Nghi vấn một phó giáo sư “ra giá” 200 triệu đồng lấy bằng tiến sĩ y khoa: Giới học giả đau xót

ANTĐ - Ngày 20-8, đoàn công tác của ĐH Thái Nguyên và ĐH Y - Dược Thái Nguyên đã khẩn trương xác minh nghi vấn một PGS “ra giá” 200 triệu đồng lấy bằng tiến sỹ y khoa. Thông tin này cũng khiến giới học giả đau xót vì công sức dành cho những tấm bằng tiến sỹ bị đem ra mua bán như một món hàng.

Đình chỉ công tác PGS Đàm Khải Hoàn

Trao đổi với phóng viên ANTĐ ngày 20-8, ông Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng ĐH Y-Dược Thái Nguyên cho biết đoàn công tác của Đại học Y- Dược Thái Nguyên đang làm việc hết sức khẩn trương để xác minh phát ngôn của PGS.TS Đàm Khải Hoàn về việc “có thể mua được bằng tiến sỹ y khoa giá 200 triệu đồng” và sẽ hoàn thành việc xác minh thông tin này trong ngày 21-8. “Từ sáng 20-8, chúng tôi đã làm việc với cán bộ chủ chốt của khoa thầy Đàm Khải Hoàn công tác và cả với học viên mà thầy Hoàn đang hướng dẫn. Sáng 21-8, chúng tôi sẽ làm việc với cơ quan báo  chí cung cấp nguồn tin đã phản ánh để sớm có kết luận sớm”- ông Nguyễn Văn Sơn trao đổi.

Cũng theo ông Sơn, sau khi rộ lên thông tin về vụ việc, cán bộ giảng viên trong trường rất bất bình, vì một cá nhân mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của môi trường sư phạm. Đây là những thông tin không có lợi, khiến xã hội hiểu nhầm về nhà trường. Để đào tạo được một tiến sỹ, hay một thạc sỹ đều phải tuân thủ theo một quy trình với nhiều công đoạn và có sự giám sát chặt chẽ của trưởng bộ môn, khoa chuyên ngành chứ không phải một thầy, một trò thích làm thế nào cũng được. “Bộ GD-ĐT yêu cầu ngày 22-8 chúng tôi phải có báo cáo cụ thể. Nếu có sai phạm, nhà trường sẽ kiên quyết xử lý để bảo vệ uy tín của nhà trường” - ông Nguyễn Văn Sơn cho biết. 

Được biết, Giám đốc ĐH Thái Nguyên Đặng Kim Vui đã ký quyết định thành lập đoàn thanh tra độc lập và tổ chức làm việc ngay từ ngày 20-8, nhằm xác minh, kết luận các vấn đề liên quan đến PGS.TS. Đàm Khải Hoàn như báo chí đã nêu.

Buồn vì bị đánh đồng thật-giả

Ông P.M.T, giảng viên ĐH Tây Nguyên, hiện đang làm luận án tiến sỹ tại một trường ĐH ở Hà Nội cho biết, quy trình làm luận án tiến sỹ hiện nay khá chặt chẽ, nhưng trước biến động đời sống xã hội thì khả năng tiêu cực trong học và cấp bằng tiến sỹ vẫn có thể xảy ra. “Việc cơ quan chức năng phát hiện và đưa ra ánh sáng những vụ cụ thể là khó nhưng với suy nghĩ và cảm quan của một người học và giảng dạy, tôi thấy rằng vẫn còn có tiêu cực. Thực tế, bằng thật và kiến thức giả cũng không ít. Việc đánh giá xuê xoa nhẹ nhàng, rồi khả năng thuê viết, nhờ học hộ, làm luận án, luận văn hộ đều có thể xảy ra” - ông P.M.T cho biết.

Nói về quá trình làm luận án tiến sỹ của mình, ông T chia sẻ, để làm được ra một luận án phải đổ không ít mồ hôi, nước mắt: “Mặc dù mới bước vào giai đoạn đầu làm luận án tiến sỹ nhưng tôi phải luôn tập trung và hy sinh nhiều thứ khác để dồn sức, dồn công hoàn thành tốt công việc của mình. Ngoài chuyện phải đi điều tra, tìm kiếm tài liệu, tốn kém về kinh phí, người làm luận án tiến sỹ phải đầu tư trí não, thời gian vốn dành cho gia đình”. Không chỉ cảm thấy bức xúc bởi cách làm tắt, làm rởm để cho ra những tấm bằng “tiến sỹ giấy”, ông T lo ngại: “Tai hại chính là những tiến sỹ bằng rởm lại khó bị phát hiện vì chỉ cần có tấm bằng này họ có thể ở vị trí cao, chỉ đạo chứ không cần làm việc theo tấm bằng chuyên môn của mình…”.

GS Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng ĐH Lương Thế Vinh cũng chia sẻ, ông thực sự rất buồn và khó hiểu khi lại có chuyện một anh buôn gỗ lại có thể có được tấm bằng tiến sỹ về y khoa. “Tôi cũng đã nghe nhiều phản ánh về cách đi tắt để có những tấm bằng như vậy. Thật đáng tiếc vì ở Việt Nam, nếu làm luận án tiến sỹ thật, tức là thực sự bỏ công sức ra để làm thì trình độ, chất lượng tiến sỹ không kém nước ngoài. Nhưng chỉ vì bằng cấp, dẫn đến những hành động lệch lạc như vậy thì thật đáng tiếc cho những bằng tiến sỹ trong nước”. GS Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần cân nhắc lại về cơ cấu tiến sỹ giữa các ngành nghề. “Những ngành nghề áp tiêu chuẩn chung của thế giới như công nghệ, kỹ thuật thì chắc chắc phải làm đúng quy trình. Còn những ngành chưa có tiêu chuẩn cụ thể như khối xã hội, văn hóa thì cần phải cân nhắc kỹ bởi khi quy định không rõ ràng thì dễ xảy ra tiêu cực, thêm nữa là tính thực tiễn không cao. Luận án tiến sỹ nhưng lại không thể triển khai trong thực tế là sự lãng phí”. 

“Cán bộ giảng viên trong trường rất bất bình, vì một cá nhân mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của trường. Đây là những thông tin không có lợi, khiến xã hội hiểu nhầm về nhà trường. Để đào tạo được một tiến sỹ, hay một thạc sỹ đều phải tuân thủ theo một quy trình với nhiều công đoạn và có sự giám sát chặt chẽ của trưởng bộ môn, khoa chuyên ngành chứ không phải một thầy một trò thích làm thế nào cũng được”. Hiệu trưởng ĐH Y - Dược Thái Nguyên Nguyễn Văn Sơn