Nhẫn nhịn chỉ khiến bạo lực gia đình trầm trọng hơn

ANTĐ - Chính sự âm thầm chịu đựng, nhẫn nhục không dám đấu tranh để “trong ấm ngoài êm” mà không ít phụ nữ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. 

Chịu đựng đủ đường

Bạo lực gia đình (BLGĐ) biểu hiện khá đa dạng: đánh đập, hành hạ, gây thương tích, cô lập nạn nhân trước các mối quan hệ, kiểm soát tiền bạc, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần…

 Nguyên nhân khiến các nạn nhân, đặc biệt là chị em phụ nữ không dám nói ra sự thật với những người xung quanh xuất phát từ suy nghĩ “xấu chàng hổ ai”. Thậm chí, có chị bị chồng đánh bầm dập, thâm tím mặt mày, tay chân trầy xước song đồng nghiệp hay bạn bè hỏi vẫn trả lời là bị tai nạn. Sự che giấu này đã dung túng, làm tăng mức độ nghiêm trọng của hành vi BLGĐ. Ngoài ra, nhiều người có thái độ dửng dưng, coi chuyện vợ chồng xô xát, đánh nhau là chuyện của gia đình người ta, nên không có sự can thiệp, giúp đỡ kịp thời, không thông báo cho chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, phần đông nạn nhân của BLGĐ không nắm được các quy định về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Một số người quan niệm chỉ khi dẫn đến hậu quả nặng nề về sức khỏe, thể chất mới xem đó là bạo lực. 

Một trong những lý do khiến tình trạng BLGĐ vẫn diễn ra khá phức tạp là do một số quy định trong Luật Phòng, chống BLGĐ không khả thi trên thực tế. Theo luật, kẻ gây ra bạo lực gia đình sẽ bị nộp phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Song không ít nạn nhân đã phải chịu đựng những hành vi bạo lực nghiêm trọng hơn sau khi tố cáo, thậm chí, chính họ phải bỏ tiền túi ra nộp phạt thay cho người hành hung mình. Hay như biện pháp cấm tiếp xúc được quy định trong luật: Người có hành vi bạo lực gia đình bị cấm đến gần nạn nhân trong khoảng cách dưới 30m. Biện pháp này do các cơ quan thẩm quyền của Nhà nước ra quyết định, nhưng việc giám sát thực hiện lại được giao cho người đứng đầu cộng đồng dân cư phân công. Việc quy định thời hạn cấm tiếp xúc 3 ngày, khoảng cách cấm tiếp xúc 30m là rất khó thực hiện. 

Theo Mục a, Khoản 1, Điều 20 Luật phòng, chống BLGĐ, việc cấm tiếp xúc sẽ được áp dụng khi nạn nhân có đơn, hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn... Nhưng trên thực tế, nhiều khi nạn nhân bị đánh đập tàn nhẫn, thương tích quá nặng nên không thể viết đơn được. Trong khi đó, chính quyền địa phương  thường quan niệm “đèn nhà ai nấy rạng”. Luật cũng khiến không ít người hiểu theo hướng chỉ khi có có can thiệp về y tế mới là bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, mức xử phạt những hành vi vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. 

Cần biết cách tự bảo vệ mình

Luật Hôn nhân gia đình năm 2000, điều 107 quy định: “Người vi phạm các điều kiện kết hôn: Hành hạ, ngược đãi; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của chồng, vợ hoặc con và các thành viên khác trong gia đình thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Tuy vậy, điều luật này không quy định chi tiết về mức án. 

Luật sư Phạm Hồng Vân – Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, trong lĩnh vực phòng chống BLGĐ, một số quy định của luật và văn bản dưới luật rất tiến bộ nhưng khi thực thi lại rơi vào bế tắc. Nguyên nhân là do các biện pháp xử lý thiếu khả thi, như: buộc đối tượng thực hiện hành vi đưa nạn nhân đi cấp cứu, điều trị và chăm sóc họ, quy định về hòa giải…Bởi, thực tế có trường hợp kẻ bạo hành vừa xin lỗi công khai trước tổ dân phố, hứa hẹn không đánh vợ và “hòa giải thành” nhưng sau đó thì “đâu lại vào đấy”. 

Cũng theo luật sư Hồng Vân, không nên tiến hành hòa giải đối với một số vụ việc có tính chất hình sự, bởi cán bộ hòa giải hầu hết là những người không chuyên trách, không nhận thấy hết được sự đe dọa của người gây bạo hành đối với nạn nhân trước và trong thời gian hòa giải. Ngay cả khi một số vụ bạo hành được chuyển sang giai đoạn điều tra hình sự cũng gặp những trở ngại: Cơ quan công an đang tiến hành điều tra thì nạn nhân lại rút đơn vì sợ bị trả thù. Trong các vụ BLGĐ liên quan đến tình dục, việc thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn do nạn nhân không đồng ý đi giám định. Ngoài ra, dù luật quy định  BLGĐ là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần… đối với thành viên khác trong gia đình, song hầu hết các đơn vị có trách nhiệm đều tập trung vào giải quyết hậu quả, yếu tố nguy cơ bị xem nhẹ, không coi trọng công tác phòng ngừa.

Bà Lê Thị Ngọc Bích - cán bộ tham vấn Ngôi nhà bình yên (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) cho biết, hầu hết các quốc gia đều có luật pháp bảo vệ nạn nhân của BLGĐ (như gọi cảnh sát, cấm lại gần, có nhà tạm trú ngắn hạn, đường dây nóng). Ở Việt Nam, nạn nhân của bạo lực thân thể thường là phụ nữ. Bạo lực không chỉ phát sinh ở các gia đình học vấn thấp mà còn có ở gia đình học vấn cao, không chỉ có ở những gia đình có điều kiện khó khăn mà còn ở những gia đình khá giả. 

Để hạn chế bạo lực gia đình, cần tăng cường phổ biến thông tin về các sự giúp đỡ của xã hội, những quy định về Luật Phòng chống BLGĐ. Bên cạnh đó, mỗi phụ nữ cần biết cách tự bảo vệ mình. Khi có dấu hiệu bị bạo lực, điều đầu tiên là họ phải nói ra, tìm kiếm sự giúp đỡ. Bản thân họ phải hiểu rằng việc nhẫn nhịn không làm thay đổi hoàn cảnh mà chỉ khiến bạo lực gia tăng.