Câu chuyện một người mẹ “khất thực” nuôi con đầy cảm động

ANTĐ - Ở tuổi 73 tay yếu, lưng còng nhưng người mẹ ấy vẫn tảo tần chăm người con liệt giường và đằng sau ấy là câu chuyện “khất thực” nuôi con đầy cảm động.

Trang đời đẫm nước mắt

Người mẹ ấy là cựu nữ Thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Thị Vân, sinh năm 1941 ở xóm 12, xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Vốn sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, cha của bà Vân từng tham gia phong trào cách mạng năm 1930-1931 rồi bị thực dân Pháp bắt giam. Mãi tới khi bà lên 10 tuổi, cha bà được thả và khi ấy bà mới được đi học lớp 1. Đến khi học lớp 10, bà tình nguyện đi TNXP ở đường Trường Sơn (khu vực Nghệ An - Thanh Hóa) và từng tham gia đào núi, mở đường ở những tuyến trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt ở Truông Bồn, Nam Cấm. Trong một trận đánh, căn hầm nơi bà đang làm nhiệm vụ bị đánh bom, thoát khỏi lưỡi hái của tử thần, nhưng mắt phải của bà mãi mãi không còn thấy ánh sáng khi bị một mảnh bom găm vào. Đến năm 1968, bà được cấp trên cử đi học Trung cấp ngành Kiến trúc ở Thanh Hóa trong thời gian 3 năm rưỡi. Lúc ra trường, bà được nhận về công tác tại Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, Thanh Hóa. 

Khi đang học dở chừng, bà lập gia đình với một chàng trai làm nhân viên kế toán huyện Quỳnh Lưu. Lấy chồng về nhưng bà nào được hưởng trọn vẹn hạnh phúc của một người vợ. Hai vợ chồng bà thường xuyên phải xa cách nên mãi tới năm 1976, đứa con trai đầu lòng mới ra đời được đặt tên là Nguyễn Bá Hùng. Khi Hùng lên 10, sức khỏe của cháu càng yếu rồi bị dị tật. Ba năm sau, con trai của vợ chồng bà là Nguyễn Bá Cường cất tiếng khóc chào đời rất khỏe mạnh, kháu khỉnh. Vợ chồng bà chưa kịp mừng vui thì lên 4 tuổi, Cường bị teo cơ, cứng khớp. Năm 1982, bà Vân mang thai đứa thứ ba nhưng lúc gần sinh thì phát hiện con bị teo cơ từ trong bào thai, không thể quay đầu được và phải mổ. Tuy vậy, khi lấy được đứa con ra thì đã quá muộn. Khi đó, chồng bà Vân không còn hy vọng gì nên sinh ra chán nản. Lúc ấy, bà an ủi chồng: “Con mình răng thì nuôi rứa!”. Rồi mãi 3 năm sau, bà Vân sinh thêm một cậu con trai đặt tên là Nguyễn Bá Phương. Hạnh phúc đã mỉm cười với đôi vợ chồng kém may mắn khi nhìn đứa con mình lành lặn, chỉ có điều sức khỏe yếu.

Sau khi bà Vân sinh con trai út không lâu, chồng bà đổ bệnh nặng. Khi ấy, bà đành xin “nghỉ hưu non” để về chăm sóc chồng con. Trong nhà có cái gì đáng giá bà Vân cũng đem bán sạch trơn để chữa chạy cho chồng và mấy đứa con dị tật những mong có ngày chồng, con khỏi bệnh. Suốt mấy năm trời, một mình bà lúc thì đưa chồng, khi thì mang con đi khắp các bệnh viện Vinh rồi Hà Nội chữa trị. Dù vậy, sức khỏe của chồng bà ngày càng yếu đi rồi qua đời khi đứa con trai út Nguyễn Bá Phương đang học trường Trung cấp Cơ khí ở Hòa Bình. 

Cũng đành “khất thực” nuôi con!

Đau đớn tột cùng vì mất đi chỗ dựa lớn nhất của đời mình nhưng vì các con, bà Vân không thể suy sụp. Để có tiền nuôi đứa đang ăn học, đứa bệnh tật nằm liệt giường bà Vân đành phải làm một việc không ai muốn là đi “khất thực”. Bà Vân đi sớm, về khuya, trong làng, ngoài ngõ không một ai biết công việc bà đang làm. Cứ mờ sáng bà lại theo xe đến một địa phương nào đó, rồi chiều tối lại trở về ngôi nhà nhỏ của mình, ở đó còn có cậu con trai thứ Nguyễn Bá Cường, năm nay đã tuổi 35 nhưng vẫn còn mang thân hình của một đứa trẻ, đôi chân teo tóp, cụt lủn, suốt ngày chỉ nằm một chỗ và chờ mẹ về cho ăn, tắm rửa.

Nhưng cách bà Vân “khất thực” chẳng giống ai. Nếu như người ta thường tìm đến từng gia đình để xin bát gạo, củ khoai thì bà vào thẳng các cơ quan Nhà nước chìa ra cho họ giấy báo nhập học của con và lá đơn có ghi “gia đình Bà Vân khó khăn nhất xã, chống mất, đang phải nuôi 3 đứa con ăn học…” để xin. “Nào ai có muốn mình thành người hành khất mô chú ơi, nhưng cực chẳng đã mới phải làm công việc ni. Người ta coi mình ra răng tui không quan tâm, chỉ mong có thể kiếm ít tiền, ít gạo cho con ăn học là tui vui rồi”, bà Vân phân trần. 

Không chỉ đi “khất thực” ở Nghệ An, bước chân bà còn đi khắp các tỉnh lân cận và ra cả Thủ đô. Ba năm “khất thực” với bao cay đắng, tủi nhục nhưng bà cũng gặp được không ít những người tốt bụng. Lần đầu ra Hà Nội khất thực, bà đói lả và chỉ ghé vào một quán ăn để mua 1.000 đồng tiền cơm ăn tạm cho đỡ đói. Khi ấy, bà chủ quán cơm không khỏi ngạc nhiên và hỏi thì bà chỉ đáp gọn bằng chất giọng đặc sệt xứ Nghệ: “Tui không có tiền mô, phải đi ăn xin để góp tiền nuôi con ăn học”. May sao khi ấy có người đàn ông cao to tò mò hỏi, bà Vân thật thà kể về gia cảnh của mình và công việc “cực chẳng đã” của bản thân. Nghe xong, người đàn ông mua tặng bà tô phở Hà Nội. Bao năm ăn uống kham khổ, được ngồi ăn một bát phở ngon mà bà nghẹn lại không cầm được nước mắt. Sau đó, người đàn ông nói với bà: “Đi với tôi. Tôi chỉ đưa bà đến những nơi tốt đẹp để người ta có thể giúp bà chứ không hại bà đâu!”. Sau khi đến nơi, bà mới biết người đàn ông ấy là phóng viên của một tòa báo và nghe được câu chuyện cảm động của bà, 5 ngày sau, tòa soạn đã cử người về tận gia đình bà để tìm hiểu gia cảnh rồi có viết bài về một người mẹ khất thực nuôi con. Sau khi bài báo đăng, nhiều cơ quan, tổ chức và bạn đọc hảo tâm đã tặng được 20 triệu đồng giúp mẹ con bà xây dựng được 2 gian nhà ngói kiên cố. 

Lúc báo ra, em trai chồng và các con bà mới biết bà đi ăn xin. Khi ấy, cậu con út tên Phương xấu hổ: “Con mà biết mẹ đi ăn xin ri để nuôi con thì con đã bỏ học từ lâu rồi!”. Khi ấy, bà Vân chỉ biết ôm lấy con mà khóc. 

Bao năm qua, bà một thân, một mình bươn bả lo từng miếng cơm, manh áo để các con khôn lớn, nên người. Khó khăn nhất là con trai thứ hai phải nằm liệt giường từ lúc lên 4 tuổi đến nay, mọi ăn uống, sinh hoạt của con đều do bàn tay gầy gò của bà chăm bẵm. Khi còn khỏe mạnh, bà thường bế con trai ra bể nước tắm, giờ tay yếu, lưng còng, hàng ngày bà phải bê từng chậu nước vào đặt trên giường và tắm cho con trai như tắm cho đứa trẻ thơ. Nhìn cảnh ấy, người viết bài cảm thấy rưng rưng. Ở đời, người ta sinh con ra cũng mong có khi về già được con cái chăm sóc, đằng này khi ngoài 70, tay yếu, lưng còng bà Vân vẫn phải chăm người con trai liệt giường. Âu cũng là số phận. Nhưng ngần ấy năm chưa một lần người mẹ già gầy yếu ấy than thân, trách phận dù đời bà nghèo, không may mắn như bao người phụ nữ sinh được những đứa con khỏe mạnh. 

Hạnh phúc nhỏ nhoi

Đến bây giờ, bà Vân đã tìm ra được căn cớ cho những khiếm khuyết trên cơ thể của các con mình, đó không phải là do di truyền từ người chồng tàn tật, mà đó là ảnh hưởng chất độc da cam từ bà trong những ngày tại ngũ. Niềm hạnh phúc nhất của người nữ TNXP ngày nào hiện giờ là cậu con trai đầu và con trai út đã lấy vợ, sinh con cho bà có cháu bế. Con trai út Nguyễn Bá Phương giờ đã là chủ một xưởng cơ khí ở quê, tạo việc làm cho 3 - 4 lao động. 

Riêng với cậu con trai tật nguyền Nguyễn Bá Cường, bà Vân cũng có được niềm an ủi khi con mình có thể làm thơ. Những bài thơ người con trai tật nguyền của bà làm ra có sức lay động lòng người (nhất là những bài thơ viết về mẹ) và được đăng ở một số báo, tạp chí. Hàng ngày hết việc đồng áng, bà lại trở về bên con, chăm bẵm, tắm rửa cho cậu con thứ tuổi 35 của mình như những ngày cậu còn thơ bé, rồi có lúc bà lại như một người thư ký, ghi lại những vần thơ của đứa con tội nghiệp hơn hai chục năm qua chưa rời mình ra khỏi chiếc giường cũ nát, và cũng chưa một lần được đặt chân đến trường.

Rời xa căn nhà của bà Vân khi chiều nhá nhem, người viết bài không khỏi cảm phục đức hy sinh của người mẹ tảo tần, lam lũ. Dù cực khổ, vất vả nhưng trong đôi mắt của người nữ TNXP ngày nào, tôi vẫn thấy hiện lên niềm hạnh phúc, dẫu đó chỉ là niềm hạnh phúc nhỏ nhoi.