Chuyện những người giữ rừng Ngọc Sơn - Ngổ Luông: Rừng xanh thấm máu đỏ

ANTĐ - Chỉ chở vài mét khối gỗ nhưng khi bị lực lượng kiểm lâm ngăn chặn, lâm tặc sẵn sàng chống trả quyết liệt. Thậm chí, những đầu nậu buôn gỗ trái phép còn thuê người đe dọa vợ, con các cán bộ kiểm lâm... Đó chỉ là một phần những gian lao, vất vả của những người đang ngày đêm giữ màu xanh cho khu bảo tồn Ngọc Sơn - Ngổ Luông (tỉnh Hòa Bình).

Lực lượng kiểm lâm tuần tra, phát hiện việc chặt phá rừng trái phép

Không ngại gian nan

Giới thiệu với chúng tôi, ông Bùi Bình Yên - Giám đốc khu bảo tồn cho biết: “Khu bảo tồn được thành lập từ năm 2004 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2006, nằm trên địa bàn 7 xã thuộc hai huyện Tân Lạc và Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Tổng diện tích của khu bảo tồn lên tới gần 16.000 ha, trong đó có hơn 12.000 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, hơn 3.700 ha thuộc phân khu phục hồi sinh thái”.

Khi nói về những khó khăn trong bảo vệ rừng cũng như bảo tồn đa dạng sinh học của khu bảo tồn, những cán bộ vẫn ngày đêm túc trực, canh giữ chỉ xem là việc làm bình thường, hàng ngày. Nhưng với chúng tôi, cảm nhận đầu tiên đó là công việc đầy những gian nan, thấm cả máu của những người giữ màu xanh cho rừng. 

Hàng trăm phương tiện lâm tặc dùng để vận chuyển gỗ bị lực lượng kiểm lâm thu giữ

Biên chế của Khu bảo tồn Ngọc Sơn – Ngổ Luông chỉ có 25 người, chia làm 4 trạm bảo vệ rừng. Trong khi đó, đường tuần tra toàn khu bảo tồn lên tới 80 km, với những cung đường vô cùng hiểm trở. Anh Nguyễn Trung Thành - cán bộ thuộc khu bảo tồn cho biết: “Trước đây, lực lượng kiểm lâm thường xuyên phải đối mặt với các đối tượng khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép có tổ chức. Các đối tượng này rất manh động, thường xuyên lăng mạ, ném đá, chai xăng vào trụ sở làm việc, vào ô tô công vụ, nhiều trường hợp công khai chống người thi hành công vụ. Thông thường cứ một người vận chuyển gỗ có vài người cùng đi xe máy hỗ trợ, nhiều khi điều khiển xe đâm thẳng vào cán bộ kiểm lâm”. 

“Việc đối mặt với các đối tượng nói trên đã trở thành chuyện thường ngày. Điều mà chúng tôi trăn trở nhất chính là làm sao có cơ chế, chính sách tạo sinh kế, cải thiện cuộc sống cho người dân. Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông có hơn 13.000 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo trung bình của các xã hiện vẫn chiếm trên 40%. Diện tích đất dùng cho nông nghiệp rất hạn chế và nhiều người dân vẫn sống dựa vào tài nguyên rừng”, ông Bùi Bình Yên chia sẻ. 

Cả làng cùng giữ rừng

Đại diện Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông cho biết, để người dân cùng tham gia giữ rừng, việc tuyên truyền đã được Ban quản lý phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai mạnh mẽ. Thời gian qua, đã có 53 tổ tự quản bảo vệ rừng được thành lập cùng với các Ban tự quản lâm nghiệp do Ban quản lý thành lập. 

Ban tự quản sẽ cùng với Khu bảo tồn và chính quyền xã xác định vị trí, phạm vi rừng được giao cho xóm tham gia quản lý. Ban có thể tổ chức đội tuần tra rừng nhân dân, cùng kiểm lâm tuần tra rừng, báo tin vi phạm rừng, quy định về cách thức xử lý, ngăn chặn người vi phạm, tạm giữ người và tang vật để Ban quản lý và UBND xã đến giải quyết... 

Du khách nước ngoài thích thú khám phá những cảnh đẹp
 trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông

Với việc người dân cùng chung tay bảo vệ màu xanh của rừng, tình trạng chặt phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép... đã giảm đáng kể. Anh Tường - thành viên Tổ tự quản bảo vệ rừng tại xóm Khú, xã Ngọc Sơn, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình cho biết: “Từ khi các ban tự quản được thành lập và phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm, công an với lịch tuần tra thường xuyên, tình trạng chặt phá rừng, vận chuyển gỗ đã giảm mạnh”.

Ông Bùi Bình Yên chia sẻ: “Cùng với việc bảo vệ rừng, chúng tôi đã và đang tích cực khai thác tiềm năng du lịch giúp phát triển kinh tế địa phương. Hội du lịch sinh thái đã được thành lập, chúng tôi cũng đã xây dựng tuyến du lịch sinh thái Mường Khụ, tuyến du lịch Thác Mu, các tuyến du lịch đi bộ xuyên rừng cũng như xây dựng các điểm dừng chân cho khách du lịch và sắp tới sẽ xây dựng tuyến du lịch đến động Nam Sơn”.