Mối lo cúm gia cầm từ các chợ dân sinh

ANTĐ - Dịch cúm gia cầm đang bùng phát và lây lan với tốc độ mạnh, cùng với điều kiện thời tiết nồm ẩm làm tăng nguy cơ phát tán virus cúm A/H5N1. Trong khi đó, tại các chợ gia cầm trên địa bàn Hà Nội, việc phòng chống cúm vẫn làm chiếu lệ.

Mối lo cúm gia cầm từ các chợ dân sinh ảnh 1
Gia cầm bày bán, giết mổ tràn lan ven QL21B


Thờ ơ với dịch

Nằm ngay ven đường QL21B, chợ Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai luôn có lượng gà, vịt buôn bán lớn. Ngay trên mặt đường đã có 5 - 6 quầy buôn bán gà, ngan, vịt. Từng lồng gà, ngan, vịt được bày bán ngay trên nền đường, vỉa hè. Nếu khách có nhu cầu, chủ hàng sẽ giết mổ ngay tại chỗ. Mặc dù cũng được rắc vôi bột khử trùng nhưng khu vực giết mổ của các quầy vương vãi lông, tiết ngan, gà khắp nơi. Nước rửa tràn cả ra đường, mất vệ sinh. Đáng lo ngại là theo chị Mây, chủ một quầy bán bán gà, vịt tại chợ, hầu hết khách hàng đều dặn lấy tiết canh. “Thỉnh thoảng vẫn có người quen mang vịt, ngan ốm ra nhờ bán hộ nhưng tôi không dám nhận”, chị Mây tiết lộ.

Tương tự, chợ Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ có gần chục hộ chuyên bán gia cầm nhưng không được quy hoạch vào một khu mà xen lẫn giữa những gian hàng rau, đồ khô. Một vài hộ kinh doanh cũng giết mổ tại chỗ cho khách. Lông vịt, gà được thu tạm vào một góc gian hàng khá bừa bộn. Hầu hết người bán, giết mổ không dùng  đồ bảo hộ như găng tay, khẩu trang. Theo một hộ buôn gà, vịt lâu năm ở đây, các gian hàng được cán bộ thú y kiểm tra khoảng 3 - 4 lần/tháng. Nhiều lái buôn “mùa vụ” lấy gà từ các nơi như Bắc Giang, Lạng Sơn, Hòa Bình về bán trong khu vực chợ với giá rất rẻ.

Không chỉ ở ngoại thành, trong nội thành, tình trạng bán gà, vịt lông, giết mổ tại chỗ cũng diễn ra phổ biến ở nhiều chợ dân sinh, nhất là các chợ cóc, chợ tạm trên các tuyến phố.

Trong khi đó theo ông, kết quả lấy mẫu giám sát lưu hành virus cúm gia cầm, Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y, qua giám sát tại 147 chợ buôn bán gia cầm sống tại 44 tỉnh, thành, tỷ lệ mẫu vịt dương tính với H5N1 chiếm gần 6%, tỷ lệ chợ có phát hiện virus H5N1 chiếm trên 61%.

6% gia cầm mang sẵn virus H5N1

“Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người” mới ban hành, Bộ NN&PTNT yêu cầu chính quyền các cấp thực hiện giám sát chặt chẽ các chợ đầu mối, điểm thu gom, tập kết gia cầm sống; phải thường xuyên lấy mẫu giám sát và đóng cửa chợ định kỳ để tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng, bố trí khu vực riêng biệt cho việc buôn bán và giết mổ gia cầm.

Ông Lê Xuân Viết - Trưởng Ban quản lý chợ Hà Vỹ (Thường Tín) cho biết, mỗi ngày lượng gia cầm vào chợ khoảng 30 - 40 tấn đến từ các tỉnh. Tuy nhiên, tất cả đều được kiểm soát chặt chẽ, những con gà chết đều được thu gom, tiêu hủy ngay. Đặc biệt, Ban Quản lý chợ tiến hành phun thuốc vệ sinh phòng dịch 2 lần/tuần và đóng cửa chợ 1 lần/tháng để tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.

Còn theo ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y, kết quả giám sát ngẫu nhiên 60 chợ bán gia cầm sống tại 9 tỉnh giáp biên giới Trung Quốc vẫn chưa phát hiện virus  H7N9, nhưng sự lưu hành của virus H5N1 là gần 80%.

“Qua theo dõi các bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm H5N1 cho thấy, do ăn gia cầm mắc bệnh chết hoặc gia cầm không có nguồn gốc xuất xứ, nguy hiểm nhất là ăn tiết canh vịt. Kiểm tra 100 chợ thì có 61 chợ phát hiện virus, kiểm tra 100 con gia cầm trung bình có 6,1 con gia cầm nhiễm bệnh. Nếu không may ăn tiết canh gia cầm có sẵn virus thì nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Vì vậy, người tiêu dùng nên mua gia cầm có nguồn gốc rõ ràng và mua gia cầm phải có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y”, ông Văn Đăng Kỳ khuyến cáo.

Cục Thú y cho biết, trong ngày 27-2, các địa phương vẫn tiếp tục phát sinh thêm nhiều ổ dịch cúm gia cầm mới như Khánh Hòa, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Kon Tum… Tính đến ngày 27-1, cả nước có 77 ổ dịch cúm gia cầm tại 21 tỉnh, thành.