Xui con phạm tội:

Mở cửa ngục tù cho con cái

ANTĐ - Việc cha mẹ sai con trẻ làm một số việc trong gia đình đó là việc làm tốt, giúp trẻ nâng cao tính trách nhiệm với gia đình và dần tạo tính tự lập. Tuy nhiên, không ít bậc cha mẹ sai con làm những việc xấu mà  không cân nhắc những ảnh hưởng tiêu cực có thể phát sinh sẽ khiến trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí nhiều bậc cha mẹ còn mở cửa tù ngục, đưa con cái dấn sâu vào con đường phạm tội khi lợi dụng chính con mình để đi bán ma túy…

Nhờ con đi... ghi số đề?

Cậu bé Huy (8 tuổi, đang học lớp 3), sau những tháng ngày bị bố mẹ sai đi ghi số đề, đã thành “trộm nhí” để có tiền chơi đỏ đen đã trở thành một câu chuyện chua chát. Cứ vào mỗi buổi chiều, ở một khu phố thuộc quận Hà Đông, Hà Nội - nơi tôi đang thuê nhà luôn nghe tiếng gọi quen thuộc của vợ chồng anh chị Hùng - Hạnh, là cha mẹ ruột của cháu Huy réo rắt: “Thằng Huy đâu rồi, sang nhà bác Thoa ghi mấy con cho mẹ”. Người đàn bà tên Thoa là chủ một ổ ghi số đề trong xóm này.

Từ trên căn gác nhỏ chật chội chưa đầy 20m2, Huy vọng xuống: “Con đang làm bài tập”. Người mẹ gắt gỏng: “Để đấy lát nữa về làm tiếp. Mau lên, 6 giờ 25 phút rồi. Hôm nay không ghi được mấy con này, nó mà về thì mày chết với tao”. “Thế mẹ đi đi” - Huy đáp giọng run run.  “Mày có xuống mau không thì bảo?” - người mẹ này lớn tiếng quát. 

Lúc này biết không thể không nghe lời, sợ bị ăn đòn, Huy đành phải xuống nhà. Thằng bé hớt ha hớt hải hỏi: “Con gì hả mẹ?”. Người mẹ đọc liến thoắng 4 - 5 con số, cùng với số tiền ghi cho từng con một. Vội vã chạy sang nhà chủ ghi (cách nhà Huy chừng 200m), rồi lại hốt hoảng gióng tiếng hỏi mẹ từ đầu ngõ: “Con 20, 71… ghi bao nhiêu tiền hả mẹ?” Giọng nói đứt quãng lại vẳng lại từ xa, chị Hạnh xồng xộc chạy ra sân, quát to: “Sao mày ngu thế, có thế mà không nhớ. Con 20 - 10 nghìn, con 71 - 30 nghìn. Còn những con khác mày có nhớ không đấy?” Vẻ mặt tái nhợt, Huy hổn hển đáp: “Rồi. Con 02 - 5 nghìn, con 17 - 15 nghìn, con 09 - 5 nghìn”. “Được rồi. Chạy mau không lại đến giờ chốt thì mày chết với tao”.

Vì thường xuyên bị bố/mẹ sai đi ghi đề, nên đến giờ tuy mới 8 tuổi nhưng Huy đã rất rành về đánh đề. Huy có thể nói rành mạch về chuyện bao lô đề, đánh đầu, đánh đuôi... Nhiều lần, sau khi cầm phiếu ghi về, Huy lại cùng cha mẹ, người lớn hàng xóm túm tụm lại để bàn luận và cậu bé cũng tỏ vẻ xuýt xoa như tiếc nuối hoặc vui mừng khi trúng số như cha mẹ mình. Có lần, mới sáng ra, tôi nghe thấy Huy kể cho cha mẹ và cả những người xung quanh nghe về giấc mơ của mình tối qua để mọi người cùng ngồi lại bàn tán, đánh số. Chuyện này chắc bố mẹ Huy đã dặn cậu, theo quái chiêu dân chơi lô đề vẫn rỉ tai nhau: “Đánh số đề theo giấc mơ”. Lần nào, bố mẹ đánh trúng con đề theo giấc mơ của Huy, họ đều cho cậu chút tiền xem như “tiền thưởng”. Huy hứng trí lắm…

Từ những lần đi ghi đề cho mẹ đã làm đứa con ảnh hưởng những tệ nạn này lúc nào không hay. Nếu như mới đầu, việc bố/mẹ sai đi “ghi” là ép buộc, thì nay Huy “sẵn sàng”, thậm chí còn thấy rất hứng thú. Việc đi “ghi” đề cho bố mẹ khi này đối với Huy như là một công việc quan trọng trong ngày của cậu. Ngày nào, bố/mẹ chưa kịp sai, Huy còn “nhắc”, thúc giục. Và nếu như trước kia, sau khi đi “ghi” xong, Huy về nhà ngay, nhưng bây giờ cậu nán lại, cứ quanh quẩn ở đó xem những “con ma đề” ghi ghi chép chép, bàn tán xem hôm nay về con gì. Dần dà, Huy cũng tập tành đánh đề bằng tiền “thưởng” bố/mẹ cho.

Có bận, thấy thằng con trai học lớp 3 ghi số đề và tích kê số trượt vẫn còn bỏ quên trong túi quần mà chị Hạnh giặt phát hiện thấy, hai vợ chồng chị lôi Huy ra mắng chửi và đánh nó với ý răn dạy lần sau không được chơi như vậy nữa. Nó mếu máo vặn lại: “Thì bố mẹ chẳng vẫn chơi đấy là gì!”. Anh chị Hùng - Hạnh nhìn nhau, rồi ú ớ quát: “Nhưng… mày còn là trẻ con, biết gì mà chơi”. 

Những tưởng sau vụ này, người làm cha làm mẹ như anh chị Hùng - Hạnh hiểu được chuyện, không sai con đi “ghi” số đề nữa. Nào ngờ, chỉ vài ngày sau đâu lại vào đấy, Huy vẫn là người thường xuyên đi “ghi” đề về cho bố mẹ mỗi chiều.

Biến con thành… tên trộm

Rồi tai họa cũng xảy ra. Những ngày cuối tháng 11 này, cả xóm tôi náo loạn về việc gia đình anh chị Hùng - Hạnh mất trộm tiền. Sự việc đã được anh chị trình báo Công an phường. Tại trụ sở công an phường, vợ chồng anh chị Hùng - Hạnh cho biết, đây là lần thứ 5 gia đình mất trộm tiền. Vì số tiền những lần trước bị mất từ 100 - 200 nghìn đồng, không muốn làm to chuyện nên anh chị không báo công an. Nhưng lần này, anh chị mất tới 2 triệu đồng. Lo sợ sự việc tiếp diễn, nên lần này anh chị báo công an, với hy vọng tìm ra thủ phạm. Những người thuê nhà như hộ gia đình tôi và một số thanh niên ăn chơi trong xóm “bỗng dưng” trở thành đối tượng khả nghi nhất. Nhưng sau những lần khám xét, điều tra không kết quả, chúng tôi được “minh oan”. 

Lúc này, theo phỏng đoán của cán bộ công an viên thì trong vụ trộm này rất có thể chính là người thân trong gia đình bị hại. Cụ thể, đứa con trai lớn Huy là đối tượng khả nghi nhất, vì thời gian gần đây Huy có nhiều biểu hiện lạ. 

Nghe nói vậy, anh chị Hùng - Hạnh gắt gỏng: “Làm gì có chuyện đó. Thằng Huy không biết tiêu tiền đâu, mà nó dùng nhiều tiền thế làm gì cơ chứ?”. Cả công an viên và bố mẹ Huy gặng hỏi chuyện, nhưng Huy một mực phủ nhận việc lấy tiền của bố mẹ.

Sự việc chỉ được vỡ lỡ khi chuyện Huy đánh đề trượt 500 nghìn và 1,5 triệu tiền đánh lô, vào ngày 23-11 vừa qua (trước 2 ngày bố mẹ Huy trình báo công an phường về việc gia đình mình bị mất tiền). Tại công an phường, Huy khai nhận cả 5 lần bố mẹ mất tiền là đều do một tay cậu lấy. Chua chát hơn khi Huy thừa nhận, số tiền đó đều “nướng” vào số đề và lô tô. Người mẹ nghiến răng: “Tại sao lại ra nông nỗi này…”. Có lẽ câu hỏi này, những người làm cha làm mẹ như anh chị Hùng - Hạnh đã có câu trả lời cay đắng.

Xui con buôn ma túy

Mờ mắt vì  lợi nhuận kếch xù từ buôn bán ma túy, nhiều ông bố bà mẹ còn lợi dụng cả con cái vào việc mua bán ma túy. Họ không thể ngờ rằng chính họ đã mở cửa “ngục tù” cho con cái dẫu trong thâm tâm không muốn con mình vướng vào vòng xoáy của ma túy.

 Sáng 20-10 vừa qua, Công an Nghệ An bắt giữ Đặng Danh Văn sau hơn 1 năm lẩn trốn vì hành vi buôn bán ma túy. Nhưng khi nhắc đến vụ án của Đặng Danh Văn, thì  xót xa hơn khi chính hắn đã biến 2 đứa con của mình thành  nạn nhân đáng thương. Chính Văn đã sai con hàng ngày  giao dịch với con nghiện. Kết cục là đứa con gái của Văn phải chôn vùi tuổi thanh xuân của mình sau song sắt nhà giam, còn cậu con trai thì đang ở trại cai nghiện ma túy. Đặng Thị Huyền con gái Văn đã khai nhận bị bố lôi kéo cô khi Huyền đang là học sinh lớp 11 và anh trai vào đường dây đi đưa ma túy cho khách suốt ngày đêm. Biết đây là việc làm phi pháp, nhưng vì tiền và vì sợ bố, nên chúng phải răm rắp nghe theo sự điều khiển của người bố. 

Trước đó dư luận từng chấn động việc một cặp vợ chồng Nguyễn Thị Tuyết (SN 1964) và  Phạm Xuân Thuật (SN1961), trú tại thành phố Phủ Lý (Hà Nam) đã vẽ vòng “kim cô”, “hướng nghiệp” cho con cái theo nghề buôn ma túy của mình. Ngay từ ngày còn bập bẹ học đánh vần, Phạm Thị Nhung (SN 1989) đã bị bố mẹ nhờ cùng các em canh chừng, thấy người lạ tới là hô hoán. Nhưng sau này khi dùng con vào việc nhận tiền, đưa ma túy cho con nghiện, thấy chị em Nhung nhanh nhẹn, khéo léo, bố mẹ chúng nhờ đóng gói hộ. Hàng ngày, sau nửa ngày cắp sách tới trường, Nhung lại được mẹ giao cho một nắm ống nhựa hút nước giải khát và gói bột trắng để đóng gói thành những tép heroin nho nhỏ, dành để bán cho con nghiện. Tới năm 12 tuổi, Nhung được mẹ dẫn đến nơi lấy hàng và đi giao hàng thay mỗi khi mẹ bận. Việc đào tạo của mẹ Nhung đã khiến cô mới 13 tuổi đã lọc lõi mọi chiêu bán hàng, qua mặt công an nên khi bà ta bị bắt, tiếp đến là bố cô và những người thân như các cậu, các dì, cũng lần lượt vào tù, Nhung trở thành trụ cột chính, tiếp tục công việc của cha mẹ kiếm tiền phi pháp. Kể từ đó, Nhung chính thức bỏ học khi vừa lên lớp 6. Bán ma túy được một thời gian thì Nhung lấy chồng khi mới 14 tuổi. Chồng cô là một khách quen chuyên mua hàng của Nhung, chính vì thế mà từ ngày có chồng, cô càng phải lăn ra bán ma túy để có tiền chi tiêu và ma túy cho chồng hút hít. Nhung đã sử dụng thủ đoạn “mang thai” để thoát “án”, tiếp tục bán ma túy và suốt từ đó đến nay, đã 10 năm trời, cô sống bám vào ma túy, lấy việc mua đi bán lại để tồn tại. Nhưng cuối cùng thì Nhung cũng đã bị bắt và hiện đang cải tạo tại trại Ninh Khánh. Đến lúc này, Nhung chỉ một nỗi ân hận tại sao không biết điểm dừng để hai con nhỏ giờ phải sống bơ vơ.

  Không chỉ sử dụng con nhỏ để bán lẻ  ma túy cho con nghiện, nhiều kẻ còn dã tâm hơn, đưa con vào những chuyến đi xa để vận chuyển ma túy. Điển hình như Nguyễn Thúy Liễu, sinh năm 1980, ở Yên Nội, Thanh Ba, Phú Thọ. Vì tiền, người đàn bà này đã tha lôi con cái trên các tuyến xe khách lên Sơn La sau đó quấn ma túy vào người con đem về bán cho con nghiện. Cả 4 đứa con nhỏ, lớn nhất mới 9 tuổi nhưng nhiều năm được người mẹ nhẫn tâm này dùng vào việc che giấu, vận chuyển ma túy.

Bị Công an tỉnh Phú Thọ “sờ gáy” nhưng vì đang nuôi con nhỏ, nên Liễu được tại ngoại và vẫn như con thiêu thân nhảy vào ma túy. Nhẫn tâm hơn, Liễu còn tự ý liên tục làm đơn xin phép cho con nghỉ học để đưa nó đi cùng trong những chuyến lấy “hàng”. Hành trình dùng con làm phương tiện, công cụ kiếm tiền của Liễu thực sự chấm dứt khi ngày 1-5-2011, chị ta bị bắt khi đang cùng con trai là Nguyễn Văn Hoàng, 9 tuổi, vận chuyển 6 bánh heroin. Số ma túy này được Liễu quấn quanh người con trai, trên suốt chặng đường từ Sơn La về Phú Thọ, qua rất nhiều lần đổi xe. Trong buổi khám nhà Liễu, những trinh sát có mặt ai cũng thấy lòng nặng trĩu bởi ngoài những thứ có liên quan đến việc mua bán, vận chuyển ma túy như cân tiểu ly, máy ép heroin, thì có rất nhiều giấy xin phép nghỉ học mà Liễu viết dở dang dùng để xin nghỉ học cho con trai. Không hiểu rồi đây những đứa trẻ này sẽ trưởng thành thế nào khi mà ngay từ khi mới lẫm chẫm biết đi, nét vẽ đầu tiên trong đầu óc ngây thơ của chúng là ma túy.

Hãy giúp trẻ đứng thẳng

Theo các chuyên gia tâm lý học, môi trường gia đình là yếu tố hết sức quan trọng có tác động lớn đến việc hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Đặc biệt trong gia đình thì  con cái chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cha mẹ cũng như cách giáo dục của cha mẹ. Ở những gia đình có cha mẹ sống, xử sự luôn đúng mực cũng như nghiêm khắc trong cách giáo dục con cái thì phần lớn những đứa trẻ sống trong môi trường đó cũng là những đứa trẻ trưởng thành và học hành tử tế. Còn những gia đình sống không nền nếp, buông thả, lỏng lẻo trong quản lý giáo dục con cái và thậm chí là chính họ không làm gương cho con khi tham gia vào rất nhiều các loại hình tệ nạn xã hội mà điển hình nhất của thời hiện đại ngày nay là tệ nạn cờ bạc đỏ đen và tệ nạn ma túy. 

Trẻ con như một thân tre non, rất dễ bị uốn cong bởi những “cơn gió độc”. Cần phải giúp trẻ đứng thẳng trong suy nghĩ, đạo đức, nhân cách và những việc làm tốt đẹp.