Chất cấm rầm rộ tràn vào trang trại lớn

ANTĐ - Sau một thời gian tạm lắng, chất cấm trong chăn nuôi (Salbutamol) lại  xuất hiện với mức độ nghiêm trọng hơn. Nếu như trước kia, chỉ phát hiện loại chất cấm này tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì nay,             độc chất này đã len lỏi vào các trang trại lớn.

Đáng lo ngại, chất cấm độc hại đã len lỏi vào các trang trại lớn (ảnh minh họa)

Nhường nhau xử phạt doanh nghiệp vi phạm

Mới đây, khi tổ chức thanh tra chất lượng thức ăn chăn nuôi trên địa bàn, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã phát hiện một lô hàng gồm 8 tấn thức ăn chăn nuôi (TANC) hỗn hợp cho lợn thịt của Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi LIVABIN ở Hưng Yên nghi chứa chất cấm. Sau khi gửi mẫu phân tích, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa khẳng định lô hàng dương tính với chất cấm Salbutamol (chất tạo nạc và tăng trọng gia súc). Mở rộng lấy mẫu phân tích, cơ quan chức năng Thanh Hóa tiếp tục phát hiện một lô TANC khác của doanh nghiệp này cũng chứa chất cấm tương tự. 

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ năm 2012 sau khi rộ lên tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo rất quyết liệt việc thanh tra, kiểm soát để ngăn chặn và xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như nhập khẩu. Sau đó, đã có một số doanh nghiệp bị xử lý nghiêm. 

Sau khi phát hiện lô chất cấm tại tỉnh Thanh Hóa, các cơ quan chức năng tỉnh này đã xử phạt đại lý kinh doanh vi phạm với mức kịch khung 70 triệu đồng, đình chỉ kinh doanh 45 ngày. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn, công ty sản xuất ra lô TACN chứa chất cấm này sẽ bị xử phạt ra sao? Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN cho rằng, khi phát hiện TACN có chất cấm, trước tiên, phải tập trung xử lý thật nghiêm doanh nghiệp sản xuất. Nhưng cơ quan quản lý lại đang tập trung xử phạt người buôn bán.

Về việc này, ông Nguyễn Xuân Dương cho hay, hiện Cục Chăn nuôi vẫn đang chờ báo cáo của Sở NN&PTNT Thanh Hóa về xử lý vi phạm tại Công ty LIVABIN. Sau đó, Cục Chăn nuôi mới cân nhắc việc xử lý vi phạm đối với công ty này. “Theo Nghị định 119/NĐ-CP của Chính phủ, cả UBND tỉnh Hưng Yên và Cục Chăn nuôi đều có quyền xử lý vi phạm đối với Công ty LIVABIN. Tuy nhiên, chúng tôi để cho UBND tỉnh Hưng Yên xử lý. Chúng tôi cũng sẽ theo dõi xem UBND tỉnh Hưng Yên có xử lý thỏa đáng hay không”, lãnh đạo Cục Chăn nuôi bày tỏ.

Chất cấm tràn vào trang trại

Trong khi cơ quan chức năng và địa phương còn “nhường nhau” xử lý doanh nghiệp trực tiếp sản xuất TACN có chất cấm thì chất cấm đã tràn vào các trang trại chăn nuôi ở một số tỉnh phía Nam. Tại Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, Chi cục Thú y tỉnh này đã tổ chức 2 đợt thanh tra, phát hiện 6 trang trại sử dụng chất cấm. Nguyên nhân khiến chất cấm tái xuất rầm rộ trong thời gian gần đây là do giá thịt lợn tăng mạnh. Hiện, giá lợn hơi ở mức trên 50.000 đồng/kg. Nhiều người lo ngại, giá lợn tăng cao nên nguy cơ sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là rất lớn. Chất cấm không chỉ xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ mà đã vào tận các trang trại tập trung, quy mô công nghiệp. 

Tại Hội nghị về chăn nuôi diễn ra cuối tuần qua, ông Nguyễn Xuân Dương kiến nghị: “Chúng ta nên đề xuất hình sự hóa hành vi này vì nó còn nguy hại hơn cả ma túy. Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nguy hại đến cả cộng đồng và thế hệ con cháu sau này”. Cũng bởi chế tài xử lý còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe với đối tượng vi phạm. Từ năm 2006, nuôi lợn bằng chất cấm đã được phát hiện nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được.  

Theo Cục Chăn nuôi, chất cấm trong chăn nuôi chủ yếu là Salbutamol, Clenbuterol và Pactopamine thuộc nhóm Beta-agonist, dùng để vỗ béo, tăng tỷ lệ nạc và rút ngắn thời gian nuôi. Nếu sử dụng thịt lợn chứa chất Clenbuterol về lâu dài có thể gây biến chứng ung thư, ngộ độc cấp, run cơ, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng… Còn chất Salbutamol được hấp thụ dễ dàng qua đường tiêu hóa. Salbutamol có thể gây nhược cơ, làm giảm vận động của cơ, khớp, khiến cơ thể phát triển không bình thường. Khi ăn thịt lợn có Salbutamol, lượng Salbutamol còn tồn dư trong thịt bao nhiêu sẽ được cơ thể người hấp thu bấy nhiêu.