Cô đơn giữa gia đình

ANTĐ - Mải mê kiếm tiền với mong muốn chu cấp cho con mọi thứ tốt nhất, nhiều cha mẹ đã phó mặc việc nuôi dưỡng con cho người giúp việc, dạy con cho cô giáo, chơi với con cho công nghệ. Những đứa trẻ thừa vật chất, thiếu tình thương sẽ lớn lên èo uột, bệnh tật đầy người. 

Chơi đùa, gần gũi con, cha mẹ sẽ giúp trẻ phát triển hoàn thiện 

Yêu người giúp việc hơn mẹ

Chị Trần Thị Mơ (ở Tuyên Quang) vốn là cô giáo mầm non nghỉ hưu sớm. Do hai con trai lên Hà Nội học đại học nên chị muốn ở gần con để gần gũi, trông nom và được người họ hàng giới thiệu làm người giúp việc cho một gia đình có 3 đứa con. Hồi mới đến làm, điều chị lạ nhất là việc giáo dục con của ông bà chủ. Người chồng làm công chức nhà nước nhưng tối nào cũng bia bọt, tiếp khách khứa đến tận khuya mới về. Người vợ thì bán hàng ở một trung tâm thương mại giữa nội thành, cũng đi từ sớm tới tối. Đóng cửa hàng, bà chủ còn đi tập thể dục, tập nhảy hoặc spa để giữ dáng, dưỡng da. Việc dọn dẹp, chợ búa, nấu nướng, đưa đón con đi học, ông bà chủ đều khoán cho người giúp việc. Mỗi tuần, cả nhà ăn cơm với nhau không được 2 bữa. 

Việc dạy dỗ con cái, ông bà chủ phó mặc cho giáo viên dạy thêm. Mấy sinh viên đến kèm thằng lớn học lớp 11 đều lắc đầu, phàn nàn cậu ta vừa lười, vừa dốt, chỉ mê chơi điện tử. Đứa con gái thứ 2 học lớp 8 nhưng suốt ngày tô son, đánh phấn, “buôn” điện thoại. Mấy lần chị Mơ bắt gặp cô bé đưa bạn trai lên tận phòng riêng. Nhưng khi chị ngăn cản, không cho hai đứa lên phòng thì cô bé lườm nguýt, chê chị “nhà quê”, rồi chúng leo lên xe máy chở nhau đi, còn nói lại một câu “đi ra ngoài hoạt động cho thoải mái không có mẹ già lại động lòng”. Ở nhà hầu như chỉ có chị Mơ và đứa bé gái 5 tuổi. Vốn là giáo viên mẫu giáo nên chị Mơ cố gắng uốn nắn, dạy dỗ bé về ứng xử, hướng dẫn cháu cầm bút, tô tranh, viết chữ. Chị phải giấu, vì bà chủ mà bắt gặp thế nào cũng mắng chị “đừng có nhiễm thói nhà quê cho con tôi”. Đứa bé chẳng mấy khi gần gũi bố mẹ nên quấn quýt chị Mơ, bố mẹ về cũng chẳng thiết. Có lần, bà chủ về sớm, muốn chơi với con nhưng bé không chịu, cứ đòi về phòng bác Mơ để nghe kể chuyện. Bực tức, người mẹ mang con ra đánh. Chị Mơ cũng bị vạ lây vì “rủ rê, dụ dỗ, lôi kéo, nói xấu bố mẹ nó nên nó mới hư hỗn như vậy”.  

Phát bệnh vì cô độc

TS-BS Lã Thị Bưởi, Trưởng phòng khám sàng lọc, tư vấn, điều trị và dự phòng các rối nhiễu tâm lý thuộc Phòng khám Tuna (Hà Nội) cho biết, ngày càng nhiều đứa trẻ được đưa đến phòng khám chữa bệnh vì chứng “nói chuyện một mình”, mê điện tử, thích đồ công nghệ như ti vi, điện thoại, iPad hơn là nói chuyện với bố mẹ, chơi với bạn bè. Câu chuyện mà các chuyên gia tâm lý khai thác được hầu như na ná nhau: cha mẹ bận rộn, không có thời gian quan tâm, trò chuyện với con, con đòi chơi cùng thì bật ti vi, quẳng cho con iPad để con giải trí. Lâu dần, những đứa trẻ trở nên khép mình, đắm chìm vào thế giới ảo, mà quên mất những kỹ năng hòa nhập với cuộc sống. 

Có em mới 13 tuổi được đến chữa bệnh “nói chuyện một mình”. Em là con một, bố mẹ em đi làm từ sáng tới tối mịt, có khi về chỉ ghé vào phòng con hỏi: “Có việc gì không?” rồi về phòng. Cơm có giúp việc, học có cô giáo, di chuyển có xe ôm. Buồn thì có iPad, iPod, laptop, ti vi, chỉ thiếu người nói chuyện. Suốt ngày, em chỉ còn đối diện với 4 bức tường và người bạn tưởng tượng. Sau một thời gian chữa trị, em viết lá thư đau đớn: “Mẹ là ai. Mẹ là người lúc nào cũng trách mắng mình không chịu học hành, không làm bố mẹ tự hào. Mẹ là người lúc nào cũng kêu bận nếu mình muốn lân la nói chuyện. Mẹ là người cho mình ăn, mình mặc. Nhưng vật chất mà làm gì? Học tập mà làm gì khi lúc nào mình cũng thấy cô độc, chán ghét? Sao cứ yêu cầu mình phải học giỏi khi chẳng ai có thời gian giúp mình?”...“Em gái đó bị rối nhiễu tâm lý sau một thời gian buồn phiền, u uất. Em cho rằng mình chẳng ra gì nên không được cha mẹ yêu thương, dẫn đến mặc cảm, tự ti, thậm chí không muốn tiếp xúc với mọi người” - TS Lã Thị Bưởi cho biết.   Theo một điều tra của Trung tâm nghiên cứu, đào tạo và phát triển cộng đồng, 20% trẻ em ở độ tuổi lớp 2, lớp 3 bị rối nhiễu tâm lý vì học quá căng thẳng và cô độc trong chính gia đình mình.

Thiếu thời gian, nhiều cha mẹ phó mặc cho người giúp việc hoặc làm hộ con cho nhanh. Lâu dần, đứa trẻ trở thành “gà công nghiệp”, ăn, chơi, học, sinh hoạt đều bị nhồi nhét một cách máy móc. Đó là những đứa trẻ “gà tồ” có lớn mà không có khôn, thiếu kỹ năng chăm sóc bản thân, không biết đương đầu với khó khăn, thất bại. Đến khi gặp chuyện thất vọng, buồn bã, chúng thường tìm đến hành động tiêu cực hoặc là yếu đuối, a dua, dễ bị rủ rê vào các tệ nạn xã hội… 

“Những đứa trẻ thừa dưỡng chất, thiếu yêu thương sẽ phát triển không hoàn thiện, thậm chí méo mó về tâm hồn, lệch lạc trong nhận thức. Việc cha mẹ quan tâm, chăm sóc, trò chuyện với con hàng ngày mới chính là “thức ăn” cần thiết để đứa trẻ phát triển hoàn thiện”. TS Lã Thị Bưởi