Chôn người chết ngay cạnh nhà ở vì sợ thú dữ cướp xác

ANTĐ - “Đêm ấy rõ ràng chúng tôi đắp ngôi mộ rất kỹ càng. Phía bên ngoài còn quây thêm một hàng rào mỏng bằng tre nữa. Thế nhưng không hiểu sao, sáng hôm sau ra ngôi mộ cha tôi đã bị đào bới nham nhở. Ám ảnh hơn nữa là sự đào bới đó do những con thú rừng gây ra. Nắp quan tài bung lên nhìn rất khiếp hãi. Cái thân thể già nua đang bắt đầu phân hủy phía trong thì không còn nguyện vẹn. Thế nên tôi đành chuyển về chôn ngay ngách nhà mình vậy”- ông Trần Tựu kể lại câu chuyện mộ của cha mình suýt bị thú dữ cướp mất xác. 

Dấu tích của một vụ bị thú rừng cướp xác

Những loài thú thích xác thối

Những ngôi làng trong vùng lõi Vườn quốc gia U Minh Hạ (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) người dân thường chôn người chết ngay sát ngách hoặc ngay trong nhà mình vì chôn bên ngoài sợ bị thú dữ moi mất xác. Đã có nhiều vụ thú moi xác người và ăn luôn mất xác diễn ra khiến cho người dân không còn dám an táng người thân của mình trong những nghĩa địa cách xa khu dân cư. 

Ông Hai Năm, năm này 81 tuổi kể lại: “Ở cái xứ này, trước kia đất đai mênh mông. Có nhà sở hữu hàng trăm héc-ta đất là chuyện bình thường. Mấy chục năm trước cả khu Vườn quốc gia U Minh Hạ này rừng rú hoang vu lắm, thú rừng nhiều vô số kể. Người ta muốn bắt một loại hươu, nai, mang, hoẵng cũng dễ như bắt con gà trong chuồng bây giờ vậy thôi. Cứ vào rừng nửa buổi là có thú mang về ăn thịt ngay. Nhưng dần rà rồi cũng ít đi. Trong các loài thú rừng thì để lại nỗi khiếp hãi nhất cho người dân U Minh Hạ là hổ và lợn rừng. Không phải hãi hùng bởi sự hung dữ của hai loài này mà hãi hùng vì chúng rất thích ăn thịt xác thối, nhất là xác người”.

Theo những người dân ở U Minh Hạ ở đây cũng có nghĩa trang đàng hoàng nhưng chôn xác ngay trong nhà hoặc sát ngách nhà mình đã thành thói quen cố hữu của các gia đình. Từ rất lâu đã thế và đến nay vẫn thế. Lý giải về điều này, ông Chín Tùng chỉ tay về phía vùng lõi rừng U Minh Hạ kể thêm: “Xưa, dân ở U Minh Hạ này nghèo lắm. Đa số đều dựa vào rừng ruộng đánh bắt các loại cá, thú mà ăn thôi chứ chưa có các biện pháp canh tác như bây giờ. Người dân lại sống đơn giản nên suy nghĩ về người chết cũng đơn giản. Chết không cần chôn trong các quan tài mà chỉ cần cuốn chiếu hoặc bó trong những cây rang, cây nứa thế là xong. Tuy nhiên, vào một chiều mưa rưng rức, sau khi chôn một người già khả kính trong làng thì bỗng nhiên sáng hôm sau ra thấy xác không còn nữa. Ngôi mộ bị bới lên tanh bành. Vì nghèo nên trong ngôi mộ chỉ có duy nhất xác chết chứ chẳng có của cải gì nên không thể có chuyện người cướp xác”. Ý nghĩ và suy đoán của ông Chín Tùng chưa kịp định hình thì mấy ngày sau, một ngôi mộ khác lại cũng bị bới tung lên nhưng cái xác lần này không bị đánh cắp toàn vẹn, chỉ bị xé mất một nửa.

Ông Tùng kể: “Đến lúc này thì có thể đoán chính xác đó là thú cướp xác rồi. Chúng ăn mất hai cánh tay và gần hết phần ngực của xác vừa chôn cất. Mấy ngày sau đó chúng tôi có ý định sẽ đối chọi với chúng, sẽ cài bẫy để bắt hổ và lợn rừng. Nhưng chúng nhiều quá, bẫy không kịp mà con nào cũng chỉ thích ăn xác người. Vẫn không từ bỏ ý định sẽ dọa cho các loại thú ham xác người kia khiếp hãi, những ngày sau đó, nhiều đêm trắng dân làng U Minh Hạ thắp đuốc đi thành đoàn vào rừng săn bắn nhưng cũng không có kết quả như mong muốn nên họ quyết định chôn người chết ngay gần nhà. Ông Nam Hùng - một người dân nói với chúng tôi: “Ban đầu tôi chẳng tin là không có biện pháp để trị bọn chúng (hổ và lợn rừng). Nhưng rồi thấy mệt mỏi quá, mà sểnh ra là mất xác như chơi. Ngày đó lợn rừng cũng như hổ rất táo tợn người đứng cách xa vài chục mét cũng không khiến chúng sợ”. 

Thành thói quen 

Giờ đây, các loài hổ không còn nhiều nữa nhưng kỳ lạ là những người dân ở U Minh Hạ vẫn kiên quyết không muốn thay đổi thói quen chôn xác người chết ngay bên ngách nhà mình. Ông Nguyễn Văn Đã (biệt danh Hai Tây) là một trong những người giữ nhiều câu chuyện và niềm tin kỳ lạ ở xứ U Minh Hạ này tâm sự: “Năm nay tôi đã ngoài 90 tuổi rồi. Ở xứ này chẳng có câu chuyện nào mà tôi không biết cả. Xưa, thú cướp xác người nhiều. Bây giờ thì có thể nó đã biết sợ người và cũng không còn nhiều nữa. Với lại như loài hổ cũng đã được đưa vào danh sách cấm săn bắn nên không ai dám bắn nó nữa. Nhưng thói quen chôn xác ngay ngách nhà đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân rồi nên họ không muốn thay đổi. Có người còn bảo với tôi, chôn ở ngách nhà để hương khói cho dễ. Có lần tôi vận động đưa ra cách xa nhà mình để an táng nhưng không ai chịu cả”. Chính nhà ông Đã cũng chôn người thân của mình ngay ở ngách nhà. Cũng như ông Đã, ông Tám Nổi khăng khăng: “Thói quen này không bỏ được đâu. Chôn ở rừng là mất xác ngay đấy. Ở ngoài Bắc thì đất chật nên phải lập nghĩa trang và chia phần cho nhau chứ ở đây đất mênh mông chôn ngay nhà mình cho tiện. Hai năm trước thôi, tôi vẫn còn thấy mấy con lợn rừng lảng vảng quanh làng đấy nên làm sao mà chôn ở nghĩa địa được. Cái lần chôn đứa em trai xấu số của tôi bị tai nạn cách xa nhà quá, suýt bị heo rừng moi lên ăn mất. Đêm đó, tôi cứ trằn trọc mơ màng không tài nào mà ngủ được. Cứ cảm giác thấy như em trai về của trách vậy. Sau đó phải nhang khói mãi và chuyển mộ em tôi về bên ngách nhà này mới hết ngủ mơ đấy. Từ đó trở đi ngày nào gia đình tôi cũng thắp hương cho chú ấy. Nếu mộ ở xa nhà thì chắc chắn đã không làm được điều này rồi”. 

Một điều khá bất ngờ nữa mà ông Nguyễn Văn Đã chia sẻ với chúng tôi là chính Ngô Đình Diệm và chế độ Ngụy quyền đã thất bại trong việc thiết lập ấp chiến lược và dồn dân cũng bởi thói quen chôn xác người thân ngay ngách nhà. Ông Đã nhớ lại: “Ở xứ U Minh Hạ này ai cũng chỉ thích tôn sùng và thờ cúng tổ tiên rất ít người theo các tôn giáo khác như là; đạo Thiên Chúa, đạo Tin Lành… Họ giữ mồ mả của người thân như giữ gìn chính bản thân của mình vậy. Thế nên khi Ngụy quân thành lập các ấp chiến lược và đến hù dọa, lôi kéo dân đến đó nhưng họ nhất quyết không đi. Bởi nếu đi nghĩa là phải bỏ lại mồ mả người thân. Cuộc đấu tranh khốc liệt đến đâu Ngụy quân cũng không thể làm thay đổi được ý chí và niềm tin này của người dân. Lúc này, quân Ngụy điên cuồng còn tính đến nước bốc những ngôi mộ này đến ấp chiến lược mới nhưng như thế càng làm tăng ý chí chiến đấu của người dân hơn. Cuối cùng chúng cũng đành phải bó tay và thất bại ý đồ xấu xa của mình. 

Muốn linh hồn người chết gần gũi người thân

Ngày nào cũng dọn dẹp và thắp hương lên mộ mẹ mình, bà Chín Thủy tâm sự rằng: “Cũng có người nói chôn cất ngay ngách nhà thế này là ô nhiễm nhưng chúng tôi lại không sợ lắm với điều đó vì cảm giác được gần gũi người thân nên mạnh mẽ hơn nhiều. Hơn nữa bây giờ chúng tôi đều chôn trong các ngôi mộ xây bằng xi măng nên có lẽ cũng không sao cả. Người thân ở ngay ngách nhà sẽ cho mình cảm giác như đang được họ phù hộ và bảo vệ”. Những chiếc mộ người chết thường gợi cho người ta cảm giác sợ hãi và lạnh lẽo. Đặc biệt nhiều người lạ đi qua các ngôi làng ở U Minh Hạ cũng ái ngại vì điều này. Anh Trần Văn Thực, một giáo viên ở U Minh Hạ cho biết: Tôi không phải dân ở đây nên những ngày đầu đến thuê nhà ở để công tác thấy cảnh bước ra khỏi nhà là gặp ngay mộ người chết cũng rất ngỡ ngàng. Có đêm không tài nào ngủ được vì cảm giác rờn rợn. Nhưng ở riết rồi cũng thành quen. Với lại niềm tin này ăn sâu vào tiềm thức người dân nên khó mà thay đổi. Với người lạ thì thế nhưng với những người dân ở đây thì lại khác. Ông Hai Tây quả quyết: “Tôi tuổi già quá rồi nên cũng đã tính chuyện xây sẵn cho mình một ngôi mộ ngay trong gian nhà phụ phía dưới nhà bếp của mình đấy. Khi nào quy tiên thì con cháu sẽ bỏ vào đấy và xây nắp kín lại. Như thế hàng ngày vẫn được quây quần bên con cháu, linh hồn cũng sẽ bớt lạnh lẽo và cô đơn hơn”. Bà Chín Thủy cũng cho rằng: Người lạ thấy mộ người chết bao quanh khu dân cư, hiện hữu bên những ngôi nhà thì sợ chứ chúng tôi quen rồi. Thế lại ấm cúng. Hàng ngày được thấy người chết và ngược lại các linh hồn cũng được chứng kiến sự đổi thay của con cháu, làng bản của mình.