Chuyện đời những phụ nữ "quê" lên phố làm nghề giúp việc

ANTĐ - Hầu hết họ đều là những phụ nữ không lập gia đình. Vì những lý do khác nhau mà họ quyết định trở thành người giúp việc cho các gia đình trên phố. Mỗi câu chuyện của họ đều giản dị và chân thực như chính con người họ - những người nông dân chất phác, hiền lành và tốt bụng.
Chuyện đời những phụ nữ "quê" lên phố làm nghề giúp việc ảnh 1
Ảnh minh họa

Câu chuyện 1:
“Giúp việc cho người nhà”

Bà Đào Thị Y, 66 tuổi (Hải Dương) đã đi giúp việc được 10 năm. Bắt đầu năm 2000, bà thu vén vườn tược, ruộng đồng rồi vào Nam giúp việc cho người em họ có công ty chuyên phân phối và lắp ráp cửa cuốn, cửa kéo nhập khẩu từ Đài Loan. Công việc hàng ngày của bà là nấu cơm 2 bữa trưa, tối cho 13 - 15 công nhân.

Bà cho biết: “Dù trong, Nam nhưng mình nấu theo kiểu Bắc, cũng các món như: cơm, rau, thịt rang, cá kho... Trước đây, tiền ăn của công nhân ở đó là 10.000 đồng/người/ngày. Sáng ra, tôi lấy tiền để đi chợ từ em dâu. Cô ấy cũng không hỏi hôm nay có bao nhiêu người ăn. Tôi mua thức ăn về, rồi nói lại với họ hết bao nhiêu tiền. Nếu còn thừa tiền lại để mai đi chợ. Công việc nấu ăn cho thợ không vất vả lắm!”

Nấu cơm cho công nhân từ năm 2000 đến 2004, mức lương khi ấy của bà là 700.000 đồng/tháng. “Mình ăn cơm với thợ rồi, số tiền ấy để chi cho việc thuốc men, mua sắm quần áo hay một số thứ lặt vặt khác. Sau đó, tôi về ở với dì ruột của mình để trông nom, cơm nước cho cụ (80 tuổi)”.

Họ giao cho bà thu tiền phòng trọ cụ cho thuê hàng tháng. Ban đầu, tiền cho thuê phòng - lương của bà là 1 triệu đồng rồi lên 1,1 triệu, 1,2 triệu và 1,5 triệu đồng. Lúc đồng tiền mất giá, lương giúp việc của bà được tăng lên thành 2 triệu đồng. Số tiền đó còn dùng để chi tiêu cho sinh hoạt của hai bà con. Đến khi tiền trọ là 3 triệu đồng, bà đưa cụ 1 triệu, còn 2 triệu đồng để trang trải các khoản ăn uống, thuốc men, tiền điện, nước… cho bản thân và người dì. Một tháng, hai ba lần con gái cụ đến mua thức ăn (tôm, thịt) để tủ lạnh, bà nấu cháo dần cho cụ. Tết đến, cô ấy đưa bà 1 triệu nói biếu ngày tết nhưng số tiền này cũng dành cho việc bà mua sắm đồ thờ cúng trong 3 ngày tết ở đó.

Ngày bà xin về, cụ cho 1 chỉ vàng và con gái cụ nói thưởng bà 10 triệu đồng. Bà lấy khăn mùi xoa khẽ lau nước mắt rồi nói tiếp: “Mỗi tháng trừ tiền ăn và tiền thuốc, tôi dành dụm may thì để ra được 1 triệu đồng. Cũng có tháng 2 dì cháu phải chi tiền cho nhiều khoản nên số tiền ấy lại mang ra để thêm vào. 10 năm đi giúp việc trong Nam, khi về, anh em, họ hàng ai cũng nghĩ là được nhiều tiền lắm, chắc phải trăm triệu nhưng thật sự là không có! Tôi chỉ nghĩ cụ bảo mình không hợp với con gái. Tôi về ở với cụ, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Mấy người giúp việc ở đấy, họ bảo lương ở đâu cao thì họ làm, nhà chủ đối xử không tốt họ sẽ đi. Nhưng dì cũng như mẹ, tôi chẳng đòi hỏi nhiều.”

Câu chuyện 2: “May mắn, tất cả nhà chủ đều tốt bụng!”

Sang câu chuyện của cô Nguyễn Thị Bé, 58 tuổi (Thanh Giang, Thanh Miện, Hải Dương), người cũng có thâm niên 6 năm đi làm nghề giúp việc, sau 3 năm kể từ ngày mẹ đẻ cô qua đời. Cô đã đi giúp việc cho nhiều gia đình ở Hải Hương, Hà Nội và Quảng Ninh. “Hễ có ai họ gọi, nhờ mình đến làm giúp thì mình đi thôi. Chủ yếu là trông con, trông cháu cho họ đến khi trẻ đi được mẫu giáo, họ không nhờ nữa, mình lại đến giúp việc cho gia đình khác.”

Lần đầu tiên, cô giúp việc cho một gia đình ở Quảng Ninh. Do lạ nhà nên mấy ngày đầu cô đều bị mất ngủ. Mức lương họ trả là 700.000 đồng/tháng. Công việc của cô là chuẩn bị cơm canh, trông nom nhà cửa cho gia đình chủ. Tuy nhàn rỗi nhưng rồi lo sợ mất cắp (nhà chủ 4 tầng, khu đó thường xảy ra trộm cắp) nên cô lấy lý do và xin về.

Sau đó, cô đến giúp việc cho đôi vợ chồng - con gái của 1 cô giáo trong làng. Sáng ra cô cho con họ ăn, rửa mặt mũi cho cháu rồi đưa bé đi tắm nắng. Nhiều hôm, hai bà cháu ra đến cả công viên hay gần đoạn đường tàu. Anh chồng dạy ở gần nhà. Buổi chiều thường về lúc 4 rưỡi. Nếu cô  trông thằng bé thì anh chồng đi cắm cơm và ngược lại.

Cô nói: “Họ xem mình như người nhà. Nhiều lúc còn bảo để họ bế cháu, mình ăn cơm trước rồi bế cho họ ăn”. Khi có khách đến, họ giới thiệu với khách đấy là bà dì ở quê ra chơi. Điều đó làm cô không cảm thấy chạnh lòng, nghĩ ngợi về chuyện mình chỉ là người ở thuê cho chủ. Cả 2 vợ chồng chủ còn nhắc cô chú ý ăn uống để đảm bảo sức khỏe. “Người ta bảo mình cứ làm giúp, đến khi nào họ không thuê nữa thì mới đi”. Được một thời gian thì bà của cháu bé lên, cô nghỉ và lên giúp việc cho một nhà ở Ba Đình, Hà Nội.

Gia đình chủ là đôi vợ chồng với 2 đứa con. Thỉnh thoảng, bà nội của cháu bé đến. Con lớn của họ đã đi lớp mẫu giáo. Cô đến trông nom bé thứ 2. Những khi có bà nội sang, họ trông cháu thì cô lại quét dọn nhà cửa, mang quần áo đi giặt và chuẩn bị cơm nước cho gia đình họ.

Trong số các gia đình cô đã đến làm giúp, có duy nhất 1 nhà họ cố tình để tiền, nhẫn ra ngoài để thử xem tính cách cô thế nào. “Họ để nhẫn ở nhà tắm. Mình thấy, mình nhắc họ cất đi chứ không may nhẫn rơi xuống cống, họ lại bảo mình làm mất.” Mấy hôm sau cô quét nhà lại nhặt được tờ 200.000 đồng ở dưới gầm bàn. Cô nhặt mang đến đưa cho chủ và nói không rõ đấy là tiền của ai làm rơi. Cô bảo: “Nếu có tính gian thì không thể nào đi làm giúp việc được. Họ bỏ tiền ra thuê mình về trông nom cửa nhà, chăm con cái cho họ. Mới đầu, đôi bên chưa biết nhau là người thế nào nên họ thử mình là đúng thôi! Có nhà (Hà Nội) còn lắp cả camera, mình cũng làm như bình thường, không lo sợ gì cả vì mình không làm gì để lương tâm phải xấu hổ.”

Cô cho biết: Vợ chồng chủ nhà 32 tuổi, có cửa hàng riêng cung cấp phụ tùng ô tô với 5 người công nhân. Họ chủ yếu ở cửa hàng. “Có 2 bà cháu ở nhà. Họ không yêu cầu mình làm gì. Chỉ có trông con cho họ, đến tối thì cắm cơm điện, thức ăn để họ về nấu. Bé trai được hơn 1 năm tuổi, chạy nhanh và khá nghịch, cái gì cũng biết.”

Thời gian giúp việc tại đây, cô chứng kiến cảnh nhà chủ mắng chửi và nói không trả tiền lương cho một cô gái trẻ giúp việc cho họ nhưng mắc tính gian vặt, đã bớt xén mỳ chính nhà họ. Cô thấy mình may mắn khi đến các nhà chủ đều hiền lành và thương người. Có nhà, khi cô bị đau mắt, họ đưa cô đi khám, mua cho thuốc uống, thuốc tra. Khi cô khỏi đau mắt, nhà họ có người nhà ra giúp nên cô lại đi chỗ khác.

Câu chuyện 3: “Trung thực, thật thà – ai cũng quý!”

Chị Thủy, 39 tuổi, người cùng làng với cô Bé kể lại: Chị đi giúp việc cho một gia đình ở ngay sau trường đại học Giao thông Vận tải (Cầu Giấy, Hà Nội) được 8 tháng. Người chồng 40 tuổi, vợ 32 tuổi. Chị biết họ nhờ người ở đó – làm công việc lau nhà, dọn dẹp, nghe nhà chủ nói muốn tìm người chăm con nên giới thiệu cho.

Những người giúp việc trong dãy phố này đều trong khoảng 50 đến 55 tuổi, họ thường không có chồng và cũng chỉ mới đi làm. Họ hỏi, sao chị trẻ khỏe mà lại làm nghề bó buộc này trong khi các công ty mở ra rất nhiều. Chị chỉ cười, đáp: Vì 2 vợ chồng mới xây nhà, số tiền vay để mua nguyên vật liệu vẫn chưa trả hết nên chị đi làm để trả bớt dần. Chồng chị cũng không phản đối.

Những ngày đầu tiên đến, gia đình chủ cũng thử xem tính tình chị thế nào. Họ để tiền trên bàn và xem như bỏ quên ở đó. Lần thứ nhất là 50.000 đồng, lần thứ 2 là 200.000 đồng. Chị cũng mặc kệ, xem như không biết số tiền ấy. Hai hôm sau chị thấy họ cất tiền đi.

Chị tâm sự: Gia đình nhà chủ rất tốt và thoải mái. Họ lấy nhau mãi mới có con nên chăm sóc con cái rất cẩn thận, đồ gì rơi xuống đất đều phải rửa sạch lại rồi mới cho con chơi tiếp. Khi chị đến gia đình, bé gái vừa 6 tháng tuổi, giờ được hơn 14 tháng và chạy lon ton. Bé rất ngoan và ít khi khóc. Vợ chồng chủ đi làm cả ngày, mẹ bé lại đang mang bầu, phải cai sữa khi bé con nhỏ nên con gái họ hầu như ở với người giúp việc và ít quấn bố mẹ.

Ông bà nấu cơm, dọn dẹp, chị chăm em bé (cho ăn, ngủ, vệ sinh, tắm giặt…). Mức lương là 3,5 triệu đồng/tháng. Giờ thì chị không đi giúp việc nữa. Phần vì nhớ nhà, phần còn lo dạy dỗ con cái. Làm 8 tháng mà chị xin về nhà 4, 5 lượt. Khi nhớ chồng con, khi có công việc ở quê. Mỗi lần về, nhà chủ đều cho chị tiền xe. Đợt tết vừa rồi, họ cũng thưởng chị 1 tháng lương. Gia đình họ rất quý người, nhất là khi thấy chị nhanh nhẹn và khỏe mạnh.

Trước khi chị xin về 1 tháng, chị nói chủ nhà biết để họ tìm người mới thay chị. Cô ấy 55 tuổi, đã 6 năm làm nghề giúp việc. Chị ở đó thêm 1 ngày, nói với họ về cách chăm, những thói quen của bé cho họ biết.