Chuyện những người lính “tầm nã” vùng biên ải

ANTĐ - Vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, những người lính “tầm nã” vùng biên luôn biết cách vượt qua mọi gian khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đứng trên đèo Mã Phục (Cao Bằng), phóng tầm mắt về phía xa là những con đường nhỏ như sợi chỉ chạy ngoằn ngoèo. Những cánh rừng rậm rạp nằm đan xen với những cung đèo, vòng cua đến chóng mặt khiến ai ngang qua đây dù chỉ một lần cũng đều “ấn tượng” trước sự hiểm trở của thiên nhiên nơi vùng cao này. Cũng chính địa thế này đã khiến công tác đấu tranh “tầm nã” của lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm Cao Bằng gặp không ít khó khăn. Các đối tượng mang “án nã” luôn tận dụng triệt để những đặc điểm địa hình này làm tấm “lá chắn” cho cuộc chạy trốn pháp luật của mình.

Chúng tôi đến “đại bản doanh” lính “tầm nã” vào thời điểm khi những trận mưa rừng như trút nước liên tiếp đổ xuống. Phòng làm việc của các anh rất đơn sơ, cơ sở vật chất còn thiếu thốn đủ bề. Trung tá Nguyễn Xuân Chiến, Đội phó Đội truy bắt đối tượng truy nã, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Cao Bằng tâm sự, các đối tượng mang “bản án nã” luôn tỏ ra nguy hiểm, khi thì thay đổi hình dạng, khi thì thay đổi địa chỉ, nơi cư trú, cũng có đối tượng vượt cả ngàn cây số để trốn “lưới trời”, thậm chí có nhiều đối tượng còn sẵn sàng sử dụng hung khí để chống trả lực lượng truy bắt khi bị phát hiện.

1. Trung tá Chiến nhớ lại vụ bắt giữ đối tượng nguy hiểm lẩn trốn pháp luật sau 29 năm phải tra tay vào còng số 8. Đó là đối tượng Nông Văn Kiện, SN 1961, quê ở xã Đồng Loan, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng. Hồi ấy vào một ngày cuối năm 1982, tiết trời đông ở nơi vùng cao Đồng Loan rét đến tê người. Hôm đó, ba đối tượng lạ mặt đã xông vào nhà một người dân ở địa phương, sử dụng hung khí để uy hiếp gia đình và cướp đi một số tiền lớn. Cơ quan điều tra Quân sự đã vào cuộc và bắt được hai đối tượng. Đối tượng chủ chốt còn lại được xác định là Nông Văn Kiện đã nhanh chân trốn thoát. Lệnh truy nã được phát ra... Sau gần 30 năm, những tưởng vụ việc trên chỉ khép lại với bản án dành cho hai đối tượng bị bắt giữ, còn Kiện thì mãi cao bay xa chạy. Thế nhưng khi Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm được thành lập, cũng là lúc các trinh sát của phòng lật lại từng bộ hồ sơ phát lệnh truy nã do cơ quan chức năng chuyển giao, trong đó có hồ sơ liên quan đến Nông Văn Kiện.

Không quản vất vả, các trinh sát được giao nhiệm vụ ngày đêm nghiên cứu đặc điểm sinh hoạt của đối tượng để tìm manh mối. Một ngày đầu tháng 8-2010, các anh nhận được thông tin về việc đối tượng nghi vấn là Kiện đang xuất hiện tại huyện Đắk Glông, tỉnh Đắk Nông. Không chút chậm trễ các đồng chí Công an lập tức lên đường. Vào đến khu vực được xác định là nơi mà Kiện có thể ẩn náu, bản kế hoạch truy bắt nhanh chóng được thiết lập. Kế hoạch vây bắt được thiết dựng nhanh chóng. 14h, ngày 5-8-2010, tổ công tác do Trung tá Chiến làm chỉ huy có mặt tại trục đường làng dẫn vào nhà đối tượng nghi là Kiện (thời điểm đó tên đăng ký tạm trú của Kiện là Nguyễn Thanh Hải, SN 1960, ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). 17h30 phút, chiếc xe máy, ngồi trên là hai người đàn ông tầm thước lao nhanh về hướng nhà của đối tượng nghi là Kiện. Vừa xuống xe để dắt xe qua khu vực có con suối chảy, người đàn ông phía sau đầu đội mũ lụp xụp nhanh chóng bị Trung tá Chiến hỏi giật:

- Anh tên gì? Anh ở Cao Bằng phải không?

- Không, em... em là... Hải “Sen”, người đàn ông ỡm ờ đáp.

- Thế Hải “Sen”... vợ là Sen à?

Sáp lại gần, Trung tá Chiến hỏi tiếp: “Ở đây lâu rồi mà sao không thấy đổi giọng Bắc vậy hả Kiện?”. Nghe vậy, như một phản xạ, người đàn ông trên liền bỏ chạy, tuy nhiên tổ công tác khép chặt vòng vây. Tại trụ sở Công an, Kiện khai nhận, sau khi gây án tại địa phương, Kiện đã bắt xe vào đây, thay đổi tên họ rồi cưới vợ và sinh năm người con. Tưởng rằng, sau từng đấy năm lẩn trốn sẽ thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật, nhưng Kiện đã lầm...

2. Cũng có vụ, lính “tầm nã” Cao Bằng phải đối diện với những tên tội phạm mang án tử, sẵn sàng dùng “hàng nóng” để chống trả. Hoàng Văn Dương, SN 1978, trú tại xã Trí Viễn, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng là đối tượng trong đường dây mua bán, vận chuyển trái phép 52 bánh hêrôin từ Lào về Việt Nam qua các tỉnh: Sơn La, Cao Bằng, rồi chuyển hàng sang Trung Quốc với số lượng ma túy rất lớn, cơ quan Công an còn phát hiện một số đối tượng trong đường dây này còn có hành vi lưu hành tiền giả và tàng trữ vũ khí quân dụng. Sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra đã khởi tố 18 bị can, từ đó đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội của từng đối tượng.

Sau khi cơ quan điều tra khởi tố, Dương đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã. Khi các trinh sát của Phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Cao Bằng sàng lọc thì chỉ nhận được thông tin duy nhất là đối tượng đang làm xây dựng ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), nhưng vẫn lén lút về Việt Nam để vận chuyển ma túy sang Trung Quốc. Thông tin các trinh sát được cung cấp tiếp theo là đối tượng thường mang theo vũ khí quân dụng bên người. Vượt qua quãng đường gần 60km, các trinh sát đã tiếp cận làng của Dương ở huyện Trùng Khánh. Tại đây, khó khăn đầu tiên mà các trinh sát phải đối mặt đó là khu vực này có nhiều đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Vậy nên mỗi khi người lạ vào làng là bọn chúng đều rất cảnh giác và thông báo cho nhau ngay để tạm dừng thực hiện hành vi phạm tội và lẩn trốn đến khu vực khác.

Ngôi nhà của đối tượng Dương cao nhất xóm Đông Mòn, xã Trí Viễn, ngay sát khu vực biên giới, vốn được đánh giá là địa bàn trọng yếu về trung chuyển ma túy. Điều khó khăn đối với các trinh sát là họ đều là người lạ nên khi xuất hiện tại khu vực này thường gặp phải sự nghi ngờ của các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy, đặc biệt là gia đình của Dương. Chưa hết, với lợi thế là nhà cao nhất làng, đứng từ trên tầng thượng nhà Dương có thể quan sát rõ bất kỳ ai ra vào cổng làng. Trong nhà Dương lại có đàn chó dữ, vậy nên các trinh sát dù rất cố gắng song vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận mục tiêu và truy tìm dấu vết từ các mối quan hệ gần gũi của Dương. Sau nhiều tháng bám địa bàn, các trinh sát đã phát hiện Dương tìm cách liên hệ với người quen ở làng để hẹn ngày trở về thực hiện mục đích riêng. Nắm bắt được thông tin này, kế hoạch vây bắt Dương được hoạch định.

Thế nhưng, Dương khá tinh ranh. Báo là về nhà, nhưng thực tế Dương không về mà lại tiếp tục lẩn trốn. Lại trải qua nhiều ngày đông, tháng giá bám sát địa bàn trong mưa phùn, gió bấc, truy tìm các mối quan hệ của Dương với hy vọng sớm lần ra tung tích, các trinh sát của Phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Cao Bằng tiếp tục di chuyển tới các địa bàn xa xôi, mỗi khi nhận được tin cơ sở báo về những nơi hiềm nghi Dương có thể xuất hiện. Sáu năm trời kiên trì theo dõi và mật phục, cuối cùng các trinh sát đã phát hiện Dương xuất hiện tại nhà và đang ở trên tầng hai với hành trang bên người nghi có ma túy. Sau khi kiểm soát toàn bộ ngôi nhà của Dương và các lối có thể thoát sang biên giới, các trinh sát vẫn chưa thể thực hiện ngay việc bắt đối tượng mà tiếp tục bám sát chờ cơ hội thuận lợi mới hành động, bởi trong nhà Dương lúc đó có đông người già và trẻ em. Mỗi phút qua đi lúc đó thật căng thẳng với các trinh sát có mặt ở các điểm mật phục. Cuối cùng, nhận được tín hiệu của đồng đội và các lực lượng phối hợp, các trinh sát đã nhanh chóng ập vào nhà và khống chế khi Dương đang tận hưởng cảm giác phê thuốc...

3. Có dịp theo chân Thiếu tá Đào Trọng Dũng, Đội trưởng Đội truy bắt đối tượng truy nã, Phòng cảnh sát truy nã Công an tỉnh Cao Bằng đi bắt nã, chúng tôi được anh kể cho nghe về kỷ niệm gần 2.000 ngày đêm bắt đối tượng Nguyễn Bá Hùng, SN 1978, trú tại xã Thanh Miện, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương bị truy nã về tội giết người. Nạn nhân là chị Nông Thị M, trú tại phường Sông Hiến, thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Theo tài liệu điều tra, năm 2005, Hùng làm thợ xây tại Cao Bằng và tình cờ quen biết chị M. Từ mối quan hệ này, Hùng và chị M phát sinh tình cảm và thường xuyên có quan hệ như vợ chồng.

Vào một đêm tối trời, Hùng rủ chị M lên quả đồi gần nhà để tâm sự. Sau khi quan hệ tình cảm xong, do mâu thuẫn lời qua tiếng lại, chị M bỏ về thì Hùng quát đứng lại. Không nghe lời người tình, chị M tiếp tục đi thì Hùng đuổi theo và dùng dao, gạch tấn công khiến chị M ngã xuống bất tỉnh với nhiều vết thương trên người. Tưởng chị M đã chết nên Hùng hất chị xuống ven đường, dùng nhiều cành cây che xác nạn nhân trước khi bỏ đi. Nửa đêm hôm ấy, chị M tỉnh lại và tới cơ quan Công an tố giác tội phạm. Ngay khi biết tin này, Hùng đã bỏ trốn khỏi tỉnh Cao Bằng.

Tiếp xúc với chúng tôi, nhớ lại, ngay khi tiếp nhận hồ sơ truy nã Nguyễn Bá Hùng, các trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã lại đối mặt với khó khăn khi không có bất cứ một thông tin gì liên quan đến đối tượng Hùng. Về quê đối tượng ở tỉnh Hải Dương, sàng lọc từ các mối quan hệ ruột thịt cũng như quan hệ xã hội của đối tượng, các trinh sát đều chưa tìm thấy một điểm nhấn nào liên quan đến nơi đối tượng có thể ẩn náu. Hết ngày này qua tháng khác, mỗi khi nhận được thông tin từ cơ sở báo về là các trinh sát lại lập tức lên đường tới các khu vực nghi đối tượng có thể ẩn náu. Khi là các tỉnh khu vực Tây Bắc, lúc lại là miền Trung, miền Nam. Thế nhưng, kết quả cuối cùng mà các anh thu được chỉ là con số không. Hồ sơ vụ trọng án vẫn treo đó. Nạn nhân vẫn mải miết trông chờ sự trừng phạt của các cơ quan bảo vệ pháp luật đối với kẻ đã nhẫn tâm ra tay tàn bạo với chị.

Những tâm tư, suy nghĩ của nạn nhân, của xã hội càng đánh thức vào niềm kiêu hãnh nghề nghiệp của những người chiến sĩ “tầm nã” Công an tỉnh Cao Bằng. “Cứ nhìn thấy hồ sơ của đối tượng mang “án nã” là chúng tôi lại thấy mình còn nợ nạn nhân, nợ anh em làm công tác tố tụng chưa đủ tài liệu để sớm đưa đối tượng ra truy tố trước pháp luật”, Thiếu tá Đào Trọng Dũng tâm sự. Lần tìm mãi, các trinh sát cũng có được thông tin quan trọng từ cơ sở báo về: “Có một đối tượng tên là Hùng, đang làm nghề xây dựng ở địa bàn huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước”. Thông tin chỉ vậy, trong khi đó, huyện Bù Đăng thì quá rộng. Không quản ngại khó khăn, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị liền lăn lộn tại các xã mà đối tượng có khả năng ẩn náu. Sau 6 năm kể từ ngày phát lệnh truy nã Hùng, cuối tháng 7-2011, các trinh sát cũng tìm ra Nguyễn Bá Hùng, đang ẩn náu tại xã Đường Mười, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Trong quá trình trốn truy nã, Hùng đã vào Bình Phước lấy vợ, rồi sinh con và sống tại đây.

Thượng tá Mai Xuân Phong, Phó trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Cao Bằng cho biết: Thay hình đổi dạng sau khi gây án, ranh mãnh xảo quyệt khi bị đưa vào “tầm ngắm”, đến lúc bị bắt thì điên cuồng chống trả, những “thuộc tính” ấy dường như đã gắn liền với những tên tội phạm mang “án nã”. Để đưa ra ánh sáng pháp luật, những người lính “tầm nã” vùng biên (tên gọi thân thuộc của các trinh sát Phòng Cảnh sát truy nã Công an tỉnh Cao Bằng) luôn phải đối diện với nguy hiểm và cam go. Nhưng vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm, những người lính “tầm nã” vùng biên luôn biết cách vượt qua mọi gian khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.