2 bộ cùng thống nhất đề xuất cấm sử dụng Amiăng

ANTĐ - Tại hội thảo khoa học “Amiăng với sức khoẻ” diễn ra ngày 17-7, hai đơn vị chủ trì tổ chức là Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng thống nhất đề xuất phải sớm đưa Amiăng vào danh mục chất độc hại, tiến tới cấm hoàn toàn việc sử dụng chất này tại Việt Nam. 

Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo ngừng sử dụng Amiăng dể phòng bệnh

Theo thông tin chung được đưa ra tại hội nghị, Amiăng là một loại bụi khoáng chứa hợp chất silicat kép magie, được sử dụng rộng rãi trong xây dựng, sản xuất tấm lợp amiăng - xi măng, ống dẫn nước, nồi hơi, các vật liệu cách nhiệt, cáp điện... Hiện nay, trên thế giới có khoảng trên 3.000 sản phẩm công nghiệp và dân dụng có chứa Amiăng. Từ năm 2000 đến nay, hàng năm Việt Nam nhập khẩu trung bình trên 65.000 tấn Amiăng và ước tính trên 95% dùng cho sản xuất tấm lợp Amiăng - xi măng. Đáng chú ý, không những là 1 trong 35 nước còn lại trên thế giới vẫn chưa cấm sử dụng chất độc hại này mà Việt Nam còn luôn đứng tốp đầu 10 nước tiêu thụ Animăng. 

TS Lương Mai Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường - Bộ Y tế cho biết, ước tính trên thế giới hiện có trên 107.000 người tử vong mỗi năm do bệnh ung thư phổi liên quan đến Amiăng, u trung biểu mô ác tính và bệnh bụi phổi. Các nghiên cứu của thế giới cũng đưa ra cảnh báo đây là chất gây ung thư nghề nghiệp hàng đầu và là nguyên nhân của hơn nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp. Bệnh liên quan đến Amiăng là bệnh ít có khả năng điều trị và cũng khó phát hiện qua khám sức khỏe định kỳ do nó thường phát triển chậm, xuất hiện từ 20-30 năm, riêng với bệnh ung thư trung biểu mô có thể xuất hiện sau 4 - 50 năm kể từ lần tiếp xúc đầu tiên với chất này. 

Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo loại bỏ các bệnh liên quan đến Amiăng thì cần phải ngừng sử dụng Amiăng. Tổ chức Y tế thế giới phản đối việc mở rộng sử dụng Amiăng làm vật liệu xây dựng sau năm 2020. Tương tự, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng khuyến nghị cấm hoàn toàn mọi dạng Amiăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh lý nguy hiểm liên quan đến chất độc hại này.

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngay sau hội thảo này Bộ Y tế sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm đưa Amiăng vào danh mục hóa chất độc hại của Công ước Rotterdam, tiến tới cấm sử dụng hoàn toàn Amiăng tại Việt Nam. Trước đó, Bộ Y tế đã kiến nghị Chính phủ đưa nội dung “không tiếp tục sử dụng vật liệu xây dựng có chứa Amiăng trắng” vào quy hoạch phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đồng thời đưa Amiăng trắng vào danh mục hóa chất kiểm soát nghiêm ngặt. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nay không có ngưỡng an toàn trong việc sử dụng Amiăng, do vậy vật liệu làm từ Amiăng được sử dụng càng nhiều thì càng tăng tỷ lệ ung thư. 

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, nồng độ tiếp xúc với Amiăng càng cao, thời gian càng dài thì tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến chất này càng lớn. Hiện nay, tại một số quốc gia phát triển, Amiăng trắng chỉ sử dụng trong công nghệ quốc phòng, nhà máy điện hạt nhân nhưng ở Việt Nam Amiăng trắng chủ yếu sử dụng để sản xuất tấm lợp. Thậm chí tại các vùng cao người dân còn sử dụng tấm lợp Amiăng để hứng nước mưa dùng cho sinh hoạt, vô hình trung người dân đã sử dụng phải nước có nhiễm Amiăng. “Vì sức khỏe và quyền lợi của người dân, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ đề nghị Chính phủ cần phải sử dụng các vật liệu khác thay thế Amiăng, tiến tới cấm sử dụng Amiăng trong tương lai gần”, ông Trần Văn Tùng nhấn mạnh.