Bài 2: Chờ 25 năm...

(ANTĐ) - Khi nói về dãy nhà 50 phố Đào Duy Từ, ngay cả ông Nguyễn Quyết Thắng - Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm cũng lắc đầu ngán ngẩm: Bao nhiêu năm nay, lần nào tiếp xúc cử tri chúng tôi cũng phải “rác tai” với những kiến nghị, chất vấn của bà con khu phố. Bản thân phường cũng rất nhiều lần đề xuất bằng văn bản đề nghị có biện pháp di dời với các hộ dân này. Tuy nhiên câu hỏi: Hiện nay sự việc đã tiến triển được đến đâu và bao giờ mới giải quyết dứt điểm cho dân thì vẫn nằm ngoài tầm của địa phương.

Tâm tư của những “hoàng đế” vỉa hè:

Bài 2: Chờ 25 năm...

(ANTĐ) - Khi nói về dãy nhà 50 phố Đào Duy Từ, ngay cả ông Nguyễn Quyết Thắng - Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm cũng lắc đầu ngán ngẩm: Bao nhiêu năm nay, lần nào tiếp xúc cử tri chúng tôi cũng phải “rác tai” với những kiến nghị, chất vấn của bà con khu phố. Bản thân phường cũng rất nhiều lần đề xuất bằng văn bản đề nghị có biện pháp di dời với các hộ dân này. Tuy nhiên câu hỏi: Hiện nay sự việc đã tiến triển được đến đâu và bao giờ mới giải quyết dứt điểm cho dân thì vẫn nằm ngoài tầm của địa phương.

>>> Bài 1: Họa vô đơn chí

Sống trong hy vọng

Mang tiếng là dân phố cổ nhưng với những con người của dãy nhà 50 phố Đào Duy Từ cuộc sống của họ còn cực hơn cả dân “xóm liều”. Ông Đinh Bá Thắng cứ ngượng nghịu mãi khi cố hết sức xoay xở mà vẫn không dọn được một chỗ ngồi tươm tất cho khách khi tôi ngỏ ý xin vào phỏng vấn: Chú em thông cảm nhà hơi chật, mời chú ngồi tạm lên... giường. Cái giường của ông Thắng là một tấm chiếu trúc trải bệt xuống nền đất vì theo lý luận của ông, ban tối nó là giường, ban ngày được dùng làm nơi ăn cơm và xem tivi. Nếu dùng “giường xịn” thì 12 con người trong gia đình ông (gồm 3 cặp vợ chồng) sẽ không biết đứng, nằm ra sao. Tôi nhìn quanh căn nhà rộng chừng 15m2 rồi nhẩm tính, bình quân mỗi người trong căn nhà này chỉ có hơn 1m2 để sinh hoạt mà không thể hiểu nổi gia đình ông xoay xở thế nào suốt 25 năm qua.

Ông Thắng chua chát: “ấy là tôi đã tận dụng tối đa diện tích vỉa hè và dựng thêm cái gác xép rồi đấy chứ trước đây chú không thể tưởng tượng nổi là cực thế nào”. Nói đoạn ông Thắng chỉ vào đứa cháu lớn ngộc nghệch đang tồng ngồng ngồi tắm ngay... giữa đường: “Nhà chật quá, ngay cả một khu phụ làm nơi tắm rửa cho gia đình cũng không biết xây vào chỗ nào. Thằng cu kia cũng hơn 10 tuổi rồi, nhưng bảo vào khu vệ sinh chung của xóm thì nó không chịu vì trong đó... nặng mùi quá. Hơn nữa trong đó cũng trống hoác tứ bề nên tốt nhất cứ để nó tắm giữa đường cho... tiện”. Hy vọng khi nào Nhà nước có phương án di dời thì may ra chúng tôi mới có được một khu vệ sinh tử tế.

Nấu ăn, tắm giặt dưới lòng đường
Nấu ăn, tắm giặt dưới lòng đường

Ông Mai Văn Ân - tổ phó tổ dân phố thì suỵt thật khẽ khi chúng tôi đòi ông cho xem khu phụ của gia đình: “Làm gì có hả chú, nhà làm tạm trên hè phố thì đào đâu ra nhà vệ sinh. Hiện nay cả mấy chục hộ dân chúng tôi vẫn dùng chung một cái toilet của rạp Quảng Lạc cũ xây từ năm 1905 tức là cách đây hơn 100 năm.

Nhà ông Ân được gần 18m2, đấy là ông đã cơi nới hết mức xây đè lên cả hệ thống thoát nước của cả phố mới được như vậy Ông Ân bảo, 25 năm kể từ ngày bị cháy, nhà chúng tôi vẫn phải chịu cảnh ăn ở chui rúc thế này. Cũng may gia đình có 5 cô con gái theo về nhà chồng cả chứ nếu toàn con trai thì với 18m2 vỉa hè, không biết chúng tôi sẽ ăn ở như thế nào khi các cháu xây dựng gia đình. Dạo rạp Quảng Lạc mới bị cháy, nhiều vị lãnh đạo đến và hứa sẽ có phương án xây dựng hoặc di chuyển chúng tôi đến chỗ ở mới. Nhưng người dân cứ chờ, chờ mãi đến nay đã tròn 25 năm. Rồi ông bùi ngùi: Tôi chuyển về sống ở đây từ năm 1957 đến nay đã 73 tuổi, chẳng biết đến lúc chết Nhà nước có tạo điều kiện cho một nơi ở mới không hay tuổi già 2 vợ chồng sẽ trôi qua trên cái vỉa hè này?

Nhà báo có làm được gì không?

Đấy là câu hỏi của tất cả các hộ gia đình nơi đây khi chúng tôi tiếp xúc để tìm hiểu về cuộc sống của họ. Đa phần đều hoài nghi về một dự án sẽ được xây dựng để giúp họ có được một nơi tái định cư mới. Bà Nguyễn Kim Loan, một gia đình tại đây tiếp chúng tôi với thái độ chẳng lấy gì làm niềm nở: “Ôi dào, cũng khối đoàn về đây rồi. Nào kỹ sư, tiến sỹ, ban nọ, sở kia... nào trưởng phòng, giám đốc rồi chủ tịch, xe to, xe nhỏ... đủ cả. ấy thế mà 25 năm nay dân số nhà 50 này vẫn phải ở yên một chỗ”.

Bà Loan lắc đầu ngán ngẩm: “Năm ngoái, cả dân, cả chính quyền ở đây đã từng hy vọng về một sự thay đổi khi UBND quận Hoàn Kiếm có thông báo rằng: Sẽ thu hồi đất và bồi thường, tái định cư GPMB thực hiện dự án xây dựng điểm sinh hoạt vui chơi thanh thiếu nhi quận Hoàn Kiếm tại 50 phố Đào Duy Từ. Dự án này sẽ bố trí nơi ở mới ổn định cho dân và nghe đâu dự kiến đến quý IV-2007 sẽ bắt đầu. Thế nhưng đến bây giờ đã sang quý III-2008 mà không hiểu tại sao vẫn án binh bất động?”. Bà Loan cười: “Thông báo gửi đến từng nhà hẳn hoi, vậy mà chẳng biết đến... “mùa quýt sang năm” có tiến hành được không?”.

Công bằng mà nói, không phải các hộ dân ở đây “cố đấm ăn xôi” gì để bám lấy cái mặt đường phố cổ này như nhiều người vẫn nghĩ. Hầu hết trong số họ đều là những gia đình nghèo và không có điều kiện để thay đổi một chỗ ở mới nên đành chấp nhận cuộc sống tạm bợ như vậy.

Ông Nguyễn Quyết Thắng - Phó Chủ tịch phường Hàng Buồm nói như than: Nếu tính từ ngày rạp Quảng Lạc bị cháy thì đến năm nay phường này đã trải qua 6 đời chủ tịch. Đời nào cũng văn bản, kiến nghị lên cấp trên mong có một phương án di dời cho dân đỡ khổ, nhưng không hiểu vướng mắc ở khâu nào mà đến nay vẫn chưa thấy có động tĩnh gì. Cuộc sống của họ cực như thế nào, tôi không cần kể, các anh xuống thực tế cũng thấy. Báo chí có “cải thiện” được không?

Có lẽ An ninh Thủ đô sẽ không phải là tờ báo duy nhất phản ánh về những bức xúc đang tồn tại về dãy nhà 50 phố Đào Duy Từ. Nhưng có thể tự hỏi: Không lẽ báo chí cứ phản ánh mãi mà bất cập cứ vẫn hoài bất cập? Những tồn tại này đang hiển hiện ngay trước mắt tất cả mọi người không phải ngày một, ngày hai mà đã từ rất lâu. Báo An ninh Thủ đô chẳng thể xây nhà giúp chừng ấy gia đình, chỉ có thể “kêu” giúp một tiếng, mong các ban, ngành đừng kéo dài thêm thời gian 25 năm ngóng đợi của người dân. Một nơi ở mới ổn định, phố xá bớt nhếch nhác là điều không chỉ riêng An ninh Thủ đô mà cả trăm gia đình nơi đây vẫn ngày đêm hy vọng.

Nguyễn Long