Xập xệ nhà tái định cư

ANTĐ - Căn hộ tái định cư lâu nay vẫn bị mang tiếng xấu là có chất lượng kém hơn nhiều so với nhà ở thương mại. Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng cho rằng, chất lượng công trình nhà ở tái định cư hiện đang bị xem nhẹ.

Nhiều khu tái định cư cao tầng giờ như khu tập thể cũ xây cách đây nửa thế kỷ

Xuống cấp nhanh chóng

Sở Xây dựng vừa có thống kê sơ bộ cho biết, TP Hà Nội có khoảng 144 dự án đầu tư liên quan tới tái định cư (TĐC) với tổng quỹ đất khoảng 1.153ha. Trong đó, các dự án đầu tư đã và đang triển khai đầu tư xây dựng, khoảng 42 dự án với tổng quỹ đất khoảng 167ha. Các dự án đầu tư đã được UBND TP chấp thuận chủ trương về địa điểm quy hoạch, đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch tổng mặt bằng khoảng 120 dự án với tổng quỹ đất khoảng 986ha. Theo UBND TP, tính đến cuối năm 2011, quỹ nhà TĐC của thành phố còn 1.257 căn hộ. Dự kiến, nhu cầu năm 2012 cần khoảng 6.500 căn (chưa kể nhu cầu TĐC GPMB các tuyến đường vành đai và các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia trên địa bàn Hà Nội). 

Với số lượng dự án và số căn hộ cần triển khai xây dựng khổng lồ như trên, yêu cầu về chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, theo Sở QH-KT Hà Nội, việc xây dựng nhà TĐC hiện nay đang bị coi nhẹ về chất lượng công trình. Đồng thời, cơ chế hiện nay đang thiếu nội dung quy định cụ thể về nhà TĐC như một sản phẩm xây dựng với các tiêu chuẩn, tiêu chí về chất lượng, diện tích, đơn giá... Sở QH-KT cũng cho rằng, về quy hoạch kiến trúc, có thể nhận thấy sự đối lập rõ ràng về diện mạo kiến trúc, mỹ quan đô thị và chất lượng công trình giữa các khu chung cư thương mại và khu chung cư TĐC xây dựng trên địa bàn hiện nay. 

Điển hình dễ nhận thấy nhất là ở khu TĐC Trung Hòa - Nhân Chính (Thanh Xuân). Chỉ cách một con đường, song khu nhà ở TĐC hoàn toàn tương phản với các tòa nhà thương mại. Được đưa vào vận hành cách đây 9 năm, khu TĐC này giờ trông không khác mấy với những khu tập thể cũ như Phương Mai, Giảng Võ... Xe cộ để bừa bãi, tràn xuống lòng đường. Chợ cóc, hàng rong, quán ăn, quán nước, bếp than tổ ong... có mặt ở khắp các ngõ ngách tạo nên cảnh nhếch nhác. Đó là phía bên ngoài, còn ở bên trong, từ nhiều năm trước, các thiết bị như hệ thống phòng cháy, chữa cháy, chiếu sáng... đều đã “chập chờn”. Nhiều khu vực trong tòa nhà bị bong tróc, ngấm, lún, nứt khiến người dân không thể yên tâm về chất lượng. Riêng về quy hoạch - kiến trúc, nhiều chuyên gia cho rằng, thật sai lầm khi xây dựng các tòa chung cư chỉ cao từ 6-9 tầng, gây lãng phí lớn về đất đai.

Vô thừa nhận?

Không chỉ bị xem nhẹ về chất lượng, nhà TĐC hiện đang trong tình trạng lơ lửng về pháp lý. Theo Sở QH-KT Hà Nội, về mô hình, cơ chế quản lý nhà chung cư TĐC mới được hình thành còn nhiều bất cập. Theo Luật Xây dựng, Luật Nhà ở thì không có loại hình nhà chung cư TĐC mà chỉ có 3 loại nhà: nhà kinh doanh, nhà xã hội và nhà công vụ. Trong quy định tại Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế... cũng không có quy định về loại hình nhà này. Đây cũng là một vấn đề khó khăn, bất cập trong công tác thẩm định quy hoạch kiến trúc đối với các dự án đầu tư nhà chung cư TĐC. 

Phó Giám đốc Sở QH-KT Dương Đức Tuấn kiến nghị, cần nghiên cứu thiết kế điển hình về chung cư TĐC để nhu cầu tạo lập quỹ và phân loại cấp độ chung cư tái định cư kèm theo các thông số chất lượng công trình mang tính chất đặc thù.

Bên cạnh đó, việc tính toán các nhu cầu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại các khu TĐC thường gắn với quy hoạch của cả khu đô thị mới, khu nhà ở. Vì vậy, nhiều nơi chất lượng nhà ở TĐC còn hạn chế do các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu, gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân. Đa số các nhà đầu tư thường chờ khu dân cư đến đông mới làm các công trình hạ tầng xã hội, dẫn đến việc cả giai đoạn đầu người dân TĐC hầu như thiếu các dịch vụ đô thị thiết yếu.

Đáng chú ý, hiện nay, chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp giữa chủ đầu tư xây dựng nhà TĐC trong các khu đô thị mới với Công ty Quản lý và phát triển nhà (đơn vị được giao tổ chức, quản lý, khai thác vận hành nhà ở TĐC) trong việc đảm bảo chất lượng ở cũng như quy trình bảo trì, khai thác vận hành tòa nhà. Điều này dẫn tới tình trạng “cha chung không ai khóc”, bỏ mặc cho các tòa nhà xuống cấp...