Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới qua điện thoại cố định

Táo tợn xưng cảnh sát chống ma túy, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng

ANTĐ - Vu cho gia chủ nợ tiền điện thoại nhiều triệu đồng, rồi quay sang “giá họa” việc gia chủ liên quan đến đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia; các đối tượng đã chiếm đoạt được hàng trăm triệu đồng, chỉ bằng những cuộc điện thoại đe dọa.

Ảnh minh họa của PHÚ KHÁNH


Theo thông tin PV ANTĐ nắm được, từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra ít nhất 3 trường hợp mắc bẫy đối tượng lừa đảo, từ đó chuyển vào tài khoản theo hướng dẫn của kẻ xấu số tiền hàng trăm triệu đồng. Cả 3 trường hợp này đều trú tại khu tập thể Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng. Hai trong số 3 trường hợp bị lừa là cán bộ Nhà nước đã nghỉ hưu. Trường hợp còn lại đang công tác ở một cơ quan cấp Bộ. Điều tinh quái là, dường như đối tượng xấu đã tìm hiểu khá rõ về thân chủ mà chúng giăng bẫy, như tên tuổi, số điện thoại cố định.

Trường hợp mắc bẫy lừa mới nhất là bà Mai, 55 tuổi, đang là công chức Nhà nước. Khoảng 8h30 ngày 20-6, trong khi chuẩn bị đi làm, điện thoại nhà bà Mai bỗng dưng đổ chuông. Đầu dây bên kia là giọng nói 1 người đàn ông. “Chào chị Mai, chúng tôi bên công ty điện thoại trong TP Hồ Chí Minh, gia đình chị đang nợ tiền cước hơn 10 triệu đồng”, người đàn ông phủ đầu ngay sau màn chào hỏi xã giao. “Anh có nhầm lẫn không đấy, tháng nào chúng tôi cũng thanh toán tiền đầy đủ”, bà Mai bực bội trả lời. “Chị nhớ kỹ lại xem, có đánh rơi chứng minh thư hay để lộ số chứng minh thư cho ai không. Có người đã đăng ký điện thoại cố định trong TP Hồ Chí Minh bằng số chứng minh thư của chị”, người đàn ông quả quyết và hé lộ thông tin khác khiến bà Mai như rụng rời chân tay: “Cơ quan điều tra CATP Hồ Chí Minh đang điều tra đường dây buôn bán ma túy lớn liên quan đến số điện thoại của nhà chị. Riêng trong tháng 6, số thuê bao nhà chị sử dụng hết  hơn 10 triệu đồng tiền cước. Chúng tôi biết được nội dung liên lạc để mua bán, vận chuyển ma túy”.

Đến lúc này, bà Mai bắt đầu cảm giác “ngấm” thông tin mà người đàn ông lạ mặt chuyển tải. Im lặng vài giây, đầu dây bên kia tiếp tục: “Chị cầm máy nói chuyện với điều tra viên thụ lý vụ án. Toàn bộ hành vi của chị đã bị chúng tôi nắm bắt hết rồi”. Trong khoảng 5 phút sau đó, 1 người đàn ông khác tự giới thiệu là cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy CATP Hồ Chí Minh, trao đổi với bà Mai. Theo người này, gia đình bà Mai đã được chia lợi nhuận rất lớn từ đường dây buôn ma túy, với số tiền lên đến cả tỷ đồng. Thậm chí, người đàn ông còn khẳng định gia đình bà Mai đã rút nhiều tiền trong lợi nhuận được chia.

“Chúng tôi sẽ gửi lệnh bắt, khám xét nhà chị ra Hà Nội để anh em ngoài đó thực hiện lệnh, hoặc chị phải vào trong này để hợp tác với CQĐT”, vị “cán bộ” thông báo; và đề nghị, trước khi lệnh khám xét được gửi ra, gia đình bà Mai sẽ phải chuyển vào tài khoản 230 triệu đồng để cơ quan công an xác định nguồn gốc tiền. “Chị yên tâm, tiền cơ quan công an giữ hộ, nếu không vấn đề gì, chúng tôi sẽ sớm hoàn lại”. Khi bà Mai đã hoàn toàn tin vào lời của người lạ qua điện thoại, đối tượng yêu cầu bà Mai cung cấp số điện thoại di động, cùng đề nghị sẽ phải giữ điện thoại liên tục trong quá trình ra ngân hàng để chuyển khoản. 10h30 cùng ngày, bà Mai đã ra ngân hàng, thực hiện hướng dẫn của vị “cán bộ CSĐT”. Tiền chuyển xong, chỉ đến khi rời ngân hàng, bà Mai mới ngờ ngợ bị lừa. Nhưng đã quá muộn.

Cũng trong tháng 6, hai công dân khác trong khu tập thể Bách Khoa cũng đã bị mất hàng trăm triệu đồng, với cùng tình huống như trên. Trao đổi với PV, đại diện chính quyền cơ sở cho biết, ngay khi nắm bắt trường hợp đầu tiên bị lừa, phường đã thông báo trên loa và phát tờ rơi đến các hộ dân để cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của đối tượng xấu. Vậy nhưng vẫn có trường hợp mắc bẫy.

Theo thông tin PV ANTĐ nắm được, tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp cho bị hại, đều đứng tên chủ sở hữu bên Trung Quốc. Khi người bị hại biết bị lừa, tìm đến ngân hàng để xác minh, mới biết toàn bộ số tiền đã bị rút. Trong dãy số điện thoại mà đối tượng lừa đảo gọi đến nhà người bị hại, điểm chung là đều bắt đầu bằng số “+8”.

Ngoài địa bàn Hà Nội, tại TP Hồ Chí Minh, trong vòng tháng 5 và đầu 6-2014, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy đã tiếp nhận gần 30 cuộc gọi của người dân các tỉnh, thành như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Buôn Ma Thuột, Gia Lai, An Giang, Bình Phước, Khánh Hòa, Đắc Lắk… trình báo về việc bị một số đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại bằng thủ đoạn nêu trên. Trong số này, có người rất tỉnh táo, khi nghe điện thoại với nội dung nghi vấn đã dập máy, hoặc kiên quyết phủ nhận không nợ tiền điện thoại, không liên quan đến đường dây buôn ma túy. Thủ đoạn này tương đối giống với cách thức gọi điện thoại, thông báo đang bắt giữ người để tống tiền, vốn xuất hiện và đã lắng xuống, hồi năm 2013.

Để không rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo, người dân cần chủ động cảnh giác phòng ngừa. Khi nhận được điện thoại của người lạ xưng là cán bộ công an, yêu cầu các vấn đề liên quan đến vụ án ma túy, nợ tiền điện thoại và chuyển tiền qua tài khoản, phải báo ngay đến cơ quan công an bất kỳ.