Huyền tích Tây Hồ (2):

Bí ẩn hầm luyện đan sa dưới ngôi đình nghìn tuổi

ANTĐ - Luyện đan sa phải mất rất nhiều thời gian,  lửa lúc nào cũng phải cháy đều đều, vì vậy việc khoét hầm sâu dưới lòng đất để cho bí mật và kín đáo.
 Luyện thuốc tu tiên phải tuyệt mật
Nghe thủ từ Nguyễn Văn Lương, đình Quán La đọc rành mạch từng trang ghi trong Tây Hồ chí, ta có thể hình dung về việc đạo quân luyện thuốc tu tiên kỳ công và tuyệt mật đến mức nào. Từ mặt đất trên gò cao sau đình, bước thang sắt xuống hầm ta cảm nhận rõ luồng khí mát toát ra từ 5 cửa dưới động. Những viên gạch cổ hoa văn còn rõ, xếp hình quạt xòe vòm theo lối trụ vững chắc. Giờ rêu phong đã phủ kín điểm tiếp đất và gạch nhưng hoa văn in trên gạch thì còn rõ những hình muông thú lạ kỳ.

Lối xuống động Thông Thiên

Luyện đan sa dưới hầm cũng là cách đạo quân xưa thường làm. Đó là cách luyện thuốc đặc biệt để các đạo Quán tu tiên. Những gì mà Tây Hồ chí chép lại, mặc dù còn sơ lược nhưng chỉ thế ta đã thấy được người xưa cẩn mật đến kỹ lưỡng để luyện phương thuốc có giá trị đặc biệt, trường sinh bất tử. Phải chăng hầm luyện đan sa xưa kia phải rộng dài nhất định để ngăn được lượng nhiệt tỏa, và nhiệt lượng phóng ra đã được chia theo nhiều ngăn vách để giữ bí mật tuyệt đối.

Giá trị di tích lịch sử của đình Quán La thì ai cũng biết rất rõ, song việc phía sau đình, dưới lòng nền móng có lò luyện đan sa hay còn gọi là động Thông Thiên thì ít người biết được. Điều đáng chú ý là động này có từ lâu, nhưng đến thời Lý thì được xây lại với gạch bản to, chắc chắn. Hầm ẩn sâu dưới lòng đất, so với mặt nước sông Già La nhưng không hề bị nước thấm, hay lũ tràn vào kể cả khi mực nước sông Già La vượt mực đáy hầm.

Theo đánh giá ban đầu của Giáo sư Hà Văn Tấn thì đây có thể là ngôi mộ táng thời Hán. Bởi vùng đất Quán La, Xuân Tảo, Chèm, Vẽ ngành khảo cổ đã phát hiện nhiều mộ táng thời Hán và Lục triều…

Những viên gạch xếp vòm dưới động

Theo nghiên cứu về cách xây dựng và bài trí thì thấy đình thờ phụng vị thần có công với dân làng này. Tuy nhiên, dân làng đã không giữ được thần tích. Các thư viện cũng không có thần tích về đình Quán La  nên không khảo cứu rõ ràng về lịch sử thần. Dựa vào Tây Hồ chí thì đây có thể là vị sơn thần được dân làng Quán La phụng thờ vào cuối thời Trần.

Nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu đã khảo cứu đình Quán La để có thêm giá trị đặc biệt được sáng tỏ, còn bà con trong vùng đã đồng tình không đào sâu thêm động để đề phòng đất ải dễ bị sập, sụt làm ảnh hưởng đến nền móng đình. Tuy nhiên, theo nhận định thì 5 cửa động sẽ rất rộng và sâu chia theo 5 ngả hướng, và mỗi hướng lại có ngách để có thể gặp nhau nếu rẽ ngang. Và thời gian hàng nghìn năm đã làm cho đất cát đầy lên khiến người đi phải khom lưng mới bước được. Điều đó lý giải tại sao đáy hầm ở đâu và sâu bao nhiêu thước mà chưa được công bố. Bởi nếu khai quật thì sẽ rõ, nhưng với đất ải qua hàng nghìn năm thì khó giữ được sự vững vàng cho ngôi đình bề thế trên mặt động này.

Đôi rồng chầu chửa được xem là khác lạ, có từ hàng nghìn năm, giờ người dân sợ hỏng nên sơn lại làm mất đi nét tinh tế

Giếng nước thần chỉ có một con cá bống

Điều đặc biệt để cho ngôi đình Quán La càng trở nên vô giá là thờ 18 sắc phong của 18 triều đại. Các sắc phong lưu giữ trong đình cho biết đình làng phụng thờ Thành hoàng có hiệu: “Sắc cấp cho xã Quán La, huyện Từ Liêm, tỉnh  Hà Nội từ xưa đã phụng sự bản cảnh Thành hoàng Linh phù tuấn lương, Duệ Trang chi thần. Từng được ban cấp sắc phong, cho phép phụng thờ. Năm Tự Đức thứ 31 đúng vào lúc trẫm ngũ tuần đại khánh tiết, đã ban bảo chiếu ân lớn. Lễ trọng thăng bậc, đặc biệt cho phép phụng thờ như xưa để ghi nhớ ngày quốc khánh và tỏ rõ điển lệ thờ cúng”.

Đó là năm Tự Đức thứ 33 vào năm 1880, khi ấy đình Quán La đã có từ lâu, và tiếp tục phụng thờ vị thần có nhiệm vụ hộ quốc bảo dân. Và vị thần Duệ Trang được nhắc tới như một người có công giúp dân ở năm Tự Đức thứ 33.

   
Câu đối in chữ rất lạ, phía sau dịch nghĩa sang chữ Hán

Những giá trị lịch sử có trong đình Quán La không chỉ khẳng định vùng đất phía Tây hồ Tây chứa nhiều điều huyền bí. Trong đình đôi câu đối có in chữ trông rất khác lạ, lại có những viên gạch in hình hoa văn muông thú, chữ nghĩa rất đặc biệt. Ở phía sau mỗi câu đối lại được dịch sang chữ Hán, nghĩa của nó vẫn chỉ răn thế hệ sau như sự khẳng định vị thế của thần. “Hãn hoạn tai nhất phương giai xích tử. Bảo dân hựu vật vạn cổ tối linh từ.” Tạm dịch là ngăn hoạn từ tai cả vùng là con cháu, giúp dân họ vật cổ chốn linh từ.

Hình hoa văn muông thú in trên gạch khai quật dưới động Thông Thiên

Phía xa, nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ của di tích đình Quán La là chiếc giếng cổ với thành đá cuốn từ miệng xuống đáy. Lạ thay, giếng nước giờ không ai dùng nữa nhưng nước vẫn trong vắt. Mùa nước sẵn, nó có thể phun lên, tràn qua đường làng mát lạnh. Chưa ai xuống giếng, và cũng không ai đo xem giếng sâu đến đâu nhưng nước bao năm qua mạch vẫn phun mạnh mẽ.

Cái giếng này không chỉ là nguồn mạch cho những thân cây đại thụ gần đó thêm sức sinh trưởng, mà nó còn có sự kết nối vô hình nào đó ít nhiều mang sự tích xa xưa. Ở cây thị chỉ ra một quả vào mùa đã viết ở bài trước là điều đặc biệt, thì phần này có chiếc giếng là môi trường sống thực tốt cho con cá bống, nhưng bống cũng không sinh sôi nảy nở như quy luật của tự nhiên. Điều này đã chứng tỏ rằng ở đây chỉ có một con cá bống làm bạn với chiếc giếng cổ có thành đá uốn kè từ miệng tới đáy, chứ không thể có đôi.

Trong truyện cổ tích Tấm Cám, cô Tấm đã hóa thân vào quả thị, và cây thị chỉ có một quả. Một hôm Tấm và Cám đi bắt cá, Tấm chăm chỉ đã được đầy giỏ còn Cám thì mải chơi nên chẳng được gì, thấy vậy Cám nghĩ mưu để trút hết cá trong giỏ của Tấm, may sao lại xót một chú cá bống, ông Bụt chỉ cho Tấm mang về thả xuống giếng và hàng ngày cho ăn…
Giếng cổ đình Quán La

Chiếc giếng cổ giờ đã có thép quây và tường bao để bảo vệ. Phía khoảng không của giếng hướng ra hồ Tây, đi thêm đoạn đường có thể nhìn thấy những bãi mộ nhấp nhô bị ngập dưới mặt nước hồ. Nhiều người ngạc nhiên về những ngôi mộ ngập nước, còn người biết thì nửa đùa nửa thật nói rằng, cách “thủy táng” như vậy là do hồ Tây làm đó.

Đón đọc bài 3: Sự thật về những “lăng” mộ dưới đáy hồ Tây