Cậu bé dị tật không chân tay kỳ lạ được phong làm "cậu hai" thần thánh ở An Giang

ANTĐ - Mấy ngày qua, sự kiện một trẻ sơ sinh bị dị tật không có chân tay được sinh ra khỏe mạnh ở ấp Phú Hiệp, xã An Phú, huyện Tịnh Biên (An Giang) đã làm xôn xao dư luận. Cùng với sự tò mò, hàng loạt các tin đồn với nội dung mê tín dị đoan đã khiến hàng trăm người đổ xô đến làng quê bé nhỏ ở miền Tây Nam bộ này để ngắm cháu bé, thậm chí khấn vái cầu tài cầu lộc. Có người đứng nhìn cháu bé để đoán từ nụ cười, tiếng khóc của bé, mong đoán ra một con số đánh đề. Phóng viên Báo ANTĐ CT đã đến tận nơi để mục sở thị cậu bé xinh đẹp nhưng bất hạnh này. 

Cậu bé xinh đẹp nhưng dị tật không chân tay

Ngày 8-11, chị Trần Thị Kim Tây ở ấp Phú Hiệp, xã An Phú, huyện Tịnh Biên (An Giang) sinh mổ đứa con đầu lòng tại BV Đa khoa khu vực An Giang (TP Châu Đốc). Ca phẫu thuật thành công, bé trai - đứa con đầu lòng của chị Tây với anh Lê Văn Ton nặng 2,5 kg rất bụ bẫm, tuy nhiên bé không có hai tay và hai chân. Bà Nguyễn Thị Rẩy, mẹ chồng chị Tây, buồn bã cho biết vợ chồng anh chị đã cưới nhau được 3 năm. Lần trước, chị Tây đã có thai nhưng lại bị sẩy thai. Hiện nay, bà Lê Thị Giai, mẹ đẻ chị Trần Thị Kim Tây (ở xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) là người đang nuôi dưỡng cháu bé sơ sinh.

 Trong ngôi nhà nhỏ lợp tôn nằm giữa vườn, bà Giai vẫn rất vui vẻ. Mặc dù cháu bé thiếu chân tay, nhưng rất khỏe mạnh, bú tốt và lớn nhanh. Các giác quan đều lành lặn, phản ứng tốt với xung quanh. Vì chị Tây sinh mổ, nên phải nằm dưỡng bệnh bên nhà chồng, lên ngoại đón cháu về trông nom là phong tục của bà con vùng này. Bà Giai tâm sự: Dầu cháu nó dị tật, nhưng cả hai họ nội ngoại đều thương lắm. Bà nội cháu ngày nào cũng sang đây chơi với cháu.

Sang thăm chị Tây, được biết chị cũng đã khỏe lên, nhưng hai họ sợ chị buồn nên chưa cho sang chăm cháu. Được biết, trước khi chị Tây sinh cháu, chị Tây có đi khám bệnh và đã biết cháu không có chân tay, nhưng chị vẫn muốn sinh cháu. Lúc đó hai bên nội ngoại đều biết về chuyện cháu mình bị dị tật, nhưng bà ngoại, bà nội cứ đòi phải sinh cháu. Các bà còn nói lẫy: Bay không nuôi, để tau nuôi. Hai vợ chồng chị càng quyết tâm sinh cháu. Bây giờ đứa bé khỏe mạnh, cả hai vợ chồng đều mừng. Anh Ton thì vừa mừng vừa lo: Hai vợ chồng chỉ có nghề giăng câu với làm thuê, nuôi cháu chắc cũng sẽ có khó khăn. Nhưng khó mấy, tui cũng cố nuôi cháu lớn khôn. Hai vợ chồng đã đặt tên cháu là Tiểu Đồng, vài ngày nữa sẽ làm khai sinh cho cháu.

Những tin đồn mê tín dị đoan 

Ngay từ khi đưa cháu về nhà, rất nhiều người đã đến thăm cháu bé. Nhiều người đã hỗ trợ tiền cũng như vật dụng để gia đình có điều kiện chăm nuôi cháu bé. Nhưng rồi không biết từ đâu xuất hiện tin đồn cháu bé là “Cậu hai” đản sinh, mang lại phúc lộc. Ai kính thờ cậu câu sẽ cho lộc. Tin đồn mỗi ngày một rộng, một phong phú. Nào là “Cậu hai” chỉ mới ba ngày tuổi đã biết cười, biết nói. Thậm chí gần cậu thấy người như được trên phù, sung sướng lạ lùng. Thậm chí có người còn tô vẽ, thấy cậu nhìn thẳng vào mắt rồi cười, về nhà tra số mơ đánh đề trúng liền. Chỉ có tội là chưa tin cậu, đánh nhỏ quá, ăn không được bao nhiêu. 

Tin đồn đã kéo rất nhiều người đến thăm cậu bé, chẳng những làm mất trật tự mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu bé. Người ta đến cứ ném tiền lung tung, gia đình bà Giai phải làm một cái thùng công đức để ai muốn hỗ trợ tiền nuôi cháu bé cứ bỏ tiền vào thùng. UBND xã An Phú đã thành lập đoàn công tác nắm dư luận xã hội, đến động viên gia đình, nhắc gia đình bé không thổi phồng sự thật về cháu. Đồng thời UBND xã An Phú đã cử 6 cán bộ túc trực 24/24 tại gia đình bà ngoại của bé để tuyên truyền, giáo dục cho người dân đến xem hiểu và biết rõ về tình trạng dị tật của bé, nhằm ngăn ngừa những thông tin mê tín dị đoan. Bà Lý Kim Thoa - Phó Chủ tịch UBND xã An Phú cho biết trong 5 ngày qua nhiều người đến thăm đã hỗ trợ cho gia đình cháu bé gần 6 triệu đồng. Bà Thoa cho hay để tạo điều kiện cho gia đình nuôi nấng cháu bé tốt hơn, địa phương đã đề nghị Phòng LĐ-TB-XH  huyện cho cháu hưởng chế độ trẻ khuyết tật. 

Đến nay, nhờ sự cố gắng của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của gia đình, trật tự đã được lập lại, không còn hiện tượng cầu cúng nữa.

Dị tật bẩm sinh là hiện tượng phổ biến

Mặc dù chưa có các nghiên cứu toàn diện về dị tật bẩm sinh ở Việt Nam nhưng qua các nghiên cứu độc lập của nhiều nhà khoa học, ước tính hàng năm trên toàn quốc có khoảng từ 22.000 đến 30.000 trẻ sinh ra có dị tật bẩm sinh. Việc gia tăng dị tật thai nhi trở thành nỗi ám ảnh đối với hầu hết các gia đình thai phụ. Dị tật bẩm sinh là một chủ đề khá nhạy cảm mà ít mẹ bầu nào muốn nhắc đến, nhưng với con số thống kê của Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) vào năm 2002, hiện trong 5 triệu người tàn tật tại Việt Nam có đến 34,2% là do dị tật bẩm sinh, con số không hề nhỏ. Chính vì vậy những người mẹ mang thai cần phải quan tâm hơn đến các nguyên nhân gây dị tật cho bé ngay trước hoặc trong thai kỳ, để phòng tránh tối đa các rủi ro có thể xảy ra. Nhất là trong khoảng 60 – 70% dị tật bẩm sinh không rõ nguyên nhân vẫn bắt nguồn từ yếu tố môi trường hoặc di truyền.

Đến nay vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân của dị tật bẩm sinh, đặc biệt đối với những trẻ dị tật thiếu chi (chân, tay) như cậu bé Tiểu Đồng. Một vài chuyên gia cho rằng, đây có thể là kết quả của việc mẹ bị nhiễm hóa chất hoặc virus trong thời kỳ thai nghén. BS Trần Danh Cường, Phó giám đốc TT Chẩn đoán trước sinh  khi nói về dị tật bẩm sinh đã từng cho biết: “Tỉ lệ trung bình các trường hợp dị tật ở thai nhi là khoảng 3,5%. Riêng khảo sát tại Viện C, tỷ lệ này là 5,4% và phần lớn đều do chế độ dinh dưỡng không đúng hay bị nhiễm độc”. Ngoài nguyên nhân dinh dưỡng và nhiễm độc còn có những nguyên nhân do đột biến di truyền. Trong những dị tật thai nhi, nếu bị đột biến ở nhiễm sắc thể số 22 thường dẫn đến dị dạng của hệ thống mạch máu, số 21 thì bị down, Còn các dị dạng chi như chân tay khoèo, vẹo, thừa ngón, thiếu ngón, cụt… thường liên quan đến nhiễm sắc thể 18.

Nhưng cũng theo các chuyên gia y tế, các trường hợp dị tật bẩm sinh liên quan đến thiếu hụt chi phổ biến là do dùng thuốc không đúng chỉ dẫn, sử dụng thuốc cấm khi có thai. Các nghiên cứu đã chỉ ra, các loại thuốc nhóm X và nhóm D là nguyên nhân gây ra nhiều dị tật thiếu chi ở trẻ sơ sịnh, đặc biệt là Thalidomide. Rất nhiều chứng cứ cho thấy đây là thuốc chống nôn và an thần có tính gây quái thai. Thuốc này trước đây đã được dùng rộng rãi tại các nước châu Âu. Vụ án dị tật do thuốc Thalidomide được được phát hiện từ năm 1959 . Đến năm 1966, có khoảng 7.000 trẻ bị dị tật do Thalidomide. Thalidomide gây tật chi, được chia ra làm 2 loại là vô chi (không có chi hoàn toàn) và ngắn chi (chi rất nhỏ và ngắn do thiếu mất 1 đoạn chi). Thalidomide cũng gây ra các dị tật khác như không có tai trong và tai ngoài, bướu máu vùng trán, tim bẩm sinh, các dị tật tiết niệu và tịt ruột. Hiện nay nhiều nơi vẫn sử dụng hoạt chất này để chống hiện tượng “ốm nghén”. Một số loại thuốc an thần, tâm thần phân liệt, động kinh, chống ung thư cũng gây ra các dị tật loại này.

Lời khuyên của các bác sĩ là trong giai đoạn thai kỳ nên hạn chế sử dụng các loại thuốc chữa bệnh, tránh xa môi trường ô nhiễm bởi các chất độc hại. Thai phụ phải được hưởng chế độ dinh dưỡng tốt và có một môi trường sạch. 

Chia tay với gia đình bé Tiểu Đồng chúng tôi cảm động trước câu nói của anh Ton: Dẫu không mong sau này cháu sẽ nổi tiếng như “cậu Ních” nhưng chúng tôi cũng sẽ nuôi dạy Tiểu Đồng để cháu không kém người có đủ chân tay. Hy vọng các tấm lòng từ thiện cả nước hỗ trợ gia đình anh Ton để cháu Tiểu Đồng có điều kiện sống tốt nhất.