Khi học sinh bị stress như người lớn

ANTĐ - Không biết cách sắp xếp thời gian cùng sức ép về số lượng bài tập trên lớp, học thêm khiến ngày càng nhiều học sinh luôn trong tình trạng căng thẳng, thậm chí bị stress không khác gì người lớn. Tình trạng gia tăng rối nhiễu tâm lý cũng đang được các chuyên gia đưa ra dẫn chứng.

Học sinh cần được cân bằng giữa học tập và vui chơi để ngăn ngừa rối loạn tâm lý

Stress vì không đủ thời gian học

Đây là vấn đề cho thấy lỗ hổng trong cách dạy và học hiện nay của nhà trường và gia đình khi ít quan tâm tới việc trang bị cho học sinh kỹ năng, phương pháp học tập để ứng phó với ngày càng nhiều kiến thức trên lớp cũng như ở các buổi học thêm. Một nhóm giảng viên khoa Tâm lý – Giáo dục, trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế đã thực hiện nghiên cứu về mối quan hệ giữa kỹ năng quản lý thời gian và stress trong học tập của học sinh lớp 12. Kết quả cho thấy hầu hết học sinh lớp 12 trường THPT chuyên Quốc học Huế đều bị stress trong học tập ở mức độ tương đối cao.

Kết quả khảo sát cho thấy gần 100% học sinh được hỏi cho rằng phải “rất thường xuyên” học tập và làm việc trong cả ngày nghỉ. Gần 20% cho biết các em “thường xuyên” học tập đến quên cả ăn, không tập thể dục và không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Đặc biệt, hơn 53% tiết lộ rằng các em chỉ nói chuyện học tập trong các cuộc họp mặt, tề tựu với người thân và bạn bè… Có hơn 20% số học sinh được khảo sát trả lời rằng thường xuyên mất thời gian cả ngày chỉ để giải quyết những việc linh tinh, rắc rối, vặt vãnh. 

Theo đó, nhóm nghiên cứu nhận định kỹ năng quản lý thời gian của học sinh lớp 12 ở mức trung bình, đặc biệt, có 3 kỹ năng mà các em cần phải cải thiện nhiều nhất là kỹ năng “lên kế hoạch”, “thiết lập nhiệm vụ ưu tiên” và “cân bằng lối sống”. Thống kê cho thấy, gần 50% học sinh lớp 12 cho biết các em học tập và làm việc mà không cần ghi chú lên lịch, gần 40% học sinh học tập và làm việc mà không cần liệt kê ra những thứ cần làm trong ngày. 

Chính vì thiếu những kỹ năng quản lý thời gian nên học sinh thường rơi vào tình trạng quá tải trước các kỳ kiểm tra/ kỳ thi. Những lúc này, các em thường cảm thấy căng thẳng, tâm trạng nặng nề trước khối lượng kiến thức cần tiếp thu lớn, gây khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức. Cộng với lịch học dày đặc, nhiệm vụ học tập quá nhiều, không có đủ thời gian để ôn tập và củng cố kiến thức, phương pháp học tập của cá nhân không hiệu quả… là hệ quả của việc không biết cách quản lý thời gian. Theo nhóm nghiên cứu ĐH Huế thì đây chính là những tác nhân gây stress trong học tập ở mức độ cao cho học sinh lớp 12.

Cần phát hiện sớm để hỗ trợ

Không chỉ học sinh các lớp lớn mới gặp các vấn đề về tâm lý. Công bố tài liệu nghiên cứu tại Hội thảo Tâm lý học đường ngày 14-8, các nhóm nghiên cứu cho thấy số lượng trẻ em trong độ tuổi học sinh mắc rối loạn lo âu và trầm cảm có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. 

Khảo sát của Hoàng Cẩm Tú và cộng sự năm 2007 về sức khỏe tâm thần ở 1.727 học sinh THCS ở Hà Nội cho thấy có 25,76% tổng số học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó số học sinh có những vấn đề cảm xúc cao nhất – chiếm tới 29,7%, tỷ lệ nữ mắc nhiều hơn nam. Còn nghiên cứu gần đây nhất của Đặng Hoàng Minh, Bahr Weiss và Nguyễn Cao Minh năm 2013 đã điều tra dịch tễ trên 1.314 trẻ em từ 6 – 16 tuổi ở 10 tỉnh, thành phố Việt Nam đã cho thấy có 9,6% trẻ có các vấn đề hướng nội ở mức lâm sàng. Trong đó, lo âu/ trầm cảm chiếm 1,8%, thu mình chiếm 2,1%, than phiền cơ thể chiếm 4,1%. Tỉ lệ này ở mức ranh giới là 18,3%. Bên cạnh đó, tỉ lệ trẻ em từ 6 – 16 tuổi có các bất thường về tình cảm là 16,29%, ở mức ranh giới là 11,59%. 

Một trong những vấn đề được các chuyên gia tâm lý học đường đặt ra bên cạnh vấn đề trên chính là tình trạng thiếu nghiêm trọng đội ngũ thực hành về hỗ trợ tâm lý trong các trường học hiện nay. Đây chính là lỗ hổng mà ngành giáo dục cùng các bậc phụ huynh cần quan tâm, đầu tư để sớm phát hiện và hỗ trợ học sinh có những biểu hiện tiêu cực xuất phát từ tình trạng rối nhiễu tâm lý học đường hiện nay.