Ăn cơm bụi... vác tù và hàng tổng

(ANTĐ) - Theo khảo sát năm 2006 của Bộ Y tế, tỷ lệ lây truyền HIV qua mại dâm là rất cao (trong đó có một số tỉnh đặc biệt cao như Hà Nội: 14%, TP.HCM: 10,74%, An Giang: 9,49% và Cần Thơ: 33,8%.

Ăn cơm bụi... vác tù và hàng tổng

(ANTĐ) - Theo khảo sát năm 2006 của Bộ Y tế, tỷ lệ lây truyền HIV qua mại dâm là rất cao (trong đó có một số tỉnh đặc biệt cao như Hà Nội: 14%, TP.HCM: 10,74%, An Giang: 9,49% và Cần Thơ: 33,8%.

Đường lây nhiễm này đứng thứ 2, sau tiêm chích ma túy (23,2%). Mại dâm hay quan hệ tình dục thiếu an toàn đang ảnh hưởng trực tiếp đến cả hai đối tượng gái mại dâm và khách mua dâm. Việc làm của Trung tâm sinh hoạt cộng đồng “Ngày mới” thật thầm lặng nhưng đầy hiệu quả.

“Con đường” AIDS về nông thôn

Một buổi sinh hoạt tại trung tâm
Một buổi sinh hoạt tại trung tâm

Hiện nay, có hơn 1.000 người từ các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình... lên Hà Nội làm các nghề bốc vác, “xe ôm”, cửu vạn, thợ xây, thợ nề... Họ sống tập trung tại khu vực cầu Long Biên, Cầu Đất...

Với thu nhập 600.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng (chưa trừ chi phí sinh hoạt), những lao động này hầu như không được biết đến các kiến thức và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chứ chưa nói đến việc sử dụng các “dụng cụ bảo vệ” mỗi khi quan hệ. Hậu quả, sau 3 năm xa vợ, quay về quê họ mang trong người virus HIV.

Thấu hiểu tâm lý đó, Trung tâm Phát triển và sức khỏe Cộng đồng ánh sáng đã kết hợp với Tổ chức Quan tâm Thế giới triển khai một Trung tâm sinh hoạt cho lao động ngoại tỉnh mang tên “Ngày mới”.

Hãy sống lành mạnh

BS Nguyễn Thu Giang - Phó Giám đốc trung tâm Phát triển và sức khỏe Cộng đồng ánh sáng cho biết: “Nội dung sinh hoạt của trung tâm gồm: tư vấn, khám sức khỏe, họp cộng tác viên, giao lưu văn nghệ đồng thời là điểm cung cấp... bao cao su (BCS) miễn phí”.

BS Nguyễn Thu Giang nói, năm 2005, trung tâm khảo sát trên 300 nam giới, trong đó 146 người thừa nhận khoảng 2 tháng họ quan hệ tình dục/lần (chiếm 48,7%) và chỉ 80 người mang BCS khi “hành sự”. Những con số đó, theo BS Giang, chỉ là tảng băng “nổi”, thực tế nhiều người vì ngại nên... lảng tránh hay... nhận bừa là “có” cho xong.

Nhận thấy nguy cơ cao về khả năng lây truyền HIV trong nhóm người này, trung tâm nảy ra ý tưởng sẽ cung cấp BCS miễn phí. Để BCS đến tận tay người tiêu dùng, 15 đồng đẳng viên là “dân” lao động ngoại tỉnh, đang hành nghề “xe ôm”, đánh giày, bán hàng nước… được tuyển chọn và đào tạo. Sau khi “tốt nghiệp”, họ trở thành những tư vấn viên bán chuyên nghiệp. Trong lúc “hành nghề”, họ tranh thủ tư vấn và phát không BCS.

Nhờ sự tích cực ấy, đến thời điểm này, gần 30.000 BCS, 10.000 tờ rơi đã được phát, hơn 500 lượt lao động ngoại tỉnh (chủ yếu là nam giới) được tư vấn, khám bệnh miễn phí.

Bác sĩ Bùi Hồng Vân, cán bộ chương trình thuộc Trung tâm Phát triển và sức khỏe Cộng đồng ánh sáng tiết lộ: “Thông qua Trung tâm “Ngày mới”, chúng tôi đã có hơn 10 lao động ngoại tỉnh, tình nguyện làm đồng đẳng viên, nâng số đồng đẳng viên lên gần 30 người. Số lượng BCS phát miễn phí tăng từ 5 hộp lên 10 hộp/tháng (tương đương 2.000 BCS)”.

Vì cộng đồng ngoại tỉnh không có HIV

Tủ sách, tài liệu về sức khỏe sinh sản đặt tại trung tâm
Tủ sách, tài liệu về sức khỏe sinh sản đặt tại trung tâm

Bà Tạ Thị Ngọt -Chi hội phụ nữ phường Phúc Xá cho biết: “Những đồng đẳng viên sinh hoạt tại Trung tâm “Ngày mới” đều tham gia trên tinh thần ăn cơm bụi, vác tù và hàng tổng”. Sở dĩ bà Ngọt nói thế vì ngày lao động của những người ngoại tỉnh bắt đầu từ 3h sáng đến tối mịt. Có lao động chở hàng từ 21h tối hôm trước đến 9h sáng hôm sau... Chính vì vậy, ban ngày là giờ họ nghỉ ngơi.

Trong khi đó, giờ trực của đồng đẳng viên tại Trung tâm “Ngày mới” thường bắt đầu từ 19h vào tất cả các buổi tối trong tuần. Mỗi buổi tối luôn có hai đồng đẳng viên. Do đó, có nhiều đồng đẳng viên sau khi đi làm về, đến thẳng trung tâm luôn.

Anh Đoàn Đình Thi, một thành viên của nhóm đồng đẳng tâm sự: “Nói là vất vả, nhưng tôi chạy “xe ôm” vẫn đỡ mất sức hơn so với nhiều anh em phải lao động chân tay khác. Nhiều lúc nghĩ, cùng cảnh nghèo, lại xa quê hương, vợ con, lên thành phố kiếm tiền... Cả ngày lo miếng cơm, manh áo còn mệt, nói chi đến chuyện tìm hiểu cách phòng bệnh hay sức khỏe sinh sản, chúng tôi thấy đồng cảm ghê gớm”.

Có lẽ vì hiểu tâm lý đó, nên nhiều lúc có mệt, có vất vả, các đồng đẳng viên vẫn cố gắng đến trực, với tâm niệm tuyên truyền, tư vấn về tác hại của tệ nạn xã hội, của tình dục không an toàn cho càng nhiều lao động ngoại tỉnh càng tốt.

Thậm chí những đồng đẳng viên này còn tư vấn cho cả khách đi “xe ôm”. Vừa lái xe, các anh vừa thủ thỉ về tác hại của cờ bạc, rượu chè và nguy cơ nhiễm HIV/AIDS từ quan hệ tình dục không an toàn...

Chia tay những đồng đẳng viên sinh hoạt tại Trung tâm “Ngày mới” ở 123 Nghĩa Dũng, Phúc Xá ấy, tôi bỗng tự nhủ: “Một ngày nào đó, tôi sẽ đi “xe ôm” của các anh chỉ với mong muốn, được nghe họ tư vấn về HIV/AIDS, về sức khỏe sinh sản, về tình dục an toàn”.

Mỹ Linh