con gái ông đã lấy chồng tận Thanh Hóa, lâu lâu mới về thăm gia đình. Còn con trai ông cũng đã lấy vợ, sinh được một cháu trai gần 2 tuổi. Nói về người cha của mình, anh Alăng Nuôi, con trai của Alăng Bhuốch không khỏi tự hào: “Từ nhỏ mình đã được cha dạy cách làm cái bẫy, vót cái chông. Ông cũng là người luôn động viên mình mỗi khi mình gặp những điều khó khăn nhất trong cuộc sống”. Có lẽ, niềm tự hào của chính người con trai của ông cũng đã nói lên một phần nào về con người của Alăng Bhuốch. Bởi mặc dù bị mù lòa cả hai mắt nhưng Alăng Bhuốch luôn được xem là một “nhân chứng sống” của người Cơtu ở huyện Tây Giang về phong trào xây dựng làng bản giàu đẹp, gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc trước nguy cơ bị mai một. Ông còn là người đầu tiên của làng Azứt đem công trình nước sạch dẫn từ đầu nguồn về nhà để khai hoang ruộng lúa nước.

Trao đổi với phóng viên, ông Bh’riu Quân - Chánh Văn phòng UBND huyện Tây Giang tự hào về người con Tây Giang này: “Chính ông đã tự mày mò làm đường ra ruộng, khai hoang trồng lúa nước, rồi tự mò mẫm lên núi dẫn nước về đồng. Chính ông Alăng Bhuốch cũng là người đầu tiên làm cuộc cách mạng đưa mô hình lúa nước vào sản xuất nông nghiệp ở Tây Giang. Từ đó, đồng bào ai cũng học tập theo và từng bước đẩy lùi được đói nghèo. Hiện, chính quyền địa phương đã hoàn tất mọi thủ tục hồ sơ và gửi về cơ quan có thẩm quyền, chờ kết quả công nhận Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân đối với ông Alăng Bhuốch”. Alăng Bhuốch - một người con Cơtu bị mù cả đôi mắt đã dệt nên những câu chuyện huyền thoại giữa đại ngàn Trường Sơn. Tên ông, một thời đã để lại biết bao tình cảm của những người con núi rừng Trường Sơn này cùng với tấm lòng son sắt quyết đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà. Bây giờ, ông đang có một cuộc sống êm đềm bên hai bà vợ và con trai, cháu nội. Hạnh phúc có còn gì hơn…