Bài 2: Chỉ có  30% doanh nghiệp hoạt động hiệu quả

(ANTĐ) - Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), trong năm 2008 và 2009 đã có hơn 10.000 lao động phải về nước trước hạn. Trong 3 năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nhận được gần 2.000 đơn thư khiếu nại của người lao động gửi lên Bộ. Bộ cũng đã thanh tra, xử lý vi phạm hành chính đối với 119 lượt doanh nghiệp. Điều này cho thấy vi phạm trong lĩnh vực XKLĐ ngày càng gia tăng với mức độ phức tạp hơn.

Bát nháo thị trường xuất khẩu lao động:

Bài 2: Chỉ có  30% doanh nghiệp hoạt động hiệu quả

(ANTĐ) - Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN), trong năm 2008 và 2009 đã có hơn 10.000 lao động phải về nước trước hạn. Trong 3 năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nhận được gần 2.000 đơn thư khiếu nại của người lao động gửi lên Bộ. Bộ cũng đã thanh tra, xử lý vi phạm hành chính đối với 119 lượt doanh nghiệp. Điều này cho thấy vi phạm trong lĩnh vực XKLĐ ngày càng gia tăng với mức độ phức tạp hơn.

>>>Bài 1: Trăm dâu đổ đầu... người dân

Đào tạo lao động trước khi đi lao động ở nước ngoài cần được các doanh nghiệp quan tâm
Đào tạo lao động trước khi đi lao động ở nước ngoài cần được các doanh nghiệp quan tâm

Sai phạm chưa được xử lý triệt để

Cũng theo Cục QLLĐNN, trong số 170 doanh nghiệp được cấp phép thì chỉ có 30% doanh nghiệp đưa được nhiều lao động xuất ngoại và ít vi phạm. Đánh giá năng lực của doanh nghiệp lâu nay chủ yếu vẫn dựa vào số lượng hợp đồng khai thác và số lao động được đưa đi. Đa số doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến khâu tuyển dụng và quản lý lao động trong thời hạn hợp đồng XKLĐ, chưa nắm bắt thông tin về người lao động sau khi trở về nước; báo cáo với địa phương về tình hình lao động về nước trước thời hạn, nguyên nhân về nước… Trong hợp đồng lao động ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp đều có nội dung người lao động khi về nước phải đến doanh nghiệp để thanh lý hợp đồng nhưng đa số người lao động đều không làm thủ tục này. Trong khi đó, những lao động hết hợp đồng về nước lại là nguồn lao động tốt nhất để tạo nguồn tái xuất khẩu lao động vì họ có cả vốn lẫn tay nghề.

Thời gian qua công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp có chức năng XKLĐ đã được quan tâm hơn từ khi có Luật Đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đình chỉ, thu hồi giấy phép của một số doanh nghiệp, song việc xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp hoặc chi nhánh còn ít. Về tình trạng quá nhiều doanh nghiệp được cấp phép XKLĐ, trong đó có những doanh nghiệp cả năm chỉ đưa đi được chưa đến 100 lao động, không có chuyên môn, hoạt động chủ yếu trong những lĩnh vực không liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, doanh nghiệp hiện nay hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực và chưa vi phạm pháp luật thì không thể thu hồi giấy phép của doanh nghiệp. Trong luật cũng không hề quy định doanh nghiệp đưa được bao nhiêu lao động/năm thì không đạt yêu cầu.

Mặc dù sau khi có luật, có công cụ pháp lý để ràng buộc trách nhiệm hơn nhưng nhìn chung hiện nay, những sai phạm của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động vẫn chưa được xử lý một cách triệt để. Hành vi lừa đảo trong xuất khẩu lao động liên tục gia tăng, hầu hết là ở doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Từ khi thực hiện Luật Đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới chỉ thu hồi giấy phép của 4 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ XKLĐ.

Rất cần lao động lành nghề
Rất cần lao động lành nghề

Kết quả chưa được như mong đợi

Trong thời gian qua, mặc dù công tác XKLĐ chưa đạt được yêu cầu mong muốn, song cũng phải thừa nhận rằng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một biện pháp quan trọng trong chiến lược giải quyết việc làm, tạo thu nhập, tăng thêm nguồn ngoại tệ, xóa đói giảm nghèo. Thực tế cho thấy, nhiều gia đình đã cải thiện được đời sống khi có người đi XKLĐ. Bởi thu nhập sau khi đi XKLĐ về đã giúp cho nhiều gia đình có nhà cửa khang trang, công việc ổn định hơn.

Về vấn đề trên, Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty Luật TNHH S & B cho biết: “Hiện nay, có quá nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ nên công tác quản lý hoạt động của những doanh nghiệp này khiến các cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn. Tình trạng chung của các doanh nghiệp XKLĐ khi đào tạo người lao động hiện nay còn kém. Các doanh nghiệp chưa chú trọng đến công tác tiền trạm như: đào tạo ngoại ngữ, khả năng hòa nhập cộng đồng cũng như hiểu biết pháp luật hạn chế dẫn đến tình trạng người lao động trốn, bỏ về nước hoặc xảy ra những tranh chấp không đáng có. Hơn nữa, thị trường XKLĐ hiện nay chủ yếu là lao động phổ thông nên trình độ nhận thức và hiểu biết pháp luật của người lao động còn kém khiến họ không có kiến thức xem xét các vấn đề trước khi ký vào những bản hợp đồng có sẵn mà phía doanh nghiệp XKLĐ đưa ra. Khi có tranh chấp xảy ra người thiệt thòi chính là người lao động. Để hạn chế vấn đề này, chúng ta nên có các trung tâm tư vấn để giúp đỡ, hỗ trợ người lao động có thêm hiểu biết về hợp đồng ký kết với doanh nghiệp”…

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, được biết  ngày 15-7 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) đã công bố ban hành bộ quy tắc ứng xử dành cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây là bộ quy tắc được xây dựng dựa trên pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế về lao động di cư, nghiên cứu các công ước quốc tế, lao động nhập cư, các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, các tiêu chuẩn quốc tế khác có liên quan, nhằm tạo ra quy tắc ứng xử một cách thống nhất giữa các doanh nghiệp trong công tác XKLĐ.

(Còn nữa)

Ngọc Hân