“Cò” nhà đất hết thời tung hoành

ANTĐ - Hôm qua, 15-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Các ý kiến đề nghị siết chặt quản lý hoạt động môi giới nhà đất, không để tái diễn tình trạng “cò” nhà đất tung hoành gây nhiễu thông tin, làm rối loạn thị trường bất động sản.
“Cò” nhà đất hết thời tung hoành ảnh 1
Hoạt động môi giới bất động sản sắp tới sẽ siết chặt hơn rất nhiều
Minh họa: Phú Khánh

Đâu cũng thấy “cò” đất

Ngay lời mở đầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã bày tỏ sự lo ngại về hoạt động môi giới bất động sản: “Có người không được đào tạo gì nhưng lại nhanh nhẹn, làm môi giới nhà đất rất tốt, vậy có nhất thiết phải cấp chứng chỉ mới được hành nghề không?”

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, thế giới quản lý môi giới bất động sản rất chặt, không có chuyện môi giới “ăn” hai đầu (cả của người bán và người mua) như ở ta. “Chúng ta mong muốn quản lý tốt môi giới nhưng hiện nay chưa làm được. Với quy định của dự luật, chúng ta sẽ siết lại, để ai đủ điều kiện thì tiếp tục môi giới và loại bỏ những đối tượng không phù hợp”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế giải thích thêm: “Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản quy định trong dự thảo Luật này là chứng chỉ để hành nghề môi giới bất động sản, không phải là chứng chỉ đào tạo nghề môi giới bất động sản”. Về ý kiến đề nghị phân cấp cho địa phương cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, cơ quan soạn thảo cho rằng, vì người được cấp chứng chỉ sẽ được quyền hoạt động kinh doanh trên phạm vi toàn quốc nên việc giao Bộ Xây dựng cấp sẽ bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc, phù hợp với  pháp luật hiện nay của nước ta.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói: “Thị trường BĐS rối loạn một phần do môi giới. “Cò” nhà đất rất nhiều trong khi môi giới đúng nghĩa rất ít. Luật này phải đưa hoạt động môi giới vào trật tự. Phải có trình độ nhất định mới cho làm môi giới chứ không phải bạ ai cũng cho làm vì pháp luật liên quan tới BĐS rất phức tạp...”. Ông Phan Trung Lý đề nghị việc cấp chứng chỉ môi giới nên để Hiệp hội BĐS làm thay vì Bộ Xây dựng: “Bộ chỉ nên giữ chức năng quản lý và xử phạt”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Hồ Trọng Ngũ đồng tình: “Những năm qua, “cò” nhà đất tung hoành, tung tin giả làm loạn thị trường BĐS. Phải siết chặt lại hoạt động môi giới, không để tái diễn tình trạng này”. Dù vậy, ông Hồ Trọng Ngũ lại cho rằng, với điều kiện hiện nay, Bộ Xây dựng nên đứng ra cấp chứng chỉ mới phù hợp.

Làm sao để hết nhà bỏ hoang?

Tiếp thu các ý kiến này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị quy định trình độ của người làm môi giới BĐS. “Chúng tôi đề nghị phải tốt nghiệp đại học mới được cấp chứng chỉ môi giới BĐS. Làm vậy để bảo vệ khách hàng tốt hơn. Ngoài ra, người môi giới còn phải đáp ứng các yêu cầu về kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức...” - ông Trịnh Đình Dũng nói.

Đưa ra hình ảnh hàng loạt nhà dự án bỏ hoang, không có người ở dọc hai bên các quốc lộ lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói: “Các dự án đó có hơn chục năm nay rồi mà bỏ hoang tới giờ, rất lãng phí, phản cảm. Bộ Xây dựng có đề xuất gì ở dự luật này để tình trạng đau lòng này không tái diễn?” Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu ví dụ khác: “Dự án làm xong nhà nhưng không kết nối hạ tầng với bên ngoài thành ra như “ốc đảo”, người dân không thể vào ở được, giải pháp nào để khắc phục?”. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương tiếp: “Phải có chế tài với doanh nghiệp bán nhà trên giấy, nếu làm không đúng cam kết, để nhà xây xong phải bỏ hoang, trong khi dân muốn vào ở không được...”.

Thừa nhận tình trạng nhà xây xong không có người ở là “phản cảm, lãng phí”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, có dự án bỏ không do chủ đầu tư đã bán hết căn hộ nhưng dân không vào ở và có dự án bỏ hoang do bị ế, không bán được. Bộ trưởng giải thích: “Nguyên nhân là do kế hoạch phát triển nhà không phù hợp với nhu cầu. Chúng tôi đã đề xuất và Chính phủ đã ban hành nghị định yêu cầu phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, tránh tình trạng thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu. Nếu làm tốt nghị định này, sẽ chống được quy hoạch “treo”, dự án “treo”, nhà đất bỏ không, “chôn” tiền vào tồn kho BĐS gây lãng phí lớn...”.