Giấy tờ giả, họa khôn lường

ANTĐ - “Được làm giả với công nghệ hết sức tinh vi, tội phạm hiện nay không chỉ “nhắm” đến chứng minh nhân dân, đăng ký ô tô, xe máy, mà cả những loại giấy tờ quan trọng như văn bằng, chứng chỉ Đại học, sổ đỏ”, Trung tá Nguyễn Quang Huy - cán bộ đội Giám định dấu vết - Phòng Kỹ thuật hình sự CATP Hà Nội thông tin.

Một số mẫu giấy tờ giả và Lê Bá Quỳ - “chuyên gia” sử dụng giấy tờ giả

“Già đời” vẫn mắc lừa

Tìm đến cửa hàng mặt tiền Phố Huế, chuyên doanh xe máy, để gặp Phong (bị hại bất đắc dĩ trong vụ án tiêu thụ tài sản phạm tội do người khác phạm tội mà có, được CQĐT CAQ Hai Bà Trưng khởi tố mới đây), chúng tôi vẫn cảm nhận được tâm trạng “thất thần” của “khổ chủ”. Đến thời điểm này, Phong có không dưới 10 năm trong nghề buôn bán xe máy, chủ yếu là xe ga. Phải hiểu biết về xe máy, nhất là có các mối quan hệ xã hội “đặc biệt”, Phong mới có thể mưu sinh, tồn tại được nhờ vào nghề này. Vậy mà vẫn bị lừa, lại bị nhiều lần, mà không biết.

Khoảng đầu tháng 7-2011, có 2 vị khách đến gặp Phong, đặt vấn đề muốn bán chiếc SH màu nâu với giá 90 triệu đồng. Trên thị trường, “con” xe kiểu này có giá không dưới 130 triệu đồng. Cũng lăn tăn, nhưng vì hai lý do mà sự lăn tăn ấy của Phong chỉ là thoảng qua. Thứ nhất, người giới thiệu 2 vị khách đến gặp Phong là chủ một hiệu cầm đồ. Đây cũng là đầu mối từng bán xe máy cho Phong. Thứ hai, khách đến bán xe có đủ giấy tờ tùy thân và giấy tờ xe. “Bọn em là sinh viên, đợt này dính nợ nần nhiều quá nên buộc phải bán rẻ”, Phong “chết” bởi câu nói này của 2 vị khách. Cứ thế trong vài tháng sau đó, Phong mua khoảng 5, 6 chiếc xe ga do 2 vị khách “sinh viên” mang đến.

Cuối tháng 11-2011, cửa hàng của Phong lại có “khách”. Nhưng lần này, “khách” là tổ công tác CAQ Hai Bà Trưng. Theo dấu vết một ổ nhóm chuyên mua bán xe ga đắt tiền, lực lượng công an đã tìm ra cửa hàng của Phong. Sáu trên 8 chiếc xe máy tại cửa hàng của Phong thời điểm lực lượng công an có mặt, kiểm tra, là… xe gian. Nhưng ông chủ cửa hàng không hề biết điều này, cho đến khi nghe thông tin từ cơ quan công an. Sáu bộ giấy tờ xe, chứng minh nhân dân (bản photocopy) mà Phong xuất trình, hóa ra đều là “đồ rởm”. “Tôi soi rất kỹ mấy thứ giấy tờ của khách đem đến, lại sờ thấy cả đường hằn của con dấu chìm, vậy mà…”, Phong ngao ngán nói. Sự chủ quan của người chủ cửa hàng chuyên doanh xe máy khiến anh có nguy cơ mất trắng khoảng 500 triệu đồng vì “ôm” phải 6 chiếc xe gian.

Tương tự tình trạng của Phong là trường hợp bà Đặng Thị Ngọc, nhà ở quận Đống Đa. Bà Ngọc liên quan đến vụ án Lê Bá Quỳ (nhà ở Gia Lâm, Hà Nội) cùng đồng bọn dùng giấy tờ giả (sổ đỏ) để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong vụ án vừa được cơ quan tố tụng hoàn tất quá trình điều tra này, bà Ngọc được xác định là một trong nhiều đương sự, và đã bị Lê Bá Quỳ dùng 3 cuốn “sổ đỏ” rởm thế chấp, vay tiền.

Vốn là dân kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp, nhưng bà Ngọc không nhận ra, hay nói cách khác, không đủ cẩn thận, tỉnh táo để xác minh giá trị thực của những cuốn “sổ đỏ” mà “siêu lừa” Quỳ thế chấp. Một yếu tố quan trọng trong vụ án này khiến “siêu lừa” Quỳ hoàn thành hành vi phạm pháp, đó là phôi những cuốn “sổ đỏ” là thật (do đồng phạm của Quỳ lấy trộm của Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Gia Lâm). Sau đó, y liên kết với đường dây “chế” giấy tờ giả, viết các nội dung mới lên phôi “sổ đỏ”. Bà Ngọc có kinh nghiệm buôn đất cát, lại có chút kiến thức để nhìn, sờ và nhận ra phôi “sổ đỏ” thật, nhưng vẫn mắc lừa, không nhận ra được nội dung ghi trên “sổ đỏ” là giả. Chỉ đến khi mang 3 “sổ đỏ” trên đến Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Gia Lâm để công chứng, bà Ngọc mới biết bị lừa. Sơ sơ, phi vụ giao dịch với Lê Bá Quỳ, bà Ngọc mất gần 10 tỷ đồng.


Công nghệ “cao”, ý thức “thấp”

Trong 3 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm, Đội Giám định dấu vết - Phòng Kỹ thuật hình sự CATP Hà Nội nhận được yêu cầu giám định hàng trăm mẫu giấy tờ giả. Từ đơn giản là đăng ký xe máy, ô tô, chứng minh nhân dân, đến bằng đại học, “sổ đỏ”, quyết định của các cơ quan có thẩm quyền, hay các loại giấy tờ liên quan đến việc giao dịch ngân hàng. Theo Trung tá Nguyễn Quang Huy, “công nghệ” - thủ đoạn của đối tượng làm giấy tờ giả ngày càng tinh xảo. Nếu như trước kia, nhiều loại giấy tờ giả hoàn thành nhờ in lưới, thì nay, đa phần được “chế” trên máy tính với các phần mềm hiện đại. Có giấy tờ giả được “chế” từ phôi thật, sau đó tẩy xóa, chỉnh sửa nội dung. Song nhiều loại giấy tờ được đối tượng “chế” mới 100%. Độ tinh vi của giấy tờ giả đến mức ngay cả những người vốn giao dịch thường xuyên với các loại giấy tờ đó cũng bị mắc lừa.

Phòng ngừa giấy tờ giả thế nào? Cách tốt nhất mà CQĐT khuyến cáo, là mỗi người dân hãy cảnh giác, thận trọng trong mỗi giao dịch cần đến các loại giấy tờ. Trước khi đưa ra quyết định mua bán, giao dịch, hãy xác định cụ thể nhân thân, địa chỉ của “đối tác” làm ăn với mình. Sự cẩn thận càng cần đặt ra trong những giao dịch tài sản có giá trị lớn, như ô tô, hay tham gia đầu tư, mua bán dự án bất động sản. Thực tế cho thấy, không ít đối tượng đã làm giả cả các quyết định phê duyệt, đầu tư của thành phố cho “dự án” mà chúng đem ra để thực hiện các hành vi lừa đảo. Và không ít người dân đã mắc lừa. Cùng với sự nâng cao ý thức của người dân, yêu cầu cần đặt ra đối với cơ quan chức năng trong việc phanh phui, xử lý những đối tượng, đường dây làm giấy tờ giả. Cần nhìn nhận đây là loại tội phạm đã và đang ảnh hưởng nhức nhối đến tình hình ANTT.