Phát hiện gấu ngựa ngoài tự nhiện ở Việt Nam

ANTĐ - Một cá thể gấu ngựa được ghi nhận bởi máy bẫy ảnh của Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại khu rừng tự nhiên thuộc tỉnh Quảng Nam vào tháng 6-2014.
Gấu ngựa là loài gấu lớn nhất trong khu vực, dài thân – đầu: 120 -170 cm, trọng lượng lên tới 80-180kg đối với con đực và 65-90 kg đối với con cái. Chúng có bộ lông đen, dài, xù, có yếm chữ V ở ngực mầu trắng, tai lớn và tròn. Dạng hiếm gặp có bộ lông nâu hoặc nâu đỏ, lông ở cổ dài, tạo thành bờm lớn, mõm dài phủ lông ngắn, xám trắng, tai lớn và tròn.

Gấu ngựa sống phân bố từ Pakistan qua Hymalya tới Xiberi, Bắc Myanma, Thái Lan và Đông Dương. Ở Việt Nam, gấu ngựa thường sinh sống ở vùng Bắc tới Nam Trung bộ.

Gấu ngựa là một loài được liệt kê vào sách đỏ, là một trong những loài động vật nguy cấp, cần được bảo vệ ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung.

Cá thể gấu ngựa được bẫy ảnh chụp lại tại Quảng Nam

Cá thể gấu ngựa được máy bẫy ảnh của WWF ghi nhận lần thứ 2 kể từ tháng 12-2012 – khoảng thời gian WWF cùng với các ban ngành, địa phương bắt đầu sử dụng phương pháp giám sát đa dạng sinh học, bằng việc lắp đặt một loạt bẫy ảnh nhằm ghi lại hình ảnh những loài động vật quan trọng trong khu vực để đánh giá sự hiệu quả của các biện pháp bảo tồn áp dụng trong dự án CarBi.
Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết: “Đó là những loài bị tác động bởi săn bắn bất hợp pháp – điều mà chúng tôi đang nỗ lực ngăn chặn thông qua các hoạt động tuần tra rừng và quản lý Khu bảo tồn. Sự tồn tại của các loài này đồng thời phụ thuộc vào chất lượng của rừng. Tôi tin rằng, những bức ảnh này là những chỉ số giám sát vô cùng quan trọng cho những nỗ lực bảo tồn của chúng tôi với sự hỗ trợ của WWF".