Cha mẹ vụng về, độc đoán, thành ra "cướp" đi tất cả của con

ANTĐ - Chúng ta rất thương yêu con, muốn truyền tải cho con thông điệp của tình thương để con tránh xa cạm bẫy, nhưng cái cách chúng ta vẫn dùng quá vụng về, chưa kể thô lỗ và độc đoán...

Một cô bé lớp 12 đem lòng yêu một cậu bạn cùng lớp. Vì cả hai cùng sống trong một khu phố nên chuyện chẳng mấy mà ầm lên. Một đồn mười, mười đồn trăm, rốt cuộc đến tai bố mẹ cô bé.

Ông bà phản đối quyết liệt, vì biết chắc “thằng kia” chả ra gì. Mẹ thì bán xổ số nhưng thực tế là ghi lô đề, còn bố thì chẳng có nghề ngỗng gì cả.

Bà thì chửi rủa, nhiếc móc, hễ cô bé lên tiếng bảo vệ người yêu là bà bù lu bù loa khóc ầm cả xóm nghe thấy. Ông thì bạt tai, ném đồ vật vào người con bất kỳ lúc nào có thể. Bạn bè cô bé cũng phản đối quyết liệt, vì cô bé vốn là một người bạn tốt, hiền lành, chăm ngoan. Được bố mẹ cô bé nhờ, thầy giáo chủ nhiệm gọi lên, dọa dẫm đủ kiểu, thậm chí còn yêu cầu cô chấm dứt ngay lập tức, nếu không sẽ bêu riếu trước toàn trường.

Duy chỉ có cậu trai kia là vẫn ngọt ngào, luôn sát cánh bên cô bé, động viên cô bé vượt qua mọi khó khăn để bảo vệ tình yêu.

Rồi đến một ngày, cả hai biến mất. Họ đã rủ nhau cùng trốn để đến một vùng đất mới, ngây thơ nghĩ rằng sẽ gây dựng tình yêu với hai trái tim vàng và hai bàn tay trắng.

Bố mẹ vụng về, rất dễ đẩy con vào vòng tay kẻ xấu...

Rồi 1 năm sau, cô bé trở về với cái bụng sắp đến ngày sinh, lê lết đau khổ và mệt mỏi. Bởi sau khi chung sống với bạn trai một thời gian, cô mới thấm thía điều cha mẹ, bạn bè, thầy cô can gián là hoàn toàn đúng sự thật. Ẩn đằng sau vẻ hào hoa, lời nói ngọt ngào chăm bẵm kia là một con người lưu manh, ác độc. Khi đã giày vò cô bé no xôi chán chè, hành hạ đủ kiểu, gã đuổi cô bé thẳng cổ để cặp với một em lớp 11 gần đó.

Vậy đó, rõ ràng chúng ta rất thương yêu con, muốn truyền tải cho con thông điệp của tình thương để con tránh xa cạm bẫy, nhưng cái cách chúng ta vẫn dùng quá vụng về, chưa kể thô lỗ và độc đoán.

Bố mẹ thương nhưng lại gào lên chửi rủa, can ngăn, khóc lóc; bạn bè thương nhưng lại đàm tiếu, xì xào, gây áp lực bằng những lời đồn thổi kinh khủng; thầy cô thương nhưng lại dọa dẫm, sỉ nhục, thậm chí bêu riếu… Giữa bão dông dư luận và sức ép, chỉ có một chàng trai sát cánh, thủ thỉ, động viên…, thử hỏi cô bé sẽ ngả về bên nào? Cô bé còn quá nhỏ để nhận thức ngay lập tức những điều người lớn nói, thời điểm đó chỉ biết làm theo cảm tính, phía nào an toàn, bớt gai góc hơn, sẽ ngả về bên đó.

Giá như cha mẹ chúng ta yêu thương con vô điều kiện hơn một chút, dành cho con cách cư xử ngọt ngào hơn một chút, nâng niu con trẻ hơn một chút; cố gắng hiểu tâm tư của con hơn một chút; trìu mến và làm bạn của con, thì chắc hẳn không bao giờ cô bé lại quyết định bỏ nhà đi theo một gã trai như vậy. Cái cách “vụng cho” ấy đã biến vị trí của cha mẹ đang từ “người dành cho con tất cả”, trở thành người cướp đi của con tất cả; cướp lòng tự trọng, cướp cái tôi cá nhân, cướp đi tình cảm gia đình ngọt ngào..., để khi ngẫm ra, con trẻ đã phải trả giá bằng cả cuộc đời.