Phạt nhẹ tay, hậu họa nặng nề

ANTĐ - Mặc dù các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản, vật tư nông nghiệp xếp loại C (không đạt tiêu chuẩn) đã được chỉ rõ, nhưng việc xử lý vẫn còn chậm, chưa tạo ra chuyển biến trong thực tế. Cùng với đó, tình trạng hàng giả, lậu, kém chất lượng trôi nổi trên thị trường nhiều nhưng cũng chưa có biện pháp quản lý, ngăn chặn.

(Ảnh minh họa)

Kiểm tra rồi để đấy

Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2014, chất lượng nông, lâm thủy sản an toàn hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong 21.791 mẫu nông lâm thủy sản được lấy kiểm tra, phát hiện 570 mẫu vi phạm các tiêu chí vi sinh vật và hóa chất, kháng sinh (chiếm 2,62%). Tuy nhiên, trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc thú y, tỷ lệ vi phạm lại tăng. Lực lượng chức năng đã lấy 702 mẫu, phát hiện 112 mẫu (chiếm gần 16%) vi phạm. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết, tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được thanh tra, kiểm tra là 14.323 cơ sở, trong đó số cơ sở vi phạm là 1.584 (chiếm 11,6%). Số cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp được thanh tra, kiểm tra là 3.751 cơ sở, trong đó số cơ sở vi phạm là 817 (chiếm 21,78%).

Đáng nói, hầu hết các địa phương đều buông lỏng quản lý các cơ sở xếp loại C, chỉ kiểm tra rồi để đấy, không tái kiểm tra cũng như xử lý dứt điểm. Trong khi đó, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, các cơ sở loại C là gốc rễ, là hang ổ của những sản phẩm mất ATTP: “Hành lang pháp lý đã có rồi, chúng ta phải làm quyết liệt. Chúng ta không nương nhẹ một người để làm hại muôn người. Không cho phép bất cứ ai vì lợi ích của mình mà làm hại người khác”. Giám đốc Sở NN&PNT Bình Thuận Mai Kiều đánh giá, kết quả kiểm tra cũng như số liệu được công bố còn rất khiêm tốn, chưa phản ánh đúng thực tế. “Dư luận phản ánh phân bón giả, thuốc kích thích không đảm bảo chất lượng còn tràn lan. Chúng ta mới chỉ quản lý được những cơ sở đăng ký, còn cơ sở không đăng ký thì không kiểm tra được. Đây là lý do vì sao người dân phản ánh tình trạng vật tư nông nghiệp giả, lậu, kém chất lượng vẫn lộng hành ở địa phương”, ông Mai Kiều cho biết.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng nhìn nhận, việc xử lý các cơ sở xếp loại C là hoàn toàn được, chỉ do các địa phương không vào cuộc. “Việc xử lý các cơ sở loại C đã có đầy đủ quy định, nếu làm quyết liệt, sau 3 lần kiểm tra mà không chuyển biến thì rút giấy phép”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang thẳng thắn. Đại diện Sở NN&PTNT Hưng Yên cũng cho rằng, ngoài hình thức cao nhất là thu hồi giấy phép thì nên điều chỉnh biện pháp chế tài: “Mức phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe đối với các cơ sở vi phạm. Chúng ta cần nâng mức xử phạt lên cao hơn để các cơ sở “nhìn” vào mức phạt mà thay đổi ý  thức, việc thu hồi giấy phép chỉ là biện pháp cuối cùng”. 

Cần có cơ chế khuyến khích người dân 

Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế, Cục trưởng Cục An ninh Nông nghiệp nông thôn (Bộ Công an), hiện nay chúng ta đã có nhiều văn bản để quản lý lĩnh vực vật tư nông nghiệp, ATVSTP, nhưng chúng ta vẫn thiếu những văn bản ở cấp cao (Nghị định, Luật). Trong thực tế, người dân chưa có niềm tin vào những việc mà cơ quan chức năng đang làm. 

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế cho rằng, nên huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, nhất là chính quyền và cấp ủy ở địa phương, đồng thời khuyến khích người dân tham gia. “Người dân chủ động báo chính quyền địa phương về những cơ sở, hành vi vi phạm thì tình hình sẽ có chuyển biến. Thuốc giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn liên quan đến nòi giống, tương lai của dân tộc”. Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, hiện nay các văn bản mới chỉ nặng về hành chính, tạo cơ sở cho cơ quan Nhà nước mà chưa khuyến khích được người dân tham gia.

Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hình hình, công tác đấu tranh chống buôn lậu, đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật. “Chúng ta phải chỉ đạo, phối hợp làm quyết liệt để tạo chuyển biến. Như trường hợp buôn lậu gia cầm trước đây, khi quyết tâm vào cuộc chúng ta đã làm thành công, dù có lúc tưởng chừng không vượt qua nổi. Với thuốc bảo vệ thực vật lậu cũng cần phải quyết liệt như vậy”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.