Nhiều người dân có nguy có phơi nhiễm dioxin

ANTĐ -Ngày 11-4, tại Hà Nội diễn ra hội thảo đánh giá về hiện trạng ô nhiễm dioxin tại Việt Nam. Sân bay Đà Nẵng đang được Mỹ hỗ trợ xử lí dioxin bằng công nghệ hấp thụ nhiệt, sân bay Biên Hòa và sân bay Phù Cát đang trong quá trình lựa chọn công nghệ phù hợp.

Ông Lê Kế Sơn, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 33 (Ban chỉ đạo quốc gia về khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam) cho biết: qua khảo sát, sân bay Biên Hòa bị ô nhiễm dioxin rộng nhất, do đây vốn là địa điểm được sử dụng làm nơi chứa, bơm các chất diệt cỏ lên máy bay đi phun rải trong chiến dịch Ranch Hand (1961-1971) và chiến dịch Pacer Ivy (1971-1972).

Hai khu vực lớn bị ô nhiễm được xác định là khu Z1 và Pacer Ivy, với khối lượng đất và trầm tích bị ô nhiễm khoảng 240.000m3. Ở sân bay Đà Nẵng, ô nhiễm chủ yếu giới hạn ở phía đông bắc, cuối đường băng sân bay với khoảng 70.000m3. Phù Cát là nơi ô nhiễm với qui mô nhỏ nhất, với khoảng 7500m3.

Sân bay Đà Nẵng xử lý dioxin bằng công nghệ hấp thụ nhiệt

Đà Nẵng là nơi duy nhất được xử lí ở qui mô toàn diện bằng phương pháp hấp thụ nhiệt, với sự giúp đỡ của Chính phủ Mỹ. Công việc thiết kế đã hoàn thành trong năm 2012, dự kiến tới 2016 sẽ hoàn tất việc xử lí dioxin.

Tại sân bay Biên Hòa và Phù Cát, việc lựa chọn công nghệ vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Công nghệ  MCD (xử lí bằng hệ thống phá hủy cơ hóa) đã được thử nghiệm tại sân bay Biên Hòa.

Mặc dù 94.000m3 đất ô nhiễm tại khu Z1 (nơi ô nhiễm nặng nhất trong sân bay Biên Hòa) đã được Bộ Quốc phòng tiến hành cô lập song các mẫu đất, trầm tích, sinh vật ở một số hồ cách khu Z1 còn có nồng độ dioxin rất cao. 

Nước mưa chảy qua khu ô nhiễm ở phía tây nam sân bay, theo đường thoát nước gây ô nhiễm cho các cánh đồng ở vùng phụ cận. Việc nhiều người dân bất chấp các khuyến cáo tiếp tục đánh bắt thủy sản từ các hồ trong sân bay đã làm gia tăng nguồn phơi nhiễm dioxin tại Biên Hòa.

Ông Sơn cho biết thêm, qua điều tra khảo sát, trong máu của một số người dân nuôi trồng thủy sản trong sân bay có nồng độ dioxin ở mức rất cao. Một số phường gần sân bay Biên Hòa có nguy cơ phơi nhiễm dioxin cao là phường Quang Vinh, Bửu Long, Tân Phòng, Trung Dũng…

Việc xử lí ô nhiễm dioxin đòi hỏi chi phí đầu tư rất lớn và công nghệ phải phù hợp trong điều kiện Việt Nam. Với khoảng 240.000m3 đất và trầm tích bị nhiễm dioxin, việc xử lí ước tính cần khoảng 270 triệu USD.