Bước vào “phố” Trung Quốc

ANTĐ - Cuộc “đổ bộ” của công nhân Trung Quốc vào làm việc tại nhà máy nhiệt điện tại huyện ven biển Thủy Nguyên, Hải Phòng đã xuất hiện  những lo lắng về cơn “địa chấn” của sự biến đổi đột ngột về dân số cơ học tại đây.

Để tìm hiểu cơn “địa chấn” dân số, chúng tôi đã có những ngày sống cùng với công nhân Trung Quốc đang làm việc, lao động tại Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng để ghi nhận lại cuộc sống thường nhật những người lao động xa xứ này.

 

Những hàng quán ăn theo phục vụ công nhân Trung Quốc không một bóng khách 

Ăn theo dòng điện

Trên đường đến khu công trường đang xây dựng nhà máy nhiệt điện, tôi đã hình dung về viễn cảnh tan ca của những dòng người lao động sẽ đi thành đoàn dài về khu nghỉ trọ. Rồi thì, những con phố sẽ rực lên ánh đèn lồng đặc trưng một màu đỏ. Nhưng không, ngay khi chúng tôi có mặt đã là lúc tan ca, song tuyệt nhiên những suy nghĩ ban đầu đã đổ vỡ.

Tiến sâu vào công trường Nhà máy nhiệt điện 2 đang xây dựng, với ngổn ngang máy móc la liệt trên khoảng đất rộng bao la với bùn lầy và những con người đang ướt đẫm mồ hôi lao động. Công trường 2 mới mở đầu giai đoạn nền móng, nên công nhân thưa thớt. Thỉnh thoảng mới thấy tốp thợ vận hành máy khoan nhồi cọc hoặc những lái xe tải chở thiết bị đang đợi cẩu xuống hàng. Bên cổng ra vào công trường là trạm gác, có bảo vệ là người của Việt Nam và Trung  Quốc luôn được kiểm tra sự ra vào rất nghiêm ngặt.

Tôi bắt đầu bằng thâm nhập vào khu “ký túc xá” Trung Quốc thuộc địa bàn xã Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên. Đây là khu dành cho những công nhân người Hoa làm cho các nhà thầu đang thi công Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng. Khu này nằm cách biệt với đường lớn chạy qua địa bàn xã. Nơi mà trước đó tôi cứ nghĩ rằng sẽ rực ánh đèn lồng vào ban đêm, với những nhịp sống hối hả, gấp gáp nhờ những cuộc nhậu tới bến bờ của từng tốp kỹ sư, công nhân người ngoại quốc, nhưng sự thật đã hoàn toàn khác.

Khu phố “Tàu” ở xã Ngũ Lão đã cho tôi những bất ngờ về nơi “hội tụ” dân số bất thường. Mới 19h tối, quán xá vắng vẻ, đường tối thui. Lác đác, trên dọc tuyến đường chạy dọc từ xã Ngũ Lão đến xã Tam Hưng có vài tấm biển nhà nghỉ hắt ánh sáng lờ mờ. Trên mỗi tấm biển ấy đều in 2 loại chữ tiếng Việt và tiếng Trung.

Câu chuyện chúng tôi tìm hiểu đã được chị Nguyễn Thị Hoa, người bán hàng ở cổng ký túc xá xã Ngũ Lão khơi chuyện: “Những công nhân Trung Quốc cũng toàn là công nhân nghèo, thu nhập vừa phải nên sinh hoạt họ tằn tiện lắm, ăn uống còn kham khổ hơn công nhân của ta”. Chị Hoa cho biết thêm, một số nhà hàng mọc lên ngay sau khi có đại công trường khởi công. Những tưởng sẽ dành cho công nhân Trung Quốc những món nhậu ưng ý thì đã bị phá sản ngay sau đó một thời gian, giờ chủ hàng đã nghỉ hẳn rồi. Thực tế từ cửa hàng của chị Hoa cũng vậy, chả mấy khi bán được món gì cho những công nhân này…”.

Từ ngoài công trường vào trong khu “ký túc xá” công nhân Trung Quốc đang ở phải đi qua một cánh đồng. Tôi ngồi quan sát ở quán nước đầu đường nơi một số công nhân thường vào ăn uống, nhưng chỉ có lác đác vài người trong số mấy tốp đi ăn cơm mang theo can rượu trắng. Ông chủ quán nơi tôi ngồi đã chỉ về họ và nói rằng, đó những kỹ sư và chỉ có mấy người đấy mới ăn cơm đặt ở hàng thôi, còn không bao giờ thấy công nhân ra ăn cơm hàng đâu.

Được biết, thời cao điểm tại khu vực gần nhà máy số công nhân người Trung Quốc lao động, làm việc tại đây lên đến gần 2 nghìn người. Và giờ thì họ đã về gần hết sau khi hoàn thành Nhà máy số 1, chỉ còn lại khoảng vài trăm người phục vụ công việc cần thiết cho công trình mới.

Ông chủ “ba Tàu” tìm thuê nhà trọ rẻ

Ngày tiếp theo, chúng tôi tìm đến khu xóm trọ xã Tam Hưng, nơi có đông công nhân Trung Quốc thuê trọ. Theo ông Nguyễn Văn Hạnh, Phó Trưởng Công an xã Tam Hưng thì hiện tại có khoảng 150 công nhân đang thuê trọ trong các nhà dân ở các xóm 4, xóm 6, xóm 9. Số người trên đa phần là lao động nghèo chung nhau thuê nhà trọ để giảm chi phí sinh hoạt.

Nghe tiếng chúng tôi lao xao ngoài sân, lác đác 1, 2 phòng trọ lạch cạch mở cửa. Một cái đầu trọc lốc với gương mặt nhàu nhĩ ló ra từ tầng hai. Trước mắt chúng tôi là một người đàn ông Trung Quốc trạc 60 tuổi xuất hiện với bộ đồ cáu bẩn. Đây là khu trọ nhà ông Đỗ Văn Mỳ tại xóm 6. Nhà ông Mỳ thuộc loại nhiều phòng trọ nhất nhì xóm. Cả mảnh đất rộng mấy trăm mét vuông được ông chủ “thức thời” này xây thành dãy nhà hai tầng hơn chục phòng chuyên dành cho thuê.

“Thời huy hoàng của tôi qua rồi” - ông Mỳ bắt đầu câu chuyện. “Trước đây, dãy nhà này tôi xây chủ yếu là để phục vụ công nhân của Nhà máy Phà Rừng và Công ty Tàu thủy Nam Triệu. Lúc ấy nhiều việc nên công nhân đông lắm, lúc nào cũng kín phòng, giá cho thuê không phải nghĩ. Thế nhưng từ khi ngành đóng tàu suy thoái, công nhân mất việc bỏ đi hết, kinh tế nhà tôi cũng vì thế mà “suy thoái” theo. Bây giờ thì cho công nhân Trung Quốc thuê lại, nhưng họ tiết kiệm lắm, 6 người thuê chung 1 phòng rộng chưa đến 10m2. Giá lại thấp nên cũng chẳng ăn thua gì”.

Trao đổi với ông Mỳ bằng thứ tiếng nửa Trung Quốc, nửa Việt Nam cộng thêm cả cử chỉ chân tay mà đến người câm cũng không hiểu nổi. Rất may, đúng lúc chúng tôi đang còn luống cuống không biết sẽ phải làm gì để thu thập thông tin thì người phiên dịch của tốp thợ là chị Phạm Thị Nụ có mặt.

Hóa ra nãy giờ chúng tôi đã nói chuyện với một vị giám đốc có tên là Pan Yu Lin. “Vì tên của ông ta đọc cứ líu cả lưỡi nên tôi tự gọi tắt ông ta là Phạm” - chị Nụ nói.

Theo chị Nụ thì ông Phạm là giám đốc của một công ty có cái tên dài lê thê mà chị chịu không nhớ nổi. Nói là công ty cho oai chứ thực ra, ông ta là một nhà thầu phụ. Ông Phạm nhận thi công một vài hạng mục nhỏ của công trình từ nhà thầu chính và tự tuyển mộ công nhân đưa sang làm việc. Phần lớn, công nhân của ông Phạm đều là những nông dân thất nghiệp của tỉnh Hồ Bắc chấp nhận sang Việt Nam với đồng lương rẻ mạt.

Ông nói: “Lúc mới sang hồi tháng 3-2011 tôi có 32 công nhân, nhưng giờ chỉ còn lại 24 vì 8 người đã bỏ về do lương quá thấp. Điều kiện sống lại quá cực. Tôi đã cố gắng động viên họ ở lại cho tới khi xong hạng mục nhưng chẳng ai chịu nghe. Thực tế tôi cũng muốn bỏ dở, nhưng ngặt vì đã ký hợp đồng nên đành phải chấp nhận theo công trình cho đến khi xong phần việc của mình”.

Để giúp mình quán suyến và giảm bớt chi phí, ông Phạm đưa nốt cả bà vợ sang để phụ trách khoản “hậu cần” cho đám thợ viễn chinh thay vì đi thuê. Hàng ngày bà vợ lo việc chợ búa, nấu nướng cho cả đám thợ. Ông nháy mắt ranh mãnh: “Có vợ mình vừa đỡ “hư hỏng”, lại bớt được một khoản chi khá khá cho việc thuê cấp dưỡng đấy”.
(Còn nữa)