Bản sắc Tây Nguyên ngày càng phai nhạt:

“Cầu may” bằng lông đuôi voi

ANTĐ - Từ lâu, nhiều người dân thành phố rỉ tai nhau câu chuyện về những chiếc nhẫn được gắn lông đuôi voi. Nếu ai đó sở hữu nó, người đó sẽ gặp may mắn. Đem nhẫn lông đuôi voi mà tặng người mình yêu, người ấy sẽ chung thủy với mình suốt đời… Một đồn mười, mười đồn trăm, nhiều du khách đến buôn Đôn chỉ để tìm vật cầu may.

“Cầu may” bằng lông đuôi voi ảnh 1
Đàn voi ở Buôn Đôn giờ chỉ còn 24 con

Voi ít, lông nhiều

Buôn Đôn nằm cách thành phố Buôn Mê Thuột chừng 50km. Từ lâu, nơi này đã trở thành điểm hấp dẫn du khách. Người ta bảo, chưa đến buôn Đôn, coi như chưa đến Đắk Lắk. Và khi đã đến buôn Đôn có hai thứ không thể không mua là lông đuôi voi và “thần dược” của huyền thoại Ama Công.

Chở chúng tôi dạo một vòng quanh thành phố Buôn Mê Thuột, người lái xe taxi hỏi: “Chị có mua lông đuôi voi lấy may không, đảm bảo giá cả phải chăng, đồ xịn 100%”. Ngôi nhà mà chúng tôi dừng chân để mua lông đuôi voi nằm trên một con phố lớn trong thành phố. Ngoài những chiếc lông rời được bó thành từng bó, chủ cửa hàng không quên giới thiệu “hàng độc” là những chiếc đuôi voi đã khô. Lấy sợi nào nhổ sợi ấy, những sợi to và dài, có thể làm được cả một chiếc vòng tay có giá đắt hơn cả, khoảng 700 nghìn đồng. Còn lại “giá sàn”, 200 đến 400 nghìn đồng. Chủ cửa hàng khoe, đuôi voi được nhập từ Lào về.

Giờ thì nhẫn lông đuôi voi không chỉ riêng bản Đôn mới được “độc quyền” mà có mặt khắp nơi ở TP Buôn Mê Thuột, trong tất cả những cửa hàng vàng bạc, trang sức, quầy hàng lưu niệm trong những khách sạn lớn. Giá của một chiếc lông đuôi voi được các chủ cửa hàng bán theo kiểu “co giãn mệnh mông”. Có chiếc (đã đánh thành nhẫn) khoảng 100 đến 120 nghìn đồng. Nếu là nhẫn vàng tây, giá khoảng 300-400 nghìn đồng/chiếc. Cửa hàng nào cũng treo biển và thề thốt, thứ giống hệt như sợi dây điện màu đen kia là lông voi thật 100%. Người ta dạy du khách cách thử, nếu đốt lên có mùi khét là lông voi thật, hoặc nếu tách sợi lông ra làm đôi xé dọc, lông tước ra làm đôi, y như khi ta tước một sợi tóc bị chẻ ngọn, thì đó là lông thật. Không nhiều du khách biết rằng, ở Buôn Đôn, cả thảy còn 25 con voi. Đuôi con nào con nấy trụi cả. Lấy đâu ra lắm lông mà phục vụ cái thú chơi quái đản này. 

Những chuyện buồn

Từ khi lông đuôi voi được nhiều du khách săn lùng, trả giá cao ngất ngưởng, nhiều kẻ hám lợi mờ mắt làm càn. Ban đầu ở Buôn Đôn chỉ lác đác vài vụ nhổ trộm lông đuôi voi. Rồi táo tợn hơn là chặt đuôi voi, thậm chí là những vụ giết voi chỉ để lấy lông. Đã từng có một phiên tòa diễn ra vào tháng 3-2011 xử 3 đối tượng chặt đuôi voi và nhổ 200 chiếc lông. Dù có bắt được thủ phạm, có xử lý nghiêm để làm gương, nhưng những vụ phạm tội kiểu này không vì thế mà thuyên giảm. Chỉ ít lâu sau, thêm một con voi nữa tên Pắc đã chết với 217 nhát chém. 

Ông Trương Bi - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đắk Lắk cho biết, cả tỉnh giờ chỉ còn 54 con voi nhà chia đều cho 2 huyện Buôn Đôn và huyện Lăk. Trong khi đó, vào năm 1975, toàn tỉnh có hơn 1.000 con voi nhà, phân bố ở 18 huyện. Gần đây, năm 1994, khi Lễ hội văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên lần đầu tiên được tổ chức, Đắk Lắk vẫn còn đàn voi tới 550 con. 

Voi buôn Đôn chỉ có thể sinh sản khi ở trong rừng. Khi đến mùa giao phối, voi trở nên hung dữ, nếu ai vô tình nhìn thấy cảnh chúng âu yếm nhau là coi như gặp hạn. Voi sẽ tìm đúng người “vô duyên” đó để gây sự. Vì thế xưa nay, luật tục của buôn Đôn không cho phép một con voi mang thai ở lại buôn. Thêm nữa, chủ voi đực nào mà “dám” làm cho voi cái “nhỡ nhàng” thì sẽ bị bắt vạ, bị xử tội, phải nộp cho làng cả chục ché rượu. Rồi phải mổ trâu, mổ lợn làm lễ cho 2 con voi cưới nhau như người vậy. Vì thế, nhà nào cũng sợ bắt vạ, cấm tiệt voi nhà “yêu đương”.

Để khôi phục đàn voi huyền thoại một thời của Tây Nguyên, đã từng có ý kiến đề xuất khôi phục lại việc săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Song, ý kiến này gần như không nhận được sự đồng thuận của cơ quan quản lý. Giải pháp hiện đang được đưa ra là cho voi sinh sản dưới hình thức bảo tồn tự nhiên, với mô hình học tập từ Thái Lan. Hơn 1 năm trước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk đã thành lập Trung tâm bảo tồn voi. Nhiệm vụ của trung tâm này tập trung vào việc nhân giống đàn voi nhà. Cho đến nay, kết quả thế nào vẫn phải chờ.