Ly hôn sao... dễ thế?

ANTĐ - Khi chung sống, nhiều lúc chỉ vì chưa thể dung hòa được thói quen, cá tính… không giống nhau ấy, họ đã kéo nhau ra tòa. Đơn giản do cái tôi quá lớn.

"Cô ấy thích thì tôi chiều chứ cái kiểu nay dọa ly hôn, mai biểu ký đơn, tôi mệt quá rồi!” - anh T. (quận 3- TPHCM) ngán ngẩm. Không chịu thua, chị H. nhấm nhẳng: “Anh ấy nói vậy thì thôi, cũng chẳng còn tình nghĩa. Không hợp thì chia tay cho xong, để sau này có con càng thêm vướng bận”.

Không ai chịu ai

Họ gặp nhau trong một chuyến đi dã ngoại. Say nhau như điếu đổ từ cái nhìn đầu tiên, họ nhanh chóng kết hôn chỉ sau đó chưa đầy 6 tháng, khi cả hai vừa ra trường và tìm được việc làm. Tuy nhiên, do yêu cầu công việc, H. vừa phải đi làm vừa học thêm văn bằng hai, trong khi T. là con trai út, quen được chiều chuộng và quen lối sống của những chàng độc thân. Vậy là phát sinh mâu thuẫn.

“Cưới vợ về tưởng được cô ấy chăm sóc, ai ngờ chỉ toàn được cho ăn cơm hộp, quần áo muốn có mặc phải tự giặt, tự ủi. Chủ nhật muốn vợ nấu cho bữa ăn sáng thì cô ấy than mệt, muốn ngủ “nướng”. Tôi bảo về thăm cha mẹ chồng, cô ấy cũng nói không có thời gian. Vậy có vợ làm gì?”- anh T. phân trần.

Minh họa: Nguyễn Tài

Nghe chồng nói, chị H. lắc đầu: “Tôi là vợ chứ có phải là ôsin đâu mà bắt phải phục vụ chồng từ A đến Z như vậy? Cả hai cùng đi làm nhưng tôi còn phải đi học ban đêm. Phải thông cảm cho tôi, sao bắt tôi làm những việc mà anh ấy có thể tự phục vụ, còn mình thì mặc sức cà phê, cà pháo, tụ tập với bạn bè? Một tuần hết 6 ngày tôi đi làm, đi học mệt nhoài, được mỗi sáng chủ nhật nằm ngủ thoải mái một chút, anh ấy lại bày vẽ chuyện này chuyện kia…”.

Vị thẩm phán hỏi: “Có bao giờ vợ chồng ngồi lại nói cho nhau những gút mắc cần tháo gỡ, những mong muốn của nhau về người kia không?”. Họ lắc đầu cho rằng “chuyện nhỏ, tự bản thân phải biết, có gì to tát đâu mà phải nói mới hiểu”. Tuy nhiên, chính những chuyện tưởng nhỏ nhặt đó đã làm cho cả hai ngày một xa nhau, đến mức dù được phân tích có tình, có lý, họ vẫn kiên quyết đường ai nấy đi. Cuộc hôn nhân mới non một năm đã tan vỡ.

Không hợp thì… tan

Họ xin ly hôn với lý do tính tình không hợp. Tuy nhiên, khi được khơi gợi trúng nỗi đau, ông H. (quận 5 - TPHCM) đã không ngần ngại trình bày nguyên nhân thật sự của việc ông đứng đơn xin ly hôn người vợ trẻ.

Ông H. quen X. khi cô đang là sinh viên năm thứ nhất đến dạy kèm đứa con trai 8 tuổi của mình. Là chủ một cơ sở nhỏ, vợ qua đời trên 5 năm, thấy cô sinh viên vừa xinh đẹp lại vừa chăm chỉ, chịu khó, ông đã dành tình cảm cho cô. Một năm sau, họ nên duyên chồng vợ. Ông tiếp tục nuôi X. ăn học đến khi ra trường, sau đó gửi gắm cô vào làm một công ty quen biết.

Chẳng bao lâu, ông H. phát hiện X. có nhiều thay đổi. Linh tính mách bảo, ông thuê “thám tử xe ôm” theo dõi và đau đớn khi biết được sự thật rằng vợ mình đang có quan hệ với một đồng nghiệp trẻ. Ông hỏi thẳng nhưng cô chối bay, chối biến. Cho đến một lần “thám tử” lại báo tin, ông H. tức tốc đến nơi. Cánh cửa phòng khách sạn mở ra, bên trong có vợ ông và một thanh niên… Không chấp nhận việc bị “cắm sừng”, ông kiên quyết đòi ly hôn. Tài sản chung không có gì ngoài chiếc xe tay ga đắt tiền và đồ sính lễ ông H. đã cho X., nay ông không yêu cầu cô trả lại.

Để xem xét thêm về cơ hội hàn gắn, vị thẩm phán hỏi X. có hay không việc ngoại tình như ông H. trình bày? Cô phủ nhận: “Ông ấy là người hay ghen tuông, hễ tôi đi đâu, làm gì ông ấy cũng thuê người theo dõi. Hôm đó, tôi và anh bạn đồng nghiệp đi công tác chung, nửa chừng anh ấy nói mệt nên chúng tôi thuê khách sạn vào nghỉ ngơi một chút, chứ thực ra chẳng có quan hệ gì mờ ám cả (?!). Tôi đã giải thích nhưng ông ấy không tin”.

Thuyết phục ông H. tin như những gì cô X. vừa trình bày là điều… không tưởng. Cuối cùng, tòa đành quyết định cho họ được ly hôn.

Mong được thanh thản

Bà kém ông 20 tuổi. Họ chung sống với nhau đã gần 40 năm, có 3 mặt con. Vậy mà, khi tuổi đã gần đất xa trời, ông lại làm đơn xin ly hôn “để những ngày tháng còn lại được thanh thản’’.

Trước phiên tòa, ông nói từng có thời gian làm ra nhiều tiền để lo cho gia đình. Khi tuổi tác đã cao, việc làm ăn không còn thuận lợi, ông ở nhà sống nhờ vợ con. Từ đó, tính khí bà trở nên thay đổi thất thường, luôn tỏ thái độ khinh nhờn chồng. Nuốt nỗi buồn vào trong, ông cố gắng nín nhịn. Tuy nhiên, càng ngày bà càng tỏ ra quá đáng. “Đỉnh điểm là sau một lần vợ chồng cãi nhau, bà ấy chỉ tay vào mặt tôi đay nghiến, chửi rủa. Tôi nhớ hoài hình ảnh đó” -  ông bức xúc.

“Tuổi già, ai không muốn sống sum vầy bên gia đình, được chăm sóc, yêu thương…? Nhưng tình nghĩa vợ chồng thật sự không còn, dây dưa, lần lữa cũng chẳng để làm gì. Mong tòa giải  quyết việc chia tài sản và ly hôn một cách nhanh gọn, đỡ phải đi tới đi lui” -  ông bày tỏ trước tòa.

Trong khi đó, bà phủ nhận tất cả những lời ông nói, khẳng định mình vẫn còn thương chồng. Hơn nữa, “tôi không muốn bà con lối xóm nhìn vào nói bị chồng bỏ trong khi mình không có lỗi gì, rồi còn danh dự của gia đình với sui gia, tâm lý con cái... Xin tòa cho thời gian để mẹ con tôi năn nỉ ông ấy quay về” - bà khẩn khoản. Tuy nhiên, khi tòa hỏi: “Nếu ông chỉ muốn ly hôn không đòi chia tài sản, bà có đồng ý không?” thì bà trả lời: “Tôi đồng ý ly hôn”!

Sau một ngày nghị án, HĐXX chấp nhận cho họ ly hôn, riêng phần tài sản sẽ khởi kiện bằng một vụ dân sự khác. Án tuyên xong, bà cùng con gái ra về, riêng ông lủi thủi ra trước cổng tòa án đón xe buýt. Không biết những ngày tháng tới, cuộc sống của người già cô đơn sẽ ra sao?