Khi tội ác không thể phán xét tận cùng(2)

“Chặn” nguy cơ cho cộng đồng

ANTĐ - “Ngay cả người mắc bệnh tâm thần phân liệt - cấp độ nặng nhất, nếu phát hiện, điều trị sớm, cơ hội thuyên giảm và khỏi bệnh hoàn toàn có thể thực hiện được. Nhưng yếu tố tiên quyết với người mắc bệnh lý về thần kinh, là phải được phát hiện và điều trị sớm”, bác sỹ Lý Trần Tình - Giám đốc bệnh viện Tâm thần Hà Nội chia sẻ.

Cấp phát thuốc cho người tâm thần tại bệnh viện Tâm thần Hà Nội


Băn khoăn của người trong cuộc

Nhiều năm gắn bó với nghề chăm sóc, điều trị sức khỏe cho bệnh nhân tâm thần, điều khiến bác sỹ Lý Trần Tình băn khoăn là biểu hiện rối loạn hành vi của thanh thiếu niên (từ 10 đến 18 tuổi) đang có chiều hướng gia tăng. Những biểu hiện rối loạn này chính là nguồn cơn dẫn đến những hành vi xâm phạm đến quyền lợi và sức khỏe của người khác, vi phạm những quy tắc, quy định pháp luật như trộm cắp thường xuyên, nói dối, cờ bạc, hành hung người khác hoặc phạm tội ở các mức độ nghiêm trọng.

Theo bác sỹ Tình, có nhiều nguyên nhân dẫn đến biểu hiện rối loạn hành vi, như sử dụng - lạm dụng chất kích thích (rượu, ma túy). “Xu hướng một bộ phận thanh thiếu niên đua đòi sử dụng ma túy tổng hợp là điều đáng lo ngại, phải cảnh báo”, bác sỹ Tình nhìn nhận. So với heroin, ma túy tổng hợp không có khả năng gây nghiện bằng. Nhưng ma túy tổng hợp lại có tác dụng gây ảo giác rất mạnh, dẫn đến rối loạn hành vi, không làm chủ được ý thức. Không phải ngẫu nhiên mà số vụ án ở nhiều địa phương trong thời gian qua, liên quan đến việc đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng. Bên cạnh đó, phải kể đến những tác động tiêu cực khác trong xã hội đối với thanh thiếu niên, như game, internet…

Người vi phạm pháp luật phải bị pháp luật phán xét, phải bị trả giá. Quy luật này áp dụng cả với những người bị tâm thần. Và nó là một sự sòng phẳng. Tuy nhiên, người tâm thần vào trại đâu phải đã… hết chuyện. “Quản giáo là nghề luôn gây áp lực cao đối với cán bộ và ban giám thị. Và trong áp lực ấy, việc phải trông coi, cải tạo bị án mắc bệnh tâm thần còn vất vả hơn nhiều”, Đại tá Bùi Ngọc Bình - Giám thị Trại tạm giam số 1 CATP Hà Nội cho biết.

Người tâm thần trong trại giam, trại tạm giam, lúc tỉnh táo thì không sao. Còn khi bệnh phát, hoặc là họ sẵn sàng đánh người, hoặc sẵn sàng tự thương, tự sát. “Giam riêng người tâm thần không được, bởi cơ hội để họ tự thương, tự sát càng cao. Còn giam chung, nếu sơ sẩy, chuyện phạm nhân bình thường ở cùng phòng với bệnh nhân tâm thần bị… đánh bất thình lình, đánh không lý do là hết sức bình thường”, giám thị Bình chia sẻ. Thế nên ngay cả khi đã thuốc men đều đặn cho phạm nhân tâm thần, Ban giám thị Trại tạm giam số 1 vẫn phải dành sự quan tâm “số 1” cho những buồng giam có phạm nhân tâm thần. Và phải “quán triệt” các phạm nhân trong phòng, cứ luân phiên nhau 10 anh “để ý” phạm nhân tâm thần, 24/24h. Cẩn thận vậy mà hôm rồi, đang đêm, có phạm nhân vẫn bị một người “cùng cảnh” bị tâm thần chồm dậy bóp cổ. May mà anh này hô hoán kịp nên… thoát chết.


“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Nguyên tắc này luôn đúng, và đúng hơn bao giờ hết đối với việc phát hiện, điều trị, quản lý người mắc bệnh tâm thần. Một người tâm thân không được thuốc men thường xuyên, sống tại cộng đồng, sẽ là nỗi lo lớn với cộng đồng. Họ không kiểm soát được hành vi của mình, không ngại làm những điều ám ảnh với cộng đồng xung quanh. Vụ án Cao Phương Duy phạm tội giết vợ; vụ người nông dân hiền lành Vũ Văn Mạnh bỗng dưng cầm dao chém 9 người…  rất nhiều những vụ án đau lòng khác đã từng xảy ra, nó đều bắt nguồn từ nguyên nhân sâu xa là người tâm thần, hoặc có biểu hiện tâm thần, không được phát hiện, điều trị sớm.

Nhiều cán bộ bác sỹ trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần trao đổi với tôi: “Sức khỏe tâm thần là lĩnh vực rất quan trọng, nhất là trong cuộc sống hiện đại như hiện nay. Thế nhưng, sự quan tâm của cơ quan quản lý đối với căn bệnh này, sự hiểu biết, nắm bắt thông tin của người dân đối với sức khỏe tâm thần, vẫn còn hết sức hạn chế”. Nhận thức của nhiều người về bệnh tâm thần đang còn rất lệch lạc, chưa đầy đủ. Hoặc không biết con em, người nhà mình bị tâm thần; hoặc giấu giếm vì ngại dư luận hàng xóm, hoặc đi… cúng bái để mong khỏi bệnh. Bệnh viện Tâm thần chỉ là “bước” cuối cùng người ta tìm đến, khi đã “chữa” ở nhiều nơi, nhiều “thầy” nhưng không khỏi(!). Suốt quãng thời gian ấy, người mắc bệnh sẽ càng bệnh nặng thêm, chưa kể việc, họ có thể gây “họa” cho những người xung quanh bất cứ lúc nào.

Hà Nội được xem là địa phương có hệ thống điều trị, quản lý người tâm thần khá tốt ở cộng đồng. Nghĩa là ngoài những trường hợp điều trị nội trú ở các bệnh viện, khoa chuyên ngành, người tâm thần sẽ được phát thuốc định kỳ, miễn phí tại nơi ở, thông qua các trung tâm y tế xã, phường. Đó là chưa kể, dược liệu cho người bị tâm thần của Hà Nội (cả thuốc nội lẫn thuốc ngoại) cũng được đánh giá có chất lượng tốt. Nhưng đã có cơ quan nào thử thống kê, tìm hiểu, vẫn còn bao nhiêu người tâm thần đang ở cộng đồng chưa được điều trị? Bao nhiêu người tâm thần bị chính người nhà mình bỏ rơi? Và bao nhiêu người có biểu hiện rối loạn hành vi  chưa được thăm khám? Người có bệnh là khổ rồi; bị bệnh tâm thần còn khổ hơn, bởi khó tránh khỏi sự xa lánh, hắt hủi của những người xung quanh. Thế nhưng cơ hội cho người tâm thần - người bệnh - đâu phải đã hết. Vấn đề ở đây là thái độ, trách nhiệm của cộng đồng, của chính những người sống xung quanh người tâm thần. Chữa trị được cho một người tâm thần không chỉ cứu giúp cho cuộc đời họ, mà còn giảm được một nguy cơ cho xã hội. Điều đơn giản ấy, sao lâu nay khó thực hiện quá…