Chuyện người gác chắn tàu ở điểm “đen”

ANTĐ - Câu chuyện người gác chắn tàu thầm lặng Bạch Như Hoa (53 tuổi) ở phường An Tây (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên- Huế) đã níu chân chúng tôi khi trở về nơi được mệnh danh là “điểm chết”.
Chuyện người gác chắn tàu ở điểm “đen” ảnh 1
''Bà con chú ý, tàu TN đang đến, đề nghị mọi người đứng cách hành lang 3m để đảm an toàn''

Từng là điểm “đen”

Trong ký ức của người dân phường An Tây (TP. Huế) và phường Thuỷ Phương (thị xã Hương Thuỷ) vẫn chưa quên những cái chết kinh hoàng của nhiều học sinh, sinh viên, người già… là thôn dân trong xóm. Cụ Lê Văn Nhượng (91 tuổi, khu vực 1, phường An Tây) kể: “Nguyên thuỷ, đường tàu chạy qua đầu thôn Xóm Gióng đã có từ trước. Thời đó dân cư chưa đông nên tai nạn thường ít xảy ra. Sau giải phóng ít năm, vào năm 1978, cái chết kinh hoàng của 4 người dân khi trên đường đi chợ về như tiếng chuông cảnh tỉnh đầu tiên về nổi thống khổ của nhiều hộ dân sống ven đường tàu. Hồi đó làm chi có đèn báo, người gác chắn mô. Dân Xóm Gióng đi buôn về, băng qua đường tàu, sơ ý “mắc” lại giữa đường ray xem như thiệt mạng. Từ đó đến năm 2007- khi có ông Hoa tình nguyện ra đứng gác, tai nạn mới hết hẳn”.

Xóm Gióng nằm “cô độc” bên thành phố náo nhiệt, muốn vào thôn không có cách nào khác là phải băng qua con đường độc đạo - đường ray. Cũng bởi thế mà từ mấy chục năm qua, người dân gần như đã “quen” với hình ảnh người bị tai nạn kéo lê trên đường tàu, máu me bê bết, thân xác không toàn thây…Lật từng trang ký ức, cụ Nhượng liệt kê dày đặc những năm có xảy ra tai nạn mà nạn nhân chủ yếu là người dân trong thôn. Năm 2001, một người dân băng qua đường tàu lên chùa Diệu Viên thắp hương cũng bị tàu cán chết; năm 2003 một sinh viên và một học sinh đi học qua đây do không quan sát kỹ cũng bị tàu cán… 

Đặc biệt, Xóm Gióng không chỉ tập trung đông dân cư mà còn là nơi lưu trú của nhiều sinh viên nên đã có nhiều cái chết tức tưởi xảy ra tại đây. Ông Lê Bá- Tổ trưởng tổ dân phố Khu vực 1, phường An Tây cho biết: “Nơi điểm giao nhau đường tàu với thôn Xóm Gióng, hàng ngày có hơn nghìn lượt người qua lại, trong đó chủ yếu là học sinh, sinh viên. Không năm nào Xóm Gióng không có tai nạn, mặc dù chính quyền cơ sở đã kiến nghị nhiều song đâu lại vào đó. Người dân phải tự cứu mình bằng cách tìm người có tấm lòng thiện nguyện canh gác ngày đêm, báo hiệu khi có tàu qua.”

“Gác” tàu bằng cả tấm lòng

Chuyện người gác chắn tàu ở điểm “đen” ảnh 2
Ông Hoa luôn ghi chép, cập nhật lịch trình các chuyến tàu để kịp cảnh giới cho bà con

Dưới cái nắng cuối tháng Bảy như thiêu như đốt, một hình ảnh quen thuộc mà thân thương với người dân Xóm Gióng, người đàn ông gầy như que củi, người nhễ nhãi mồ hôi lầm lũi ra cầm cờ hiệu phất, thổi còi inh ỏi khi có mỗi chuyến tàu qua.

Giữa giờ trưa, khi chúng tôi đến, ông Hoa đang ăn vội bữa cơm. Chốc chốc ông lại chăm chú nhìn đồng hồ, xem lại lịch trình mỗi chuyến tàu, tai nghe ngóng tiếng còi. Tâm sự về “cơ duyên” khiến ông đến với nghiệp gác tàu chắn đường dân sinh, ông tâm sự, quê ông ở Khánh Hoà, năm 2002 với tấm bằng trung cấp xây dựng, ông dắt díu vợ con ra Huế tìm đường mưu sinh. Những tháng ở lại Xóm Gióng mong tìm được việc làm, ông chứng kiến cảnh nhiều cái chết thương tâm khi băng qua đường tàu An Tây nên nguyện với lòng không để thực trạng trên diễn ra lần nữa. Nhưng vì mưu sinh nên ông chỉ tranh thủ thời gian lúc rảnh rỗi ra cảnh giới cho bà con mà thôi.

Khi kinh tế đã tạm ổn, ông đã thực hiện được mong ước của mình là làm người chắn gác cho bà con được an toàn. Ông Hoa bộc bạch: “Tui ra lập nghiệp ở xóm Gióng cũng đã lâu mà thấy năm nào cũng có người bị tai nạn, xót lắm. Nhất là lũ học sinh cứ đùa giỡn bên đường ray rất nguy hiểm nhưng chúng tuổi nhỏ ham chơi nào có biết đâu. Thôi thì mình bỏ ít công giúp bà con an tâm mà làm ăn sinh sống cũng không có chi”.

Nói là thế, song cơ duyên dẫn ông đến với nghiệp gác đường tàu cũng lắm gian truân, vất vả. Đầu năm 2007, khi biết việc ông tự nguyện gác tàu trong mấy tháng liền, Ban an toàn giao thông tỉnh Thừa Thiên- Huế đã quyết định trích kinh phí 900 nghìn đồng/tháng hỗ trợ cho ông. Chút tiền hỗ trợ cũng không thấm vào đâu khi phải trang trải chi phí cho cuộc sống chứ chưa nói đến tiền dầu đèn hiệu xách tay, tiền nước non, tiền mua sắm vật dụng cảnh báo mỗi lúc tàu qua.

''Làm hết trách nhiệm, giúp bà con được chừng nào tôi vui chừng đó''-
người gác chắn Bạch Như Hoa bộc bạch

Đến tháng 12.2009, vì thiếu kinh phí nên nguồn hỗ trợ trên cũng bị cắt giữa chừng. Dù không còn tiền hỗ trợ song ông vẫn miệt mài làm việc ngày đêm. Ông tâm sự: “Có những lúc bị ốm, người rã rời không dậy nổi nhưng mình cảm thấy không mấy an tâm bởi ngày mô cũng có tàu qua lại, không có người gác là xảy ra tai nạn như chơi. Nghĩ thế nên tui vẫn gắng gượng dậy giúp bà con được chừng nào hay chừng đó.” Cảm trước tấm lòng thiện nguyện của ông Hoa, bà con chòm xóm ở phường An Tây đã tự đứng ra quyên góp mỗi hộ gia đình từ 4-5 nghìn đồng, có thêm chút kinh phí hỗ trợ cho ông mua dầu thắp, chế ấm nước trà mỗi đêm lạnh.

Công việc của ông được bắt đầu từ lúc sáng sớm cho gần 22h mới nghỉ ngơi. Để công việc hiệu quả, ông đã tự mua sắm còi hiệu, đèn dầu xách tay, cờ lệnh và đặc biệt là sổ ghi chép. Hàng ngày ông cập nhật thông tin, ghi chép tỉ mỉ về lịch trình của các chuyến tàu để chủ động cảnh báo cho bà con khi có tàu đến. Nhiều lúc ông còn “kiêm” luôn là nhân viên bảo vệ đường tàu hay khuân vác hàng cho bà con khi qua “trạm”. Kinh nghiệm và uy tín nhiều năm, anh em lái tàu cảm thấy rất an tâm, vững tin khi có sự hiện diện của ông nơi được xem là “điểm đen” của suốt lộ trình.

Nỗi niềm

Chuyện người gác chắn tàu ở điểm “đen” ảnh 4
Ông Bạch Như Hoa luôn nghe ngóng những chuyến tàu để canh giới cho bà con

Mấy năm ròng rã nắng mưa, biết bao kỷ niệm đã đi qua trong nghiệp gác tàu của ông Hoa. Song điều làm ông nhớ mãi và luôn day dứt là những cái chết nơi Xóm Gióng mà ông đã chứng kiến. Ông luôn tâm niệm sẽ làm hết mình để không còn thấy một tai nạn nào thương tâm xảy ra nữa. Nhắc lại những kỷ niệm, từng dòng ký ức trong ông tuôn chảy. Câu chuyện thứ nhất là vào khoảng 8 giờ sáng tháng 4.2009, tàu TN đã đến quá ga Âu Lạc (chỉ còn cách đường chắn An Tây khoảng non 150m), mặc ông đã phất cờ hiệu và thổi còi nhiều lần nhưng bà Võ Thị Hồng (trú tại khu vực 1, phường An Tây) vẫn không nghe thấy. Khi xe đã leo vừa lên tới dốc do chở 3 bao sắn quá cồng kềnh nên bị mắc kẹt lại giữa đường chắn. Tiếng còi hú ngày càng to, đinh tai nhức óc. Bà Hồng vẫn xoay xở, hoảng hốt tìm cách thoát khỏi “điểm chết”.

Ông Hoa nhớ lại: “Trong tích tắc tui nghĩ không còn kịp nữa nhưng mình cũng không thể nhìn người ta chết mà không làm gì được. Tui liều nhảy vội qua bên kia đường ray tàu, đẩy bà rớt xuống con mương nước gần đó rồi nhanh tay bật chiếc xe gắn máy ra khỏi đường ray. Vừa dứt tay ra thì đoàn tàu đã tới, 3 bao sắn của bà Hồng bị cán đến nát bét…”. 

Việc cứu bà Hồng thoát chết trong gang tấc đã làm cho bà con thôn Xóm Gióng càng tin tưởng vào “tay nghề” của ông Hoa hơn, họ yên tâm mỗi khi ông có mặt ở đường chắn. Trả ơn người đã cứu mình khỏi lưỡi hái thần chết, gia đình bà Hoa nhiều lần mang quà đến hậu tạ nhưng ông nhất quyết không nhận. Cảm trước tấm lòng nhiệt thành của ông, bà con Xóm Gióng khi đi qua đường tàu thường ghé chơi, khi thì mang cho ông gói trà, điếu thuốc, chai nước... Những thứ vật chất không đang là bao nhưng đó là cả tấm lòng và sự tri ân của người dân với “thợ gác” Bạch Như Hoa.

Câu chuyện thứ hai, vào một tối cuối đông năm 2009, hai thanh niên ở địa bàn trên thành phố Huế uống rượu say, khi đi ngang qua “điểm chết” An Tây cũng là lúc có tàu S7 đến, mặc dù ông đã ra hiệu, nhắc nhở là có tàu nhiều lần nhưng hai thanh niên vẫn không dừng xe lại. Nghĩ bụng cứu người là trên hết, ông “liều” ra chặn xe. Bất ngờ một trong hai người bảo: “Mầy là ai mà dám chặn xe tau, muốn chết hả?”, vừa dứt câu, hai thanh niên lao vào đánh ông tới tấp, sau một hồi chịu trận ông đã ngăn được hai thanh niên trước lưỡi hái tử thần. Ngay sáng hôm sau, hai thanh niên kia tìm đến nhà ông và cúi đầu gọi “ân nhân”! Câu chuyện về những nghĩa cử cao đẹp về người “thợ gác” Bạch Như Hoa chưa dứt, vừa liến thoắng đồng hồ ông lại tất tả chạy ra điểm chắn ra hiệu cho bà con.