Cúm gia cầm H5N1 lan rộng ra 10 tỉnh

ANTĐ - Chỉ vài ngày sau Tết, cúm gia cầm H5N1 đã xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đến thời điểm này đã có 10 tỉnh có cúm gia cầm với 2 trường hợp tử  vong. Trong tuần này, Ban chỉ đạo quốc gia về cúm gia cầm sẽ triển khai kế hoạch hành động khẩn ứng phó với virus cúm gia cầm độc lực cao đến các tỉnh, thành trong cả nước.

Tiêu hủy gia cầm mắc bệnh tại tỉnh Kon Tum

Ba miền đều xuất hiện dịch

Tại tỉnh Lào Cai, cúm A/H5N1 đã xảy ra tại hộ chăn nuôi bà Lý Thị Long, thôn Phú Thịnh 1, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng. Chi cục Thú y đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi chẩn đoán xét nghiệm, kết quả dương tính với cúm A/H5N1. Chi cục Thú y tỉnh cho hay, nguyên nhân do hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, công tác phòng, chống dịch bệnh của người dân và chính quyền một số địa phương còn chủ quan lơ là. Đặc biệt, do nhu cầu tái đàn, phát triển chăn nuôi trở lại sau dịp Tết Nguyên đán tăng cao nên người chăn nuôi mua gia cầm không rõ nguồn gốc hoặc gia cầm mang virus từ nơi khác về, làm phát sinh dịch bệnh.

UBND tỉnh Lào Cai đã có quyết định công bố dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại huyện Bảo Thắng. Theo nhận định của  tỉnh Lào Cai, vùng bị dịch uy hiếp, gồm các huyện Bảo Yên, Bắc Hà, Bát Xát, Văn Bàn, Sa Pa, Mường Khương và thành phố Lào Cai. Vùng đệm là huyện Si Ma Cai. Ngoài ra, tỉnh này cũng đã có công điện khẩn chỉ đạo các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm trên địa bàn; tuyên truyền cho người dân thực hiện “5 không” (không nuôi thả rông gia cầm, không mua bán gia cầm bị bệnh, không giấu dịch, không vứt xác gia cầm bừa bãi, không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc); đặc biệt không ăn tiết canh gia cầm, thịt và trứng gia cầm chưa nấu chín. Địa phương nào giấu dịch, để dịch xảy ra trên diện rộng, Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh; tạm thời dừng việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào huyện Bảo Thắng.

Tương tự, tại tỉnh Phú Yên, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa làm 2.000 con gia cầm mắc bệnh, chết 1.100 con và tiêu hủy 900 con. Chi cục Thú y đang phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp bao vây ổ dịch.

Cục Thú y cho biết, đến ngày 16-2, cả nước đã có 10 tỉnh Quảng Ngãi, Nam Định, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Long An, Đắck Lắk, Phú Yên và Lào Cai  có dịch cúm gia cầm. Ngoài ra, một số địa phương khác có xuất hiện các điểm dịch trên đàn gia cầm dưới dạng nhỏ lẻ (một vài hộ chăn nuôi) nhưng đã được phát hiện và xử lý kịp thời, không để dịch lây lan. 

Khẩn trương triển khai kế hoạch ứng phó khẩn

Cục Thú y nhận định, hiện tại, thời tiết đang có những diễn biến phức tạp, độ ẩm không khí cao, môi trường lạnh tạo điều kiện cho virus cúm lây lan, phát triển. Hơn nữa, sau Tết, nhu cầu tái đàn của người chăn nuôi cao, việc vận chuyển gia cầm giống từ nơi này sang nơi khác, thu gom gia cầm giống không rõ nguồn gốc là một trong những nguyên nhân chính khiến dịch bùng phát. 

Trước tình hình dịch cúm gia cầm trong nước lây lan rộng, trong khi Trung Quốc cùng lúc xuất hiện nhiều chủng virus cúm độc lực cao như H7N9, H5N2, H5N1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT, Trưởng BCĐ Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm ban hành, hướng dẫn các địa phương thực hiện “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người”; thành lập ngay các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương nhất là các địa bàn có nguy cơ cao ở khu vực phía Bắc. 

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành khẩn trương có “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người” trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm khác. “Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; nghiêm cấm việc buôn bán vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa được xử lý chín bằng nhiệt từ Trung Quốc vào Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng lưu ý, khi phát hiện có virus cúm A/H7N9 xuất hiện trên gia cầm hoặc trong môi trường phải báo cáo ngay cho Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế, đồng thời tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý triệt để, kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan thú y, không để virus phát tán ra diện rộng.