Ngộ độc ở làng tái chế chì

ANTĐ - Không mấy người nhớ chính xác nghề tái chế chì ở thôn Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đã có từ bao giờ, chỉ biết mấy chục năm qua nó vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân trong làng. Thế nhưng mới đây, mấy chục trẻ em ở Đông Mai bị phát hiện ngộ độc chì đã khiến cuộc sống của nhiều gia đình nơi đây đảo lộn.

Sống, bệnh, tử...  vì nghề

Ngộ độc ở làng tái chế chì ảnh 1
Đường làng, ngõ xóm chất đầy phế thải chờ tái chế

Trái với hình dung ban đầu của chúng tôi khi tìm về xã Chỉ Đạo, rằng thông tin Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) công bố kết quả phát hiện gần 30 trẻ em dưới 10 tuổi ở thôn Đông Mai (trên tổng số 109 trẻ được khám sàng lọc) có hàm lượng chì trong máu cao vượt ngưỡng cho phép, sẽ khiến người dân nơi đây hoảng loạn, đứng ngồi không yên. Thực tế khi về Đông Mai, trực tiếp hòa vào nhịp sống của bà con trong làng nghề này, chúng tôi cảm nhận được những chia sẻ, tâm sự rất thật của họ, rằng ngay cả khi chưa có kết quả chính thức về việc nhiều trẻ em trong thôn bị ngộ độc chì, hầu hết người dân ở làng đều nhận thức được vấn đề sức khỏe của họ bị ảnh hưởng: “Đã sống trong môi trường này, đã làm nghề này thì phải chấp nhận bệnh tật, thậm chí tử vong, hệ lụy từ nghề”.

Thôn Đông Mai có khoảng 600 hộ gia đình với trên 2.500 nhân khẩu, trong đó có trên 1.200 trẻ dưới 10 tuổi. Nghề tái chế chì ở đây đã có từ những năm 1970, thời kỳ cao điểm thường xuyên có gần 30 lò nằm rải rác khắp thôn. Mỗi ngày thôn nấu trên 10 tấn chì bằng thủ công, thải ra hàng tấn khói bụi, khói chì. Bình thường cứ vài ba ngày lại có những chuyến xe ô tô, container chất đầy phế thải, chủ yếu là bình ắc qui hỏng thu mua từ khắp nơi về rồi phân phối đến các lò nấu chì, thành phẩm rồi xuất đi (phần lớn xuất đi Trung Quốc). Những bình ắc quy hỏng sau khi mua về được phá dỡ, phân loại (nhựa, vỏ hộp axít để một nơi, lõi chì để nung…) đổ bừa bãi, phơi khắp đường làng, ngõ xóm. Phải đến vài năm trở lại đây, số lượng lò đun nấu chì trong làng mới giảm xuống do nhu cầu giảm khiến những hộ sản xuất nhỏ lẻ phải đóng cửa, tuy nhiên quy mô và sản lượng chì tái chế từ các xưởng sản xuất còn tồn tại lại tăng cao hơn. Một số cơ sở tái chế chì lớn đã được giãn ra một khu vực riêng ngoài cánh đồng, cách xa khu dân cư để giảm thiểu ô nhiễm. Tuy vậy, cuộc sống của đa số người dân vẫn gắn bó với những cơi chì, với bình ắc quy cũ và vỏ nhựa phế thải.

Chúng tôi tìm vào gia đình chị Th, một trong số những hộ không làm nghề chì nhưng lại chịu ảnh hưởng bởi chì. Chị Th có 2 cậu con trai, đứa lớn lên 7, đứa nhỏ lên 5 tuổi, cả 2 đều rất khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Khi đoàn của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường về tổ chức khám sức khỏe cho một số trẻ em trong làng hồi tháng 4 vừa qua, vợ chồng chị khá cân nhắc khi đưa con đi khám. Thế rồi kết quả được thông báo khiến 2 vợ chồng bàng hoàng, cả 2 con chị đều có hàm lượng chì trong máu cao gấp đôi mức cho phép. Từ đó đến nay, dù chưa bố trí được thời gian đưa các cháu lên tuyến trung ương khám lại nhưng vợ chồng anh chị càng quan tâm bồi dưỡng về ăn uống hơn cho các cháu. Chị Th tâm sự: “Cạnh nhà tôi có một hộ nấu chì nhưng họ sản xuất rất nhỏ, có khi cả tháng mới được 1 cơi (mỗi một cơi tái chế khoảng 12-15 tấn bột chì, ra được 5-6 tấn chì) nên vợ chồng tôi không nghĩ 2 cháu bị ảnh hưởng. Có điều sống trong làng nghề, nhà mặt đường, xe cộ chở chì, phế thải chì qua lại suốt ngày nên… khó tránh”.

Nguy hại cho thế hệ tương lai

Những lò nung chì đã tồn tại ở Đông Mai mấy chục năm qua

Ông Nguyễn Văn Bải, Phó Chủ tịch UBND xã Chỉ Đạo cho biết, số cơ sở tái chế chì ở Đông Mai đã giảm đi nhưng sản lượng tái chế chì ở đây mỗi tháng vẫn lên đến vài chục tấn, nếu tính cả các loại phế liệu khác thì lên đến hàng trăm tấn. Ngoài Đông Mai, 3 thôn còn lại trong xã cũng rải rác làm tái chế chì, trong đó có thôn Nghĩa Lộ phát triển khá mạnh nghề tái chế phế liệu. Tất nhiên để tồn tại được, các cơ sở tái chế chì hiện nay đều đã có ý thức đảm bảo an toàn cho người lao động cũng như sử dụng công nghệ, biện pháp giảm thiểu tác hại môi trường. “Bao năm qua, rất nhiều đoàn của các cơ quan chức năng từ cấp tỉnh tới trung ương, các bộ, ngành, các viện nghiên cứu, trường đại học… về xã để tìm hiểu, nghiên cứu về làng tái chế chì. Thế nhưng, họ về rồi lại đi mà không bao giờ thông báo kết quả nên chúng tôi cũng không biết can thiệp thế nào. Trong khi xã có làng nghề thì vẫn phải ủng hộ, tạo điều kiện cho họ phát triển…” - ông Bải trăn trở.

Đằng sau vẻ bình yên bề ngoài của Đông Mai, đằng sau thái độ bình thản có vẻ cam chịu, chấp nhận hệ lụy từ nghề truyền thống, đó là sự hoang mang, lo ngại của người dân nơi đây cho thế hệ tương lai của mình. 109 trẻ được khám, 24 trẻ có hàm lượng chì trong máu cao vượt mức cho phép nhiều lần, tỷ lệ là gần 1/5, rõ ràng không chỉ những gia đình đã có con được xét nghiệm mà tất cả các gia đình khác đều không thể thờ ơ. Từ khi có kết quả sàng lọc nói trên, ít nhất đã có trên dưới 20 hộ gia đình ở Đông Mai chủ động đưa con cháu lên Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai để xét nghiệm và điều trị, rất nhiều hộ khác cũng khắc khoải, mong muốn con cái được thải độc, tẩy chì, được sống và lớn lên trong môi trường thanh sạch. Hơn ai hết họ ý thức được rằng, thu nhập cao, kinh tế khá cũng không thể đổi mua được sức khỏe.

Trong khi dự án quy hoạch làng nghề tái chế chì Đông Mai theo quy trình khép kín để không còn chì trong khói và nước thải ra môi trường đến nay vẫn chỉ tồn tại trên bản vẽ.