Bão số 3 hoạt động trái quy luật

ANTĐ - Chiều ngày 16-9, tại cuộc họp cung cấp thông tin cho báo chí, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết cơn bão số 3 di chuyển và tăng cấp rất nhanh, phạm vi hoàn lưu bão rất rộng và diễn biến thay đổi nhiều.

Theo ông Hoàng Đức Cường cho biết, thông thường vào tháng 9, bão thường đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, từ Nghệ An – Thanh Hoá trở vào. Năm nay bão đến muộn, xuất hiện ít ở Bắc Bộ nhưng liên tiếp cả 2 cơn bão gần đây đều đổ bộ vào phía Bắc và đều có hướng di chuyển giống nhau. Điều này là do những tháng cuối năm, hiện tượng El Nino hoạt động mạnh, gây ra sự bất thường của khí quyển đại dương.

Ông Cường cho biết thêm, điểm đáng lưu ý của cơn bão số 3 là di chuyển nhanh (tốc độ trung bình 30km/h), tăng cấp cũng rất nhanh, phạm vi hoàn lưu bão rất rộng và diễn biến thay đổi nhiều. Khi đổ bộ vào đất liền, sức gió vùng tâm bão vẫn mạnh cấp 10-11. Tuy nhiên, nếu bão đổ bộ vào lúc nửa đêm khi thuỷ triều đang thấp thì khả năng sóng biển dâng cao cũng bị hạn chế.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, tối 16-9, bão số 3 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng. Trong khi đó, Thủ đô Hà Nội cũng sẽ có mưa to vào nửa đêm và rạng sáng, có khả năng gây ngập lụt tại nhiều nơi. Sau đó bão đi sâu vào đất liền và suy yếu thêm. Đến 01 giờ chiều nay (17/9), vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,5 độ vĩ Bắc; 106,3 độ kinh Đông, trên đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 10, cấp 11. Ở các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nam Định và các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương có gió mạnh cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 – 11, giật cấp 12 – 13. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8. Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 - 30km, tiếp tục đi sâu vào đất và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và sau đó là một vùng áp thấp.

Từ đêm 16-9, mưa lớn xuất hiện dồn dập tại các tỉnh Đông Bắc Bắc Bộ. Lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Bắc như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Bắc Cạn, Thái Nguyên, đặc biệt ở các huyện như Ba Chẽ, Tiên Yên, Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh); Bắc Sơn, Bình Gia, Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn); Na Hang, Hàm Yên, Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang); Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang); Mù Căng Chải, Trạm Tấu, Yên Bình, Lục Yên, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái); Mường Lay, Mường Tè, Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên); Bắc Yên, Mộc Châu, Yên Châu (tỉnh Sơn La); Lương Sơn, Kim Bôi, Mai Châu (tỉnh Hòa Bình); Pắc Nậm, Ba Bể, Bạch Thông, Thị xã Bắc Cạn (tỉnh Bắc Cạn); Định Hóa, Đại Từ, Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên)…