Bức thư 10 trang của Vũ Thị Kim Anh

ANTĐ - Nữ sinh viên cắt cổ người tình trên xe Lexus gây chấn động một thời đã thổ lộ những câu chuyện chưa bao giờ kể.

Bài viết dưới đây được cô phạm nhân xinh đẹp này tranh thủ viết trong giờ giải lao của buổi tập văn nghệ chúc mừng các phạm nhận được đặc xá dịp mùng 2- 9 vừa qua. Bài viết được viết tay nắn nót trên 10 trang giấy Hồng Hà. Người đưa tin xin được giới thiệu cùng độc giả "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện" của cô sinh viên lầm đường lỡ bước.

15 tháng giữa bốn bức tường

"Vừa đến giờ giải lao, tôi ngồi xuống chiếc ghế dài để nghỉ và nhấp một ngụm nước cho đỡ khát. Gần một tháng nay, cả đội đã dốc sức tập luyện cho chương trình lớn sắp tới nên ai cũng phải cố gắng. Mặc dù thời tiết cuối tháng 6 oi bức và nóng nực, những chiếc áo đã ướt đẫm mồ hôi nhưng tất cả mọi thành viên của đội "Tiếng hát tình đời" đều tích cực, hăng say thả mình trong từng tiết mục.

Kim Anh thực nghiệm hiện trường việc giết người tình cũ

Nhớ lại một năm trước đây, vào một buổi sáng tinh mơ ở Hòa Lò, tôi giật mình khi nghe tiếng chìa khóa khua ở cửa buồng và rồi cán bộ đọc tên tôi chuyển trại. Chị em trong buồng vội vàng mỗi người một tay giúp tôi thu xếp đồ dùng cá nhân. Có người khóc, có người gượng cười động viên tôi: "Cố lên em nhé! Rồi chị em mình sẽ có ngày gặp lại". Nhưng mỗi người chúng tôi mang một án tù, sẽ rẽ đi những ngả đường khác nhau. Ai cũng hiểu sẽ rất lâu mới có ngày hội ngộ.

Chia tay chị em và cán bộ quản giáo, tôi kéo hai bao tải dứa mà trong lòng nặng trĩu những ưu tư. Một phần vì phải chia tay những người bạn đặc biệt, đã đồng cảm với mình suốt một thời gian dài. Một phần vì hồi hộp không biết chặng đường trước mắt sẽ ra sao. Rồi tôi lại bị đẩy lên một chiếc xe thùng cùng với gần chục phạm nhân khác. Trên xe ngổn ngang những tư trang cá nhân cộng với những chai lọ, giấy vụn bẩn thỉu để lâu ngày. Tất cả tạo nên một bầu không khí ngột ngạt đến khó thở.

Tôi ngồi trên xe với chiếc còng số 8 trên tay. Nhìn ra ô cửa bé xíu thấy mình giống như một con vật đang bị nhốt trong chiếc cũi chật chội mà có muốn thoát ra cũng vô vọng. Xe vừa nổ ga, tôi đã bị chới với suýt ngã xuống sàn nếu không nhanh bám vào người bạn bên cạnh. Sống mũi lại cay cay, hai hàng nước mắt ứa ra. Liệu số phận nghiệt ngã này sẽ đẩy cuộc đời tôi về đâu?

Bên ngoài kia là bầu trời rộng lớn. Có ai biết trên con đường ấy, trên chiếc xe bé xíu này đang có gần chục con người đang sắp lả đi vì căng thẳng và mệt mỏi.Gần 3 giờ đồng hồ trôi qua khi tôi thấy mình sắp không đủ sức để ngồi vững nữa thì bỗng dưng chiếc xe đi chậm lại, chậm lại rồi dừng hẳn. Cuối cùng, chúng tôi cũng tới nơi.

Bước xuống xe, tôi cố hít thở thật sâu và cảm nhận luồng không khí hết sức mát mẻ và trong lành của vùng đất mới. Cái tên Phú Sơn 4 đã đi vào trong tôi từ đó. Sau hơn mười lăm tháng giam cầm trong bốn bức tường u tối và ảm đạm, giờ đây tôi lại có một cảm giác khác, mới mẻ và lạ kỳ. Ấn tượng đầu tiên trong tôi là nụ cười của một cán bộ tiếp nhận hồ sơ.

Trong câu chuyện với những lời hỏi han rất chân tình, những cử chỉ ân cần, chu đáo, tôi như được gặp lại một người thân trong gia đình và có được sự cảm thông sâu sắc. Nụ cười đó thật dịu dàng và nhân hậu biết bao! Lúc này những hoang mang, lo lắng trong tôi như được tan biến và thay vào đó là cảm giác thân mật, ấm áp tình người. Niềm tin vào một cuộc sống mới đã bắt đầu le lói.

Đang lan man trong dòng suy nghĩ, chợt chị tự quản đội tiến lại gần và vỗ nhẹ vào vai tôi: "Chúng ta tiếp tục tập nhé". Tất cả các thành viên trong đội lại thả mình theo những câu hát, những điệu múa của ca khúc "Về với lời ru". Hình ảnh người mẹ tần tảo trĩu nặng đôi vai mong ngóng đứa con lầm lỡ được trở về cứ khắc khoải trong lòng tôi. Ngày còn ấu thơ, tôi chỉ biết chạy nhảy, cười đùa rộn rã với những đứa trẻ quanh nhà. Bố mẹ tôi là những công chức hiền lành, lương thiện và hết mực yêu thương con cái.

Tôi vẫn nhớ có lần tôi được bố mẹ đưa đi chơi xa, được ngắm nhìn những ngọn đồi xanh mát, những con đường uốn lượn quanh co đến lạ kỳ. Ngày ấy tôi ngây ngô ngước lên hỏi mẹ: "Mẹ ơi! Sao cây mía ở đây lại to thế ạ?". Rồi mẹ đáp dịu dàng trong nụ cười hiền hậu: "Đó là cây tre con ạ!". Sau này mỗi lần nhớ lại, tôi thèm một lần được quay trở lại thời "trong veo" ấy. Mảnh đất địa đầu quê hương cứ như thế đi vào tâm trí của tôi.

Từ những cuộc vui thác loạn đến phòng biệt giam

Phạm nhân Vũ Thị Kim Anh trong một điệu múa tại
Hội diễn “Tiếng hát tình đời” ở trại giam Phú Sơn 4.

Dần dần tôi hòa mình vào cuộc sống mới và thích nghi một cách nhanh chóng. Ngày ngày đến trường, tôi luôn giữ được sức học khá, rất nhiều bạn bè và thầy cô yêu mến. Rồi tôi cũng vào Đại học, vì khá tin tưởng nên bố mẹ đồng ý cho tôi ở riêng trong một căn hộ xinh xắn. Giờ đây, tôi đã trở thành một thiếu nữ. Với ngoại hình ưa nhìn và tính cách khá mạnh mẽ cộng với sự hiếu kỳ của tuổi mới lớn, tôi sẵn sàng lao mình vào các cuộc chơi thâu đêm suốt sáng.

Tiếng nhạc sôi động, những điệu nhảy lắc lư, ngây ngất trong hơi men đã đi vào cuộc sống của tôi và trở thành một phần quen thuộc từ đấy.Năm 14 tuổi, cả gia đình tôi chuyển về Hà Nội để tiện cho công tác của bố mẹ và cũng mong cho hai chị em tôi có điều kiện học tập tốt hơn. Ở đây, phố xá lúc nào cũng sầm uất và náo nhiệt. Tôi thường có thói quen cứ mỗi buổi chiều lại ngồi bên cửa sổ ngắm nhìn những dòng người xe đi lại như mắc cửi. Có lẽ từ đây những tháng ngày êm đềm nơi quê nhà đã tạm lui vào một góc trang trọng trong ký ức.

Ngày tháng trôi qua, tôi cứ bước qua thời gian mà không hề nhận ra mình đang trượt dốc. Những ước mơ, những hoài bão đã bị che lấp bởi lối sống gấp, bởi thói quen hưởng thụ hiện rõ trong con người tôi. Không ngại ngần, tôi theo bạn bè thả mình trôi theo những mối quan hệ ngoài luồng không lành mạnh, bỏ mặc hết sự quan tâm của gia đình và những người thân.

Đúng là ở đời không ai học hết được chữ ngờ. Câu chuyện kể về vụ án mạng trên xe Lexus, một nữ sinh viên đã giết chết người tình của mình ngay trong đêm Valentine. Thủ phạm đó chính là tôi. Tôi trở thành một kẻ giết người chỉ sau một phút không làm chủ được hành động. Sai lầm này tôi biết sẽ chẳng bao giờ tôi có thể tha thứ cho mình được. Quả thật đây là cú sốc quá lớn đối với gia đình và những người thân thương của tôi.

Hoàn toàn tuyệt vọng, tôi tự giày vò tâm can mình suốt 10 tháng biệt giam. Cuộc sống lúc này chỉ là sự lặp lại của những đêm dài thức trắng, những dòng nước mắt cứ chảy dài như vô tận. Phải cố gắng lắm tôi mới nhận ra đây không phải là một cơn ác mộng.

Một mình trong cô độc và đau đớn! Giờ đây tôi đã chôn vùi tất cả niềm tin, niềm hi vọng của bố mẹ xuống vực thẳm. Từng ngày trôi qua trong thê thảm và u tối. Thậm chí có lần tôi đã nảy sinh ý nghĩ sẽ tự kết liễu đời mình để chấm dứt tất cả. Thế nhưng liệu gia đình tôi có còn đủ sức để đón nhận cú sốc thứ hai này nữa không? Tôi không thể cho phép mình gục ngã như thế.

Dần dần tôi ép mình phải cứng rắn lên, phải đứng dậy đi tiếp. Trong những bài học đầu trên giảng đường, tôi còn nhớ có một câu nói của Mác: "Sống là chiến đấu!". Ngay lúc này đây tôi phải chiến đấu với chính bản thân mình, chiến đấu với số phận nghiệt ngã. Hàng ngày tôi cố lục lại trong trí nhớ những lời dạy dỗ yêu thương, những bài học đạo đức làm người mà tôi đã bỏ quên từ lâu.

Đối với mỗi chúng ta, ai sinh ra trên cõi đời này đều được Thượng đế ban tặng cho một món quà vô giá. Đó chính là người mẹ. Vậy mà người con tội lỗi như tôi lại hơn một lần nỡ làm mẹ phải đau. Mỗi lần nghĩ đến gia đình, nghĩ đến mẹ cha là lòng tôi lại thắt quặn với nỗi ân hận tràn trề. Và giờ đây, trong tôi chỉ có một ước nguyện duy nhất là được sớm trở về với tổ ấm thân yêu của mình. Mức án 14 năm tù đối với tôi không phải là một chặng đường ngắn nhưng tôi đã học cách chấp nhận nó, vì đó chính là cái giá mà tôi phải trả.

Cuộc chiến với bản thân

Một người bạn thân của tôi đã từng nói: "Nhìn sâu vào trong đôi mắt bạn, tôi thấy hình ảnh mình hiện lên rõ nét hơn". Chính người bạn ấy đã giúp tôi vượt qua những lúc yếu đuối, giúp tôi hiểu được rằng cuộc đời còn nhiều điều để kỳ vọng. Khi tất cả tưởng chừng đã chấm hết, số phận lại đưa đẩy những mảnh đời lầm lỡ lại gần nhau. Những tâm hồn ấy mong tìm được sự cảm thông sâu sắc.

Với tôi, mỗi lần mở lòng ra với người khác cũng là một lần cho mình cơ hội để hiểu thêm về cuộc sống này. Nếu như chúng tôi, những thanh niên còn rất trẻ, biết giữ mình, biết sống có trách nhiệm hơn chắc chắn sẽ không bao giờ có ngày phải sa vào vòng tù tội. Ngày còn cắp sách lên giảng đường, nếu tôi không mải miết tìm vui trong những trò vô bổ thì đã không để tuột mất một tương lai sáng lạn.

Bài dự thi của Kim Anh

Giờ đây, khi đã hiểu được giá trị của lao động, giá trị của cuộc sống và chứng kiến những thành công mà bạn bè đồng trang lứa đã gặt hái được, tôi thấy thật đáng xấu hổ biết bao. Nhưng cũng chính vì thế, trong tôi lại nung nấu một ý chí và quyết tâm hơn bao giờ hết.

Bằng những gì mình được trải nghiệm, đặc biệt là trong môi trường này và cùng với việc trau dồi thêm vốn kiến thức ít ỏi, tôi phải bắt đầu làm lại, khẳng định lại chính mình, tìm lại niềm tin, niềm hi vọng cho cha mẹ và những người yêu thương.

Muốn làm được điều đó, chúng ta phải bắt đầu từ ngay bây giờ. Nhận sự quan tâm, giúp đỡ của cán bộ quản giáo và Ban giám thị, tôi luôn cố gắng hết sức để không phụ lòng tin mong. Tôi là một người đã gây ra tội lỗi, song được sự cảm hóa của các cán bộ nơi đây, tôi đã biết hướng mục đích sống của mình tới những điều tốt đẹp nhất, mong muốn được trở lại thành con người lương thiện, có ích cho xã hội.

Đó là những tấm lòng nhân hậu, bao dung, đã xóa đi khoảng cách giữa những con người thuộc về hai thế giới trước và sau song sắt. Chính những tấm lòng ấy đã khơi dậy trong tôi những khát khao một thời nguội tắt. Từ sâu thẳm trái tim tôi vẫn mang một lòng biết ơn sâu sắc.

Qua đi những ngày mưa ta mới biết thêm yêu những ngày nắng. Cuộc sống này cũng vậy. Khi trải qua những mất mát rồi mới giúp ta trân trọng những gì mình đang có hơn. Tôi tin rằng cố gắng cải tạo thật tốt là con đường duy nhất giúp ta sớm được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, sớm được trở về với gia đình và xã hội. Và với những bài học của riêng mình, mỗi chúng ta sẽ vững vàng, trưởng thành hơn trong cuộc sống, kiên cường vượt qua những khó khăn, thử thách để làm một con người lương thiện có ích cho đất nước.

Ba hồi kẻng vang lên báo hiệu đã hết giờ lao động. Tập thể đội cũng vừa tập xong ca khúc "Về với lời ru". Bài hát cứ vang mãi trong tôi: "Ngày hôm nay tôi rời xa nơi này, cũng từ đây tôi từ biệt nơi đây. Nơi đã cho tôi biết khát khao mơ ước, nơi đã cho tôi biết hướng về phía trước trân trọng lời ru như trang sách học trò". Lưng áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi nhưng gương mặt lại bừng lên một cảm xúc khó tả. Mọi người xếp hàng đôi lục tục về nhập trại. Trên sân, những tia nắng vẫn đang nhảy nhót".

 Phạm nhân Vũ Thị Kim Anh trong một điệu múa tại Hội diễn “Tiếng hát tình đời” ở trại giam Phú Sơn 4.
 Phạm nhân Vũ Thị Kim Anh trong một điệu múa tại Hội diễn “Tiếng hát tình đời” ở trại giam Phú Sơn 4.